Ra khơi cứu 8 thuyền viên bị nạn, một tàu đánh cá bị chìm trên biển
Sau khoảng hơn 30 phút ra khơi, tàu cá tiếp cận được tàu bị nạn, song khi các ngư dân đang nỗ lực tung dây thừng cứu hộ, bất ngờ tàu cá bị sóng đánh chìm.
Lúc 8h40, tàu đánh cá cùng 4 ngư dân ra khơi, hướng về phía tàu hàng. Nhiều người dân địa phương nhận định, với thời tiết hiện nay, "khoảng thời gian tốt để tiếp cận tàu mắc cạn từ 10h đến 14h". Họ đề nghị nhà chức trách Quảng Trị hỗ trợ một ca nô công suất lớn ở trong bờ để sẵn sàng tiếp ứng.
Nỗ lực cứu các ngư dân của tàu bị chìm. |
Sau khoảng hơn 30 phút ra khơi, tàu cá tiếp cận được tàu Vietship 01 song khi các ngư dân đang nỗ lực tung dây thừng cứu hộ, bất ngờ tàu cá bị sóng đánh chìm. Một ngư dân rơi xuống biển, trôi dạt về phía Nam và bơi vào bờ; còn 3 ngư dân đu bám vào con tàu mắc cạn, trèo lên khung sắt nhô lên trên mặt nước.
Ngư dân Nguyễn Đức Bằng (52 tuổi, trú thị trấn Cửa Việt, huyện Gio Linh, Quảng Trị), người bơi vào bờ cho biết, trên tàu hàng "còn đủ 8 thuyền viên, sức khỏe họ nhìn bên ngoài có phần suy giảm nhưng vẫn cầm cự được, trong đó một người bị gãy chân".
Theo ông Bằng, "với khoảng cách từ tàu hàng mắc cạn vào bờ, các ngư dân quen nghề biển có thể bơi vào được; còn với các thuyền viên, quan sát cho thấy sóng và gió rất to, luồng chảy xoáy không đảm bảo an toàn để họ bơi vào. Mặt khác, sau hơn 2 ngày mắc cạn, sức khỏe các thuyền viên cũng suy giảm".
Trước việc tàu cá bị chìm, lực lượng cứu nạn lên phương án mua tàu cá khác và huy động thêm 2 đến 3 ngư dân cùng nhân viên cứu nạn hàng hải ra khơi, tiếp cận tàu Vietship 01.
Dự kiến nhân viên cứu nạn hàng hải sẽ dùng súng bắn dây vắt dây qua tàu hàng mắc cạn, sau đó các thuyền viên và ngư dân trên con tàu này sẽ đu bám trèo qua tàu cá. Ngoài ra, một xuồng cao su đang được gấp rút đưa từ Đà Nẵng ra Quảng Trị để phục vụ cứu hộ.
"Nhiệm vụ ưu tiên lúc này là cứu người. Tận dụng từng giờ, từng phút để cứu các thuyền viên, trong khi thời tiết diễn biến còn phức tạp", ông Ông Võ Văn Hưng, Chủ tịch UBND Quảng Trị nói.
Lý giải vì sao lực lượng chức năng không dùng phương tiện hiện đại để cứu hộ mà huy động tàu cá, đại tá Lê Văn Phương - Chỉ huy trưởng Biên phòng Quảng Trị cho biết, điều kiện thời tiết rất khó khăn, sóng to, gió lớn, các phương tiện hiện đại không thể tiếp cận được hiện trường nên "phải dùng các phương tiện thô sơ và kinh nghiệm đi biển của ngư dân".