Nghệ An phát huy '4 tại chỗ' trong mùa mưa bão

Văn Trường 25/10/2020 12:02

(Baonghean.vn) - Nghệ An đã phát huy được phương châm "4 tại chỗ" trong phòng, chống thiên tai và tìm kiếm, cứu nạn, đó là: Chỉ huy tại chỗ, lực lượng tại chỗ, vật tư, phương tiện tại chỗ và hậu cần tại chỗ, phần nào giảm thiểu được thiệt hại do mưa lũ gây ra trên địa bàn.

Chủ động phòng tránh

Đợt mưa lũ vừa qua ở huyện Kỳ Sơn xuất hiện nhiều điểm sạt lở núi, đe dọa tính mạng của người dân, các điểm sạt lở núi tập trung ở các xã:Mường Típ, Mường Ải, Bảo Nam, Chiêu Lưu.

Tuy nhiên, nhờ phát huy tốt phương châm “4 tại chỗ” nên huyện đã chủ động trong công tác phòng, chống thiên tai.

Ngay sau khi phát hiện ra tình trạng trên, huyện đã huy động kịp thời trên 200 người để sơ tán dân. Cụ thể là huy động được bộ đội, công an, kết hợp với chính quyền địa phương cùng Nhân dân khẩn trương di dời được di dời 281 hộ dân thuộc các xã Mường Típ, Mường Ải, Bảo Nam, Chiêu Lưu đến nơi an toàn.

Bên cạnh đó, đã huy động lực lượng tại chỗ di dời được 3 ngôi nhà ở bản Lưu Thắng, xã Chiêu Lưu có nguy cơ sạt lở núi đến nơi an toàn. Đặc biệt, huyện đã xây dựng kịp thời được 120 lán trại, mỗi lán trại rộng 24 m2, khi cần thiết có thể chứa được khoảng 1.200 hộ sơ tán.

a
Để giúp người dân ở các khu sơ tán, UBND huyện Kỳ Sơn đã trích kinh phí hỗ trợ thực phẩm và nước uống cho người dân. Ảnh: Lữ Phú

Để chủ động phòng, chống thiên tai, huyện Kỳ Sơn xây dựng phương án PCBL, lũ ống, lũ quét. Huyện đã cảnh báo các điểm có nguy cơ xảy ra lũ quét để các địa phương và Nhân dân chủ động phương án phòng tránh, giữ được thông tin liên lạc để tổ chức cứu trợ, cứu nạn. Bảo vệ các cơ sở hạ tầng, như trường học, trạm xá tại các vị trí có nguy cơ xảy ra lũ ống, lũ quét, dự trữ lương thực, thực phẩm trước mùa mưa lũ.

Huyện cũng đã thành lập các đoàn thường xuyên xuống cơ sở để kiểm tra các công trình hồ chứa, kiểm tra phương án triển khai PCBL, lũ quét của các xã. Xây dựng bảng tổng hợp số dân sơ tán phòng, chống lụt bão, thành lập các tổ xung kích đến tận thôn, bản để ứng cứu kịp thời khi xảy ra sự cố.

2
Người dân huyện Kỳ Sơn di chuyển đến các khu sơ tán an toàn. Ảnh tư liệu: Lữ Phú

Các địa phương khác như TP. Vinh, các huyện hay chịu cảnh ngập úng trên địa bàn tỉnh cũng sẵn sàng cho phương châm “4 tại chỗ” để giảm thiểu thiệt hại mùa mưa lũ. Điển hình như xã Trung Phúc Cường, huyện Nam Đàn, được sáp nhập từ 3 xã Nam Trung, Nam Phúc, Nam Cường - vùng trước đây là rốn lũ của huyện, hiện có 5 xóm (800 hộ dân) ở vùng ngoài đê, vào mùa mưa nước sông Lam dâng cao nên thường xuyên xảy ra ngập úng.

Đại diện UBND xã Trung Phúc Cường cho biết: Để chủ động phòng, chống thiên tai, xã đã chủ động xây dựng phương án PCLB. Rà soát các điểm đê ách yếu thường xuyên bị sạt lở, lún sụt, từ đó có kế hoạch chuẩn bị số lượng bao tải cát, đá, cọc tre để khi cần hộ đê ở các điểm xung yếu. Đặc biệt, xã kiện toàn lực lượng cơ động trên 200 người để khi cần có thể giúp 5 xóm ngoài đê di dời đến nơi an toàn.

