Nguy cơ tái bùng phát dịch tả lợn châu Phi sau mưa lũ ở Nghệ An

Xuân Hoàng 22/11/2020 08:34

(Baonghean.vn) - Trong khi bệnh dịch tả lợn châu Phi đang tái phát tại nhiều địa phương thì lũ đã gây ngập nhiều nơi, khiến mầm bệnh phát tán ra diện rộng.

Dịch tiếp tục tái phát

Xã Nam Thành (Yên Thành) là địa phương tái phát bệnh dịch tả lợn châu Phi từ đầu tháng 10, tại 2 xóm Hợp Thành và Tây Hồ. Vì vậy, sau đợt lũ này nguy cơ tái bùng phát dịch là rất cao.

Ông Hoàng Văn Hà - Chủ tịch UBND xã Nam Thành cho biết, trong đợt lũ vừa qua, địa phương có 3 xóm bị ngập nước, trong đó có xóm Tây Hồ đang xảy ra dịch tả lợn châu Phi, bị ngập nặng.
Nhận định mầm bệnh dịch tả lợn châu Phi tồn tại trong môi trường, có nguy cơ lây lan ra diện rộng, do vậy ngay sau khi lũ rút, xã Nam Thành đã tổ chức nạo vét kênh mương tiêu thoát nước, tổ chức phun tiêu độc khử trùng, đặc biệt là khu vực chuồng trại chăn nuôi của các hộ dân. Cùng đó, xã tuyên truyền, vận động người dân mua thêm vôi bột, hòa với nước để rắc xung quanh chuồng trại, lối ra vào.

Người dân xã Nam Thành (Yên Thành) hòa vôi với nước để khử trùng môi trường sau lũ, tránh dịch bệnh xảy ra trên đàn lợn. Ảnh: Xuân Hoàng
Người dân xã Nam Thành (Yên Thành) hòa vôi với nước để khử trùng môi trường sau lũ, tránh dịch bệnh xảy ra trên đàn lợn. Ảnh: Xuân Hoàng

Trường hợp có lợn bị ốm, nhanh chóng báo với xóm, xã để xử lý kịp thời. Tuy nhiên, từ khi nước lũ rút đến nay, dịch vẫn tiếp tục tái phát thêm 1 hộ trên địa bàn xóm Tây Hồ là hộ bà Nguyễn Thị Vân có 1 con lợn bị nhiễm bệnh dịch. Như vậy, hiện nay trên địa bàn xã có 4 hộ tái phát bệnh dịch tả lợn châu Phi.


Số liệu của Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Yên Thành cho biết: Bệnh dịch tả lợn châu Phi không những chững lại mà có dấu hiệu lây lan thêm sau đợt lũ vừa qua. Từ chỗ 4 xã có dịch trước lũ, thì nay tăng lên 7 xã: Nam Thành, Đô Thành, Khánh Thành, Công Thành, Minh Thành, Viên Thành, Vĩnh Thành.

Một con lợn chết sau đợt lũ vừa qua, trôi dạt bên đường quốc lộ 7, đoạn qua xã Công Thành, huyện Yên Thành. (ảnh chụp chiều ngày 6/11/2020). Ảnh Xuân Hoàng
Một con lợn chết sau đợt lũ vừa qua, trôi dạt bên đường quốc lộ 7, đoạn qua xã Công Thành, huyện Yên Thành (ảnh chụp chiều ngày 6/11/2020). Ảnh: Xuân Hoàng

Huyện Diễn Châu trong ngày 8/11 có thêm xã Diễn Hải có lợn bị ốm chết, cơ quan thú y đã có kết quả xét nghiệm bệnh phẩm dương tính với dịch tả lợn châu Phi.

Ông Lê Thế Hiếu - Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện cho biết, sau đợt lũ vừa qua, Diễn Châu có thêm xã Diễn Hải tái phát dịch, đưa tổng số địa phương có dịch lên 3 xã: Minh Châu, Diễn Kim và Diễn Hải. Người chăn nuôi đang tích cực tái đàn, trong khi dịch lại tái phát tại nhiều nơi, cùng với nước lũ ngập trên diện rộng, vì vậy nguy cơ lợn lây nhiễm bệnh cao trong thời gian tới”.

