Tướng Lê Văn Cương nhận định về nước Mỹ hậu bầu cử
(Baonghean.vn) - Ngay khi các hãng tin tức lớn trên thế giới công bố kết quả bầu cử Tổng thống Mỹ với việc ông Joe Biden giành chiến thắng trước ông Donald Trump, Báo Nghệ An có cuộc phỏng vấn PGS, TS. Thiếu tướng Lê Văn Cương - nguyên Viện trưởng Viện Khoa học và Chiến lược, Bộ Công an về tình hình nước Mỹ lúc này.
P.V: Xin Thiếu tướng cho biết, ông có bị bất ngờ với kết quả bầu cử Tổng thống Mỹ?
Thiếu tướng Lê Văn Cương: Xung quanh cuộc bầu cử này có nhiều đánh giá rất khác nhau. Dư luận quốc tế và trong nước, đã có rất nhiều ý kiến. Ngay từ trước khi diễn ra cuộc bầu cử, một số học giả Việt Nam cho rằng khả năng Tổng thống Donald Trump sẽ tiếp tục nhiệm kỳ lần thứ hai. Trong khi đó, dư luận quốc tế thì lại hướng nhiều vào ông Joe Biden.
Tôi không bất ngờ với chiến thắng của ông Biden, vì trong quá trình nghiên cứu, điều tôi quan tâm nhất là cử tri Mỹ muốn gì vào thời điểm bầu cử tổng thống. Thực ra, nếu chúng ta chỉ quan tâm đến hệ thống phát thanh, truyền hình, báo chí truyền thông Mỹ thì chắc chắn ông Trump đã không thể vào Nhà Trắng từ năm 2016. Các cuộc thăm dò trong năm 2016 và cả năm 2020 cũng không ủng hộ ông Trump.
Người dân theo dõi kết quả trực tiếp cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ giữa Tổng thống đương nhiệm Donald Trump (phải) và ứng viên Tổng thống đảng Dân chủ Joe Biden tại Washington DC, ngày 3/11/2020. Ảnh: AFP/TTXVN |
Trong lịch sử 244 năm của đất nước Mỹ chưa bao giờ có một cuộc bầu cử kịch tính đến phút cuối cùng như cuộc bầu cử lần này.
Trước đợt bầu cử lần này, tôi hiểu được điều cử tri Mỹ cần - sự thay đổi. Chỉ có những diễn biến cụ thể trong những ngày qua cho thấy cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ rất nhiều kịch tính, 2 ứng cử viên bám đuổi nhau từng bang, từng lá phiếu đại cử tri. Trong lịch sử 244 năm của đất nước Mỹ chưa bao giờ có một cuộc bầu cử kịch tính đến phút cuối cùng như cuộc bầu cử lần này.
P.V: Ông đánh giá thế nào về 4 năm cầm quyền của Tổng thống Donald Trump?
Thiếu tướng Lê Văn Cương: Đây là vấn đề lớn mà tôi nghĩ rằng lịch sử nước Mỹ, cử tri Mỹ, các nhà khoa học Mỹ, các nhà nghiên cứu trên thế giới sẽ còn tốn rất nhiều giấy mực.
Ở nước Mỹ trong nửa cuối năm 2020 này, hệ thống phát thanh, truyền hình, báo chí, các quan chức, cựu quan chức… đưa ra rất nhiều đánh giá về ông Donald Trump. Trong đó, có 2 luồng quan điểm khác nhau trong xã hội Mỹ.
Quan điểm thứ nhất là của các nhà sử học, nhà chính trị, học giả, ngoại giao, quan chức an ninh quốc gia… Họ đánh giá tiêu cực về ông Trump. Họ thậm chí có những người đã dùng tất cả những ngôn ngữ tồi tệ nhất để nói về ông Trump. Ví dụ, có nhà sử học đã cho rằng, Donald Trump là một người kỳ lạ, một nhân vật dị thường với tư tưởng ái quốc cực đoan, chứng ái kỷ và thiếu năng lực quản lý. Theo đó, một tổng thống mà lại có biểu hiện chia rẽ quốc gia, phớt lờ quốc hội, xem thường tòa án…
Tổng thống Mỹ Donald Trump theo đuổi chính sách “Nước Mỹ trước tiên” xuyên suốt nhiệm kỳ lãnh đạo đầu tiên của mình. Ảnh: Reuters |
Đại bộ phận cử tri Mỹ có những đánh giá công bằng với những thành tựu kinh tế mà ông Trump đã làm được.
