Những bà mẹ đặc biệt ở Làng trẻ em SOS Vinh
(Baonghean.vn) - Phần lớn những người mẹ ở đây đều không có chồng. Họ dành cả cuộc đời sống trong Làng trẻ em SOS Vinh, nơi đang cưu mang hàng trăm trẻ em mồ côi, không nơi nương tựa. Công việc của họ tưởng chừng như nhẹ nhàng nhưng lại đầy áp lực.
Mang hạnh phúc cho nhau
Trung tuần tháng 10, chúng tôi ghé thăm nhà của mẹ Nguyễn Thị Đông (45 tuổi), khi chị đang tất bật chuẩn bị bữa cơm trưa cho cả gia đình. Ở Làng trẻ em SOS Vinh này, chị Đông là mẹ của 9 người con. Hơn 3 năm trước, chị Đông được nhận vào làm mẹ ở đây. Ngày tiếp nhận chăm sóc các con, chị được giao nhiệm vụ mang lại hạnh phúc, hơi ấm của gia đình cho các em, thứ mà những đứa trẻ không may có được từ bên ngoài.
Chị Đông bên đứa con gái út mới hơn 2 tuổi. Ảnh: Đức Anh |
Nhưng chị Đông không ngờ, sau chừng ấy năm gắn bó với nhau, chính những đứa con không phải mình sinh ra đã mang lại hơi ấm, mang lại không khí gia đình cho chị. “Tôi vẫn còn nhớ năm đầu tiên làm việc ở đây, đến ngày sinh nhật được các con tổ chức cho. Đó là lần đầu tiên trong đời tôi được tổ chức sinh nhật, được tặng hoa, tặng quà”, chị Đông kể. Lần đó, chị khóc rất nhiều. Nhưng đó là những giọt nước mắt của hạnh phúc, thứ mà chị chưa một lần may mắn có được trước khi vào làm việc ở đây.
Bữa cơm gia đình ở nhà chị Đông. Ảnh: Đức Anh |
Chị Đông quê ở một xã nghèo của huyện Nam Đàn. Cũng như nhiều mẹ, dì khác ở Làng trẻ em SOS, chị chưa một lần lập gia đình. Không chồng, không con, một mình chị phải bươn chải đủ nghề để mưu sinh. “Ngày xưa, cứ thấy bạn bè ai cũng lần lượt lập gia đình, tôi cũng buồn lắm. Nhưng bây giờ nó không còn có ý nghĩa gì với tôi nữa, vì đây chính là gia đình của tôi”, chị Đông kể, chỉ vào những đứa con đang học bài.
Những bà me ở Làng trẻ em SOS được tuyển phải là những người không vướng bận gia đình ở bên ngoài. Ảnh: Đức Anh |
Công việc của chị Đông nghe qua có vẻ đơn giản. Đó là làm mẹ. Một người mẹ đúng nghĩa. Buổi sáng chị đi chợ, mua thức ăn về cho cả gia đình. Có ngày chị tự nấu, cũng có ngày các con phụ giúp. Đến buổi, chị nhắc các con học bài…. “Công việc thì đơn giản vậy đó, nhưng lại rất áp lực. Khó khăn nhất đó là dạy các con nên người”, chị nói và cho hay, trong 9 người con là cả 9 tính cách khác nhau, vì thế phải có mỗi cách dạy dỗ khác nhau. Do chưa từng làm mẹ, những kiến thức đó chị phải mày mò trên mạng, qua sách báo rồi qua những đợt tập huấn do cơ quan tổ chức. “Công việc nhẹ nhàng, nhưng nếu ai không có tình thương thì sẽ chẳng làm được đâu”, chị nói.
