Kinh tế và văn hóa xứ Nghệ thời Hậu Lê

Vĩnh Khánh 26/09/2020 07:21

(Baonghean.vn) - Xứ Nghệ thời Hậu Lê gắn liền với 400 năm lịch sử phức tạp và khắc nghiệt của đất nước. Khó khăn nhiều hơn thuận lợi, nhưng hình như đây là thời kỳ các thế hệ người Nghệ đã định hình phẩm chất của cộng đồng, tích cực tự hoàn thiện mình để trưởng thành, và có nhiều đóng góp quan trọng vào tiến trình lịch sử, văn hóa của dân tộc.

Nhiều phen binh lửa

Hậu Lê kéo dài từ đầu thế kỷ XV đến cuối thế kỷ XVIII, xen giữa là mấy chục năm của nhà Mạc. Thời kỳ này, xứ Nghệ tiếp tục quá trình tụ cư, không chỉ của người Việt/Kinh từ vùng Bắc Bộ, Thanh Hóa vào mà còn là các tộc người Thái, Mông… từ phương Bắc xuống; là quá trình hình thành tộc người Thổ. Đồng thời là quá trình tiếp tục thiên di vào phương Nam cùng với việc mở mang bờ cõi, nhất thời chúa Nguyễn.

Mặc dù không còn là biên giới phía Nam của quốc gia, nhưng với vị thế địa chính trị - an ninh đặc biệt của mình, xứ Nghệ vẫn là nơi có nhiều chiến sự nhất bởi sự tranh giành của các thế lực, từ cục diện Nam - Bắc triều đến Đàng Trong - Đàng Ngoài, rồi phong trào Tây Sơn và rất nhiều cuộc khởi nghĩa chống lại triều đình. Nhân dân điêu linh vì chiến tranh. “Nghệ An nhiều phen bị nạn binh lửa. Các huyện đồng ruộng bỏ hoang, nhân dân đói khổ. Dịch tễ lại phát sinh, người chết đến quá nửa. Nhân dân xiêu dạt, hoặc tan tác vào Nam, ra Bắc. Trong cõi Nghệ An đìu hiu vắng tanh” (Cương mục). Sự phát triển kinh tế, văn hóa của vùng đất này vì thế gặp vô cùng nhiều trở ngại.

Bản đồ Việt Nam khoảng năm 1760, vẽ bởi công ty Cóvens e Mortier, Amsterdam. Đàng Trong được gọi là Cochinchine.
Bản đồ Việt Nam khoảng năm 1760, vẽ bởi công ty Cóvens e Mortier, Amsterdam. Ảnh: wikipedia

Nền kinh tế trồi trụt

Sau chiến tranh giải phóng, bước sang thời Lê sơ, kinh tế nông nghiệp của Nghệ An được phục hồi và có bước phát triển. Việc khai hoang phục hóa được đẩy mạnh nhất là vùng ven biển và trung du. Chính sách “ngụ binh ư nông” của Nhà Lê đã khuyến khích các quan lại và dân chúng tổ chức khai khẩn, lập nhiều đồn điền, làng mạc mới như: cha con Nguyễn Xí - Nguyễn Sư Hồi ở vùng Nghi Lộc, Nghi Xuân; Nguyễn Biên ở vùng Cẩm Xuyên; Lê Khôi (Chiêu Trưng) vùng Thạch Hà; Nguyễn Nhâm Mỗ vùng Nam Đàn… Chính sách cho phép lập đồn điền của Lê Thánh Tông năm 1481 “cốt để hết sức vào việc làm ruộng rộng nguồn tích trữ cho Nhà nước” (Toàn thư). Thừa tuyên Nghệ An lúc này có 4 sở là: Đồn điền Hà Hoa (vùng Tây Nam Thạch Hà); đồn điền Đức Quang (Tây Bắc Ngàn Trươi, xuống đến La Sơn/Đức Thọ); đồn điền Anh Đô (vùng Tây Nam Anh Sơn lên Con Cuông); đồn điền Diễn Châu. Nhân công các đồn điền chủ yếu là tù nhân, tội phạm, quân lính đồn trú và dân nghèo.

