Australia - Trung Quốc: Căng thẳng thương mại cần hòa giải chính trị

Mỹ Nga 23/09/2020 08:24

(Baonghean.vn) - Các kênh đàm phán thương mại giữa Australia và Trung Quốc đã không mang lại sự khởi sắc trong bối cảnh hiện tại, khi căn nguyên của mọi căng thẳng lại xuất phát từ cuộc đối đầu chính trị giữa hai bên kéo dài trong nhiều tháng qua.

Nguyên nhân của mối quan hệ Australia - Trung Quốc xấu đi nhanh chóng được cho là xuất phát từ những tính toán sai lầm của cả hai bên. Bắc Kinh trừng phạt Australia bằng cách đánh vào thương mại, chẳng hạn như áp thuế đối với lúa mạch, tạm ngừng nhập khẩu thịt bò, và hai cuộc điều tra về rượu Australia giá rẻ. Trong khi đó, Canberra đã sử dụng tinh thần đối tác được đề ra trong Hiệp định thương mại tự do Australia - Trung Quốc (ChAFTA) được ký kết năm 2015 để dễ dàng đứng về phía Mỹ.

AI CẦN AI?

Theo Cục Thống kê Australia, thương mại hai chiều giữa Australia và Trung Quốc có giá trị khoảng 240 tỷ AUD/năm (khoảng 175 tỷ USD) tính đến tháng 6/2020. Quy mô của thương mại hai chiều đã tăng gần 60% trong 5 năm qua.

Hiệp định thương mại tự do giữa Australia và Trung Quốc ChAFTA được ký kết vào năm 2015. Ảnh: AP
Hiệp định thương mại tự do giữa Australia và Trung Quốc ChAFTA được ký kết vào năm 2015. Ảnh: AP

Cuộc tấn công của dịch Covid-19 dường như đã đánh trúng “lãnh địa yên ả” nhất trong mối quan hệ Canberra và Bắc Kinh.

Đối lập với quan hệ thương mại song phương vẫn trên đà tăng trưởng dù có chậm chạp, quan hệ chính trị Australia - Trung Quốc lại xấu đi khi xung đột về chiến lược ngày càng gia tăng, cùng với đó là những cáo buộc can thiệp của Trung Quốc vào các vấn đề của Australia. Đặc biệt, cuộc tấn công của dịch bệnh dường như đã đánh trúng “lãnh địa yên ả” nhất trong mối quan hệ Canberra và Bắc Kinh, làm thay đổi bản chất mối quan hệ này. Nhất là kể từ khi Thủ tướng Australia Scott Morrison, sau cuộc điện đàm với Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố Australia sẽ phối hợp điều tra nguồn gốc của Coronavirus. Trung Quốc đã coi thông báo này như hành động khiêu khích, phản bội, đổ thêm dầu vào lửa.

Tấn công vào sự nhạy cảm của Trung Quốc sẽ chỉ khiến nước này tiếp tục áp đặt thêm nhiều biện pháp thương mại đối với Australia. Bắc Kinh sẽ sử dụng các tranh chấp thương mại hợp pháp, phù hợp với các quy tắc toàn cầu để chống lại Canberra, ví như mở các cuộc điều tra chống phá giá và chống trợ cấp đối với việc nhập khẩu rượu vang giá rẻ của Australia vào Trung Quốc. Đây sẽ là một cú đánh mạnh đối với Australia, bởi nước này phụ thuộc rất nhiều vào xuất khẩu rượu sang Trung Quốc (hàng năm xuất khẩu 40% sản lượng, có giá trị 731 triệu USD).

Phụ thuộc tới 33% tổng thương mại quốc tế vào Trung Quốc khiến Australia dễ bị tổn thương, không chỉ bởi sức ép kinh tế mà còn cả về cạnh tranh chuỗi cung ứng. Tuy nhiên, cho đến nay, Trung Quốc chỉ trả đũa trong những lĩnh vực quan trọng với Australia, còn Australia lại có những lý do riêng để không quá vội vàng khuất phục trước những đòn của Bắc Kinh.

