Nhạc sĩ Trần Tiến vào viện điều trị mắt, khán giả lo lắng gửi lời chúc bình an

danviet.vn 02/10/2020 07:05

Rất nhiều khán giả khi biết tin nhạc sĩ Trần Tiến phải vào viện điều trị mắt đã rất lo lắng, cầu chúc nhạc sĩ "Chiếc vòng cầu hôn" sớm khỏi bệnh.

Thông tin từ phía gia đình cho biết nhạc sĩ Trần Tiến bị yếu một mắt lên Sài Gòn điều trị. Hiện nhạc sĩ đã ra viện và trở lại Vũng Tàu dưỡng bệnh.

Nhiều khán giả đã cầu chúc ông mau chóng vượt qua và bình phục.

Nhạc sĩ Trần Tiến

Khán giả Phuong Hanh Nguyen Thien đã cầu mong nhạc sĩ Trần Tiến sớm lành bệnh. Còn khán giả Tran Ngoc Tram Tran thì hy vọng nhạc sĩ Trần Tiến vững vàng vượt qua và bình phục.

Facebooker Oanh Kim viết: "Cầu mong bác mau lành bệnh!".

Trên trang của mình, nhà thơ Trần Mạnh Hảo, người bạn thân của nhạc sĩ "Chiếc vòng cầu hôn" - đã có những chia sẻ chân thật về câu chuyện của nhạc sĩ, cũng như về con người, tính cách của ông.

Nhạc sĩ Trần Tiến

Nhạc sĩ Trần Tiến là một trong “bộ tứ Sông Hồng” được khán giả yêu mến. Năm 16 tuổi, Trần Tiến làm hậu đài cho Đoàn Ca múa Hà Nội. Sau một năm tự học, ông trở thành nghệ sĩ đơn ca của Đoàn và đi biểu diễn ở vùng tuyến lửa lúc bấy giờ như Quảng Bình, Vĩnh Linh. Các bài hát "Thanh niên ra tiền tuyến", "Cô gái Sầm Nưa xinh đẹp" ra đời trong thời gian này và đã đoạt Giải A cuộc thi Tiếng hát át tiếng bom do Hội Nhạc sĩ Việt Nam tổ chức.

Năm 1971, nhạc sĩ Trần Tiến bị sốt rét ác tính và trở ra Bắc. Ông theo học Nhạc viện Hà Nội, tốt nghiệp khoa thanh nhạc và sáng tác năm 1978. Những ca khúc đầu tiên ông sáng tác sau khi tốt nghiệp mang chủ đề yêu nước.

Những sáng tác nổi bật nhất của thời kỳ này là là "Giai điệu Tổ quốc", "Những đôi mắt mang hình viên đạn", "Vết chân tròn trên cát"...

Nhạc sĩ Trần Tiến

Nghệ sĩ Trần Tiến sinh ra trong gia đình khá giả, có truyền thống nghệ thuật ở Hà Nội, ông nổi danh qua các ca khúc như: Mặt Trời Bé Con, Tóc Gió Thôi Bay, Thành Phố Trẻ, Mẹ Tôi,...

Kể từ thập niên 1990, phong cách sáng tác của Trần Tiến có sự thay đổi từ pop đơn thuần sang phong cách dân gian đương đại và cũng giành được sự đón nhận của khán giả. Những sáng tác tiêu biểu cho phong cách này của ông bao gồm: "Tùy hứng lý ngựa ô", "Ngẫu hứng sông Hồng", "Quê nhà"...

Năm 2000, Trần Tiến tổ chức liveshow đầu tiên của mình tại Nhà hát Hòa Bình và được Hãng phim Phương Nam sản xuất mang tên "Ngẫu hứng Trần Tiến". Ông là người dẫn chuyện kiêm nhạc sĩ và hát xuyên suốt chương trình với các ca sĩ Trần Thu Hà, Ngọc Anh (Tam ca 3A), Phương Thanh, Hồng Nhung...

Năm 2005, ca khúc "Mưa bay tháp cổ" của nhạc sĩ được ca sĩ Tùng Dương thể hiện thành công và giành giải Bài hát của tháng trong chương trình Bài hát Việt.

Nhạc sĩ Trần Tiến

Cách đây 10 năm, nghệ sĩ Trần Tiến và vợ con đã rời Hà Nội để về Vũng Tàu sinh sống.

Năm 2006, những ca khúc của ông như "Bình nguyên xa vắng", "Ra ngõ mà yêu", "Lữ khách sông Hồng", "Mưa bay tháp cổ", "Quê nhà"... xuất hiện trong album "Đối thoại 06" của Trần Thu Hà (album được hiểu là sự đối thoại giữa âm nhạc Đông và Tây, giữa nhạc sĩ già - Trần Tiến - và nhạc sĩ trẻ - Nguyễn Xinh Xô).

Năm 2007, ông nhận Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật cho các tác phẩm "Bài ca thanh niên ra tiền tuyến" (1967), "Cô gái Sầm Nưa xinh đẹp" (1968), "Giai điệu Tổ quốc" (1980), "Chiếc vòng cầu hôn" (1984), "Tùy hứng lý ngựa ô" (1987), "Chị tôi" (1997).

danviet.vn