Thủy lợi được quan tâm, có chức quan Hà đê sứ trông nom việc đê điều, trị thủy và nông nghiệp từ phủ, huyện. Ở xã thì có chức xã trưởng lo việc này. Nhờ đó, nhiều công trình thủy lợi lớn được xây dựng như kênh Xước, kênh Tang (Quỳnh Lưu), kênh My (Yên Thành), các kênh Thiết, Hương Cái, Đích (Hưng Nguyên), kênh Na (Cẩm Xuyên), kênh Lạc (Kỳ Anh). Kênh Nhà Lê tiếp tục đào thêm hoặc nạo vét vào tận đèo Ngang.

Kênh Nhà Lê tại Nghệ An được xếp hạng di tích Quốc gia. Ảnh: Sách Nguyễn

Sang các thế kỷ XVI, XVII, XVIII, do các biến động chính trị nên nông nghiệp ở Nghệ An bị tàn phá và sa sút, dân cư phiêu tán, ruộng đất bỏ hoang. Người nông dân phải nỗ lực sản xuất để tự nuôi sống mình và nộp thuế, các làng mạc không còn trù phú như xưa.

Về thủ công nghiệp, thời kỳ Lê sơ, do tình hình chính trị xã hội ổn định nên có bước phát triển khá nhanh. Vùng đồng bằng phát triển các nghề trồng dâu nuôi tằm, dệt lụa/vải, làm gốm, rèn sắt, đúc đồng, mộc, đan lát. Ven biển có nghề đánh cá, đóng thuyền, dệt chiếu, làm muối, nước mắm… Miền núi có nghề sơn tràng, nghề gốm, rèn sắt, đan lát…

Một số sản phẩm thủ công nghiệp thời kỳ này có kỹ thuật và đạt chất lượng khá cao như: lụa Quỳnh Đôi (Quỳnh Lưu), sắt Nho Lâm, rèn Vân Chàng (Đức Thọ), gốm chợ Bộng (Đông/Yên Thành), Cẩm Trang (Đức Thọ), chiếu Thiên Lộc (Can Lộc)… Một số làng nghề hình thành như: Nhân Lý, Quỳnh Đôi, Phượng An, Hoàn Nghĩa (Quỳnh Lưu); Hoàng Lệ (Kỳ Anh); Đồng Môn, Đại Tiết, Hà Hoàng… (Thạch Hà); Việt Yên, Yên Hồ, Hoa Lâm (La Sơn/Đức Thọ); Quang Trung, Trung Phường (Đông/Yên Thành)…

Dưới thời Lê, thương mại của Nghệ An có sự vận động song cùng với sự phát triển nông nghiệp, thủ công nghiệp và các yếu tố chính trị xã hội khác. Thời kỳ Lê sơ, nông nghiệp, thủ công có phần phát triển hơn nhưng buôn bán vẫn nhỏ lẻ, nhìn chung vẫn là kinh tế tự cung, tự cấp. Ở Nghệ An, thời Lê trung hưng, binh đao chiến tranh liên miên, nông nghiệp đình đốn, thủ công nghiệp phát triển chậm. Dù vậy, trong xu thế chung của cả nước, lại tranh thủ thời gian hòa hoãn của các thế lực nên sinh hoạt thương mại đã có sự chuyển biến. Hệ thống chợ làng được mở rộng. Các chợ phủ, chợ huyện được mở ngày càng nhiều. Với lợi thế hệ thống cửa biển tự nhiên và kênh đào chạy suốt theo dọc bờ biển, một số cảng thị như: Diễn Châu, Hội Thống, Cửa Sót, Nhượng Bạn… tiếp tục hoạt động. Đặc biệt, từ thế kỷ XVII, phố Phù Thạch, hữu ngạn sông Lam, đối diện với Lam thành, đã trở thành một trung tâm thương mại lớn của Nghệ An. Tại đây có nhiều tàu bè nước ngoài vào buôn bán; có phố người Hoa (Minh Hương) sang đây định cư và buôn bán.

