Tân Kỳ: Nhiều giải pháp 'gỡ khó' cho chương trình Sách giáo khoa lớp 1
(Baonghean.vn) - Tân Kỳ là một huyện miền núi, điều kiện cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên còn khá nhiều khó khăn. Tuy vậy, thời điểm này, việc triển khai chương trình sách giáo khoa lớp 1 trên địa bàn đang được thực hiện khá thuận lợi. Kết quả này là cố gắng sau nhiều nỗ lực về đổi mới, linh hoạt trong quá trình triển khai.
Tăng cường sinh hoạt chuyên môn
Sáng 4/11, tại Trường Tiểu học thị trấn, Tiểu học Kỳ Tân và Tiểu học Tiên Kỳ đồng thời cùng tổ chức 12 tiết dạy thể nghiệm đối với học sinh lớp 1 với 2 môn Toán và Tiếng Việt.
Trong chương trình này, ngoài 12 giáo viên đứng lớp được lựa chọn khá ngẫu nhiên từ các nhà trường còn có sự tham gia của 116 cán bộ, giáo viên đến từ 22 trường tiểu học trong toàn huyện. Với thời lượng một tiết 45 phút và không có nhiều sự chuẩn bị (do giáo viên chưa được làm quen với học sinh) nhưng qua theo dõi các tiết học, học sinh khá hứng thú với tiết dạy.
Tiết dạy thực nghiệm môn Toán cho học sinh lớp 1 tại Trường Tiểu học thị trấn. Ảnh: MH |
Đặc biệt, tại các tiết học này, để giúp học sinh dễ hiểu, dễ nhớ và hứng thú với bài giảng, giáo viên đã sử dụng khá đa dạng các thiết bị dạy học hỗ trợ. Trong đó, với giờ Toán, để học các phép tính trong phạm vi 10, các cô giáo đã đồng thời sử dụng nhiều hình ảnh minh họa, vừa có tính chất trực quan như tranh ảnh, đồ chơi, vừa sử dụng đồng thời các học liệu điện tử minh họa cùng với bộ sách giáo khoa. Ngoài nghe giảng trực tiếp, một số tiết học còn được tổ chức bằng hình thức thảo luận và làm bài tập nhóm khá sôi nổi.
Học sinh cùng tham gia làm bài tập nhóm với bài học về môn Toán. Ảnh: MH. |
Trong giờ Tiếng Việt, mặc dù học sinh phải học bài học về “Ôm ốp” với khá nhiều nội dung nhưng tiết học cũng đã được triển khai thuận lợi bởi giáo viên tổ chức tiết dạy khá linh hoạt. Việc giao lưu, trao đổi giữa cô giáo và học trò được diễn ra thường xuyên. Sau mỗi tiết học, đánh giá chung học sinh lĩnh hội được bài giảng và tiết học đạt mục tiêu đề ra.
Là một trong những giáo viên được chọn để đứng lớp tiết dạy thể nghiệm, cô giáo Hoàng Thị Huyền - Trường Tiểu học Nghĩa Hành cho biết: Trường chúng tôi ở vùng khó nên đến thời điểm này việc trang bị màn hình máy chiếu hoặc tivi ở các lớp học là chưa có. Tuy nhiên, ở tiết dạy thử nghiệm này tôi vẫn mạnh dạn sử dụng học liệu điện tử để đem đến cho học sinh những bài giảng sinh động và hấp dẫn. Qua đó, tôi cũng sẽ rút kinh nghiệm để sau khi về trường sẽ có những điều chỉnh phù hợp với đối tượng học sinh của mình.
Tiết dạy của cô giáo Nguyễn Thị Huyền - Trường Tiểu học Nghĩa Hành. Ảnh: MH |
Ngay sau các tiết dạy thể nghiệm, một buổi sinh hoạt chuyên môn cũng đã được các điểm trường triển khai. Thông qua nhận xét trực tiếp các bài giảng, giáo viên đứng lớp và những người đồng môn đã tự phân tích, mổ xẻ những ưu điểm, hạn chế và góp ý để bài giảng được hiệu quả hơn. Việc góp ý thẳng thắn và trách nhiệm của các giáo viên cũng cho thấy trách nhiệm và tâm huyết của các thầy giáo, cô giáo.
Trước đó, trước khi bước vào năm học mới, nhiều đơn vị tổ chức các tiết dạy, các hoạt động trải nghiệm và mời phụ huynh lớp 1 thăm lớp, dự giờ, tham gia các hoạt động giáo dục cùng học sinh để tìm hiểu về nội dung, chương trình SGK lớp 1 và việc đổi mới phương pháp, hình thức tổ chức dạy học hiện nay; các trường, các lớp phối hợp với phụ huynh lập các trang, nhóm Zalo, Facebook, Messenger...và thường xuyên cập nhật các hoạt động giáo dục của nhà trường, của lớp.