Để chủ động phương châm “4 tại chỗ”, huyện Nam Đàn đã rà soát, xây dựng các phương án, bố trí, huy động lực lượng, phương tiện cần thiết cho từng vùng, chủ động phối hợp với UBND các xã, thị trấn thành lập các đội xung kích canh hộ đê, đập, cống khi có mệnh lệnh báo động, huyện đã triển khai các phương án để hộ đê, chỉ đạo các xã dọc đê phối hợp với các Hạt quản lý đê để chuẩn bị nguyên, vật liệu như đất, cát, bao tải khi cần để sử dụng ứng cứu.

Đối với vùng hồ, đập, chỉ đạo các xã kiểm tra các cống dưới đập, tràn xả lũ, khả năng xả lũ của tràn, mức độ sạt lở mái đập để có kế hoạch tu bổ trước mùa mưa lũ. Các xã ở vùng ngoài đê, huyện đã xây dựng "kịch bản” để di dời dân khi nước sông lên.

Mưa
Xã Châu Nhân là một trong những địa phương bị ngập lụt nặng nề nhất trên địa bàn Nghệ An. Ảnh: Quang An

Thực hiện đồng bộ các giải pháp

Theo đánh giá của Ban Chỉ huy phòng, chống lụt bão tỉnh, thời gian mưa lũ vừa qua, Nghệ An đã phát huy khá tốt phương châm “4 tại chỗ” để phòng, chống bão lụt. Như các địa phương đã cho rà soát lại chủng loại, phương tiện vật tư cấp thiết cho công tác PCTT-TKCN, để có cơ sở lên kế hoạch điều chỉnh, bổ sung kịp thời.

Rà soát, xây dựng các phương án, bố trí, huy động lực lượng, phương tiện cần thiết cho từng vùng, từng địa bàn để tham gia ứng cứu và xử lý kịp thời các tình huống khẩn cấp về lũ, bão và công tác tìm kiếm, cứu nạn, đảm bảo quân đội là lực lượng chủ lực trong công tác này. Tổ chức thị sát các bãi tập kết, phương tiện đường bộ để vận chuyển lực lượng ứng cứu, vật tư, thiết bị khi có lũ, bão lớn xảy ra. Chủ động phối hợp với UBND các xã, thị trấn thành lập các đội xung kích canh hộ đê, đập, cống khi có mệnh lệnh báo động.

a
Lãnh đạo xã Châu Nhân tuyên truyền cho người dân về việc nghiêm túc thực hiện "4 tại chỗ" trong phòng, chống thiên tai. Ảnh: Quang An

Rà soát các phương án, kế hoạch tìm kiếm, cứu nạn, bảo đảm sát thực tế và đặc điểm diễn biến bão, lũ, sạt lở đất, tố lốc, sự cố, tai nạn để có biện pháp chủ động phòng ngừa và đối phó với mọi tình huống. Đặc biệt, sẵn sàng nhân lực gồm lực lượng công an, bộ đội cùng các tổ, đội cơ động cấp xã, xóm để vào cuộc khi cần thiết. Các địa phương tăng cường và củng cố mạng thông tin phục vụ phòng, chống lụt, bão, đảm bảo thông tin liên lạc thông suốt trong mọi tình huống.

Các địa phương đều chuẩn bị dự phòng bao bì, phục vụ cho việc ứng cứu đê, đập, khi có lệnh huy động. Dự phòng lương thực để chi viện cho các vùng lụt, bão. Đặc biệt, tập trung được nguồn hàng (thuốc và dụng cụ y tế) ưu tiên cho các địa bàn trọng điểm lũ, lụt thường xuyên xảy ra.

Xây dựng kế hoạch tổ chức khám, chữa bệnh, dịch vụ thuốc lưu động đến tại các vùng trọng điểm. Có kế hoạch ngăn ngừa dập tắt các ổ dịch, bệnh cho người và gia súc, trong và sau bão, lụt. Phổ biến cho cộng đồng dân cư bảo vệ môi trường, trước và sau khi lụt, bão xảy ra. Xử lý môi trường những vùng bị úng lụt, bão và các thảm họa xảy ra.