Theo Cục Hải quan Australia, kim ngạch thương mại giữa Australia và Trung Quốc đạt 175 tỷ USD tính đến tháng 6_2020. Ảnh EPA
Theo Cục Hải quan Australia, kim ngạch thương mại giữa Australia và Trung Quốc đạt 175 tỷ USD tính đến tháng 6/2020. Ảnh: EPA

Trung Quốc vẫn rất cần nguồn nguyên liệu có chất lượng cao và giá cạnh tranh từ Australia. Còn Australia lại đang có nhiều tiến bộ khi phát triển công nghiệp khai khoáng. Australia là nhà cung cấp 2/3 sản lượng quặng sắt nhập khẩu của Trung Quốc, trong khi đó, quặng sắt đóng vai trò chủ chốt trong vũ khí hạt nhân của Trung Quốc. Việc thay thế nhà cung cấp Australia sẽ không phải là mục tiêu dễ dàng, mà còn là một quyết định có chi phí rất lớn và mất nhiều năm. Đó là điều Bắc Kinh không sẵn sàng.

Đây không phải là lần đầu tiên trên thế giới xảy ra xung đột thương mại giữa hai quốc gia bởi những khác biệt quan điểm trong chính trị, nhưng trong trường hợp của Trung Quốc và Australia, hiệp định thương mại tự do đã thất bại nghiêm trọng và không mang lại kết quả địa chính trị chiến lược như cả hai bên đã mong đợi.

HÒA GIẢI CHÍNH TRỊ

Canberra dường như đã tự “ghè chân” mình vào vòng xoáy của địa chính trị.

Khi ChAFTA được ký kết, cả hai quốc gia sử dụng nó như công cụ để củng cố cho sự hợp tác về kinh tế ngày càng thắt chặt, nhằm hướng tới sự hài hòa trong các hiệp định khu vực đa phương trong tương lai như Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) giữa 10 thành viên ASEAN với Australia, Trung Quốc, Nhật Bản, New Zealand và Hàn Quốc - dự kiến sẽ được ký kết trong năm nay. Thế nhưng, sau khi Mỹ thay đổi chính sách thương mại với Trung Quốc, Australia dựa vào ChAFTA, với kỳ vọng rằng Canberra có thể đi theo đường lối của Washington mà không bị Bắc Kinh trả đũa do các quy định ràng buộc trong hiệp định thương mại đã 5 năm tuổi. Trước mọi bước đi như vậy, Trung Quốc gọi Australia là “trò lừa bịp”, và giờ Canberra dường như đã tự “ghè chân” mình vào vòng xoáy của địa chính trị.

Căng thẳng chính trị giữa Australia và Trung Quốc bùng nổ kể từ khi Thủ tướng Australia Scott Morrison tuyên bố sẽ tham gia điều tra về nguồn gốc coronavirus theo lời đề nghị từ Mỹ. Ảnh: EPA
Căng thẳng chính trị giữa Australia và Trung Quốc bùng nổ kể từ khi Thủ tướng Australia Scott Morrison tuyên bố sẽ tham gia điều tra về nguồn gốc Coronavirus theo lời đề nghị từ Mỹ. Ảnh: EPA

Chen Hong, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu Australia tại Đại học Sư phạm Thượng Hải cho hay: Trung Quốc không phản đối liên minh Australia - Mỹ, miễn là không đụng chạm đến lợi ích quốc gia của Trung Quốc. Nếu Australia có hành động đe dọa lợi ích cốt lõi của Trung Quốc, bằng cách tiếp tay cho chương trình nghị sự của Washington nhằm kiềm chế Bắc Kinh, thì Trung Quốc sẽ không ngần ngại đưa ra đòn tự vệ. Mặt khác một số nhà phân tích cho rằng, mối quan hệ bền chặt của Australia và Mỹ không phải là rào cản quá nghiêm trọng. Nhiều quốc gia trong khu vực còn xem đây là cầu nối giữa châu Á và châu Mỹ, song Austrlia không nên chỉ tập trung vào Mỹ.