Tín hiệu tích cực là dù trong thời gian qua, xung quanh việc triển khai chương trình mới còn những băn khoăn nhưng các tiết dạy thể nghiệm đều được cán bộ giáo viên các trường đánh giá cao, từ khâu thiết kế giáo án, chuẩn bị phương tiện dạy học đến tổ chức thực hiện dạy và học trên lớp; các tiết dạy đảm bảo yêu cầu cần đạt của chương trình, nhất là phát huy được phẩm chất, năng lực học sinh.
Học sinh thực hành trên đồ dùng dạy học trong tiết học Tiếng Việt. Ảnh: MH |
Về phía Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Tân Kỳ, thông qua chương trình này đã góp phần hỗ trợ các trường tiểu học triển khai có hiệu quả chương trình, sách giáo khoa lớp 1 và các chuyên đề về đổi mới phương pháp dạy học theo định hướng phát triển phẩm chất, năng lực học sinh.
Chủ động trong quá trình lên lớp
Toàn huyện Tân Kỳ có 22 trường tiểu học và được phân bổ tại 50 điểm trường. Hiện học sinh lớp 1 chiếm 21% học sinh tiểu học của huyện.
Ông Hoàng Đình Sơn - Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Tân Kỳ phát biểu tại Hội nghị triển khai chương trình mới. Ảnh: MH |
Triển khai chương trình sách giáo khoa mới, bậc tiểu học của huyện Tân Kỳ cũng đứng trước những khó khăn khi tỷ lệ giáo viên văn hóa của huyện chỉ mới đạt 1,1 giáo viên/lớp. Đến thời điểm hiện tại, toàn huyện lắp được 310 bộ máy tính, lắp mới 62 ti vi phục vụ dạy học các lớp (trong đó chủ yếu là lớp 1). Tuy vậy, nhiều trường học điều kiện vật chất, trang thiết bị dạy học còn nhiều hạn chế và chỉ mới có khoảng 1/3 trường đáp ứng được theo chương trình mới.
Với thực tế trên, trong 8 tuần đầu tiên triển khai chương trình mới, ngành giáo dục của huyện đã chỉ đạo các nhà trường triển khai đồng thời nhiều nội dung như chú trọng đến việc tuyên truyền để phụ huynh nhận thức đầy đủ về việc thay sách giáo khoa.
Giáo viên lớp 1 trên toàn địa bàn huyện Tân Kỳ tham gia hội nghị về thực hiện chương trình sách giáo khoa mới. Ảnh: MH |
Mặc dù còn có khó khăn về đội ngũ, song 22/22 cơ sở giáo dục tiểu học đã thực hiện dạy học từ 30 đến 32 tiết/tuần đối với lớp 1. Song song với việc tổ chức dạy học các môn bắt buộc, các đơn vị đã quan tâm ưu tiên tổ chức dạy học ngoại ngữ cho học sinh lớp 1 và đạt tỷ lệ 100%.
Đặc biệt, để giúp học sinh có thêm thời gian ôn luyện, ngoài các buổi học theo kế hoạch được phê duyệt, có nhiều trường, nhiều giáo viên đã tổ chức dạy tăng buổi miễn phí cho học sinh vào các ngày nghỉ trong tuần để học sinh làm quen, củng cố kiến thức, được phụ huynh đồng tình và đánh giá cao đối với các nhà trường.
Việc tăng cường tổ chức thăm lớp dự giờ để tư vấn, hỗ trợ giáo viên tháo gỡ những khó khăn trong quá trình dạy học cũng được triển khai thường xuyên.
Các đơn vị cũng đổi mới sinh hoạt chuyên môn như thảo luận xây dựng kế hoạch bài học, đặc biệt là những bài khó, cử giáo viên thể hiện, tổ chức góp ý thống nhất cách thực hiện và tổ chức áp dụng đối với các dạng bài, môn học.
Thảo luận những nội dung khó, chưa phù hợp, thống nhất cách thay thế các ngữ liệu để phù hợp với thực tế tại địa phương, cách xử lý âm, vần khó, chưa học ở bài trước nhưng lại xuất hiện ở bài sau.
Thảo luận các biện pháp khắc phục hiện tượng chưa có đồ dùng dạy học cho giáo viên do chưa có trên thị trường (tổ chức làm, sưu tầm một số đồ dùng phục dạy học).
