Nghệ An trong thời kỳ nhà Nguyễn

Vĩnh Khánh 08/10/2020 10:15

(Baonghean.vn) - Lịch sử Nghệ An thời Nguyễn (1802 – 1945) vẫn chủ yếu là hành trình đấu tranh giành độc lập dân tộc của các nhà yêu nước qua các thế hệ. Trên con đường đó, người Nghệ An đã xác quyết những giá trị mới, tính chất mới và kiến tạo được nhiều thành tựu mới để phù hợp với thời đại, với nhu cầu và khát vọng tự do, độc lập của dân tộc.

Duyên cách và địa danh

Ngày 1 tháng 6 năm Nhâm Tuất (1802) Nguyễn Ánh lên ngôi Hoàng đế, niên hiệu Gia Long, chọn Phú Xuân làm Kinh đô (TP Huế ngày nay). Lúc này, Nghệ An vẫn gọi là trấn, gồm " 9 phủ, là Đức Quang, Diễn Châu, Hà Hoa, Anh Đô, Trà Lân, Quỳ Châu, Trấn Ninh, Lâm An, Ngọc Ma; …" (Đại Việt địa dư toàn biên).

Đến đời Minh Mạng, năm 1831, cả nước chia thành 30 tỉnh; tách hai phủ Hà Hoa và Đức Thọ của trấn Nghệ An thành tỉnh Hà Tĩnh. Năm 1853, Tự Đức bỏ tỉnh Hà Tĩnh, phủ Đức Thọ nhập vào tỉnh Nghệ An và lấy phủ Hà Thanh (gồm Thạch Hà, Cẩm Xuyên, Kỳ Anh) làm đạo Hà Tĩnh do quản đạo đứng đầu lệ thuộc tỉnh Nghệ An. Năm 1864, Tự Đức lại cho đạo Hà Tĩnh tách dưới quyền Tổng đốc An Tĩnh. Năm 1875, Tự Đức bỏ đạo Hà Tĩnh, lập lại tỉnh Hà Tĩnh.

Sau khi đàn áp được khởi nghĩa Vũ Quang (1896), Nghệ An còn 5 phủ và 6 huyện. Năm 1899, người Pháp lập đại lý hành chính ở Cửa Rào, cũng năm này thành lập thị xã Vinh. Năm 1914 thành lập thị xã Bến Thủy, năm 1917 thành lập thêm thị xã Trường Thi. Năm 1927, gộp 3 thị xã thành thành phố Vinh - Bến Thủy.

Hình ảnh Bến Thủy do người Pháp ghi lại năm 1908.
Hình ảnh Bến Thủy do người Pháp ghi lại năm 1908.
Về bộ máy, dưới tỉnh có phủ, huyện, tổng, xã. Đứng đầu tỉnh Nghệ An có Tổng đốc, dưới có bố chánh, án sát, đốc học, lãnh binh… Các phủ, huyện có tri phủ, tri huyện do triều đình bổ nhiệm. Các tổng, xã do dân bầu.

Từ sau năm 1884, bên cạnh bộ máy cai trị của Nam triều, thực dân Pháp đặt tòa công sứ, dưới là các sở chuyên môn như Lục lộ, Đoan, Kiểm lâm, Y tế, Thú y, Nông chính, Mật thám và trại giám binh.

Hơn 100 năm chống thù trong giặc ngoài

Do chính sách áp bức bóc lột của nhà Nguyễn sau khi thiết lập quyền cai trị, ở Nghệ An từ những năm đầu thế kỉ XIX đã có nhiều cuộc bạo động chống lại triều đình.

Năm 1811, Nguyễn Tuấn tự xưng là Hổ Uy đô thống nổi dậy chiếm cứ vùng Thanh Chương, Nam Đàn, Đông Thành. Lê Duy Phan tự xưng là con cháu nhà Lê nổi dậy ở Thanh Hóa rồi kéo quân vào Nghệ An hoạt động ở vùng Quỳnh Lưu, Diễn Châu, Yên Thành. Cuối năm 1818, Lê Hữu Tạo (Hầu Tạo) khởi nghĩa ở Hương Sơn. Năm 1823, Lê Quang Chấn khởi nghĩa ở Nam Đàn, Thanh Chương. Tất cả các cuộc khởi nghĩa này đều bị nhà Nguyễn đàn áp và sớm chịu thất bại.

