Thế giới tuần qua: Căng thẳng bao trùm

Mỹ Nga 04/10/2020 07:30

(Baonghean.vn) - Hai ứng viên Tổng thống Mỹ đã bước vào cuộc tranh luận trực tiếp đầu tiên, tạo ra bầu không khí căng thẳng, gay gắt không chỉ ngay ở hội trường, mà còn bao trùm sự hoang mang trên thị trường chứng khoán. Hội nghị thượng đỉnh Liên minh châu Âu (EU) kéo dài 2 ngày 1-2/10 tại Brussels, Bỉ đã nhất trí áp đặt các biện pháp trừng phạt Belarus, đồng thời gửi một thông điệp cứng rắn đến Thổ Nhĩ Kỳ. Đây là những vấn đề quốc tế đáng chú ý trong tuần qua.

Phố Wall hoang mang

Giới đầu tư của Phố Wall - thị trường chứng khoán sôi động nhất thế giới, vốn rất lo ngại về kết quả của cuộc bầu cử chính thức tổng thống Mỹ vào tháng 11 tới, sẽ khiến thị trường chao đảo. Phiên tranh luận giữa hai ứng viên Donald Trump và Joe Biden đã không thể xoa dịu những lo ngại đó, mà còn khiến mọi thứ trở nên hết sức thận trọng, và đầy hoang mang.

Chốt phiên giao dịch ngày 29/9 - trước thời điểm diễn ra phiên tranh luận, chứng khoán Mỹ đã ghi nhận mức giảm điểm nhẹ. Trong thời gian diễn ra cuộc tranh luận, các chỉ số tương lai có dấu hiệu tăng nhẹ lúc đầu, nhưng sau đó nhanh chóng đánh mất thành quả này khi phiên tranh luận kết thúc, và có xu hướng giảm khoảng gần 0.5%.

Phố Wall có phiên giảm điểm thứ 2 liên tiếp Ảnh AFP
Phố Wall hoang mang sau phiên tranh luận giữa hai ứng viên Donald Trump và Joe Biden. Ảnh minh họa: AFP

Kết quả của cuộc bầu cử không phải là mối bận tâm lớn nhất của phố Wall. Thay vào đó, các nhà đầu tư đặc biệt lo lắng trước việc Trump từ chối cam kết chấp nhận kết quả bầu cử, nếu ông không giành chiến thắng. Thậm chí, ngay cả khi đã xác định được người chiến thắng thì cuộc chuyển giao quyền lực sẽ không mấy suôn sẻ. Điều đó có thể dẫn đến một thời gian dài giải quyết tranh chấp, kiện tụng sau khi bỏ phiếu.

Trong phiên tranh luận thứ nhất, Trump đã lặp lại những cảnh báo về sự gia tăng gian lận liên quan đến việc bỏ phiếu qua thư và tuyên bố ông không ủng hộ kết quả trong một số trường hợp nhất định. “Nếu tôi thấy hàng chục nghìn lá phiếu của cử tri bị thao túng, tôi không thể đứng yên nhìn điều đó" - lời tuyên bố này của Trump đã khiến các nhà giao dịch vội vàng mua gom cổ phiếu, đề phòng trường hợp thị trường đi ngược chiều, xáo trộn xung quanh cuộc bầu cử.

“Những người tham gia thị trường lo ngại rằng Trump sẽ không ra đi một cách hòa bình nếu ông ấy thua trong cuộc bầu cử, mang lại rủi ro chính trị trước mắt”.

Nhà phân tích thị trường Axi Milan Cutkovic

Các hợp đồng tương lai - thước đo chính về sự biến động của thị trường chứng khoán, đang trở nên đắt đỏ hơn khi các nhà đầu tư chuẩn bị cho tháng 10,11, 12 đầy khó khăn. Jordan Rochester, chiến lược gia tiền tệ tại Nomura nhận định: Các nhà đầu tư đều có một khoản phí bảo hiểm gắn liền với cuộc bầu cử Mỹ, chỉ cần biết thời điểm nào cần thêm khoản phí bảo hiểm này: trong ngày bầu cử, một tuần sau, hay một tháng sau. Các nhà giao dịch không ai chắc chắn về điều đó. Vì vậy, họ đã áp dụng phí bảo hiểm trong tất cả những ngày đó.

Tổng thống Donald Trump liên tục có những màn công kích đối thủ Joe Biden, trong cuộc tranh luận đầu tiên giữa 2 ứng viên Tổng thống Mỹ. Ảnh Bloomberg

“Nỗi sợ ở đây là nếu chúng ta có cuộc bầu cử bị gián đoạn, dẫn đến cả nền kinh tế bị gián đoạn và thậm chí là bạo lực. Khi đó, thị trường sẽ chịu tác động cực lớn”.

Brad McMillan, Giám đốc đầu tư của Commonwealth Financial Network

Nhiều ý kiến đa phần dự đoán, mọi chuyện sẽ không kết thúc ngay trong ngày 3/11 và thị trường không quá kỳ vọng vào điều đó. Và những lo sợ về sự bất ổn ngày càng hiện hữu, khi chỉ sau 1 ngày diễn ra màn tranh đấu, Tổng thống Trump tuyên bố ông dương tính với Covid-19 và đang phải cách ly. Ngay sau đó, thị trường chứng khoán tương lai Mỹ lao dốc. Tuy nhiên, giới đầu tư cũng có thể được trấn an từ việc Thủ tướng Anh và Tổng thống Brazil đều đã bình phục sau khi nhiễm nCov 2.

