Thành phố Vinh cần ưu tiên phát triển các sản phẩm OCOP

Nguyễn Hải 29/11/2020 08:44

(Baonghean.vn) - Trong khi các huyện, thị làm OCOP khá sôi nổi thì TP. Vinh với nhiều lợi thế lại khá trầm lắng. Đâu là nguyên nhân?

Các doanh nghiệp chưa mặn mà với OCOP?

Theo bình chọn năm 2019, Nghệ An có 48 sản phẩm OCOP được gắn sao, trong đó 15 sản phẩm đạt chuẩn 4 sao và 33 sản phẩm đạt 3 sao (Nghệ An chưa có sản phẩm đạt 5 sao). So với các huyện, thị khác, năm đầu tiên, TP Vinh được đánh giá khởi đầu khá thuận lợi với 11 sản phẩm nhưng sang năm 2020, vì nhiều lý do nên TP Vinh không còn nhiều sản phẩm tham gia.

Các đại biểu tham quan gian hàng và trao đổi kinh nghiệm bên lề Lễ công bố và gắn sao cho các sản phẩm Ocop Nghệ An năm 2019. Ảnh: Nguyễn Hải
Các đại biểu tham quan gian hàng và trao đổi kinh nghiệm bên lề Lễ công bố và gắn sao cho các sản phẩm OCOP Nghệ An năm 2019. Ảnh: Nguyễn Hải

Theo thông tin từ Chi cục Phát triển nông thôn: Bình chọn năm nay, Nghệ An có 64 sản phẩm OCOP được lọt vào chung khảo, trong đó, thành phố Vinh chỉ có 1 sản phẩm là nước uống detox của Công ty CP Thế giới Haconkhan ở xã Hưng Lộc tham gia và đạt chuẩn 4 sao. Đây là sản phẩm mới hoàn toàn, sử dụng công nghệ Nano để chiết xuất từ tinh bột nghệ và sâm trên địa bàn Nghệ An.

Trong khi một số huyện có 10, thậm chí 18 sản phẩm thì TP Vinh là trung tâm kinh tế của tỉnh nhưng chỉ 1 sản phẩm tham gia là quá ít và chưa tương xứng.

Theo đại diện Phòng Kinh tế, UBND thành phố Vinh: Trên thực tế năm nay thành phố Vinh dự kiến ban đầu có khoảng 5 - 6 sản phẩm tham gia giới thiệu, nhưng do ảnh hưởng của dịch Covid-19, các doanh nghiệp khó khăn nên không ra đời sản phẩm theo kế hoạch. Thành phố cũng mong muốn tìm ra sản phẩm đặc trưng riêng và tiêu biểu, nhưng đang trong quá trình khảo sát, chưa triển khai được.

Trên thực tế, mặc dù TP Vinh được đánh giá là địa bàn có một số thuận lợi khi là trung tâm kinh tế - xã hội của tỉnh và cũng có một số ngành nghề thủ công như dệt chiếu cói ở xã Hưng Hòa, nghề chăn nuôi ở xã Hưng Đông và Nghi Đức; nghề làm hoa, cây cảnh ở 2 xã Nghi Ân và Nghi Liên, mây tre đan ở xã Nghi Phú... tuy nhiên, hiện thành phố chưa có cơ chế riêng để hỗ trợ, năng lực và sự am hiểu của các doanh nghiệp thành phố đối với lĩnh vực kinh tế nông nghiệp cũng khá khiêm tốn nên không có nhiều doanh nghiệp tham gia.

Đồng chí Hoàng Nghĩa Hiếu - Phó Chủ tịch UBND tỉnh trao chứng nhận đạt chuẩn 4 sao cho các sản phẩm Ocop Nghệ An năm 2019 trong đó TP Vinh có 8 sản phẩm. Ảnh: Nguyễn Hải
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Nghĩa Hiếu trao chứng nhận cho 15 đại diện các sản phẩm OCOP Nghệ An đạt chuẩn 4 sao năm 2019, trong đó TP. Vinh có 8 sản phẩm. Ảnh: Nguyễn Hải

Đại diện một doanh nghiệp có sản phẩm OCOP tại TP. Vinh chia sẻ: Kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp không chỉ vốn mà còn phải thực sự tâm huyết, gắn bó với nông thôn và bà con nông dân. Để sản phẩm được công nhận đã khó nhưng giữ được danh hiệu và phát triển bền vững là hành trình dài và gian nan nên phải có sự hỗ trợ, đồng hành của Nhà nước. Khác với lĩnh vực khác, sản phẩm OCOP nếu không có sự động viên, hỗ trợ kịp thời từ địa phương thì rất khó để thành công.