Bộ đội Biên phòng Nghệ An hỗ trợ Nhân dân neo đậu tàu thuyền khi có bão. Ảnh: Lê Thạch

Tuy nhiên, công tác "4 tại chỗ" đang còn những hạn chế, như nhiều nơi bà con ở các huyện rẻo cao như Kỳ Sơn, Quế Phong, Con Cuông, Quỳ Châu vẫn còn lơ là, chủ quan, chưa chủ động các biện pháp ứng phó thiên tai. Vẫn dựng nhà, dựng lán ở ven sông, suối, dưới chân đồi. Từ đó cho thấy, việc tuyên truyền là chưa đủ, rất cần cả ý thức của người dân. Chưa hình thành các đội ứng phó thiên tai chuyên nghiệp sẵn sàng điều phối, xử lý mọi sự cố đê điều, hồ, đập, thiên tai có thể xảy ra. Lực lượng xung kích phòng, chống ở cơ sở hầu như ít được tổ chức tập huấn, huấn luyện và trang thiết bị đúng mức, năng lực ứng phó thiên tai, đặc biệt là ứng phó giờ đầu khi có tình huống thiên tai còn rất hạn chế.

Tại các ngành, địa phương, cán bộ làm công tác PCTT chủ yếu là kiêm nhiệm, đặc biệt, ở nhiều huyện không có cán bộ được đào tạo chuyên môn. Vì vậy, chất lượng về tham mưu còn hạn chế, chưa đáp ứng yêu cầu, nhất là trong tình hình thiên tai cực đoan, nhiều tình huống mới xuất hiện.

Xác định tình hình thời tiết tiếp tục tiềm ẩn nhiều yếu tố phức tạp, khó lường. Nghệ An được xác định vẫn là trọng điểm về lụt, bão, lũ ống, lũ quét.

Để chủ động phòng, chống, ứng phó có hiệu quả các sự cố và diễn biến bất thường của thiên tai, ngoài việc dựa vào sức dân, các ngành, địa phương cần tiếp tục phát huy tốt hơn phương châm “4 tại chỗ”. UBND tỉnh Nghệ An đã chỉ đạo các địa phương tổ chức kiểm tra, rà soát nơi ở an toàn của người dân, nhất là những khu vực nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất. Sẵn sàng các phương án để chủ động ứng phó khi có tình huống, đặc biệt là bố trí lực lượng xung kích, vật tư, phương tiện tại chỗ, triển khai các biện pháp đảm bảo an toàn cho Nhân dân.

Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh cùng các ngành, địa phương, đơn vị triển khai quyết liệt, đồng bộ, triển khai nhân rộng các đội xung kích phòng, chống thiên tai từng xã, thôn, bản với lực lượng dân quân tự vệ làm nòng cốt để chủ động ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai ngay từ giờ đầu, chuẩn bị tốt cả 3 khâu phòng ngừa, ứng phó và khắc phục hậu quả.

Đặt biển cảnh báo nguy hiểm đoạn sạt lở núi ở dốc Chó, xã Lạng Khê, huyện Con Cuông cho người và phương tiện lưu thông. Ảnh: CTV
Đặt biển cảnh báo nguy hiểm đoạn sạt lở núi ở dốc Chó, xã Lạng Khê, huyện Con Cuông ngày 18/10/2020. Ảnh tư liệu CTV

Tổ chức kiểm tra công tác bảo đảm an toàn hồ, đập, nhất là các hồ, đập xung yếu, hồ thủy điện nhỏ, công trình đang thi công, sửa chữa; bố trí lực lượng, vật tư, máy móc, thiết bị sẵn sàng ứng phó, xử lý khi có tình huống.

Chủ động triển khai lực lượng kiểm soát, hướng dẫn giao thông, nhất là qua các ngầm, tràn, khu vực ngập sâu, nước chảy xiết; chủ động bố trí lực lượng, vật tư, phương tiện để khắc phục sự cố, bảo đảm giao thông thông suốt trên các trục giao thông chính./.

Văn Trường