Tham luận tại Đại hội Đảng bộ tỉnh: Cùng hướng tới mục tiêu xây dựng tỉnh Nghệ An vững mạnh

Đào Tuấn - Hữu Quân (tổng hợp) 18/10/2020 11:52

(Baonghean.vn) - Với tâm huyết, trí tuệ và kinh nghiệm thực tiễn của mình, nhiều đại biểu dự Đại hội Đảng bộ tỉnh khóa XIX đã đóng góp nhiều ý kiến quan trọng, tất cả cùng hướng tới mục tiêu xây dựng Nghệ An ngày càng phát triển vững mạnh. Báo Nghệ An lược trích một số tham luận trình bày tại Đại hội.

Đồng chí Nguyễn Thị Kim Chi - Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Bí thư Thị ủy Cửa Lò:
“Đưa Cửa Lò cùng thành phố Vinh trở thành đầu tàu tăng trưởng của Nghệ An”

Trải qua 26 năm xây dựng và phát triển, Cửa Lò từ những làng chài ven biển đã vươn mình thành đô thị du lịch biển sầm uất, đang từng bước hiện đại. Với vị trí địa lý thuận lợi, nguồn tài nguyên thiên nhiên khá đa dạng và phong phú cùng với con người thân thiện, mến khách, cơ sở hạ tầng đang từng bước đầu tư khá đồng bộ, chính sách, chế tài hợp lý trong công tác quản lý nhà nước về du lịch, Cửa Lò trở thành đô thị du lịch tiềm năng và được công nhận là đô thị du lịch biển đầu tiên của cả nước.

Nguyễn Thị Kim Chi - quoter.

Tuy nhiên, đi cùng với sự phát triển là những thử thách không nhỏ đối với du lịch Cửa Lò. Cho đến nay, tốc độ tăng trưởng du lịch, năng lực cạnh tranh du lịch của Cửa Lò chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế và kỳ vọng của một đô thị du lịch biển; công tác quy hoạch, phát triển cơ sở hạ tầng du lịch còn bất cập; sản phẩm du lịch chưa đa dạng, hấp dẫn du khách... Cửa Lò mới giới thiệu cái ta có chứ chưa giới thiệu được cái mà thị trường cần. Để du lịch Cửa Lò phát triển bền vững, vượt qua được sự cạnh tranh khốc liệt của các khu du lịch trong cả nước, khẳng định được vị thế đô thị du lịch biển đầu tiên trên bản đồ du lịch Việt Nam, thì yêu cầu, nhiệm vụ đặt ra trong thời gian tới cho Cửa Lò hết sức nặng nề, đòi hỏi sự chung tay, vào cuộc không chỉ của riêng thị xã mà của cả thành phố Vinh, và đặc biệt rất mong sự quan tâm, giúp đỡ của Trung ương và tỉnh cả về cơ chế, chính sách, nguồn lực đầu tư thì Cửa Lò mới cất cánh mạnh mẽ và vững chắc, cùng với thành phố Vinh phát triển thành cực tăng trưởng kinh tế trọng điểm của tỉnh.

Một số nhiệm vụ, giải pháp mà Cửa Lò đang tập trung, thực hiện như sau:

Luôn xác định vị thế phát triển của thị xã Cửa Lò cùng với thành phố Vinh trở thành một cực tăng trưởng trong vùng kinh tế trọng điểm của tỉnh.

Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thị xã luôn xác định phát triển kinh tế của thị xã Cửa Lò phải gắn với 3 vùng kinh tế trọng điểm của tỉnh. Xây dựng và phát triển Cửa Lò kết nối với Vinh - Nam Đàn, các huyện Đông Nam của tỉnh, gắn với vùng kinh tế Nam Nghệ - Bắc Hà; gắn phát triển đô thị du lịch Cửa Lò với khu vực và của cả nước. Cửa Lò phải là cửa mở của tỉnh hướng ra Biển Đông để khai thác tiềm năng, lợi thế biển, đảo và phát triển kinh tế đối ngoại của Nghệ An với các nước trong khu vực và vùng Bắc Trung Bộ.

