Trường THPT Mường Quạ: Tự hào chặng đường 20 năm xây dựng và trưởng thành

Đặng Văn Bằng 15/11/2020 08:07

(Baonghean.vn) - Đã 20 năm xây dựng và phát triển, ngôi trường cho học sinh dân tộc thiểu số hai xã Lục Dạ, Môn Sơn nay đã có những bước tiến mạnh mẽ, gặt hái được nhiều thành tích trong suốt chặng đường. Ấy thế nhưng để có được thành quả hôm nay ít ai biết những gian khó những ngày đầu…

Cùng với sự phát triển mạnh mẽ về kinh tế, xã hội nhu cầu được học cái chữ của con em các đồng bào dân tộc vùng Mường Quạ ngày càng tăng lên. Để đáp ứng lòng mong mỏi và nhu cầu được học, được tiếp cận tri thức cho con em đồng bào nơi đây, ngày 01/8/2000, Trường THPT - DTNT Mường Quạ được ra đời.

Trường THPT Mường Quạ được xây dựng khang trang, đáp ứng nhu cầu học tập cho học sinh vùng biên trên địa bàn huyện Con Cuông. Ảnh: Thành Cường
Những ngày đầu tiên của thầy trò không thể nói hết cái khó khăn vất vả, thiếu thốn. Cơ sở vật chất ban đầu chỉ là 4 phòng học cấp 4 mới xây do vốn đầu tư của huyện; Nhân dân 2 xã góp vật liệu và ngày công để dựng lên 2 dãy nhà tranh trên nền đất thấp vốn là ruộng của người dân bản Khe Ló. Trường chỉ vỏn vẹn 146 học sinh và 10 cán bộ giáo viên từ miền xuôi lên miền núi. Vốn liếng ban đầu chỉ có vậy. Cái nhu cầu tối thiểu cuộc sống là chưa đủ huống chi nói đến các nhu cầu khác của công tác dạy học, nâng cao chất lượng. Những ngày nắng còn đỡ, những ngày mưa mới thấm thía nỗi cơ hàn, đường đi lầy lội, đường đến lớp ngập bùn, cả thầy và trò phải xắn quần, xách dép. Phòng học dột tứ tung, ngồi trong lớp mà như ngoài trời.

Ngôi trường nay đã được xây dựng khang trang sạch đẹp. Ảnh: Thành Cường
Ngôi trường nay đã được xây dựng khang trang, sạch đẹp. Ảnh: Thành Cường

Những đêm mưa tại trường buồn đến nao lòng, điện không có, ti vi không, báo chí lúc đó cũng không. Có những hôm mưa ngủ dậy thấy chân giường đã bị chôn sâu do sụt lún, nhiều thầy cô giáo lòng không khỏi hoang mang. Ngày Nhà giáo 20/11/2000 năm đầu tiên, các thầy đã ôm nhau khóc.

Nhiều học sinh trưởng thành từ ngôi trường này đã vươn cánh bay xa. Ảnh: Thành Cường
Nhiều học sinh trưởng thành từ ngôi trường này đã vươn cánh bay xa. Ảnh: Thành Cường

Học sinh tại Trường THPT Mường Quạ chăm ngoan. Ảnh: Thành Cường
Học sinh tại Trường THPT Mường Quạ trong tiết học môn Địa lý. Ảnh: Thành Cường

Các em học sinh đa phần ở 2 xã Lục Dạ và Môn Sơn có tỷ lệ hộ nghèo còn cao, nhiều bản cách xa trường học. Nhiều em do hoàn cảnh gia đình khó khăn, phải ở nhà trông em, vào rừng hái măng hay đi làm thuê kiếm tiền cho bố mẹ. Do đó tỷ lệ bỏ học còn nhiều. Khóa học đầu tiên nhiều em đi học rồi lai nghỉ, vì nhớ con chữ lại tìm đến trường xin được tiếp tục đèn sách. Đây là khóa các em phải chịu nhiều thiệt thòi nhất, thiếu cơ sở vật chất, thiếu giáo viên, Sở phải điều động giáo viên của trường THPT Con Cuông vào hỗ trợ. Nhưng bù lại các em đã nhận được sự quan tâm đặc biệt của các thầy cô giáo, các em đã nỗ lực không mệt mỏi, đạt được những thành tích đáng khích lệ đó là danh hiệu HSG tỉnh đầu tiên, tấm giấy gọi vào đại học đầu tiên. Có thể kể tên các em, như em Vi Thị Nhì, em Lương Thị Vinh, em Vi Minh Ngọc…

Chặng đường gian khó của nhà trường gắn bó với tên tuổi của CBGV những khóa đầu tiên, mà đứng đầu là thầy giáo giáo hiệu trưởng Lương Văn Quanh - người từng được CBGV gọi một cái tên kính trọng, thân mật là “bố”; người đã qua tuổi 50, nhưng vẫn lạc quan nhận nhiệm vụ mới tại trường mới thành lập vô vàn những khó khăn. Và các thầy giáo khóa đầu như Thầy Quang, thầy Tài, thầy Bằng, thầy Lĩnh, thầy Xuân - những sinh viên tốt nghiệp đại học theo tiếng gọi của con tim, đã tạm biệt chốn phồn hoa đô hội, bỏ lại sau nơi quê nhà mẹ già, em thơ để lên với học trò vùng cao khao khát cái chữ, khao khát tiếp nhận tri thức mới của thời đại.