Theo chị Đông, khó khăn nhất vẫn là việc dạy dỗ các con nên người. Ảnh: Đức Anh |
Trong gia đình của chị Đông, con gái lớn nhất vừa đỗ đại học, chỉ còn ít ngày nữa là nhập học. Còn đứa nhỏ nhất chỉ mới vừa hơn 2 tuổi. 2 năm trước, đứa trẻ này bị mẹ đẻ bỏ rơi ngay trước cổng Làng trẻ em SOS khi mới được vài ngày tuổi. Chị Đông chăm sóc bé kể từ đó. 9 người con của chị Đông mỗi đứa có một gia cảnh khác nhau, trong đó phần lớn là mồ côi cả bố lẫn mẹ. “Dù đứa đến trước, đứa vào sau, nhưng chỉ sau một thời gian ngắn, chúng thương nhau như những anh em ruột, những anh, chị, em đúng nghĩa như các gia đình khác ở ngoài”, chị tự hào.
Mẹ Đông hướng dẫn con cách gấp chăn màn. Ảnh: Đức Anh |
Học cách làm mẹ
Tương tự chị Đông, chị Phan Thị Thảo nói rằng, công việc khó khăn nhất của chị đó là dạy dỗ con nên người. Ở Làng trẻ em SOS này, chị Thảo là người mẹ có đông con cái nhất, với 12 đứa, 4 trai, 8 gái. Trong số này, có 3 chị em ruột mới vào đây được hơn 4 tháng. 3 em quê ở huyện Yên Thành, không giống như những đứa trẻ khác trong gia đình, bố mẹ đẻ các em vẫn còn sống nhưng không đủ khả năng nuôi dưỡng con. Mẹ đẻ các em bị bệnh tâm thần nặng, phải ở bệnh viện tâm thần nhiều năm nay; còn bố thì bị tai nạn, nằm một chỗ.
Từ ngày vào làm mẹ, chị Thảo mới được tổ chức sinh nhật, được các con tặng hoa, tặng quà. Ảnh: Đức Anh |
Chị Thảo cho hay, cũng như nhiều đứa trẻ khác ở đây, các con của chị những ngày đầu đến với làng trẻ đều không chịu mở lòng. Mỗi đứa trẻ tự thu mình một góc, căn nhà không tiếng cười. 2 tiếng mẹ con vẫn còn ngượng ngùng. Bữa ăn cũng không ai nói câu nào, dù chị Thảo đã cố gợi chuyện. Không khí nặng trĩu bao trùm căn nhà nhỏ.
Nhưng chị Thảo kiên trì và dành hết tình yêu thương, sự chân thành của mình để chăm sóc các con. Cảm nhận được tình thương đó, dần dà các con của mẹ cũng đã mở lòng, kể cho mẹ nghe hết gia cảnh. Vì thế, chị cũng dần nắm được tính cách của từng đứa con để có thể dạy bảo. Kể từ đó, mẹ con mới gần gũi, yêu thương nhau, các anh chị em trong gia đình cũng gắn bó, chan hòa và đùm bọc nhau vượt qua gian khó cuộc đời.
Thời gian đầu gia nhập, hầu hết các cháu đều không chịu "mở lòng". Chị Thảo phải mất nhiều thời gian để chia sẻ với các con. Ảnh: Đức Anh |
Chị Thảo nói rằng, kể từ khi vào làm việc ở đây, mỗi lúc rảnh rỗi, chị đều lên mạng hoặc lấy sách ra học bài. Những bài học của chị đều là “học cách làm mẹ”. Ngoài ra, chị còn phải cập nhật kiến thức, những câu chuyện của giới trẻ. Nhằm có thể tâm sự, chia sẻ với các con đang độ tuổi ăn học.
Dành trọn cuộc đời trong làng trẻ
Cách các gia đình này không xa, nằm giữa làng trẻ em là một dãy nhà cấp 4 nhỏ nhắn. Đó là nơi ở của 15 bà mẹ đã về hưu. Sau khi đã già yếu, các mẹ được bố trí mỗi người một căn phòng để sống tiếp quãng đời còn lại trong làng này.
