Tiếp vụ việc dấu hiệu mạo danh nhà báo ở Quỳ Châu: Những vấn đề từ tập hồ sơ bị bỏ quên

Nhóm PVĐT 22/10/2020 11:15

(Baonghean.vn) - Liên quan đến nhóm đối tượng có “dấu hiệu giả danh nhà báo”, ngày 16/10/2020, Sở TT&TT đã có Công văn số 1425/STTTT- TTBCXB đề nghị Công an tỉnh vào cuộc. Nhưng tiếp cận với tập hồ sơ của nhóm 3 đối tượng có “dấu hiệu giả danh nhà báo” mà UBND xã Châu Bính sao chụp lưu lại, nhận thấy có những vấn đề đáng băn khoăn…

Tập hồ sơ bị bỏ quên

Việc nhóm 3 đối tượng có “dấu hiệu giả danh nhà báo” bỏ quên tập hồ sơ tại một quán nước trước trụ sở xã Châu Bính đã được UBND huyện Quỳ Châu thông tin tại Văn bản số 605/BC-UBND. Đó là, trong thời gian hoạt động tại xã Châu Bính (cuối chiều 23/9/2020), 3 đối tượng có “dấu hiệu giả danh nhà báo” đã để quên một tập hồ sơ tại quán nước của chị Hà Thị N., bản Luồng Lạnh. Vào hồi 7 giờ 30 phút, ngày 24/9/2020, chị Hà Thị N. đã bàn giao lại tập hồ sơ cho Công an xã Châu Bính...

Ngược lên Châu Bính xác minh, chúng tôi được lãnh đạo xã này cho hay, đến ngày 28/9/2020, xã đã giao trả hồ sơ cho bà Nguyễn Thị Vân, là người có tên trong Giấy giới thiệu số 226/GGT-DTTĐ (thể hiện là phóng viên của Tạp chí Dân tộc và Thời đại, được cấp ngày 15/02/2020). Nhưng trước khi giao trả, xã đã sao, chụp để lưu lại đầy đủ; đồng thời, yêu cầu bà Nguyễn Thị Vân lập bản kê khai, sau đó thực hiện kiểm tra thấy khớp đúng thì mới mời người làm chứng, lập biên bản giao trả. “Riêng Giấy giới thiệu số 226/GGT-DTTĐ vì có nghi vấn của việc làm trái nên xã đã giữ lại để giao nộp cho cơ quan chức năng kiểm tra, làm rõ...” - Bí thư Đảng ủy xã Châu Bính, anh Trần Việt Đức thông tin.

Theo biên bản giao, nhận tài liệu, đồ vật do UBND xã Châu Bính lập hồi 7h30 ngày 24/9/2020 tại nhà chị Hà Thị N., trong tập hồ sơ của các đối tượng có các giấy tờ, tài liệu như sau: Giấy giới thiệu số 226/GGT-DTTĐ của bà Nguyễn Thị Vân; một cuốn sổ ghi chép; Báo cáo kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm 2020 và phương hướng nhiệm vụ 6 tháng cuối năm của hai chính quyền địa phương cấp xã thuộc huyện Hưng Nguyên và Nghĩa Đàn; 4 bản Hợp đồng giới thiệu thông tin tuyên truyền - quảng cáo và 4 bản Hợp đồng phát hành tạp chí của Tạp chí Tri thức xanh; một tờ tiền mệnh giá 100.000 đồng; dăm chiếc phong bì của một số tổ chức, cơ quan, đơn vị thuộc địa bàn huyện Quế Phong.