Cần “cú huých” cho OCOP thành phố Vinh

Hiện nay, do thành phố Vinh chưa có cơ chế hỗ trợ nên doanh nghiệp nào muốn làm sản phẩm OCOP phải tự mày mò, kết nối với các sở, ngành liên quan để tiếp cận các chính sách chung của tỉnh. Cũng vì chính sách hỗ trợ của Nhà nước với OCOP chủ yếu qua cơ chế hỗ trợ để vào các chuỗi phân phối sau quá trình đánh giá đạt chuẩn dán tem trên các sản phẩm được gắn sao nên doanh nghiệp phải thực sự quyết tâm thì mới tiếp cận được.

Đại diện Sở Công thương đồng hành kiểm tra thiết bị dây chuyền sản xuất rượu của một doanh nghiệp tại xã Nghi Đức để làm cơ sở hỗ trợ sau này. Ảnh: Nguyễn Hải
Đại diện Sở Công Thương kiểm tra thiết bị dây chuyền sản xuất rượu của một doanh nghiệp tại xã Nghi Đức. Ảnh: Nguyễn Hải

Một doanh nghiệp chia sẻ: Giai đoạn khởi nghiệp, doanh nghiệp có nhiều khó khăn và lúng túng nên việc hỗ trợ của các sở, ngành, địa phương là rất cần. Việc hỗ trợ nên đi vào hiệu quả, thực chất. Khi sở, ngành và địa phương đồng hành thì biết doanh nghiệp, sản phẩm nào khả thi để hỗ trợ kịp thời, nhanh gọn thay vì thủ tục họp hành, hồ sơ, giấy tờ quá nhiều.

Từ thực tế của mình, đại diện một doanh nghiệp sản xuất nấm tại xã Hưng Lộc cho biết thêm: Để đạt chuẩn đã khó nhưng việc giữ được uy tín và chất lượng là không hề đơn giản. Điều kiện thời tiết Nghệ An khô nóng tới 6-7 tháng/năm và thời gian sản xuất nấm chỉ được 1,5 lứa/năm so với 3 lứa/năm ở các tỉnh.

Rõ ràng, việc các sản phẩm OCOP của thành phố có dấu hiệu chùng xuống và chững lại cần được đánh giá, xem xét một cách nghiêm túc. Việc này không chỉ khiến thành phố chưa tận dụng được mặt bằng ở các xã ngoại thành mà còn đánh mất lợi thế là một thị trường lớn, trung tâm của tỉnh để kết nối du lịch dịch vụ và giới thiệu với các tỉnh khác.

Sau khi tập trung nguồn lực để về đích NTM, thành phố phải dành nguồn lực đầu tư cho nhiều lĩnh khác nên đầu tư cho các sản phẩm OCOP còn hạn chế. Gần đây, khi nhận thấy tiềm năng các sản phẩm OCOP, lãnh đạo thành phố có quan tâm hơn và giao cho Phòng Kinh tế khảo sát, tìm hiểu nhưng lại vướng quy định về thẩm quyền UBND cấp huyện không được ban hành cơ chế, chính sách hỗ trợ riêng nên hiện tại chưa triển khai được.

Ông Trần Quang Lâm – Phó Chủ tịch UBND thành phố Vinh

Tuy nhiên, để tận dụng các lợi thế và tạo thêm việc làm cho lao động ven đô, thành phố Vinh cần mạnh dạn và linh hoạt trong vận dụng các cơ chế để hỗ trợ, thưởng cho các sản phẩm OCOP tạo được bản sắc, đặc trưng riêng của mình, từ đó khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn. Mặt khác, với lợi thế là trung tâm và đầu tàu kinh tế - xã hội của tỉnh, thành phố Vinh nên có những ưu tiên riêng cùng với cơ chế của tỉnh phát triển sản phẩm OCOP bằng kết nối vào chuỗi phân phối như siêu thị, chợ, cửa hàng và các điểm tham quan du lịch trên địa bàn; tích cực tuyên truyền, quảng bá và kết nối thị trường các đô thị lớn từ đó tạo đầu ra vững chắc cho sản phẩm OCOP thành phố nói riêng và của tỉnh nói chung./.

Nguyễn Hải