Thành Nghệ An năm 1927. Đây là nơi đặt bộ máy của chính quyền Nam triều giai đoạn 1804-1945. Ảnh tư liệu của Hàng không Pháp
Thành Nghệ An năm 1927. Đây là nơi đặt bộ máy của chính quyền Nam triều giai đoạn 1804-1945. Ảnh tư liệu của Hàng không Pháp

Ngày 1 tháng 9 năm 1858, thực dân Pháp nổ súng ở Cửa Hàn (Đà Nẵng), chính thức mở cuộc chiến tranh xâm lược nước ta. Triều đình không dám kiên quyết kháng chiến, vả lại lực lượng và binh khí thua kém nên từng bước đầu hàng, ký Điều ước Nhâm Tuất (1862) cắt 3 tỉnh miền đông Nam kỳ rồi Hòa ước Giáp Tuất (1874) cắt nốt 3 tỉnh miền Tây Nam kỳ cho Pháp.

Năm 1859, sau khi thành Gia Định bị chiếm, ở Nghệ An, Văn Đức Giai, Dương Doãn Hải và nhiều sĩ phu khác dâng biểu xin kiên quyết chống Pháp rồi tổ chức đội nghĩa binh vào Nam chi viện cho nhà yêu nước Trương Định.

Năm 1873, Pháp đánh chiếm thành Hà Nội, Tổng đốc An Tĩnh là Tôn Thất Triệt họp văn thân Nghệ - Tĩnh bàn kế chống Pháp, giao cho Trần Tấn, Đặng Như Mai (Nghệ An) và Nguyễn Huy Điển, Trần Quang Cán (Hà Tĩnh) đứng ra chuẩn bị. Năm 1874 khởi nghĩa nổ ra ở Thanh Chương, nhưng cuối cùng đã bị đàn áp khốc liệt và thất bại.

Năm 1885, Tôn Thất Thuyết tấn công quân Pháp ở Huế, Vua Hàm Nghi xuống Chiếu Cần Vương. Nghệ An và Hà Tĩnh đi đầu ứng nghĩa. Khởi nghĩa của Lê Ninh (Trung Lễ, Đức Thọ) trở thành ngòi nổ phong trào chống Pháp ở Nghệ - Tĩnh và cả nước. Ở Nghi Lộc có khởi nghĩa của Đinh Văn Chất cùng Ngô Quảng; Thanh Chương, Đô Lương có Trần Khắc Kiệm, Nguyễn Hữu Chính, Trần Văn Biềng, Hồ Văn Phú; Nam Đàn có Vương Thúc Mậu, Vương Thúc Quý; Quỳnh Lưu có Phan Duy Phổ, Hồ Đức Thạc, Hồ Trọng Miên, Hồ Trọng Hoán, Phan Bá Niên. Vùng Anh Sơn, Con Cuông có nghĩa quân của Lê Doãn Nhạ; Vùng Nghĩa Đàn, Quỳ Châu, Quế Phong có Lang Văn Thiết…

Khởi nghĩa của Nguyễn Xuân Ôn (Diễn Thái, Diễn Châu) nổ ra vào đầu năm 1886 là cuộc khởi nghĩa có quy mô lớn nhất, tập hợp lực lượng kháng chiến chống Pháp của cả tỉnh Nghệ An, liên kết với khởi nghĩa của Phan Đình Phùng để đưa phong trào chống Pháp lên đỉnh cao. Cuộc khởi nghĩa và phong trào Cần Vương thất bại nhưng đã hun đúc tinh thần yêu nước, ý chí chống giặc ngoại xâm của nhân dân xứ Nghệ, làm điểm tựa tinh thần cho những phong trào đấu tranh tiếp theo.

