Giải mã nguyên nhân ùn tắc giao thông ở thành phố Vinh

Nguyễn Hải 12/10/2020 11:23

(Baonghean.vn) - Quá trình đô thị hóa, TP. Vinh cùng lúc phải đối mặt với 2 vấn đề muôn thuở của đô thị là vấn nạn ùn tắc giao thông vào giờ cao điểm và ngập lụt khi mưa lớn. Để giải quyết tình trạng này, TP. Vinh đã và đang có những biện pháp để xử lý bước đầu.

Tái diễn tình trạng ùn tắc

Sở dĩ chúng tôi đề cập đến tình trạng ùn tắc và coi đó là tái diễn vì cách đây khoảng vài ba năm, khi Bến xe Trung tâm chưa di dời, tình hình ùn tắc mỗi khi vào giờ cao điểm thường xuyên xảy ra trên tuyến Lê Hồng Phong (trước cổng Trường Mầm non Hoa Sen), đường Lê Lợi đi về đường Lý Thường Kiệt hoặc đường Lê Hồng Phong hay đường Quang Trung và đi sang đường Nguyễn Thái Học hay đường Đinh Công Tráng, đường Ngư Hải.

Tuy nhiên, sau khi dời Bến xe Trung tâm ra Bến xe phía Bắc Vinh và cùng với đó là một số giải pháp phân luồng, cải tạo lối rẽ phải trước đèn đỏ tại một số ngã tư giao cắt thì tình trạng ùn tắc đã giảm xuống vài năm lại đây.

Tình trạng ùn tắc giao thông khi có trời mưa liên tục xảy ra ở Vinh. Ảnh tư liệu Quang An
Tuy nhiên, từ đầu tháng 9 đến nay, tình trạng ùn tắc tại một số tuyến phố vào giờ cao điểm đã tái diễn, nhất là vào những ngày mưa lớn thì hiện tượng ách tắc càng nặng hơn. Không những thế, do thiếu giải pháp tổng thể nên ùn tắc có xu hướng lan rộng từ đường Hồ Tùng Mậu sang đường Trường Thi, từ đường Nguyễn Thị Minh Khai sang đường Lê Hồng Phong, từ đường Lê Lợi sang đường Nguyễn Thái Học, từ Đại lộ Lê Nin sang đường Nguyễn Sỹ Sách, từ đường Nguyễn Sỹ Sách, sang đường Hà Huy Tập...

Nghệ An có hơn 130.000 ô tô, trong đó 70% tập trung ở thành phố Vinh. Ảnh tư liệu Quang An
Nguyên nhân của tình trạng ùn tắc trên là do lượng phương tiện giao thông cá nhân gia tăng quá nhanh. Theo thống kê của Công an TP. Vinh, toàn tỉnh hiện có hơn 130.000 xe ô tô, trong đó, khoảng gần 70% lượng xe đang ký ở TP. Vinh. Ngoài ô tô, thành phố còn có khoảng 1 triệu xe máy và hàng trăm ngàn xe máy, xe đạp điện. Với lưu lượng xe như trên, vào giờ cao điểm đầu buổi sáng và cuối buổi chiều, hiện tượng ùn tắc tại khu vực cổng trường và các nút giao là khó tránh khỏi.

Đường Hồ Tùng Mậu nhiều lần tắc nghẽn giao thông vào giờ cao điểm. Ảnh tư liệu Tiến Hùng
Đặc biệt, những ngày đầu tháng 9 vừa qua, khi có mưa, phương tiện giao thông di chuyển có xu hướng tránh các tuyến phố bị ngập dẫn tới hiện tượng ùn ứ, ách tắc rất nặng. Có điểm mưa ngập, xe ô tô chết máy làm ách tắc hàng tiếng đồng hồ và Công an thành phố Vinh phải huy động xe cẩu đến mới xử lý được.
Bên cạnh nguyên nhân số lượng phương tiện gia tăng thì hiện tượng ùn tắc còn do ý thức chấp hành của người điều khiển phương tiện giao thông còn nhiều bất cập. Mặc dù các nhà trường đã nhắc nhở, thậm chí cắm biển đề nghị phụ huynh không dừng, đậu xe hoặc quay đầu xe ở khu vực gần cổng trường học. Tuy nhiên một số phụ huynh vẫn chưa nghiêm chỉnh chấp hành nên dẫn đến tình trạng ách tắc giờ cao điểm.

Mặt khác, phần lớn cụm đèn tín hiệu giao thông trên địa bàn thành phố Vinh được đầu tư hàng chục năm nên đã hư hỏng nặng nhưng không có kinh phí để sửa chữa thường xuyên hoặc không có thiết bị thay thế. Mỗi khi mưa xuống, cụm đèn tín hiệu thường gặp sự cố, mất tín hiệu giao thông nên các phương tiện mạnh ai nấy đi. Lực lượng giao thông hướng dẫn, phân luồng giao thông khá vất vả nhưng hiệu quả chưa cao.

Cứ vào giờ cao điểm, người tham gia giao thông ở thành phố Vinh lại thường xuyên đối mặt với tình trạng tắc nghẽn giao thông tại các cổng trường. Ảnh: Thành Cường

Cách nào để giảm ùn tắc?

Trước tình hình trên, khách quan mà đánh giá, trong các đợt ra quân tháng cao điểm an toàn giao thông (tháng 9 hàng năm), tỉnh và thành phố đều có đợt cao điểm tuyên truyền, vận động đảm bảo an toàn giao thông và giảm ùn tắc.

