Giáo viên lại tiếp tục được hưởng phụ cấp thâm niên

vietnamnet.vn 16/11/2020 08:46

Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã đồng ý phương án tiếp tục thực hiện chế độ phụ cấp thâm niên với nhà giáo cho đến khi thực hiện chính sách tiền lương mới.

Thông tin được đưa ra tại cuộc gặp gỡ giữa Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân và 183 nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục tiêu biểu toàn quốc nhân dịp kỷ niệm ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11, diễn ra sáng 15/11.

Tại đây, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ cho biết, xác định chất lượng đội ngũ giáo viên là một trong những yếu tố quyết định thành công của đổi mới giáo dục, Bộ đã trình và ban hành theo thẩm quyền các văn bản quy phạm pháp luật và các đề án để nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý. Các chế độ, chính sách đối với nhà giáo ngày càng tốt hơn.

“Mới đây, Bộ GD-ĐT đã thay mặt Chính phủ báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội phương án tiếp tục thực hiện chế độ phụ cấp thâm niên với nhà giáo cho đến khi thực hiện chính sách tiền lương mới. Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã đồng ý và giao cho Chính phủ triển khai thực hiện”, Bộ trưởng Nhạ thông tin.

Tại buổi gặp gỡ, các nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục đã chia sẻ với Chủ tịch Quốc hội một số vấn đề quan tâm như chế độ chính sách với giáo viên mầm non; cơ chế cho nghiên cứu khoa học trong trường đại học; những hỗ trợ để thúc đẩy chuyển đổi số giáo dục…

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân bày tỏ sự vui mừng được gặp mặt, sự trân trọng, biết ơn tới các thầy cô giáo, cán bộ quản lý giáo dục tiêu biểu, đại diện cho gần 1,5 triệu nhà giáo trên khắp cả nước,

Đánh giá cao nỗ lực của ngành giáo dục trong những năm qua, Chủ tịch Quốc hội đã điểm lại một số kết quả nổi bật như: Chất lượng giáo dục phổ thông ngày càng nâng lên, được quốc tế ghi nhận, đánh giá cao; chất lượng giáo dục đại học được cải thiện rõ rệt, tự chủ đại học được thúc đẩy, tạo đột phá trong quản trị, nâng cao chất lượng đào tạo và nghiên cứu khoa học; đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục ngày càng được củng cố, tăng cường cả về số lượng và chất lượng, đồng bộ về cơ cấu.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân tại buổi gặp mặt các nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục tiêu biểu toàn quốc.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân tại buổi gặp mặt các nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục tiêu biểu toàn quốc.

“Năm 2020, Ngân hàng Thế giới đánh giá chỉ số vốn nhân lực của Việt Nam đứng thứ 38/74 nền kinh tế; trong đó, thành phần kết quả giáo dục của Việt Nam đứng thứ 15, tương đương với các nước như Hà Lan, New Zealand, Thụy Điển”, bà Ngân thông tin và khẳng định đây là kết quả đáng tự hào.

Để có được những kết quả này, theo Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, là nhờ sự cố gắng của toàn ngành, sự phấn đấu, nỗ lực không ngừng trong dạy và học của các thế hệ thầy và trò trong cả nước. Trong đó, có những thầy, cô đã hy sinh cả tuổi xuân, hết lòng vì học sinh, bám trường, bám lớp, trở thành người cha, người mẹ thứ hai của các em,… ở vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, biên giới, hải đảo.

Trước không ít khó khăn của ngành Giáo dục trên chặng đường đổi mới, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân bày tỏ sự chia sẻ và cho biết: Trong hoạt động Quốc hội, giáo dục luôn là vấn đề được đại biểu và cử tri quan tâm. Với trách nhiệm người đứng đầu, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT luôn phải đứng trước nhiều áp lực nặng nề. Ngay trong kỳ họp này, Bộ trưởng đã nhiều lần trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội. Câu trả lời của Bộ trưởng được các đại biểu chấp nhận, đánh giá cao.

“Tôi chia sẻ với ngành Giáo dục, với Bộ trưởng. Vai trò của giáo dục rất lớn trong hoạt động đời sống xã hội. Sự nghiệp giáo dục còn ở phía trước với nhiều vấn đề tiếp tục cần triển khai thực hiện và phải thường xuyên, liên tục đổi mới. Chúng ta đừng thấy bất cập nào đó, một sai sót nào đó chưa được để đánh giá, phủ nhận hết tất cả những vấn đề, công lao của thầy cô giáo, của ngành Giáo dục trong suốt thời gian qua”, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.

vietnamnet.vn