Một nền văn hóa sánh vai cùng “tứ trấn”

Nghệ An, đến thời Trần, vẫn là đất “trại”, một vùng biên viễn chưa phát triển, mức độ giáo hóa còn thấp. Bước sang thời Hậu Lê, cùng với sự phát triển kinh tế - xã hội, giáo dục của Nghệ An đã có bước phát triển, đặt nền tảng vững chắc cho tiến trình văn hóa của vùng đất này, để từng bước xác lập vị thế là một trung tâm văn hóa của cả nước.

Về giáo dục khoa cử, đã có các trường lớp dạy chữ, người học và biết chữ ngày càng đông. Thời Lê, Nghệ An có trường thi hương ở Lam Thành. Số người học giỏi, đỗ đạt ngày càng nhiều. Theo thống kê thì thời Lê sơ, Nghệ An (cũ) có 51 người, thời nhà Mạc có 23 người, Lê Trung hưng có 68 người đỗ đại khoa. Khoa Nhâm Thìn (1590) hai cha con Ngô Trí Tri, Ngô Trí Hòa (Lý Trai, Đông Thành) cùng đỗ. Khoa Bính Thìn (1756) hai anh em Lê Sĩ Triêm, Lê Sĩ Bàng (Nội Thiên Lộc, Thiên/Can Lộc) cùng đỗ. Ba cha con cùng đỗ như nhà Phan Huy Cận và hai con là Phan Huy Ích, Phan Huy Ôn. Có nhiều dòng họ được tôn vinh dòng họ khoa bảng như: họ Hồ, họ Phan Huy, họ Nguyễn Huy…

Đường vô xứ Nghệ (ảnh chụp tại Cầu Cấm). Ảnh tư liệu: Nguyễn Thanh Hải

Trên nền tảng giáo dục, văn học, sử học thời kỳ này xuất hiện nhiều tác giả nổi tiếng, nhiều tác phẩm nổi bật. Về văn học có Dao đình sử tập của Hồ Sĩ Đống; Dưỡng hiên vịnh sử thi của Phạm Nguyễn Du; Nguyễn Thám hoa thi tập của Nguyễn Huy Oánh. Về lịch sử có Việt giám vịnh sử thi tập của Đặng Minh Khiêm, Việt sử bị lãm của Nguyễn Nghiệm; Trung hưng thực lục của Hồ Sĩ Dương; Liệt truyện đăng khoa khảo và Khoa bảng tiêu kỳ của Phan Huy Ôn… Ở xứ Nghệ, cuối thế kỷ XVIII đã hình thành Hồng Sơn văn phái với nhiều tác gia và tác phẩm nổi tiếng, trong đó có nhiều người thuộc các dòng họ Nguyễn - Tiên Điền, Nguyễn Trường Lưu và Phan Huy Thu Hoạch như: Nguyễn Nghiễm, Nguyễn Khản, Nguyễn Hành, Nguyễn Huy Oánh, Nguyễn Huy Tựu, Nguyễn Huy Vinh, Nguyễn Huy Hào, Phan Huy Ích…

Đặc biệt, đây là giai đoạn hoàn thiện và phát triển của dân ca ví, giặm, trong đó nổi bật nhất là hát Phường vải và hát ả đào/ca trù. Các tri thức dân gian về thiên văn, y học, ẩm thực…, được tích lũy và đúc kết.

Cùng với nền tảng tư tưởng chính trị Nho giáo, sinh hoạt tôn giáo, tín ngưỡng của cộng đồng phong phú hơn. Bên cạnh Phật giáo và các tín ngưỡng bản địa truyền thống, lúc này có thêm tín ngưỡng thờ Mẫu (Mẫu Tam phủ và Mẫu Tứ vị thánh nương) và Ki tô giáo. 4 ngôi đền: “Cờn, Quả, Bạch mã, Chiêu Trưng” - được xem là linh thiêng nhất xứ Nghệ đều lập vào thời này.

Vĩnh Khánh