Một số trường tổ chức khảo sát chất lượng học sinh của các lớp, cùng giáo viên phân loại từng đối tượng học sinh, chỉ đạo giáo viên có kế hoạch cụ thể để giúp đỡ, hỗ trợ học sinh, đặc biệt là những học sinh chưa đạt chuẩn và đạt chuẩn chưa vững chắc (chú ý nhiều đến học sinh chưa nắm được 29 chữ cái).
Sau 2 tháng thực hiện đã thu được kết quả khả quan, so với năm trước đến thời điểm hiện nay nhìn chung học sinh đọc tốt hơn. Đặc biệt các em rất thích thú khi mình tự tìm được nhiều tiếng mới chứa vần đã học. Nói câu chứa tiếng, vần đã học. Nhiều học sinh chữ viết đẹp. Trong quá trình thực hiện luôn có sự quan tâm, đồng hành của phụ huynh học sinh, cũng như sự chỉ đạo sát sao của lãnh đạo, chuyên viên phòng GD&ĐT cũng như sự quan tâm của toàn xã hội. Riêng đối với lớp 1 chất lượng dạy học ở các trường nhận được sự đồng thuận cao của các bậc phụ huynh.
Liên quan đến việc triển khai chương trình mới, Phòng Giáo dục và Đào tạo Tân Kỳ cũng vừa tổ chức Hội nghị chuyên đề “Thực hiện chương trình, sách giáo khoa lớp 1 và đánh giá học sinh theo Thông tư 27/2020/TT - BGDĐT".
Tại hội nghị này, nhiều tham luận chia sẻ về kinh nghiệm triển khai chương trình mới như kinh nghiệm trong công tác chỉ đạo thực hiện chương trình, sách giáo khoa lớp 1, quy trình tổ chức dạy học một số dạng bài Tiếng Việt lớp 1 đã được chia sẻ và thảo luận tích cực.
Sử dụng đồ dùng trực quan trong các tiết giảng sẽ giúp học sinh dễ tiếp thu bài giảng. Ảnh: MH |
Qua thành công của chương trình, ông Hoàng Đình Sơn - Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Tân Kỳ cũng cho biết: Đây là năm đầu tiên triển khai thực hiện chương trình, sách giáo khoa lớp 1 nên trong quá trình triển khai thực hiện rõ ràng không tránh khỏi những bất cập, những khó khăn vướng mắc. Do đó, thời gian tới, ngoài việc tiếp tục đổi mới về sinh hoạt chuyên môn, chúng tôi tiếp tục chỉ đạo toàn ngành tiếp tục nghiên cứu, vận dụng có hiệu quả những ý kiến, ý tưởng, giải pháp tại Hội nghị chuyên đề vào các hoạt động chuyên môn trong nhà trường.
Bên cạnh đó, trên cơ sở bám sát chương trình dạy học lớp 1 và bộ sách giáo khoa (SGK) đã được chọn, chúng tôi khuyến khích giáo viên chủ động, linh hoạt trong việc nghiên cứu, tham khảo các bộ sách giáo khoa khác của cấp học để xây dựng, bổ sung bài dạy đạt chất lượng hiệu quả; nghiên cứu lựa chọn, mạnh dạn thay thế các ngữ liệu chưa phù hợp trong SGK, đảm bảo kiến thức theo yêu cầu cần đạt của chương trình quy định...
Nhờ được trang bị thiết bị dạy học hiện đại, việc áp dụng học liệu điện tử sẽ giúp các trường học trên địa bàn huyện Tân Kỳ thuận lợi hơn trong quá trình giảng dạy. Ảnh: MH. |
Đến thời điểm này, Tân Kỳ cũng là một trong những đơn vị tiên phong trong toàn tỉnh tổ chức một hội nghị chuyên đề về thực hiện chương trình, sách giáo khoa mới.
Tham dự hội nghị, ông Đào Công Lợi - Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo cũng đã đánh giá cao cách làm và hiệu quả của chương trình. Điều này cũng thể hiện trách nhiệm của Phòng Giáo dục và Đào tạo với các nhà trường, cho thấy sự chủ động, tích cực trong quá trình triển khai. Dù là một huyện có điểm xuất phát thấp nhưng hiện nay huyện Tân Kỳ đã là một đơn vị xuất sắc trong toàn ngành và là trong những huyện làm tốt công tác xây dựng trường chuẩn với tỷ lệ 80% (cao hơn mức trung bình chung toàn tỉnh).
Từ những nỗ lực, cố gắng này cũng sẽ góp phần quan trọng để ngành giáo dục huyện nhà chủ động tiếp cận chương trình mới và khắc phục những bất cập để đạt được mục tiêu đề ra.