Căng thẳng thương mại ngày càng khiến cho Australia nhận ra, quá rủi ro khi có mối quan hệ gắn chặt với nền kinh tế Trung Quốc.

Hiện rất ít chính trị gia tại Canberra tin tưởng quan hệ hai nước sẽ có tương lai tươi sáng trong ngắn hạn. Căng thẳng thương mại ngày càng khiến cho Australia nhận ra, quá rủi ro khi có mối quan hệ gắn chặt với nền kinh tế Trung Quốc. Nếu Bắc Kinh càng cố dùng thương mại làm vũ khí gây sức ép, trừng phạt thương mại đơn phương thì sẽ càng có ít tiếng nói ở Australia kêu gọi làm lành.

Tuy nhiên, việc sử dụng ChAFTA như một “vũ khí” sẽ rất khó xảy ra, bởi nó rất quan trọng đối với các thỏa thuận như RCEP, mà Bắc Kinh nóng lòng muốn thông qua. Chuyên gia Jeanne Huang của Trường Luật thuộc Đại học Sydney nhận định: “Trung Quốc sẽ không sử dụng ChAFTA như một vũ khí bởi 2 lý do. Thứ nhất, cơ chế giải quyết tranh chấp ngoài đàm phán và tham vấn hiếm khi được Trung Quốc sử dụng. Điều này có nghĩa, Trung Quốc sẽ không khởi xướng một tòa trọng tài hoặc bên hòa giải nhằm chống lại Australia, theo ChAFTA. Thứ hai, Trung Quốc đã thúc đẩy RCEP trong vài năm gần đây, do đó không thể đẩy Australia ra khỏi RCEP ở giai đoạn nước rút này, bởi điều này sẽ ảnh hưởng tới lợi ích của Trung Quốc”.

Việc Trung Quốc đưa 4 nhà máy chế biến thịt bò lớn nhất Australia vào danh sách đen, được xem là sự trả đũa trong vụ tranh cãi về nguồn gốc đại dịch Covid 19. Ảnh: Getty
Việc Trung Quốc đưa 4 nhà máy chế biến thịt bò lớn nhất Australia vào danh sách đen, được xem là sự trả đũa trong vụ tranh cãi về nguồn gốc đại dịch Covid- 19. Ảnh: Getty

Thương mại thực sự đóng một vai trò ổn định trong quan hệ song phương, nhưng trong mối bất hòa chính trị lại không dễ tháo gỡ. Theo quan điểm của Trung Quốc, chính phủ Australia hiện đã cùng với chính quyền Tổng thống Trump ủng hộ cách tiếp cận đối đầu với Bắc Kinh. Trong khi sự trỗi dậy của Trung Quốc đã làm lung lay ý thức hệ của Australia. Canberra cũng thay đổi quan điểm, bớt quan tâm đến việc Bắc Kinh có nổi giận hay không, thay vào đó là quen với cơn tức giận của họ.

Việc đối diện với xung đột là điều không thể tránh khỏi. Do đó, căng thẳng thương mại Australia - Trung Quốc nếu muốn tháo gỡ thì cần phải có những bước đệm hòa giải chính trị. Hơn thế, cả Trung Quốc và Mỹ đều là đối tác an ninh và kinh tế quan trọng nhất của Australia. Việc Australia sẽ tiếp tục đóng vai trò này trong tương lai ra sao, trong bối cảnh các nghi ngờ chiến lược giữa hai “kỳ phùng địch thủ” Trung - Mỹ ngày càng không thấy hồi kết, sẽ là câu trả lời cho bức tranh thương mại Australia - Trung Quốc.

Mỹ Nga