Chủ động phòng dịch

Sau lũ, người dân vùng ngập đang bộn bề khó khăn, thì việc đối diện với dịch bệnh trên đàn vật nuôi là đáng lo ngại.

Đợt lũ vừa qua, nhiều địa phương bị ngập nặng, trong đó có một số xã, huyện đang xảy ra bệnh dịch tả lợn châu Phi: Hưng Nguyên, Nghi Lộc, Yên Thành, Diễn Châu, TP. Vinh… nên nguy cơ bùng phát dịch sau lũ là rất lớn. Bởi, mầm bệnh trong cơ thể lợn được bài thải qua phân, hoặc xác chết của lợn trôi khắp nơi… theo nguồn nước phân tán khắp nơi, không thể kiểm soát được. Chi cục Chăn nuôi và Thú y nhận định dịch sẽ tiếp tục tái bùng phát tại nhiều địa phương, rất khó kiểm soát.


Ông Ngô Đức Quỳnh - Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y

Lợn chết tại Hưng Nguyên sau mưa bão, chính quyền đã tiến hành tiêu hủy. Ảnh: Quang An
Lợn chết tại Hưng Nguyên sau mưa bão, chính quyền đã tiến hành tiêu hủy. Ảnh: Quang An

Theo số liệu của Chi cục Chăn nuôi và Thú y, tính đến ngày 9/11, Nghệ An còn 30 xã của 12 huyện, thành phố có bệnh dịch tả lợn châu Phi, gồm: Kỳ Sơn, Tương Dương, Đô Lương, Thanh Chương, Hưng Nguyên, Nghi Lộc, Diễn Châu, Yên Thành, Quế Phong, Quỳ Hợp và TP. Vinh.

Để phòng bệnh dịch được tốt, ông Ngô Đức Quỳnh khuyến cáo: Sau lũ, người dân không nên lấy rau, bèo… ngoài sông suối, ao hồ, mương máng về cho lợn ăn; trường hợp nếu có lấy thì phải rửa sạch và nấu chín. Không sử dụng nước ao hồ để vệ sinh chuồng trại…

Cùng đó, các địa phương và người chăn nuôi thực hiện tiêm phòng vắc xin phòng dịch, nhằm tăng cường sức đề kháng cho đàn lợn; khử trùng tiêu độc một cách triệt để trong khu dân cư và chuồng trại.

Để đảm bảo an toàn cho đàn lợn, người chăn nuôi phải thực hiện các giải pháp phòng dịch. Ảnh: Xuân Hoàng
Để đảm bảo an toàn cho đàn lợn, người chăn nuôi phải thực hiện các giải pháp phòng dịch. Nếu để dịch bùng phát trở lại, sẽ ảnh hưởng đến ngành chăn nuôi. Ảnh: Xuân Hoàng

Trong khu vực chuồng trại, bà con cần rải một lớp vôi bột, kết hợp phun hóa chất khử trùng. Những hộ mua lợn giống về nuôi, cần tìm mua những nơi rõ nguồn gốc, không nên mua lợn giống của các đối tượng bán rong; đặc biệt người dân vùng cao không nên mua thịt lợn bán rong từ xuôi lên, vì sản phẩm thịt lợn không rõ nguồn gốc, trong khi dịch đang tái phát nhiều nơi, việc người dân bán chạy lợn là có thể.

Bệnh dịch tả lợn châu Phi kéo dài từ đầu năm 2019 đến nay, có thời điểm dịch lắng xuống trong khoảng thời gian đầu năm 2020, nhưng lại tái bùng phát từ tháng 9 đến nay, khiến nhiều hộ dân lâm cảnh trắng tay sau khi đầu tư tái đàn. Vì vậy, việc chính quyền các địa phương và người chăn nuôi thực hiện nghiêm các giải pháp phòng chống dịch là rất cần thiết. Nếu để dịch bùng phát trở lại, sẽ ảnh hưởng đến ngành chăn nuôi, từ đó giá lợn sẽ đẩy cao trở lại.

Xuân Hoàng