Đường giao thông, mương thủy lợi ở Thanh Chương tan hoang sau trận lụt lịch sử

Xuân Hoàng - Quang An 21/11/2020 08:20

(Baonghean.vn) - Sau trận lụt lịch sử vừa qua, trên địa bàn huyện Thanh Chương (Nghệ An) có hàng trăm công trình giao thông, mương máng thủy lợi bị hư hỏng nghiêm trọng.

Clip: Quang An - Xuân Hoàng

1

Thanh Tùng là rốn lũ của huyện Thanh Chương. Trong đợt lũ lịch sử vừa qua, cả xã ngập băng, bị chia cắt hoàn toàn. Lũ rút, để lại những công trình tan hoang. Gần 1 tháng sau khi lũ rút, tuyến đường liên thôn ở xóm 1 vẫn đang bị sạt lở nghiêm trọng. Ảnh: Quang An

2

Tại tuyến đường này, từng mảng đất đá, bê tông đã đổ ập xuống cánh đồng ruộng bên cạnh. Ảnh: Xuân Hoàng

3
Lớp nền đất cát phía dưới bị cuốn trôi tạo nên những đã "hàm ếch" nguy hiểm, các vết nứt to xuất hiện trên mặt đường. Ảnh: Xuân Hoàng
4
Điều đáng nói, hiện lớp đất phía dưới vẫn trong tình trạng mềm nhão, nếu trời tiếp tục mưa trong thời gian tới thì nguy cơ cả đoạn đường sẽ bị sạt lở, chia cắt các xóm. Ảnh: Quang An
5
Thống kê cho thấy, sau trận lụt lịch sử, toàn xã có gần 10 km đường giao thông bị sạt lở, 19 cống bị sập, 700 m mương bê tông bị hư hỏng, nhiều cầu, cống bị nứt… Thiệt hại nặng nề nhất trong hàng chục năm qua. Ảnh: Quang An
6

Không chỉ đường giao thông, hệ thống mương thủy lợi cũng bị lũ phá nát. Trong ảnh là hệ thống mương thủy lợi Đồng Lác phục vụ sản xuất nông nghiệp bị nước lũ cắt từng khúc, nằm ngổn ngang dưới mặt ruộng, tan hoang như sau một trận bom. Lãnh đạo xã Thanh Tùng cho biết, hệ thống mương thủy lợi này được đầu tư xây dựng bằng nguồn vốn của Chương trình 135, vừa hoàn thành năm 2019, nay coi như xóa sổ. Ảnh: Xuân Hoàng

7

Ông Phan Văn Dũng – Chủ tịch UBND xã Thanh Tùng lo lắng: Thiệt hại của địa phương sau đợt lũ lịch sử do ảnh hưởng của cơn bão số 9 vừa qua là rất lớn. Ngoài tài sản của dân, cây trồng các loại, thì cơ sở hạ tầng bị nước lũ phá hủy nặng nề. Sau khi nước rút, địa phương đã tổ chức thu dọn vệ sinh môi trường, trở lại ổn định cuộc sống. Lo lắng nhất hiện nay là cơ sở vật chất, đường sá, mương máng thủy lợi bị hư hỏng chưa thể khắc phục bởi kinh phí quá lớn trong khi Thanh Tùng là xã khó khăn. "Vụ Xuân sắp đến, hệ thống thủy lợi bị hư hỏng, xã chưa biết phải xoay xở thế nào để có nước sản xuất", ông Phan Văn Dũng cho hay. Ảnh: Quang An

8

Thống kê của Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện cho biết, trong đợt lũ vừa qua, toàn huyện có hơn 57 km đường giao thông bị sạt lở, với tổng khối lượng đất, đá sạt lở là trên 15.000 m3; 15 cầu qua đường bị nước cuốn trôi, hư hỏng; 139 cống qua đường giao thông bị cuốn trôi; gần 10 nghìn m kênh mương bị sạt lở; 44 cột điện hạ thế bị gãy, 9 trạm bơm bị ngập hư hỏng. Ước thiệt hại 75 tỷ đồng. Trong đó xã Thanh Tùng được xem là địa phương bị thiệt hại nặng nề nhất. Ảnh: Xuân Hoàng

9

Ông Trình Văn Nhã – Chủ tịch UBND huyện Thanh Chương cho biết: Ngay sau khi nước rút, huyện đã tiến hành kiểm tra, rà soát nắm thông tin cụ thể về thiệt hại, để có phương án xử lý ngay sau mưa lũ. Đối với cơ sở hạ tầng, huyện đã chỉ đạo các địa phương khắc phục giao thông ngay để đảm bảo cho người dân đi lại. Đối với hệ thống thủy lợi, cầu cống phục vụ thủy lợi, do mức độ thiệt hại nặng nề, nên huyện sẽ có giải pháp hỗ trợ địa phương khắc phục. Quan điểm của huyện, ưu tiên nguồn lực để tập trung khắc phục hệ thống giao thông, thủy lợi nội đồng phục vụ sản xuất vụ đông sắp tới. Huyện sẽ có báo cáo cụ thể với tỉnh, Trung ương đề nghị hỗ trợ khắc phục cơ sở hạ tầng hư hỏng do lũ lụt vừa qua gây nên, vì ngân sách của huyện không thể đáp ứng được. Ảnh: Quang An


Xuân Hoàng - Quang An