Tầng lớp thứ hai là đại đa số cử tri Mỹ, nhất là những người lao động, họ cho rằng Donald Trump gặp nhiều sai lầm và ông ta có nhiều khuyết điểm, nhưng đại bộ phận cử tri Mỹ có những đánh giá công bằng với những thành tựu kinh tế mà ông Trump đã làm được.
Theo tôi, trong 4 năm vừa qua thành tựu lớn nhất của ông Trump là kinh tế. Trong 3 năm (từ 2017-2019), kinh tế Mỹ đã phát triển một cách rực rỡ. Tỷ lệ lạm phát, tỷ lệ thất nghiệp thấp nhất. Một nền kinh tế sau suy thoái năm 2008 đã được khôi phục một cách ngoạn mục, đưa Mỹ trở thành động lực, trung tâm kinh tế thế giới lớn nhất.
Nhưng bất cập, yếu kém lớn nhất của ông Trump, về đối nội là những sai lầm, thất bại trong việc xử lý đại dịch Covid-19. Từ tháng 2/2020 đến trước bầu cử, Tổng thống Donald Trump đã xử lý thiếu nhất quán. Ngay từ đầu, ông ta đã không nhận thức được thảm họa này. Quá trình triển khai công tác phòng, chống dịch Covid-19 cũng rất bất cập. Hậu quả là số người Mỹ chết vì đại dịch Covid-19 từ tháng 3 đến tháng 10 năm 2020 nhiều hơn tổng số người Mỹ chết trong chiến tranh Triều Tiên, chiến tranh Việt Nam, Iraq, Syria. Kể từ năm 1945, đây là lần đầu tiên đại dịch gieo thảm họa cho Mỹ. Tôi cho rằng đây là yếu kém trong quản lý, xử lý vấn đề khẩn cấp quốc gia của lãnh đạo Chính phủ Mỹ mà đứng đầu là Tổng thống Donald Trump.
Bất cập, yếu kém lớn nhất của ông Trump là những sai lầm, thất bại trong việc xử lý đại dịch Covid-19. Trong ảnh: Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 tại San Francisco, California ngày 12/3/2020. Ảnh: AFP/Getty Images |
Còn một sự kiện nữa là 1 cảnh sát Mỹ khiến 1 người dân da màu chết, khởi nguồn cho những cuộc bạo loạn sắc tộc kéo dài sau đó. Quá trình xử lý vụ việc này cũng không chuẩn đã khiến cho hoạt động đối nội của ông Donald Trump trong tình trạng khẩn cấp không được đánh giá cao. Chính điều này đã làm cho cử tri chuyển hướng...
Về đối ngoại, một số dư luận cho rằng, Tổng thống Donald Trump hoàn toàn thất bại. Đúng là ông Trump đã làm suy yếu liên minh của nước Mỹ. Quan hệ Mỹ và EU, khối NATO rơi vào trạng thái thấp nhất kể từ năm 1945 đến nay. Quan hệ giữa Mỹ với Canada, Nhật Bản, Hàn Quốc… đều xấu. Đây là yếu kém thứ nhất của ông Trump. Hơn thế, Mỹ đã rút khỏi các tổ chức đa phương quốc tế, như Hiệp định Biến đổi khí hậu Paris 2015. Chính việc rút lui khỏi nhiều tổ chức đa phương quốc tế cộng với việc làm suy yếu mối quan hệ đồng minh, dẫn đến vai trò của Mỹ trên thế giới bị suy giảm nghiêm trọng.
Ông Trump là Tổng thống Mỹ đầu tiên - hơn hẳn những người tiền nhiệm phát hiện ra những thủ đoạn cạnh tranh không lành mạnh của Trung Quốc.