Nhà chí sĩ yêu nước Phan Bội Châu (ảnh trái); Một số lưu học sinh phong trào Đông Du. Ảnh tư liệu
Nhà chí sĩ yêu nước Phan Bội Châu (ảnh trái); Một số lưu học sinh phong trào Đông Du. Ảnh tư liệu

Tháng 5/1904, nhà yêu nước Phan Bội Châu thành lập Hội Duy Tân, chủ trương bạo động đánh Pháp. Ông khởi xướng và lãnh đạo Phong trào Đông Du nhằm đưa thanh niên ra nước ngoài học tập để trở về phục vụ cho công cuộc đấu tranh vũ trang, nhưng đến tháng 9 năm 1908 thì bị chính phủ Nhật trục xuất vì Pháp can thiệp. Năm 1912, cụ Phan thành lập Việt Nam Quang Phục hội với tôn chỉ khôi phục nước Việt Nam độc lập, thành Cộng hòa dân quốc. Tháng 1 năm 1914 ông bị chính phủ Quốc dân đảng Trung Quốc bắt giam đến tháng 3 năm 1917 mới thả, tháng 6 năm 1925 ông đưa về quản thúc ở Huế.

Đồng thời với phong trào Đông Du, năm 1908 phong trào chống sưu thuế đã lan ra Nghệ An và phát triển rất mạnh mẽ, được sự hưởng ứng, tham gia và lãnh đạo của các sĩ phu yêu nước, tiêu biểu nhất có các chí sỹ Nguyễn Hàng Chi, Trịnh Khắc Lập, Nguyễn Danh Phương, Lê Văn Huân, Phạm Văn Ngôn, Chu Trạc…

Cũng trong thời gian này, nhà yêu nước Đặng Thúc Hứa xuất dương sang Xiêm (Thái Lan) rồi sang Trung Quốc. Năm 1909, ông lập Trại Cày ở Xiêm - một hình thức hợp tác làm ăn của bà con Việt kiều để tuyên truyền yêu nước, huấn luyện đấu tranh. Hàng trăm thanh niên Nghệ An và Hà Tĩnh đã sang đây rồi từ đó được gửi sang Trung Quốc. Tại đây họ đã tham gia các lớp huấn luyện của Nguyễn Ái Quốc rồi trở thành những hạt nhân nòng cốt đầu tiên của phong trào cách mạng vô sản sau này.

Nâng tầm văn hóa xứ Nghệ

Gần 150 năm dưới thời nhà Nguyễn là thời kì đầy biến động chính trị xã hội của Việt Nam nói chung và Nghệ An nói riêng. Nhà Nguyễn đến 1945 mới kết thúc nhưng từ 1884 quyền lực thực tế chủ yếu do người Pháp nắm giữ. Bởi vậy, từ thời điểm đó, đời sống kinh tế và văn hóa của Việt Nam chịu ảnh hưởng rất nhiều bởi chính sách của người Pháp.

Xưởng sản xuất đường sắt phía Bắc thành phố Vinh (Nghệ An) thời Pháp thuộc. Ảnh tư liệu
Xưởng sản xuất đường sắt phía Bắc thành phố Vinh (Nghệ An) thời Pháp thuộc. Ảnh tư liệu

Nếu vào thời kì trước 1858 khi thực dân Pháp chưa xâm lược, tuy có một số chính sách mới, nhưng nhìn chung nền kinh tế vẫn rất nghèo nàn, không phát triển. Nhân dân bần hàn bởi chính sách bóc lột nhằm củng cố nhà nước mới xác lập của nhà Nguyễn. Chỉ từ sau khởi nghĩa Vũ Quang sang đầu thế kỷ XX, với cuộc khai thác thuộc địa lần thứ nhất của Pháp, nhân dân vẫn bị bóc lột vô cùng nặng nề.

Điều đáng nói nhất, ở Nghệ An đã bắt đầu hình thành và từng bước trở thành trung tâm công nghiệp lớn nhất khu vực miền Trung. Cùng với đó là quá trình đô thị hóa và hình thành các giai cấp công nhân, tư sản, tiểu tư sản. Đây là tiền đề cho những chuyển hóa quan trọng về kinh tế, văn hóa, giáo dục… và là nền tảng để xuất hiện một đội ngũ trí thức tân học ngày càng đông đảo. Chính đội ngũ này đã làm thay đổi diện mạo văn hóa xứ Nghệ, đóng góp vào sự vận động văn hóa của cả nước. Họ là nòng cốt tiếp nhận và truyền bá những tư tưởng mới để làm cho Nghệ An trở thành một trung tâm của các sự kiện chính trị lớn nhất của cả nước.

Vĩnh Khánh