Ghi nhận từ chương trình bồi dưỡng năng lực giáo viên cốt cán năm 2020

K.L 05/11/2020 09:02

(Baonghean.vn) - Đợt bồi dưỡng nâng cao năng lực giáo viên trung học cơ sở cốt cán (mô đun 2) năm 2020 theo Chương trình ETEP tại Trường Đại học Vinh đã kết thúc. Tuy thời gian bồi dưỡng của mỗi đợt chỉ trong vòng 3 ngày nhưng đã để lại nhiều ấn tượng tốt đẹp đối với đội ngũ giáo viên phổ thông cốt cán tham gia.

Giảng viên nhiệt tình, trách nhiệm

Đối với cô Đặng Thị Thương - Giáo viên Trường THCS Diễn Trung (Diễn Châu, Nghệ An), trải qua 2 đợt tham gia bồi dưỡng mô - đun 1 và 2, cô đặc biệt ấn tượng với phương pháp lên lớp của đội ngũ giảng viên Trường Đại học Vinh. "Họ đã giúp chúng tôi tiếp cận được với phương pháp dạy học phát triển năng lực và phẩm chất của người học, đồng thời hỗ trợ cho chúng tôi rất nhiều trong việc thiết kế bài dạy, đứng lớp... làm thay đổi cách dạy truyền thống. Bản thân tôi cũng học hỏi được rất nhiều từ kinh nghiệm, phương pháp sư phạm của giảng viên".

Còn cô Lê Thị Hằng - Giáo viên Trường THCS Hàm Nghi (Thạch Hà, Hà Tĩnh) cho biết: Bản thân thấy yên tâm vì được tham gia bồi dưỡng ở một cơ sở giáo dục có uy tín với đội ngũ giảng viên chất lượng, có kiến thức sâu rộng và kinh nghiệm thực tiễn cao, tận tình, tâm huyết. "Phương pháp truyền thụ của giáo viên cùng nguồn tài liệu mở đã giúp chúng tôi đã nắm bắt được mục đích, yêu cầu đề ra trong đổi mới chương trình giáo dục tổng thể. Không những tôi mà các giáo viên tham gia tập huấn ở mô đun này hoàn toàn tự tin sẽ triển khai tốt cho giáo viên đại trà và áp dụng vào chương trình giáo dục phổ thông mới" - Cô Hằng chia sẻ.

Giảng viên trường Đại học Vinh hướng dẫn học viên làm bài tập trên máy. Ảnh: K.L
Giảng viên Trường Đại học Vinh hướng dẫn học viên làm bài tập trên máy. Ảnh: K.L

Nhiều giảng viên Trường Đại học Vinh tham gia bồi dưỡng mô đun cho biết: Xác định đối tượng bồi dưỡng là những đồng nghiệp, hơn nữa lại là đội ngũ giáo viên giỏi, giáo viên cốt cán được lựa chọn từ các tỉnh, nhiều người hơn cả tuổi đời, tuổi nghề nên đòi hỏi bản thân đội ngũ giảng viên cũng phải cố gắng đầu tư rất nhiều, cả về thời gian, công sức và trí tuệ. Mặt khác, để nâng cao chất lượng chuyên đề bồi dưỡng thường xuyên cho đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục phổ thông cốt cán của Chương trình ETEP, đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục.

Trung tâm Bồi dưỡng Nghiệp vụ sư phạm Trường Đại học Vinh đã tiến hành phát phiếu khảo sát, xin ý kiến giáo viên, cán bộ quản lý trong khóa tập huấn về chất lượng chuyên đề bồi dưỡng. Kết quả khảo sát cho thấy ý kiến phản hồi trong công tác giảng dạy của báo cáo viên/ giảng viên được học viên đánh giá cao (96,4% hài lòng và rất hài lòng về giảng viên trong hỗ trợ và truyền cảm hứng cho người học; diễn giảng và minh họa tài liệu hiệu quả, vận dụng linh hoạt nhiều phương pháp bồi dưỡng. Ngôn ngữ của báo cáo viên, giảng viên rõ ràng và dễ hiểu).

Giảng viên
Giảng viên tạo không khí cởi mở để học viên chủ động tương tác. Ảnh: K.L

Điều này được minh chứng bằng chính những chia sẻ, những tình cảm trân trọng mà đội ngũ học viên tham gia bồi dưỡng giành cho giảng viên. "Qua thời gian bồi dưỡng các mô đun, học viên chúng tôi đã học hỏi được rất nhiều điều từ đội ngũ giảng viên giàu kinh nghiệm của nhà trường, nhất là về phương pháp, kỹ năng. Quá trình tham gia bồi dưỡng trực tiếp, học viên chúng tôi được tương tác, tranh luận với các giảng viên với tinh thần thoải mái, cởi mở, thậm chí khi học trực tuyến ở nhà có gì vướng mắc học viên chủ động trao đổi qua email, zalo, facebook hoặc gọi điện thoại vẫn được các giảng viên hỗ trợ giải đáp nhiệt tình, chu đáo, giúp học viên hoàn thành tốt bài tập" - Thầy Nguyễn Đình Sâm - Giáo viên Trường THCS Lam Sơn (Ngọc Lặc, Thanh Hóa) bày tỏ.

Để phục vụ công tác bồi dưỡng Giáo viên phổ thông cốt cán, Cán bộ quản lý cơ sở GDPT cốt cán năm 2020, Trường Đại học Vinh đã huy động 87 giảng viên sư phạm chủ chốt, trong đó có 21 Phó Giáo sư, 60 Tiến sĩ.

