Người dân miền núi Nghệ An lại trắng tay vì dịch tả lợn châu Phi

Xuân Hoàng - Quang An 06/10/2020 14:34

(Baonghean.vn) - Cách đây 3 tháng, vợ chồng anh Thành mua 30 con lợn giống siêu nạc, hết 113 triệu đồng về nuôi. Gần xuất chuồng thì lợn bị nhiễm dịch, buộc phải tiêu hủy toàn bộ. Vợ chồng anh trắng tay.

Một chốt kiểm soát dịch trên địa bàn xã Châu Thái (Quỳ Hợp). Ảnh: Xuân Hoàng

Chiều 5/10, chúng tôi đến xã Châu Thái của huyện Quỳ Hợp (Nghệ An), ngay đầu xã, đoạn giáp với xã Châu Quang đã có chốt kiểm dịch, được bố trí người trực gác. Tuy nhiên, qua quan sát cho thấy, tại chốt kiểm dịch chỉ được bố trí 1 bì vôi bột, còn khâu kỹ thuật chưa đảm bảo, không có hố khử trùng, không có bình phun hóa chất, sào barie không kéo lên xuống được.

Ông Lô Minh Đức - Phó Chủ tịch UBND xã Châu Thái cho biết, bệnh dịch tả lợn châu Phi xảy ra tại địa phương vào ngày 3/9, tại 1 hộ chăn nuôi ở xóm Liên Minh.

Đến ngày 5/10, xã Châu Thái đã có 145 con lợn nhiễm dịch, phải tiêu hủy. Ảnh: Quang An
Đến ngày 5/10, xã Châu Thái đã có 145 con lợn nhiễm dịch, phải tiêu hủy. Ảnh: Quang An

Thiệt hại nặng nhất là gia đình anh Hà Trung Thành ở xóm Đồng Minh có 30 con lợn bị tiêu hủy. Anh Thành buồn rầu cho biết: Sau bao năm vợ chồng làm ăn trong miền Nam tích góp được ít vốn, đầu năm 2020 về quê đầu tư xây dựng chuồng trại chăn nuôi lợn. Cách đây 3 tháng, vợ chồng mua 30 con lợn giống siêu nạc, hết 113 triệu đồng về nuôi. Không ngờ, mới rồi lợn bị nhiễm dịch, buộc phải tiêu hủy toàn bộ đàn lợn, với trọng lượng 2,5 tấn. Giờ chỉ còn chuồng không, vợ chồng khóc ròng, vì trắng tay.

Ngoài gia đình anh Thành, trên địa bàn xã Châu Thái còn nhiều hộ trắng tay chỉ trong chốc lát. Như hộ ông Nguyễn Xuân Liên ở xóm Đồng Minh tiêu hủy 10 con lợn, trọng lượng 600 kg; hộ ông Vi Văn Thanh ở xóm Liên Minh tiêu hủy 11 con lợn, trọng lượng 700 kg; gia đình ông Lang Thúc Đồng ở xóm Liên Minh, tiêu hủy 4 con lợn nái và 1 lợn thịt, trọng lượng gần 1 tấn. "4 con lợn nái là tài sản lớn, nguồn thu nhập chính của gia đình. Vậy mà đột nhiên chúng bị nhiễm dịch, phải tiêu hủy, gia đình giờ không biết làm gì để có thu nhập" - ông Lang Thúc Đồng buồn bã nói.

Số liệu của UBND xã Châu Thái cho biết, đến ngày 5/10, dịch lây lan ra 3/13 xóm của xã, với tổng số lợn buộc phải tiêu hủy 145 con, với tổng trọng lượng 10.677 kg, với giá lợn tại địa phương 100.000 đồng/kg, ước thiệt trên 1 tỷ đồng.

Từ khi xảy ra dịch đến nay, ngoài trên 40 lít hóa chất do huyện cấp, xã tuyên truyền, vận động người dân mua thêm 100 lít hóa chất và khoảng 20 tấn vôi làm công tác tiêu độc khử trùng.

Cơ quan chuyên môn và chính quyền xã Châu Thái từ trong tháng 9 đến nay, hầu như ngày nào cũng tiêu hủy lợn nhiễm dịch. Ảnh: Quang An
Từ trong tháng 9 đến nay, cơ quan chuyên môn và chính quyền xã Châu Thái hầu như ngày nào cũng tiêu hủy lợn nhiễm dịch. Ảnh: Quang An

Theo nhận định của ông Lô Minh Đức, nguyên nhân dịch xảy ra trên địa bàn xã Châu Thái có thể do hàng ngày thương lái vận chuyển thịt lợn không rõ nguồn gốc từ địa phương khác vào địa bàn xã bán lẻ cho dân, nên mầm bệnh lây lan từ đây.

Từ khi xảy ra dịch đến nay, địa phương nghiêm cấm việc buôn bán thịt lợn trên địa bàn xã. Cùng đó xã thành lập ban chỉ đạo phòng chống dịch, lập 3 chốt kiểm soát dịch trên các trục đường chính.

"Hiện nay trời có mưa rào, nguy cơ dịch tiếp tục bùng phát, bởi địa phương hiện còn 3.500 con lợn, phần lớn là nuôi nhỏ lẻ trong dân. Xã đang đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động người dân thường xuyên làm tốt công tác tiêu độc khử trùng trong khu vực chuồng trại, tuyệt đối không bán chạy lợn" - ông Lô Minh Đức cho biết.

Theo số liệu của Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Quỳ Hợp, đến ngày 5/10, trên địa bàn huyện có 2 xã xảy ra dịch tả lợn châu Phi, gồm Nam Sơn và Châu Thái, số lượng lợn đã tiêu hủy 172 con, tổng trọng lượng 12.309 kg.


Xuân Hoàng - Quang An