Phát triển nguồn nhân lực chuyên nghiệp phục vụ du lịch, tăng cường quản lý Nhà nước về du lịch, quản lý đầu tư trên địa bàn.

Đô thị du lịch biển Cửa Lò. Ảnh tư liệu: P.V

Thị xã Cửa Lò sẽ tập trung xây dựng các đề án, chương trình, kế hoạch phục vụ phát triển du lịch; xây dựng hoàn chỉnh hệ thống văn bản chỉ đạo và cơ chế chính sách khuyến khích đầu tư vào phát triển các khu vui chơi giải trí hiện đại. Tăng cường phân cấp, phân quyền, phân rõ trách nhiệm giữa thị xã và cơ sở, giữa cơ quan trong đơn vị phối hợp, tham mưu thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước về du lịch.

Đẩy mạnh công tác tuyên truyền quảng bá và xúc tiến đầu tư về du lịch bằng nhiều hình thức đa dạng, phong phú và hiệu quả.

Đầu tư hoàn thiện cơ sở vật chất, bổ sung hoàn chỉnh quy hoạch phát triển du lịch, chỉnh trang đô thị, mở rộng không gian du lịch cho phù hợp lợi thế và tiềm năng. Đặc biệt, Cửa Lò sẽ tập trung quản lý thực hiện tốt các quy hoạch, bảo vệ môi trường, giữ gìn, phát huy thương hiệu du lịch Cửa Lò. Tập trung mở rộng và phát triển các loại hình và sản phẩm du lịch mới về phía Nam và phía Bắc, nhất là du lịch văn hóa, nghỉ dưỡng, mua sắm và các dịch vụ phục vụ khách du lịch về đêm... để du lịch Cửa Lò 4 mùa hấp dẫn du khách trong và ngoài nước.

Đa dạng hóa và nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch, ưu tiên triển khai các loại hình du lịch mới, chất lượng, đa dạng phục vụ du khách.

Đồng chí Nguyễn Xuân Đức - Ủy viên BCH Đảng bộ tỉnh, Quyền Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư:
“Phải coi nhà đầu tư, doanh nghiệp là đối tượng phục vụ”

Trong nhiệm kỳ tới, để nâng cao hiệu quả xúc tiến đầu tư, phát triển kinh tế đối ngoại, đặc biệt là tận dụng cơ hội đón sự dịch chuyển các dòng vốn đầu tư hậu Covid -19 và tiếp tục hỗ trợ phát triển, nâng cao sức cạnh trang các doanh nghiệp; Tỉnh cần tập trung thực hiện các giải pháp trọng tâm sau:

Nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cán bộ, công chức để thay đổi quan điểm về xúc tiến đầu tư, nhất là tầm quan trọng của việc hỗ trợ doanh nghiệp trong cả nhận thức và hành động của cả hệ thống chính trị. Phải coi nhà đầu tư, doanh nghiệp là đối tượng phục vụ. Đây là điểm mấu chốt để thay đổi thái độ, hành vi ứng xử mang tính chuyên nghiệp của các cán bộ, công chức trong việc tiếp xúc, giải quyết các thủ tục hành chính cho nhà đầu tư/doanh nghiệp.

Nguyễn Xuân Đức - quoter

Để làm được điều này, việc đầu tiên là phải xây dựng người cán bộ, hiện đại, năng động, chuyên nghiệp trong công việc, văn minh trong ứng xử, tận tụy trong phục vụ nhân dân, đáp ứng nhu cầu xã hội. Vì vậy, cần phải làm rõ vai trò, trách nhiệm của từng ngành, từng đơn vị trong quá trình cải cách hành chính. Đồng thời, cần chỉ đạo nghiên cứu xây dựng Bộ quy tắc văn hóa ứng xử cho cán bộ, đảng viên trong quan hệ giao tiếp với cơ quan, tổ chức, nhân dân, doanh nghiệp. Quan điểm và cách tiếp cận này phải được quán triệt trong toàn bộ hệ thống chính trị của địa phương, từ lãnh đạo các cấp đến cán bộ trực tiếp làm việc với nhà đầu tư/doanh nghiệp và xử lý các công việc liên quan đến nhà đầu tư/ doanh nghiệp.