Trên thực tế, để giảm ùn tắc, năm 2019, UBND thành phố đã đầu tư hơn 10 tỷ đồng để cải tạo vỉa hè, làm các vịnh đậu, dừng xe ô tô trên 3 tuyến phố là Nguyễn Thị Minh Khai, Lê Mao và Lê Hồng Phong; đồng thời xin phép Cục Quản lý đường bộ 2 cắt bồn hoa, cây xanh trên đường Trần Phú (và sắp tới là đường Phan Đình Phùng) nhằm tạo thêm quỹ đất cho phương tiện giao thông qua lại; mở một số lối rẽ phải trước đèn tín hiệu…

Công nhân đang thi công hạng mục xén bouleva trông hoa cây cảnh 2 bên đường Trần Phú và làm dải phân cách mới trên đường Trần Phú để giảm ùn tắc. Ảnh: Trần Phú
Công nhân đang thi công hạng mục xén bouleva trồng hoa cây cảnh 2 bên đường Trần Phú và làm dải phân cách mới trên đường Trần Phú để giảm ùn tắc. Ảnh: Trần Phú

Bên cạnh đó, trong khi chưa có kinh phí, để giảm ùn tắc và hạn chế việc ô tô dừng, đậu dưới lòng đường, TP. Vinh đã tổ chức sơn, kẻ vỉa hè một số tuyến phố để cho xe ô tô được phép dừng, đậu trên vỉa hè; hạn chế tới mức tối đa việc cấm xe dừng, đỗ, nhằm tạo điều kiện cho bà con kinh doanh, làm ăn.

Tuy nhiên, hiện nay, do số lượng phương tiện giao thông cá nhân tăng quá nhanh và hệ thống đèn tín hiệu giao thông chưa được đầu tư, cải tạo tương xứng nên hiện tượng ùn tắc xảy ra ngày càng phổ biến. Trước thực trạng bức bách trên, UBND thành phố đã chỉ đạo Công an TP. Vinh huy động hàng trăm cán bộ, chiến sỹ vào giờ cao điểm có mặt tại các nút giao để hướng dẫn phân luồng giao thông; đồng thời giao cho Công an thành phố Vinh xây dựng Đề án xử lý, giảm ùn tắc giao thông trên địa bàn.

Tại vòng xuyến Hải Quan, các đồng chí CSGT đã tích cực điều tiết để các phương tiện có thể di chuyển an toàn trong mưa lớn ngày 18/9/2020. Ảnh tư liệu Quang An CSGT điều tiết các phương tiện di chuyển an toàn trong mưa lớn ngày 18/9/2020 tại vùng xuyến Hải Quan, TP Vinh. Ảnh tư liệu Quang An

Trên cơ sở giao nhiệm vụ của UBND thành phố, hiện Công an TP. Vinh đang trong quá trình xây dựng đề án. Về cơ bản, tinh thần đề án vẫn bám các đề xuất của lãnh đạo Công an thành phố Vinh trước đó tại các cuộc làm việc với lãnh đạo thành phố và tỉnh là phải làm một số cầu vượt theo quy hoạch tại các nút giao thông trọng điểm và tiếp tục đầu tư kinh phí để xén vỉa hè, làm vịnh dừng, đậu cho xe ô tô trên các tuyến phố.

Thượng tá Hoàng Duy Hà - Phó trưởng Công an TP. Vinh

Hiện tại, theo khảo sát của Công an TP. Vinh, có 37 tuyến phố chính, vỉa hè trên 9m, khá rộng nên có thể xén làm vịnh cho xe ô tô dừng, đậu. Tuy nhiên, do vướng quy hoạch và các sở, ngành cấp tỉnh đang có ý kiến khác nhau về việc dành vỉa hè cho người đi bộ nên việc xử lý cải tạo vỉa hè làm chỗ đậu xe, giảm ùn tắc đang chậm lại.

Bên cạnh đó, để cải tạo vỉa hè, giảm ùn tắc hiện nay cần kinh phí rất lớn, ít nhất vài chục tỷ mỗi năm nhưng do nguồn kinh phí quá ít nên 2 năm lại đây, thành phố mới cải tạo xén được 4 tuyến và dừng lại ở đó.

Vỉa hè đường Nguyễn Văn Cừ được phép  dừng đậu xe góp phần giảm ùn tắc. Ảnh: Nguyễn Hải
Vỉa hè đường Nguyễn Văn Cừ được phép dừng đậu xe góp phần giảm ùn tắc. Ảnh: Nguyễn Hải
Vì vậy, thời gian tới, tỉnh và thành phố Vinh phải tiếp tục khảo sát, dành kinh phí để làm cầu vượt và cải tạo thêm một số nút giao để người dân đi lại cho thuận tiện; đầu tư thỏa đáng kinh phí thay thế một số cụm đèn giao thông tại nút giao trọng điểm nhưng quá cũ nát và không thể sửa chữa, thay thế.

Công an thành phố nỗ lực, huy động tối đa lực lượng cán bộ, chiến sỹ để hướng dẫn, phân luồng giao thông vào giờ cao điểm. Tuy nhiên, để giảm ùn tắc lâu dài, cần tăng cường tuyên truyền nâng cao ý thức chấp hành Luật Giao thông cho các tầng lớp nhân dân; trước mắt, ưu tiên kinh phí để làm vịnh dừng, đậu xe trên vỉa hè các tuyến phố lớn, thường xuyên ùn tắc như Lê Lợi, Mai Hắc Đế, Quang Trung.

Thượng tá Hoàng Duy Hà - Phó trưởng Công an TP. Vinh


Nguyễn Hải