Như đã thông tin ở các bài báo trước, nội dung trên Giấy giới thiệu số 226/GGT-DTTĐ của bà Nguyễn Thị Vân là cơ sở để các cán bộ xã Châu Bính và huyện Quỳ Châu nghi vấn có sự giả danh người làm báo. Với chúng tôi, sau khi tiếp cận với các giấy tờ, tài liệu mà UBND xã Châu Bính sao lưu thì thấy rằng cần phải lưu tâm, tìm hiểu thêm “xuất xứ, nguồn gốc” của những bản Hợp đồng giới thiệu thông tin tuyên truyền - quảng cáo và Hợp đồng phát hành tạp chí của Tạp chí Tri thức Xanh. Vì bởi, những bản hợp đồng này chưa điền thông tin nhưng đã đóng sẵn dấu đỏ, ký tên Tổng Thư ký Tạp chí Tri thức Xanh, thể hiện dấu hiệu nhóm đối tượng có mối quan hệ với cơ quan tạp chí này.

Bộc lộ bản chất

Để phần nào giải đáp mối băn khoăn nêu trên, chúng tôi đã liên hệ với một số địa phương cơ sở và cơ quan, đơn vị có tên trên các giấy tờ, tài liệu trong tập hồ sơ, và đặt ra các câu hỏi với họ: Thời gian qua có tiếp xúc với nhóm đối tượng hay không? Nếu có, khi giao tiếp nhóm người này đã có những hành vi gì?

Theo Bí thư Đảng ủy của địa phương cấp xã thuộc huyện Nghĩa Đàn, thời gian vừa qua có một nhóm người tương tự như ở xã Châu Bính đã đến liên hệ công tác báo chí. Trong quá trình giao tiếp, họ đặt vấn đề viết bài tuyên truyền và đề nghị cung cấp báo cáo kinh tế - xã hội của địa phương. Lãnh đạo UBND xã có cung cấp tài liệu cho nhóm người này, nhưng từ chối không viết bài tuyên truyền vì không có nhu cầu. Bí thư Đảng ủy xã trao đổi: “Tôi đã kiểm tra và được UBND xã báo cáo là họ có đặt vấn đề tuyên truyền nhưng xã từ chối...”.

Còn với lãnh đạo của một đơn vị thuộc huyện Quế Phong, khi được hỏi đã trao đổi: “Đúng là nhóm người này đã đến cơ quan chúng tôi. Khi họ đến, tôi có xem giấy giới thiệu. Thấy trên đó không ghi cụ thể tên đơn vị liên hệ công tác; giấy giới thiệu thì cấp ngày 15/2/2020, nhưng có thời hạn đến ngày 30/12/2020. Biết giấy giới thiệu này là chưa đúng quy định của Bộ TT&TT. Tuy nhiên, tôi không hề nghĩ đến việc họ giả danh người của cơ quan báo chí, hơn nữa, do chưa có biểu hiện xấu nên cũng không chất vấn. Khi họ đề nghị viết bài tuyên truyền, chúng tôi đã từ chối vì quy định của ngành không cho phép và cũng không có nhu cầu. Lúc họ rời đi, cơ quan “có chút xăng, xe” mang tính xã giao. Nay xem thông tin trên báo, thấy đây là một việc cần rút kinh nghiệm...”.

Ở bài viết “Làm rõ dấu hiệu mạo danh nhà báo sách nhiễu ở Quỳ Châu” (Báo Nghệ An đăng tải ngày 15/10/2020) đã thông tin, khi thấy trong tập hồ sơ các đối tượng bỏ quên có chiếc phong bì của xã Hạnh Dịch (huyện Quế Phong), Trưởng Công an xã Châu Bính, Thượng úy Hồ Trọng Đạt đã liên hệ với cán bộ xã Hạnh Dịch để xác minh. Qua đó, Thượng úy Hồ Trọng Đạt nắm được thông tin nhóm người này từng đến xã Hạnh Dịch thực hiện các hành vi tương tự như ở xã Châu Bính. Đó là cũng quay phim, chụp ảnh trụ sở và các phòng làm việc, rồi chất vấn vì sao Bí thư, Chủ tịch xã không có mặt tại cơ quan? Sau đó buông lời dọa dẫm “sẽ lên làm việc với UBND huyện”.