Tiếp tục quan tâm triển khai những giải pháp có tính quyết liệt, tính đột phá để cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư, nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh của tỉnh. Trước hết phải cổ vũ tư tưởng cách mạng tấn công, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm để tạo nên động lực mới trong công tác xúc tiến, thu hút đầu tư và giải quyết hồ sơ, thủ tục cho các nhà đầu tư; phải làm rõ và xử lý dứt điểm những nguyên nhân gây trở ngại làm ảnh hưởng đến môi trường đầu tư kinh doanh của tỉnh; Tạo mọi khả năng để các doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận với các nguồn lực phát triển như: Tài chính, đất đai, công nghệ, nhân lực… Sự vào cuộc tích cực của các cấp chính quyền, sự nhất quán trong chỉ đạo điều hành, tính ổn định của cơ chế, chính sách là động lực để các doanh nghiệp quyết định đầu tư và gắn bó lâu dài với Nghệ An.

Duy trì cơ chế đối thoại thường xuyên giữa lãnh đạo tỉnh, các ngành với các nhà đầu tư để kịp thời giải quyết khó khăn, vướng mắc, củng cố lòng tin của các nhà đầu tư đối với môi trường đầu tư kinh doanh tại Nghệ An, tạo hiệu ứng lan tỏa và tác động tích cực tới nhà đầu tư mới với phương châm tỉnh luôn đồng hành cùng doanh nghiệp.

Giải quyết thủ tục hành chính cho doanh nghiệp tại Sở KH&ĐT. Ảnh tư liệu: Thanh Lê

Tiếp tục chuẩn bị các điều kiện cần thiết để thu hút đầu tư. Trong đó, các nhiệm vụ trọng tâm và xuyên suốt cho thời kỳ 2020 – 2025, 2030 và các năm tiếp theo. Tập trung nguồn lực để đầu tư xây dựng hạ tầng trọng điểm cho đầu tư phát triển (như đường cao tốc Hà Nội - Vinh, Vinh - Cửa Lò, tuyến đường ven biển, tuyến đường cao tốc Hà Nội - Viêng Chăn đi qua cửa khẩu Thanh Thủy,...; hạ tầng trọng điểm khu kinh tế, khu công nghiệp…), ban hành chính sách hỗ trợ đầu tư thiết thực, khả thi và hiệu quả trên cơ sở bảo đảm nguồn lực và cơ chế hỗ trợ sau đầu tư; điều chỉnh bảng giá đất trong khu công nghiệp tạo lợi thế cạnh tranh với các tỉnh.

Đồng chí Phạm Tuấn Vinh - Ủy viên BCH Đảng bộ tỉnh, Bí thư Thị ủy Thái Hòa:
"Xây dựng Thái Hòa thành trung tâm vùng Tây Bắc Nghệ An"

Phát triển đô thị là một quá trình tất yếu để đáp ứng được yêu cầu phát triển kinh tế xã hội của các địa phương và nhu cầu thụ hưởng của nhân dân. Vì vậy, ở mỗi địa phương, thường xác định cho mình những cực tăng trưởng và vùng kinh tế trọng điểm để đầu tư phát triển, từ đó tạo sức lan tỏa đối với các vùng phụ cận.

Thái Hòa nằm ở vị trí trung tâm của vùng Tây Bắc Nghệ An. Vì vậy, khi Thái Hòa được đầu tư xứng tầm thì sẽ có tác động tích cực cho sự phát triển chung của toàn vùng.