Mẹ Vương luôn tự hào về 27 người con ai cũng đánh cờ vua giỏi do được mẹ dạy. Các con của mẹ bây giờ đã có cuộc sống ổn định những vẫn thường xuyên về làng thăm mẹ. Ảnh: Đức Anh |
Bà Hồ Thị Nhân (72 tuổi) là một trong số đó. Khi chúng tôi đến, bà Nhân vừa trở về từ TP. Hồ Chí Minh để chăm sóc cô con gái vừa mới sinh con. Cô con gái đó là 1 trong 30 đứa trẻ được bà Nhân nuôi dưỡng trong suốt 23 năm làm công việc này. Nghỉ hưu từ 5 năm trước, các con bây giờ cũng đã “ra đời”, tất cả đều có cuộc sống ổn định ở bên ngoài. Nhưng bà Nhân kể rằng, các con bà vẫn thường xuyên về thăm mẹ.
“Có đứa bây giờ đã thành đạt, vẫn hay cho mẹ tiền. Số tiền đó tôi lại mang cho đứa khác khó khăn hơn”, bà Nhân nói chỉ tay lên bức tường được treo chi chít các bức ảnh rồi nhắc tên từng đứa con. Đó là những tấm ảnh kỷ niệm từ thời những đứa con của bà mới vào làng, cho đến những bức ảnh cưới mới được treo lên. Dù tuổi đã cao, sức khỏe yếu dần, nhưng mỗi lần các con có việc như sinh, đẻ, bà Nhân đều không quản ngại bắt xe đi hàng nghìn km để chăm sóc.
Làng trẻ em SOS Vinh hiện cưu mang hơn 120 đứa trẻ, trong đó phần lớn là mồ côi cả bố lẫn mẹ. Ảnh: Đức Anh |
“Các con tôi cũng vậy”, bà Âu Thị Vương (67 tuổi), nói xen vào khi nghe bà Nhân kể về những chuyến thăm của các con. Cũng như bà Nhân, bà Vương vào làm việc tại Làng trẻ em SOS Vinh từ những ngày đầu tiên. Cả 2 bà đều không có chồng, con ở ngoài. Chính vì thế, khi về hưu, họ ở lại luôn trong này. Bây giờ, bà Vương vẫn đang sống cùng cô con gái.
“Nó lấy chồng làm công an, nhưng nhà chồng ở bên Hà Tĩnh. Bây giờ có bầu nên tạm thời vẫn ở với mẹ để mẹ tiện chăm sóc”, bà Vương kể và không ngừng nói về những đứa con của mình. Trong suốt hơn 20 năm làm việc, bà Vương có đến 27 người con. Bà vẫn luôn tự hào về chúng, vì tất cả đều đỗ đại học. Đặc biệt, các con của bà ai cũng đánh cờ vua giỏi; có đứa còn được huy chương Vàng quốc gia. Có năm, bà có đến 6 đứa con đều đi thi đánh cờ vua. “Dù về hưu, dù các con đã ra ngoài có cuộc sống riêng thì chúng tôi vẫn là mẹ con, vẫn thường xuyên quan tâm, giúp đỡ nhau như những gia đình khác”, bà Vương nói.
Không chỉ chăm lo về sức khỏe, nhiệm vụ quan trọng của các mẹ ở đây là mang lại hạnh phúc cho những đứa trẻ thiếu may mắn, dạy dỗ các con nên người. Ảnh: Đức Anh |
Ông Lê Bá Lương - Giám đốc Làng trẻ em SOS Vinh cho biết, hiện làng đang nuôi dưỡng hơn 120 đứa trẻ, phần lớn là mồ côi. Có tất cả 15 bà mẹ, mỗi bà mẹ có khoảng 8 đến 12 đứa con. Ngoài ra, còn có 5 dì sẵn sàng làm thay các mẹ mỗi lúc cần. Ngoài ra, trong làng còn có 15 mẹ đã về hưu sinh sống.
Theo ông Lương, các bà mẹ ở đây khi được tuyển đều phải có tiêu chí không vướng bận gia đình riêng; phải dành toàn thời gian tại Làng và toàn tâm toàn ý chăm sóc, nuôi dạy trẻ; phải có tình yêu thương, bản năng của người mẹ và được đào tạo, tập huấn bởi Làng trẻ em SOS để có đầy đủ các kỹ năng để trở thành một người mẹ thực sự, chăm sóc sức khỏe thể chất và tinh thần tốt nhất, lâu dài nhất cho trẻ em mồ côi, bị bỏ rơi, không nơi nương tựa./.