Đợt mưa lũ 'chưa từng thấy' ở miền Trung sẽ trở thành 'bình thường mới' trong tương lai
(Baonghean.vn) - Trong những ngày qua, miền Trung liên tiếp xảy ra các đợt mưa lũ. Những trận mưa lớn “chưa từng thấy” đã khiến hàng trăm người chết và mất tích. Báo Nghệ An có cuộc phỏng vấn với ông Nguyễn Xuân Tiến - Phó Giám đốc Đài Khí tượng thủy văn Bắc Trung Bộ liên quan đến thời tiết cực đoan này.
P.V: Thưa ông, đợt mưa lũ kéo dài nhiều ngày nay ở miền Trung đã khiến hơn 130 người chết và mất tích, nhiều ý kiến cho rằng, “đây là những đợt mưa lớn chưa từng thấy”, ông có thể đánh giá về đợt lũ năm nay?
Nguyên nhân gây mưa rất to ở Bắc Trung Bộ nói chung và Nghệ An, Hà Tĩnh nói riêng trong 1 tuần trở lại đây do chịu ảnh hưởng hình thế gây mưa lớn điển hình. Đó là tổ hợp của dải hội tụ với bão/áp thấp nhiệt đới (ATNĐ) kết hợp không khí lạnh và địa hình chắn gió Đông Bắc của khu vực nên đã gây ra một đợt mưa rất to và đặc biệt to ở tỉnh Hà Tĩnh. Cụ thể, chỉ trong gần 2 tuần, miền Trung đón liên tiếp 2 đợt không khí lạnh. Ngoài ra, sườn phía Đông của dãy Trường Sơn cũng đón một luồng gió mùa Đông Bắc đem hơi ẩm từ trên cao lục địa vào đất liền.
Đây là 2 hình thái thời tiết rất điển hình gây ra mưa lớn cho Trung Bộ hàng năm. Năm nay, các hình thái này xuất hiện cùng lúc, dồn dập, tạo thành một tổ hợp thời tiết cực đoan khiến mưa lũ xuất hiện với lượng lớn và kéo dài nhiều ngày. Lượng mưa đo được từ ngày 16/10 đến 13h ngày 20/10 tại Nghệ An phổ biến 150 - 350mm, có nơi cao hơn như TV (thủy văn) Chợ Tràng 483mm, KT (khí tượng) Vinh 482mm, TV Con Cuông 388mm; tại Hà Tĩnh phổ biến từ 500 - 800mm, có nơi cao hơn như: KT Hà Tĩnh 1401mm (lượng mưa đạt 820mm/24h, đạt kỷ lục mưa ở Bắc Trung Bộ), TV Thạch Đồng 1.204mm, TV Cẩm Nhượng 996mm...
Mưa lũ lịch sử trong những ngày qua gây thiệt hại không nhỏ với miền Trung. Ảnh: Hồng Lĩnh |
Trong 20 ngày đầu tháng 10, các tỉnh từ Hà Tĩnh đến Quảng Ngãi ghi nhận lượng mưa phổ biến 1.000 - 2.000 mm, có nơi mưa đến 2.000 - 3.000 mm. Số liệu này cao gấp 3-5 lần so với lượng mưa trung bình nhiều năm cùng thời kỳ.
P.V: Thời gian tới, thời tiết ở Nghệ An nói riêng và miền Trung nói chung sẽ như thế nào, thưa ông?
Hiện nay, trên Biển Đông đang có cơn bão số 8 (có tên quốc tế là Saudel). Sáng 25/10, bão đang cách đất liền các tỉnh từ Hà Tĩnh đến Quảng Trị khoảng 260 km về phía Đông. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 8-9 (60-90km/giờ), giật cấp 11. Bán kính gió mạnh từ cấp 6, giật từ cấp 8 trở lên khoảng 140km tính từ tâm bão.
Dự báo trong 24 giờ tới, bão di chuyển theo hướng Tây, mỗi giờ đi được 15-20km, đi vào đất liền các tỉnh từ Hà Tĩnh đến Quảng Trị và suy yếu dần thành áp thấp nhiệt đới, sau đó là một vùng áp thấp. Đến 7h ngày 26/10, vị trí trung tâm vùng áp thấp ở vào khoảng 17,5 độ Vĩ Bắc; 105,2 độ Kinh Đông, trên khu vực Nam Lào.
Dự báo từ nay cho tới hết năm 2020, trên khu vực Biển Đông còn có khả năng xuất hiện khoảng 4-6 cơn bão và áp thấp nhiệt đới, trong đó có khoảng 2-4 cơn ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền nước ta, tập trung nhiều ở khu vực Trung Bộ và phía Nam. Vì vậy, cần đề phòng các đợt mưa lớn dồn dập và kéo dài ở khu vực miền Trung trong nửa cuối tháng 10 và tháng 11/2020, ở khu vực Bắc Trung Bộ.