Phạm Tuấn Vinh - quoter

Một số nhiệm vụ, giải pháp cơ bản mà Ban Chấp hành Đảng bộ thị xã xác định phải thực hiện quyết liệt trong nhiệm kỳ 2020-2025:

Tăng cường thu hút đầu tư gắn với thực hiện hiệu quả công tác quy hoạch, quản lý quy hoạch và xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại.

Ưu tiên triển khai quy hoạch các phân khu xây dựng để làm cơ sở lập quy hoạch chi tiết các dự án. Tiếp tục rà soát điều chỉnh, bổ sung quy hoạch các ngành, lĩnh vực một cách đồng bộ. Đề xuất mở rộng không gian thị xã nhằm tạo nguồn lực phát triển phù hợp trong giai đoạn mới, chú trọng hình thành liên kết vùng Thái Hòa - Hoàng Mai - Nghi Sơn.

Trong thời gian tới, thị xã xác định phải lấy người dân làm trung tâm phục vụ, chú trọng đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính ở những lĩnh vực nhạy cảm, dễ gây phiền hà, nhất là các lĩnh vực đất đai, xây dựng, tài chính. Tăng cường kiểm tra, giám sát, siết chặt kỷ cương, kỷ luật hành chính và đề ra giải pháp hiệu quả để nâng cao đạo đức công vụ của đội ngũ cán bộ, công chức; công khai, minh bạch các thủ tục hành chính; “lấy sự hài lòng của nhân dân và doanh nghiệp là thước đo hiệu quả hoạt động của cấp ủy, chính quyền”.

Sản xuất tại nhà máy may trên địa bàn thị xã; Vụ mùa bội thu của người dân tại xã Tây Hiếu; Trung tâm Thương mại Vincom và khu shophouse của Tập đoàn Vingroup đầu tư tại T.X Thái Hòa. Ảnh tư liệu: PV

Tập trung phát triển thị xã Thái Hòa trở thành trung tâm dịch vụ thương mại, tài chính ngân hàng, đào tạo nguồn nhân lực, dịch vụ y tế và chăm sóc sức khỏe cho nhân dân trong khu vực.

Khai thác hiệu quả tiềm năng đất nông nghiệp, tập trung thực hiện đồng bộ, hiệu quả các giải pháp phát triển nông nghiệp, nông thôn. Gắn phát triển nông nghiệp với phát triển dịch vụ, phát triển du lịch sinh thái, trải nghiệm và phát huy vai trò, cải thiện đời sống của người nông dân.

Hiện nay, lĩnh vực nông nghiệp vẫn có vai trò, ảnh hưởng tích cực đối với đời sống của một bộ phận lớn nhân dân trên địa bàn, tuy nhiên việc khai thác và sử dụng nguồn lực đất đai trong sản xuất nông nghiệp hiệu quả chưa cao. Chính vì vậy thị xã chú trọng hoàn thiện quy hoạch các vùng chuyên canh tập trung, nâng cao hiệu quả và chất lượng sản phẩm trên một đơn vị diện tích; thúc đẩy hình thành các khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao ở địa bàn các xã Tây Hiếu, Đông Hiếu và Nghĩa Thuận...

Đồng chí Nguyễn Viết Hưng - Ủy viên BCH Đảng bộ tỉnh, Bí thư Huyện ủy Yên Thành:
"
Chăm lo xây dựng đội ngũ cán bộ vùng đặc thù"

Trong nhiệm kỳ qua, dưới sự lãnh đạo của Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh, Nghệ An đã có những bước phát triển trên tất cả các lĩnh vực. Bên cạnh việc tập trung cho phát triển kinh tế - xã hội, công tác xây dựng Đảng, phát triển đảng viên, xây dựng hệ thống chính trị trên địa bàn tỉnh đã được đặc biệt chú trọng, trong đó có vấn đề phát triển Đảng, củng cố tổ chức Đảng và hệ thống chính trị vùng đặc thù – Đây được coi là một trong những nhiệm vụ quan trọng góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị trên địa bàn.

