Chính phủ ban hành quy định mới về kỷ luật cán bộ, công chức, viên chức

Quốc Sơn 26/09/2020 16:25

(Baonghean.vn) - Ngày 18/09/2020, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã ban hành Nghị định số 112/2020/NĐ-CP về xử lý kỷ luật cán bộ, công chức, viên chức.

Cán bộ Sở Nội vụ Nghệ An trao đổi việc giải quyết thủ tục hành chính với cán bộ, công chức phường Bến Thủy, TP Vinh. Ảnh minh họa Thanh Lê

Theo Nghị định số 112/2020/NĐ-CP, các hành vi vi phạm bị xem xét kỷ luật gồm:

- Cán bộ, công chức, viên chức có hành vi vi phạm các quy định về nghĩa vụ của cán bộ, công chức, viên chức; những việc cán bộ, công chức, viên chức không được làm; nội quy, quy chế của cơ quan, tổ chức, đơn vị; vi phạm đạo đức, lối sống hoặc vi phạm pháp luật khác khi thi hành công vụ thì bị xem xét xử lý kỷ luật.

- Mức độ của hành vi vi phạm được xác định như sau:

Vi phạm gây hậu quả ít nghiêm trọng là vi phạm có tính chất, mức độ tác hại không lớn, tác động trong phạm vi nội bộ, làm ảnh hưởng đến uy tín của cơ quan, tổ chức, đơn vị công tác.

Vi phạm gây hậu quả nghiêm trọng là vi phạm có tính chất, mức độ, tác hại lớn, tác động ngoài phạm vi nội bộ, gây dư luận xấu trong cán bộ, công chức, viên chức và nhân dân, làm giảm uy tín của cơ quan, tổ chức, đơn vị công tác.

Vi phạm gây hậu quả rất nghiêm trọng là vi phạm có tính chất, mức độ, tác hại rất lớn, phạm vi tác động đến toàn xã hội, gây dư luận rất bức xúc trong cán bộ, công chức, viên chức và nhân dân, làm mất uy tín của cơ quan, tổ chức, đơn vị công tác.

Vi phạm gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng là vi phạm có tính chất, mức độ, tác hại đặc biệt lớn, phạm vi tác động sâu rộng đến toàn xã hội, gây dư luận đặc biệt bức xúc trong cán bộ, công chức, viên chức và nhân dân, làm mất uy tín của cơ quan, tổ chức, đơn vị công tác.

Cán bộ, công chức, viên chức hàng ngày tiếp xúc với công dân. Ảnh minh họa

Nghị định số 112/2020/NĐ-CP cũng quy định 4 hình thức xử lý kỷ luật đối với cán bộ vi phạm, gồm: Khiển trách, cảnh cáo, cách chức, bãi nhiệm.

Đối với công chức không giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý có 4 hình thức xử lý kỷ luật gồm: Khiển trách; cảnh cáo; hạ bậc lương; buộc thôi việc.

Đối với công chức giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý có 5 hình thức xử lý kỷ luật gồm: Khiển trách; cảnh cáo; giáng chức; cách chức; buộc thôi việc.

Nghị định cũng nêu các trường hợp chưa bị xem xét xử lý kỷ luật gồm: Cán bộ, công chức, viên chức đang trong thời gian nghỉ hàng năm, nghỉ theo chế độ, nghỉ việc riêng được cấp có thẩm quyền cho phép; Cán bộ, công chức, viên chức đang trong thời gian điều trị bệnh hiểm nghèo hoặc đang mất khả năng nhận thức; bị ốm nặng đang điều trị nội trú tại bệnh viện có xác nhận của cơ quan y tế có thẩm quyền; Cán bộ, công chức, viên chức là nữ giới đang trong thời gian mang thai, nghỉ thai sản, đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi hoặc cán bộ, công chức, viên chức là nam giới (trong trường hợp vợ chết hoặc vì lý do khách quan, bất khả kháng khác) đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi; Cán bộ, công chức, viên chức đang bị khởi tố, tạm giữ, tạm giam chờ kết luận của cơ quan có thẩm quyền điều tra, truy tố, xét xử về hành vi vi phạm pháp luật, trừ trường hợp theo quyết định của cấp có thẩm quyền.

Các trường hợp được miễn trách nhiệm kỷ luật: Được cơ quan có thẩm quyền xác nhận tình trạng mất năng lực hành vi dân sự khi có hành vi vi phạm; Phải chấp hành quyết định của cấp trên theo quy định tại khoản 5 Điều 9 Luật Cán bộ, công chức; Được cấp có thẩm quyền xác nhận vi phạm trong tình thế cấp thiết, do sự kiện bất khả kháng hoặc trở ngại khách quan theo quy định của Bộ luật Dân sự khi thi hành công vụ; Cán bộ, công chức, viên chức có hành vi vi phạm đến mức bị xử lý kỷ luật nhưng đã qua đời.


Quốc Sơn