Từ những thông tin của xã Châu Bính, khớp nối với thông tin của Thượng úy Hồ Trọng Đạt, cùng các thông tin của Bí thư Đảng ủy của địa phương cấp xã thuộc huyện Nghĩa Đàn, lãnh đạo đơn vị trên địa bàn huyện Quế Phong..., khẳng định rằng nhóm đối tượng này đã đến nhiều các cơ quan, đơn vị, chính quyền địa phương cơ sở trên địa bàn tỉnh. Trong những lần đó, họ đã có những hoạt động trái với quy định, hoàn toàn không có tác phong của người làm báo; thậm chí, đã thể hiện hành vi sách nhiễu như tại các xã Châu Bính (Quỳ Châu), Hạnh Dịch (Quế Phong)...

Cần truy nguyên gốc rễ vấn đề!

Tìm hiểu, Tạp chí Dân tộc và Thời đại thuộc Hội Dân tộc học và Nhân học Việt Nam; còn Tạp chí Tri thức Xanh là cơ quan lý luận của Viện Khoa học Môi trường và Xã hội. Theo thông tin trên Cổng thông tin điện tử của Bộ TT&TT thì tôn chỉ và mục đích hoạt động của Tạp chí Dân tộc và Thời đại là: Tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng; chính sách, pháp luật của Nhà nước về dân tộc; Phổ biến kiến thức về nhân học - dân tộc học... Còn Viện Khoa học Môi trường và Xã hội là tổ chức hướng đến nghiên cứu, thực hiện và phát triển các chương trình, đề tài, dự án trong lĩnh vực khoa học môi trường, công nghệ sinh học, kinh tế, xã hội, văn hóa và khoa học quản lý...; Thực hiện các dịch vụ khoa học: Tư vấn, phản biện, thẩm định các chương trình, đề tài, dự án, chuyển giao công nghệ mới liên quan tới các hoạt động về môi trường, công nghệ sinh học, biến đổi khí hậu... Với tôn chỉ, mục đích như vậy, cán bộ, phóng viên của hai tạp chí này sẽ không bao giờ có những hành vi đáng ngờ trong quá trình tác nghiệp như: không xuất trình giấy tờ liên quan khi đến cơ quan, đơn vị, chính quyền địa phương cơ sở; không tự ý quay phim, chụp ảnh để tìm cách bắt lỗi, dọa dẫm...

Ngày 25/9/2020, Tạp chí Dân tộc và Thời đại khi được hỏi về Giấy giới thiệu số 226/GGT-DTTĐ của bà Nguyễn Thị Vân thì đã phát Công văn số 31/BC-DTTĐ trả lời Sở TT&T rằng bà Nguyễn Thị Vân không phải là phóng viên của Tạp chí này. Vậy Tạp chí Tri thức Xanh sẽ trả lời như thế nào khi nhóm đối tượng có những bản Hợp đồng giới thiệu quảng cáo – tuyên truyền, Hợp đồng phát hành có đóng sẵn dấu đỏ, ký tên lãnh đạo đơn vị họ?

Qua một cán bộ của Sở TT&TT, được biết Tạp chí Tri thức Xanh không đăng ký văn phòng đại diện, hay có phóng viên thường trú tại địa bàn tỉnh. Bởi vậy, cần xác minh trong nhóm đối tượng có người của Tạp chí Tri thức Xanh hay không? Nếu Tạp chí Tri thức Xanh khi được hỏi đến cũng có câu trả lời tương tự như Tạp chí Dân tộc và thời đại, thì cần phải thực hiện giám định những con dấu trên giấy giới thiệu và các bản hợp đồng là giả hay thật?.

Trong trường hợp những con dấu trên giấy giới thiệu và trên các bản hợp đồng là giả, thì làm rõ hành vi sử dụng con dấu, giấy tờ giả của cơ quan, tổ chức. Còn nếu những con dấu trên giấy giới thiệu và các bản hợp đồng là thật, thì cần làm rõ thêm trách nhiệm liên quan của hai cơ quan tạp chí này!.

Nhóm PVĐT