Nguyễn Viết Hưng - quoter

Để tiếp tục phát huy kết quả đạt được, đồng thời giải quyết tốt những vấn đề đặt ra còn tồn tại hạn chế, chúng tôi đề xuất một số giải pháp:

Tiếp tục quán triệt đầy đủ, sâu sắc quan điểm, chủ trương của Đảng về công tác xây dựng Đảng, trong đó có vấn đề phát triển đảng viên, xây dựng tổ chức đảng, hệ thống chính trị ở vùng đặc thù, nhằm nâng cao hơn nữa nhận thức, trách nhiệm của cán bộ, đảng viên, của cả hệ thống chính trị đối với công việc này. Phải xác định công tác phát triển Đảng, xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh ở vùng đặc thù là hết sức quan trọng, bức thiết, vừa là công việc trước mắt, vừa mang tính chất chiến lược, lâu dài, đặc biệt là giai đoạn hiện nay. Quan điểm chỉ đạo là không được “trắng” đảng viên, không được “trống” sự lãnh đạo của Đảng, điều hành của chính quyền ở địa bàn này.

Xây dựng và triển khai thực hiện có hiệu quả công tác phát hiện, bồi dưỡng tạo nguồn, phát triển đảng viên, hội viên, đoàn viên vùng giáo. Các cấp ủy thường xuyên lãnh đạo thông qua các tổ chức đoàn thể chính trị - xã hội làm tốt công tác tập hợp đoàn viên, hội viên, đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước, từ đó phát hiện nhân tố tích cực, nhất là đoàn viên thanh niên, người lao động có thành tích, gương mẫu trong phong trào, có uy tín trong nhân dân để có kế hoạch bồi dưỡng phù hợp, tạo điều kiện cho họ phấn đấu trở thành đảng viên của Đảng. Phân công cá nhân phụ trách và có chỉ tiêu cụ thể cho từng tổ chức Đảng về phát triển đảng viên vùng đặc thù; biểu dương, khen thưởng và nhân rộng các mô hình, cách làm hay, hiệu quả, sáng tạo trên lĩnh vực này.

Một góc xã Tây Thành, huyện Yên Thành. Ảnh: Anh Tuấn

Tập trung xây dựng, củng cố, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của các chi bộ và phát huy vai trò các tổ chức đoàn thể ở địa bàn vùng giáo. Chăm lo xây dựng đội ngũ cán bộ vùng đặc thù, coi đây là một trong những vấn đề cốt lõi để củng cố và nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị cơ sở. Cán bộ vùng đặc thù, nhất là cán bộ chủ chốt phải được lựa chọn, bồi dưỡng có đủ năng lực chuyên môn, kỹ năng xử lý tình huống, phẩm chất chính trị, bản lĩnh, có tâm huyết và tính đoàn kết cao, đủ sức đáp ứng yêu cầu ngày càng cao tại vùng đặc thù trong tình hình mới.

Quan tâm đầu tư phát triển kinh tế - xã hội ở vùng đặc thù, tập trung khai thác thế mạnh của mỗi địa phương; huy động các nguồn lực, thu hút các dự án để xây dựng kết cấu hạ tầng; chuyển dịch cơ cấu kinh tế; ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất; thực hiện tốt an sinh xã hội, từ đó nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân, củng cố niềm tin của người dân vào sự lãnh đạo của Đảng.

Kịp thời động viên, chia sẻ, hỗ trợ, giúp đỡ đối với những đảng viên, cốt cán vùng giáo và những người có uy tín, quần chúng có tư tưởng tiến bộ ủng hộ chủ trương chính sách của Đảng và nhà nước.

Đào Tuấn - Hữu Quân (tổng hợp)