Xây dựng điểm sáng văn hóa nơi rẻo cao Tương Dương
(Baonghean.vn) - Bằng việc khơi dậy ý thức tự giác và tinh thần đoàn kết, các địa phương ở huyện miền núi Tương Dương đã gây dựng được phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” lan tỏa rộng khắp. Qua đó, trở thành một nét đẹp trong đời sống người dân, tạo ra các điểm sáng văn hóa đặc sắc và ý nghĩa.
Những điểm sáng văn hóa
Từ 15/10/2020, lớp học truyền dạy cách sử dụng và chế tác nhạc cụ dân tộc tại bản Khe Ngậu, xã Xá Lượng được Nghệ nhân Ưu tú Lương Văn Pắn trực tiếp hướng dẫn đều đặn mỗi đêm được mở ra, thu hút hơn 40 học viên đủ mọi lứa tuổi từ 9 bản trên địa bàn xã Xá Lượng tham gia. Trước mỗi buổi học, nghệ nhân Lương Văn Pắn đều đến sớm hơn các học viên để chuẩn bị các “đạo cụ” dạy học: khèn bè, sáo, pí nhuôn, pí khúi và cuốn “giáo án” do tự tay ông soạn. Đó là cuốn sổ ông vẽ lại cấu tạo các nhạc cụ, ghi chú tỉ mỉ cách sử dụng và các lời bài hát múa dân gian. Chưa đến giờ học, nhưng các học viên đã đến khá đông, có người đã trên 70 tuổi như ông Lộc Thanh Hùng, có học viên trẻ như em Vi Văn Nghệ mới 23 tuổi. Và nhiều ông bố còn dẫn theo con nhỏ đến học cùng.
Nghệ nhân ưu tú Lương Văn Pắn (bên phải) hướng dẫn học viên sử dụng nhạc cụ dân tộc. Ảnh: Hoài Thu |
Anh Kha Văn Thơ - Trưởng bản Khe Ngậu được các học viên cử làm lớp trưởng, là người luôn tích cực, hăng say trong các buổi học. Lớp học mới diễn ra được hơn 2 tuần, nhưng khá nhiều người đã biết cách sử dụng thành thạo các loại nhạc cụ như khèn, pí nhuôn, pí khúi… của đồng bào dân tộc Thái. Một học viên cầm chiếc khèn trên tay, thành thục “ôn bài”, vậy là những học viên khác tự giác cầm nhạc cụ họa theo, tạo nên âm hưởng rộn ràng, tiếng sáo, tiếng pí vang vang dìu dặt khắp bản làng. Những thanh âm vang lên mời gọi khiến các chị, các mế cũng theo tiếng sáo tiếng khèn mà rảo bước khiến khuôn viên nhà văn hóa bản Khe Ngậu chẳng mấy chốc mà đông đúc. Bởi vậy, người học càng khí thế, người đến xem lớp học cũng càng phấn chấn, vui vẻ sau một ngày lao động mệt nhọc.
Nghệ nhân Lương Văn Pắn được phong tặng danh hiệu Nghệ nhân Dân gian năm 2019, song ông đã có ngót nghét 30 năm say mê với phong trào dân ca dân vũ của bản làng. Đam mê dân ca Thái từ thuở còn thơ, ông Lương Văn Pắn cho hay, ông không có điều kiện để trải qua lớp đào tạo nào về âm nhạc, mà bằng niềm say mê với vốn văn hóa quý giá của dân tộc mình, ở quê hương Tương Dương, nơi nào có hoạt động dân ca dân vũ là ông đều tham gia, đặc biệt là từ khi Câu lạc bộ Dân ca dân vũ bản Cửa Rào 2 được thành lập thì hầu như ông không vắng buổi sinh hoạt nào. “Tôi muốn truyền niềm đam mê của mình cho tất cả mọi người, để những bản sắc của các dân tộc sẽ ngày càng vươn xa, được trường tồn cùng sông núi mãi mãi về sau” - Nghệ nhân Lương Văn Pắn tâm sự.
Lớp đào tạo cách sử dụng nhạc cụ dân tộc ở xã Xá Lượng thu hút hơn 40 học viên tham gia. Ảnh: Hoài Thu |
Trên địa bàn huyện Tương Dương, không chỉ ông Lương Văn Pắn, mà còn có hàng trăm điển hình tiên tiến, gương người tốt việc tốt, nhiều cơ quan, đơn vị, các tập thể đã được các cấp ngành và cộng đồng, người dân tôn vinh, ghi nhận. Họ trở thành những điểm sáng trong xây dựng phong trào văn hóa ở cơ sở; như Nghệ nhân Ưu tú Lương Khăm Mun ở xã Yên Hòa, Và Bá Đùa ở xã Nhôn Mai, biên đạo múa dân gian Đinh Thị Nguyệt… Bên cạnh đó, nhiều xã, bản đều đã và đang duy trì các câu lạc bộ Dân ca ví, giặm, dân ca dân vũ.