Điều quan trọng là Tổng thống phải tiếp tục giao tiếp với công chúng Mỹ. Việc nhìn thấy Tổng thống trước máy quay có thể trấn an người dân và ổn định thị trường chứng khoán.

Phá vỡ bế tắc, EU trừng phạt Belarus

Các nhà lãnh đạo EU đã phá vỡ thế bế tắc lâu nay để áp đặt các lệnh trừng phạt đối với Belarus, khi thống nhất giải quyết hàng loạt các vấn đề liên quan đến Thổ Nhĩ Kỳ, đến ngân sách phục hồi sau đại dịch.

Các nhà lãnh đạo châu Âu đã nhóm họp tại Brussels, Bỉ để giải quyết những vấn đề nhức nhối của khối. Ảnh: Europa
Các nhà lãnh đạo châu Âu đã nhóm họp tại Brussels, Bỉ để giải quyết những vấn đề nhức nhối của khối. Ảnh: Europa

Sự chậm trễ trong việc trừng phạt Belarus xung quanh kết quả bầu cử của nước này là một sự bế tắc lớn đối với toàn khối. Điều này khiến các nhà lãnh đạo khối rốt ráo giải quyết đến cùng.

Các biện pháp trừng phạt đã vấp phải rào cản từ Cộng hòa Sip - quốc gia yêu cần cần có các biện pháp chống lại Thổ Nhĩ Kỳ trước tiên trong tranh chấp về khoan khí đốt tự nhiên ở vùng biển của Cộng hòa Síp và Hy Lạp.

Sau 8 giờ hội đàm, các nhà lãnh đạo đã nhất trí về việc thúc giục Thổ Nhĩ Kỳ tham gia các cuộc đàm phán nghiêm túc với Cộng hòa Síp và Hy Lạp, đồng thời cảnh báo có thể áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với Thổ Nhĩ Kỳ nếu “các hành động khiêu khích và áp lực” của Thổ Nhĩ Kỳ tiếp tục ở phía đông Địa Trung Hải. Tuy nhiên, Brussels vẫn hy vọng tạo ra “một chương trình nghị sự tích cực” với Ankara và sẽ xem xét lại mối quan hệ vào tháng 12 tới. Với việc Thổ Nhĩ Kỳ hiện đang đàm phán với Hy Lạp, sau nỗ lực hòa giải của Đức và NATO, nhiều nhà lãnh đạo EU không muốn làm khó Ankara hơn nữa bằng các biện pháp trừng phạt. Đặc biệt, Thổ Nhĩ Kỳ đóng vai trò quan trọng trong việc điều phối dòng người di cư, tị nạn của EU.

Quan trọng nhất, thông điệp cứng rắn đến Thổ Nhĩ Kỳ đã mở ra con đường để Síp dỡ bỏ quyền phủ quyết và cho phép khối áp đặt các biện pháp trừng phạt do cuộc khủng hoảng chính trị ở Belarus. 40 thành viên trong chính quyền của Tổng thống Alexander Lukashenko chịu các lệnh cấm đi lại và phong tỏa tài khoản tại EU. Mặc dù ông Lukashenko chưa có tên trong danh sách, nhưng EU sẽ tiếp tục theo dõi tình hình. Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel cho biết, EU ủng hộ một cuộc đối thoại toàn diện về Belarus, ủng hộ cơ chế của Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu (OSCE), tổ chức có thể đóng vai trò quan trọng trong việc tìm kiếm giải pháp mang tính xây dựng hơn.

Các biện pháp trừng phạt Belarus của EU vốn dĩ vấp phải rào cản từ Cộng hòa Sip. Trong ảnh: Dòng người biểu tình tại Minsk, Belarus. Ảnh: TASS
Các biện pháp trừng phạt Belarus của EU vốn dĩ vấp phải rào cản từ Cộng hòa Síp. Trong ảnh: Dòng người biểu tình tại Minsk, Belarus. Ảnh: TASS

Không chỉ với Belarus, EU cũng đã đưa 2 công dân và 4 công ty của Nga vào danh sách đen trừng phạt do liên quan đến việc xây dựng cầu đường sắt nối liền Nga với bán đảo Crimea qua Eo biển Kerch - cầu đường sắt dài nhất châu Âu, được khánh thành vào tháng 12/2019. Theo đó, tất cả các cá nhân và tổ chức bị áp dụng lệnh cấm sẽ bị đóng băng tài sản trong các ngân hàng châu Âu và cấm giao dịch với các doanh nghiệp châu Âu.

Ngoài ra, Hội nghị thượng đỉnh EU tập trung vào vấn đề đối phó với đại dịch, đặc biệt là quỹ phục hồi kinh tế sau đại dịch trị giá 750 tỷ euro, và cách thức sử dụng ngân sách 1.100 tỷ euro trong nhiều năm tới của EU. Nhiều ý kiến lo ngại rằng, nếu chậm trễ trong việc đạt thỏa thuận, sẽ dẫn đến hậu quả suy thoái kinh tế của châu Âu là điều không thể tránh khỏi.

Mỹ Nga