Tuy nhiên, Tổng thống Donald Trump vẫn có rất nhiều thành công trong đối ngoại. Tôi cho rằng, cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc có thể không phải là thành công của Tổng thống Donald Trump, nhưng phải thấy rằng, ông Trump là Tổng thống Mỹ đầu tiên - hơn hẳn những người tiền nhiệm, phát hiện ra những thủ đoạn cạnh tranh không lành mạnh của Trung Quốc. Chính ông đã khởi sự cuộc chiến tranh thương mại với Trung Quốc, với tư cách là một doanh nhân có 48 năm lăn lộn thương trường. Qua đây có thể thấy, ông Trump hơn hẳn những người tiền nhiệm hiểu biết về các vấn đề kinh tế.
Chính Tổng thống Donald Trump đã khởi sự cuộc chiến tranh thương mại với Trung Quốc. Trong ảnh: Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại cuộc họp song phương bên lề Hội nghị Thượng đỉnh G20 tại Nhật Bản vào tháng 6/2019. Ảnh: France 24 |
Vì vậy, bên cạnh những sai lầm thiếu sót trong đối ngoại, Tổng thống Donald Trump cũng có những phát hiện các khuyết tật của tổ chức đa phương, những bất cập, yếu kém của các tổ chức này.
Tuy nhiên, nếu đánh giá một cách khách quan, có thể nói 4 năm cầm quyền, ông Trump đã không thành công, đã làm suy yếu vai trò, vị thế của Mỹ.
P.V: Theo Thiếu tướng, về một cuộc chiến pháp lý mà dư luận đang quan tâm sau bầu cử nó sẽ diễn biến như thế nào, nhất là ông Donald Trump khẳng định sẽ theo vụ kiện ông Biden và đảng Dân chủ đến cùng, vì cho rằng đã có những gian lận xung quanh cuộc bầu cử vừa qua?
Thiếu tướng Lê Văn Cương: Chúng ta thấy bắt đầu từ tuần này sẽ có một cuộc chiến pháp lý nặng nề giữa ông Trump và người thắng cử. Trước hết, tôi xin lưu ý độc giả về nước Mỹ:
Thứ nhất: Mỹ là quốc gia có hệ thống pháp luật hoàn chỉnh nhất thế giới. Hiện nay nước Mỹ có hơn 3.000 bộ luật. Tất cả mọi hành vi của công dân Mỹ đều đụng đến luật pháp.
Những người ủng hộ Donald Trump tụ tập phản đối kết quả bầu cử cho rằng có gian lận, Phoenix, Arizona, ngày 07/11/2020. Ảnh: AP |
Cuộc chiến pháp lý sau bầu cử Tổng thống Mỹ sẽ rất phức tạp và kéo dài...
Thứ hai: Hệ thống tòa án Mỹ cực kỳ coi trọng chứng cứ. Một công dân Mỹ nếu có đầy đủ chứng cứ hoàn toàn có thể kiện tổng thống và tòa án sẽ xử lý. Và các vụ kiện tổng thống và tổ chức bầu cử của đảng Cộng hòa sẽ được giải quyết 2 cấp: cấp tòa án liên bang và cấp tòa án bang. Nếu ông Trump và đảng Cộng hòa yêu cầu phải xem xét lại kết quả bầu cử ở bang nào thì tòa án của bang ấy sẽ xem xét và đưa ra phán quyết cuối cùng. Nếu tòa án cấp bang đưa ra phán quyết mà ông Trump không đồng ý thì sẽ tiếp tục khởi kiện lên tòa án tối cao và tòa án tối cao sẽ vào cuộc và đưa ra phán quyết cuối cùng.
Trong lịch sử nước Mỹ đã có 3 lần phải dùng tòa án tối cáo để quyết định thắng bại của bầu cử. Tuy nhiên, trong tình hình hiện nay, tôi thấy ông Donald Trump và những người ủng hộ ông trong đảng Cộng hòa chưa đưa ra được nhiều chứng cứ cụ thể với cáo buộc gian lận. Nếu không có đầy đủ chứng cứ thì việc lật lại thế cờ là rất khó, cho dù tòa án tối cao hiện nay, trong số 9 thẩm phản thì có đến 6 thẩm phán thuộc đảng Cộng hòa. Dù vậy, cuộc chiến pháp lý sau bầu cử Tổng thống Mỹ cũng sẽ rất phức tạp và kéo dài...
P.V:Trân trọng cảm ơn Thiếu tướng về cuộc trò chuyện này!
Kiểm phiếu qua thư ở hạt Lehigh, bang Pennsylvania. Ảnh: Sky News |