Cơ sở vật chất, trang thiết bị đảm bảo

Bên cạnh đội ngũ giảng viên, nhiều học viên đến từ các tỉnh Thanh Hóa, Hà Tĩnh đã bày tỏ sự cảm kích khi Trường Đại học Vinh đã ưu tiên sử dụng toàn bộ cơ sở vật chất, hạ tầng công nghệ thông tin, trang thiết bị tốt nhất hiện có để phục vụ công tác bồi dưỡng. Ngoài ra, Nhà trường còn hợp đồng với các khách sạn, công ty xe khách để đảm bảo nơi ăn, nghỉ và phục vụ xe đưa đón học viên theo tinh thần tiết kiệm, hiệu quả, đúng chế độ, đảm bảo sức khỏe, an toàn cho học viên. Nhà trường cũng đã tăng cường đôn đốc, giám sát thường xuyên việc giảng dạy và học tập của các lớp, thực hiện tốt quy trình đảm bảo chất lượng bồi dưỡng của Chương trình ETEP và để lại ấn tượng tốt đối với học viên là đội ngũ giáo viên cốt cán và cán bộ quản lý đến từ 3 tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh.

Cơ sở vật chất, trang thiết bị về cơ bản đáp ứng được yêu cầu học tập của học viên tham gia bồi dưỡng nâng cao năng lực giáo viên cốt cán. Ảnh: K.L
Cơ sở vật chất, trang thiết bị về cơ bản đáp ứng được yêu cầu học tập của học viên tham gia bồi dưỡng nâng cao năng lực giáo viên cốt cán. Ảnh: K.L

Cô Nguyễn Thị Dung - Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Thọ Xuân (Thanh Hóa) cho biết: "Là những người đến từ tỉnh khác, mới đầu bản thân cô và các đồng nghiệp không tránh khỏi lo lắng về nơi ăn, chốn ở và phương tiện đi lại nhưng khi đặt chân đến Trường Đại học Vinh thì mọi lo lắng đã tan biến vì Trường có cơ sở vật chất, trang thiết hiện đại tạo thuận lợi rất nhiều cho quá trình tham gia bồi dưỡng của học viên. Bên cạnh đó, tiếp thu ý kiến góp ý của học viên, nơi ăn ở, phương tiện đi lại cho học viên trong quá trình tham gia bồi dưỡng mô đun 2 cũng được phục vụ tốt hơn so với mô đun 1".

Đồng hương với cô Dung, thầy Nguyễn Đình Sâm - Giáo viên Trường THCS Lam Sơn (Ngọc Lặc, Thanh Hóa) và cô Lê Thị Lan - Giáo viên Trường THCS Nông Trường (Triệu Sơn, Thanh Hóa) cũng bày tỏ ấn tượng về ngôi trường có cảnh quan đẹp, khuôn viên rộng rãi, thoáng đãng. "Cơ sở vật chất về cơ bản đáp ứng được yêu cầu học tập của học viên. Nơi ăn chốn ở được bố trí chu đáo, mặc dù trong quá trình lưu trú không tránh khỏi những ý kiến này, kia vì số lượng học viên đông. Tuy nhiên, nhìn chung chúng tôi rất hài lòng vì những học viên lưu trú xa được nhà trường bố trí xe đưa, xe đón để đảm bảo việc học tập đúng thời gian quy định…" - thầy Sâm chia sẻ.

Trường Đại học Vinh. Ảnh: K.L
Một góc Trường Đại học Vinh.

Nhiều giáo viên cốt cán, cán bộ quản lý như thầy Lê Quang Phúc - Hiệu trưởng Trường THCS Diễn Lâm (Diễn Châu, Nghệ An) vốn là cựu sinh viên Trường Đại học Vinh nên khi được chọn đi tham gia tập huấn các mô đun phục vụ cho Chương trình giáo dục phổ thông mới họ cảm thấy như "được trở về nhà".

Nhiều học viên bày tỏ chính sự tận tình, tâm huyết của các giảng viên, sự tạo điều kiện về mọi mặt (cơ sở vật chất, trang thiết bị, hạ tầng công nghệ thông tin, hệ thống tài liệu, nơi ăn chốn ở, phương tiện đi lại...) từ phía Trường Đại học Vinh đã truyền lửa cho học viên trong việc nỗ lực tiếp thu các nội dung bồi dưỡng để phục vụ cho chương trình giáo dục phổ thông mới một cách tốt nhất. Do vậy, dù mỗi đợt bồi dưỡng chỉ có 3 ngày trong khi khối lượng kiến thức, kỹ năng cần tiếp thu rất lớn, nhưng các học viên đã luôn cố gắng thực hiện tốt các yêu cầu giảng viên đưa ra và phối hợp với giảng viên để hoàn thành chương trình bằng sự tôn trọng, trách nhiệm và danh dự nghề nghiệp.

Chương trình ETEP bồi dưỡng giáo viên phổ thông cốt cán mô đun 2 năm 2020: "Sử dụng phương pháp dạy học, giáo dục phát triển phẩm chất, năng lực học sinh" được chia làm 3 đợt (đợt 1 từ 22/10 - 24/10 bồi dưỡng trực tiếp cho 357 học viên là giáo viên trung học phổ thông của 3 tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An và Hà Tĩnh; đợt 2 từ 27/10 - 29/10 bồi dưỡng cho 575 học viên là giáo viên trung học cơ sở của 2 tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh; đợt 3 từ ngày 01/11 đến ngày 03/11/2020, bồi dưỡng cho 641 học viên của 2 tỉnh Nghệ An, Thanh Hóa).

K.L