Ông Nguyễn Xuân Tiến - Phó Giám đốc Đài Khí tượng thủy văn Bắc Trung Bộ. Ảnh: P.V |
Các đợt rét đậm, rét hại có thể xuất hiện sớm hơn trung bình, từ nửa cuối tháng 12/2020 đến tháng 2/2021 và có thể kéo dài từ 7-10 ngày, riêng các tỉnh vùng vùng núi kéo dài trên 10 ngày. Đề phòng các hiện tượng băng giá và sương muối trong các tháng chính của mùa Đông 2020-2021.
P.V: Các chuyên gia quốc tế cho rằng lũ lụt ở miền Trung là hậu quả của hình thái thời tiết phức tạp, có thể trở thành "bình thường mới" trong tương lai. Khi mực nước biển dâng và tiến sâu vào đất liền, nước lũ sẽ dâng cao hơn so với trước đây. Và Việt Nam đang hứng chịu những tác động thời tiết tồi tệ nhất thế giới. Ông có thể cho biết quan điểm của ông về những nhận định này?
Tôi nhất trí với các nhận định của chuyên gia quốc tế về lũ lụt ở miền Trung là hậu quả của hình thái thời tiết phức tạp, có thể trở thành "bình thường mới" trong tương lai. Dưới tác động của biến đổi khí hậu sẽ làm mực nước biển dâng lên làm cho nước lũ sẽ khó thoát ra biển và lũ dâng cao hơn với trước đây. Hơn nữa dưới tác động của biến đổi khí hậu sẽ làm gia tăng các hiện tượng khí tượng thủy văn nguy hiểm như: bão, áp thấp nhiệt đới, mưa lớn, lũ, lũ quét… Đặc biệt làm gia tăng các cơn bão có cường độ lớn, mưa lớn với cường độ lớn như tôi đã nói ở trên.
Nước biển dâng sẽ khiến lũ lụt ngày càng nghiêm trọng. Trong ảnh là một bãi biển ở miền Trung bị sóng biển tàn phá. Ảnh: Tiến Hùng |
P.V: Để giảm thiểu thiệt hại về người và tải sản, cơ quan chức năng cũng như người dân cần làm những gì vào lúc này, thưa ông?
Để giảm thiểu thiệt hại về người và tải sản, cơ quan chức năng cũng như người dân cần thường xuyên theo dõi, liên tục cập nhật các bản tin dự báo, cảnh báo các loại thiên tai để có biện pháp phòng, chống thích hợp. Như có quy hoạch, thiết kế công trình phù hợp; có biện pháp chỉ đạo phòng, tránh kịp thời và hiệu quả. Các lựa chọn gồm xây tường chắn, tìm khu tái định cư cho người dân hoặc tìm sinh kế mới cho họ, quy hoạch lại khu vực nông thôn và thành thị.
Đồng thời nâng cao công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho công đồng về phòng, tránh thiên tai để người dân chủ động phòng, tránh thiên tai. Biến đổi khí hậu có thể ảnh hưởng đến các đặc điểm của mưa và bão, do đó những kinh nghiệm trước đây có thể không còn hữu ích trong những thập kỷ tới. Mà cần có phản ứng sáng tạo để các nước khác có thể coi như bài học kinh nghiệm, nếu không sẽ phải hứng chịu các thảm họa lũ lụt liên tiếp trong tương lai.
Vùng Châu Nhân ở huyện Hưng Nguyên ngập lụt nặng trong đợt lũ vừa qua. Ảnh: Quang An |
P.V: Vâng, xin cảm ơn ông!
Theo kịch bản biến đổi khí hậu được Bộ Tài nguyên và Môi trường đưa ra, nhiệt độ tất cả các vùng của Việt Nam đều có xu thế tăng với mức tăng lớn nhất là khu vực phía Bắc. Lượng mưa năm cũng có xu thế tăng trên phạm vi toàn quốc. Số lượng bão và áp thấp nhiệt đới yếu và trung bình có xu thế giảm nhẹ hoặc ít thay đổi, nhưng bão mạnh đến rất mạnh có xu thế gia tăng. Về mùa Đông, số ngày rét đậm, rét hại các tỉnh miền núi phía Bắc, đồng bằng Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ đều giảm. Số ngày nắng nóng có xu thế tăng trên phần lớn diện tích cả nước, lớn nhất là ở Bắc Trung Bộ.
Còn về mực nước biển, mực nước biển dâng cao nhất ở khu vực quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa với giá trị tương ứng là 58cm (36-80cm) và 57cm (33-83cm); các khu vực Móng Cái - Hòn Dáu và Hòn Dáu - Đèo Ngang có mực nước biển dâng thấp nhất là 53cm (32-75cm)… Các chuyên gia về BĐKH cảnh báo, nếu mực nước biển dâng một mét thì sẽ có khoảng 39% diện tích ĐBSCL, trên 10% diện tích vùng đồng bằng sông Hồng và Quảng Ninh, 3% diện tích thuộc các tỉnh ven biển miền Trung và trên 20% diện tích TP. Hồ Chí Minh có nguy cơ bị ngập.