Nhìn lại chặng đường 20 năm tuy chưa phải là dài nhưng thầy trò nhà trường đã có sự cố gắng vượt bậc để thi đua dạy tốt học tốt, khắc phục mọi khó khăn để có thể đào tạo nên các thế hệ học sinh có phẩm chất lý tưởng XHCN, có tri thức văn hóa, có năng lực tự học và sáng tạo có thể góp phần để xây dựng quê hương…

Trong 20 năm trường đã có 17 khóa ra trường, trong đó có hơn 1000 học sinh tốt nghiệp, chiếm tỷ lệ trên 85%. Trong đó có hàng trăm em đậu vào các trường Đại học- Cao đẳng. Trong số những em đậu vào đại học, đến hôm nay đã có hàng chục em đã thành kĩ sư, cử nhân, nhà giáo, bác sỹ, dược sĩ và hàng trăm em là công nhân kĩ thuật phục vụ trong mọi lĩnh vực của nền kinh tế; có nhiều em đã trở thành cán bộ công chức, viên chức làm việc trong các cơ quan nhà nước và các doanh nghiệp. Đặc biệt có hàng chục em theo tiếng gọi của Tổ quốc đã lên đường nhập ngũ. Có thể nêu tên một số em đã tô thắm bảng vàng thành tích nhà trường, như em Trương Thị Hường HSG toàn diện, em Vi Văn Hiệp thi đạt 27 điểm đỗ vào 2 trường danh tiếng là Đại học Y Hà Nội và ĐH Bách khoa Hà Nội, hiện nay là bác sĩ; em Vi Thị Thương HSG tỉnh giải Ba môn Toán, nay là dược sĩ; em Hồ Thị Hoài Thanh, giải 3 môn Văn, đã tốt nghiệp đại học và thành đạt ở Hà Nội; em Vi Thi Dược HSG tỉnh môn Toán, tốt nghiệp Học viện Tài chính, nay là công chức xã; em Vi Văn Bạch hiện nay là Phó Ban Dân vận Huyện ủy Con Cuông và rất nhiều em thành công trên con đường sự nghiệp…

Học sinh được trang bị phòng học Tiếng Anh, khiến việc học tập bộ môn này trở nên dễ dàng hơn so với trước. Ảnh: Thành Cường
Học sinh được trang bị phòng học Tiếng Anh, khiến việc học tập bộ môn này trở nên dễ dàng hơn so với trước. Ảnh: Thành Cường

Điều quan trọng nhất, qua thời gian học tập ở trường, các thế hệ học sinh đã được trang bị kỹ năng cuộc sống, các em có thể tự học, có thể biết lao động, sáng tạo và cống hiến cho quê hương đất nước ở mọi lĩnh vực, từ kinh tế, chính trị, đến văn hóa xã hội, an ninh quốc phòng. Có rất nhiều em đã trở thành những cán bộ thôn khối, xã, hoặc là những người lao động làm giàu chân chính.

Để có được những thành tựu bước đầu quan trọng đó, trong 20 năm qua dưới sự lãnh đạo của chi bộ đảng, của tập thể lãnh đạo và của cá nhân người đứng đầu đã luôn luôn đưa nhiệm vụ xây dựng đội ngũ sư phạm lên hàng đầu. Thấm nhuần chân lý “nếu không có người thầy giỏi thì sẽ không có học sinh giỏi”, tập thể sư phạm nhà trường đã miệt mài phấn đấu, trau dồi bản thân, nâng cao tay nghề để đáp ứng nhu cầu học tập ngày càng cao của học sinh.

Nhiều học sinh ở xa Trường đã trang bị học nội trú ngay tại khuôn viên để các em thuận tiện trọng sinh hoạt và học tập. Ảnh: Thành Cường
Nhiều học sinh ở xa trường đã trang bị học nội trú ngay tại khuôn viên để các em thuận tiện trong sinh hoạt và học tập. Ảnh: Thành Cường

20 năm qua, thời gian một đi không trở lại nhưng kí ức về tài năng sư phạm, về sự tận tâm tận tụy của thầy đối với trò còn sống mãi trong các thế hệ học sinh. Đó là các tiết giảng văn say sưa của thầy Trần Doãn Xuân, thầy Nguyễn Mạnh Huấn; đó là các tiết Toán, Lý, Hóa tưởng như khô khan nhưng đầy hấp dẫn của thầy Đặng Trọng Quang, thầy Hồ sỹ Hào, thầy Nguyễn Trọng Thọ, cô Lê Thị Hải, của thầy Nguyễn Văn Thìn…đó là các tiết dạy Sử, Địa, GDCD sôi nổi của thầy Đặng Văn Bằng, thầy Phan Văn Đài, thầy Nguyễn Hồng Lĩnh, thầy Phạm Bình Minh… Môn Ngoại ngữ, Tin học còn hết sức xa lạ, nhưng nhờ sự nhiệt tình, ham học hỏi của các thầy cô mà các tiết dạy đã tạo ra được nhiều niềm hứng khởi cho học sinh.

Trên chặng đường gian khó ngày đầu đến nay Trường đã có nhiều thế  hệ học sinh thành đạt, tung cánh bay xa. Ảnh: Thành Cường
Trên chặng đường gian khó ngày đầu đến nay Trường đã có nhiều thế hệ học sinh thành đạt, tung cánh bay xa. Ảnh: Thành Cường

Tiếp bước những thành tích đáng ghi nhận, cho đến hôm nay mặc dù còn nhiều thiếu thốn, nhưng Trường THPT Mường Quạ đã nỗ lực cố gắng trong nâng cao chất lượng dạy học; giúp học sinh con em đồng bào dân tộc thiểu số vươn cao, vươn xa hơn, chắp cánh cho con em đồng bào thực hiện ước mơ xây dựng cuộc sống bản làng tươi đẹp hơn.

Mường Quạ nơi ra đời chi bộ Đảng đầu tiên của miền Tây xứ Nghệ, thầy và trò Trường THPT Mường Quạ đã và đang tiếp bước truyền thống quê hương cách mạng anh hùng.

Đặng Văn Bằng