Nga và Pháp có thể tạo ra cấu trúc an ninh mới cho châu Âu

Mỹ Nga 29/09/2020 12:27

(Baonghean.vn) - Chủ tịch Ủy ban quốc phòng và các vấn đề quốc tế của Thượng viện Pháp tin rằng, Nga và Pháp có thể thiết lập một cấu trúc an ninh mới cho châu Âu, khác hẳn với Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO).

Tổng thống Nga Vladimir Putin và Tổng thống Pháp Emmanuel Macron tại cuộc hội đàm tại Pháp hồi tháng 8/2019. Ảnh: TASS
Tổng thống Nga Vladimir Putin và Tổng thống Pháp Emmanuel Macron tại cuộc hội đàm tại Pháp hồi tháng 8/2019. Ảnh: TASS

"Tôi thực sự tin tưởng vào điều này. Cơ hội hợp tác này được đề cập trong báo cáo của chúng tôi. Hơn thế, nó đã được Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đề nghị là chủ đề ưu tiên hàng đầu tại hội nghị thượng đỉnh tại Bregancon" - Christian Cambon, Chủ tịch Ủy ban quốc phòng và các vấn đề quốc tế của Thượng viện Pháp cho biết về khả năng tạo ra cấu trúc mới giữa Nga và Pháp, khi trả lời trong bài phỏng vấn đăng tải trên tờ báo Kommersant (Nga) ngày 29/9.

Tháng 8/2019, Tổng thống Nga Vladimir Putin có chuyến thăm tới Pháp. Hoạt động ngoại giao này không chỉ tạo được cú hích quan trọng thúc đẩy quan hệ song phương phát triển, mà còn làm dấy lên hy vọng hợp tác giữa Nga và Liên minh châu Âu để giải quyết các thách thức chung.

Tổng thống Putin và người đồng cấp Pháp Macron đã có cuộc hội đàm kín kéo dài gần 4 giờ đồng hồ tại pháo đài Bregancon. Hai bên ưu tiên đối thoại, đồng thời cũng coi trọng vai trò của nhau trong việc duy trì sự ổn định ở châu Âu. Tổng thống Pháp Macron đã tuyên bố: "Nga và Pháp là hai cường quốc vĩ đại ở châu Âu".

Cả Nga và Pháp đều tập trung bày tỏ quan điểm chủ yếu liên quan đến cuộc chiến chống khủng bố, cấu trúc an ninh ở châu Âu và thế giới, trao đổi khoa học và khám phá không gian; cũng như thảo luận về những bất đồng còn tồn tại liên quan đến tình hình Crimea và Syria.

Việc Moskva và Paris “bắt tay” nhau đã củng cố hy vọng vấn đề an ninh toàn cầu nói chung và châu Âu nói riêng, sẽ không bị đe dọa sau khi Mỹ rút khỏi Hiệp ước các lực lượng hạt nhân tầm trung (INF) và nguy cơ Hiệp ước hạn chế và cắt giảm vũ khí tấn công chiến lược (START 3) sẽ không được gia hạn.

Bên cạnh đó, cả Nga và Pháp đều là ủy viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, thành viên trong "Bộ tứ Normandy", cơ chế được coi hiệu quả nhất tính đến thời điểm hiện nay về giải quyết cuộc xung đột tại miền Đông Ukraine.


Mỹ Nga