Ông Lô Thanh Long - Trưởng phòng Văn hóa - Thể thao huyện Tương Dương cho biết: Các gương người tốt việc tốt, các điển hình tiên tiến đã trở thành những nét đẹp văn hóa, tạo ra những hạt nhân tích cực trong phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” khắp các bản làng Tương Dương. Nhờ vậy, giai đoạn 2000 - 2020 số gia đình văn hóa đạt gần 76%, có 121 làng, bản được công nhận danh hiệu làng, bản văn hóa. Có 50 cơ quan, đơn vị đạt chuẩn văn hóa như BCH Quân sự huyện, Đồn Biên phòng 551, Trường Mầm non Lưu Kiền, Trường Tiểu học Tam Quang… Phong trào đã góp phần hoàn thành các nhiệm vụ kinh tế - xã hội, xây dựng nếp sống văn minh trong cộng đồng, xã hội.
Đồng bào các dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện Tương Dương luôn có ý thức bảo tồn văn hóa truyền thống của dân tộc. Ảnh: Đình Tuân - Hoài Thu |
Lan tỏa phong trào
Tại xã Yên Tĩnh, tháng 6/2020, lần đầu tiên Hội LHPN huyện và xã đã tổ chức ra mắt mô hình “Tiết kiệm làm theo gương Bác” và đến nay bước đầu cho thấy hiệu quả. Ví như trước đây ở Yên Tĩnh, nhiều hộ gia đình hội viên phụ nữ thuộc diện nghèo đói. Để cải thiện tình hình, các cấp Hội Phụ nữ xác định phải phát huy sự đoàn kết và nội lực của hội viên để giúp đỡ nhau. Mô hình triển khai theo hình thức chị em gom phế liệu bán gây quỹ, đồng thời hàng tháng tiết kiệm từ 5 - 10 ngàn đồng góp quỹ để hỗ trợ hội viên nghèo mua con giống và gạo.
Xã Yên Tĩnh có 509 hội viên Hội Phụ nữ, đến nay đã hỗ trợ gạo cho 11 hộ, 1 hộ được hỗ trợ bò sinh sản và nhiều hộ khác được hỗ trợ con giống như dê, gà, vịt, ngan. Không chỉ ở Yên Tĩnh, ở các xã, thị khác, Hội LHPN huyện Tương Dương đã triển khai được 103 mô hình về hoạt động phát triển kinh tế - xã hội; sửa chữa và xây mới được 30 nhà Mái ấm tình thương với số tiền gần 700 triệu đồng… góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho các gia đình hội viên.
Nhìn chung, trong những giai đoạn phát triển của huyện Tương Dương, các cấp ngành nơi đây luôn xác định việc xây dựng đời sống văn hóa phải gắn liền với thực hiện các nhiệm vụ kinh tế - xã hội của huyện. Bởi vậy, đây không chỉ là nhiệm vụ của ngành Văn hóa mà là của tất cả các cấp, ngành, địa phương. Bởi vậy, Ban chỉ đạo phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” đã thường xuyên kiện toàn, sát sao chỉ đạo, theo dõi thúc đẩy các phong trào trên toàn địa bàn.
Học viên lớp truyền dạy sử dụng nhạc cụ dân tộc thực hành các bài học. Video: Hoài Thu |
Ngoài xây dựng các đơn vị, bản làng văn hóa, gia đình văn hóa, các cấp ngành còn chú trọng xây dựng nông thôn mới; xây dựng thiết chế văn hóa thể thao, duy trì các lễ hội; thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang; đẩy mạnh học tập, sáng tạo trong cán bộ, công nhân viên chức; chú trọng công tác chăm sóc sức khỏe cho nhân dân… Để đạt được những mục tiêu như hiện nay, trong một thời gian dài, các cấp ngành, địa phương ở Tương Dương đã nỗ lực không ngừng nghỉ, cùng chung tay góp sức tạo thành sức mạnh đoàn kết, phát huy những tiềm năng, thế mạnh, mặt tích cực và từng bước khắc phục khó khăn, bất cập, đẩy lùi những tiêu cực.
Ông Lô Thanh Long - Trưởng phòng Văn hóa - Thể thao UBND huyện cho biết: Thời gian tới, toàn hệ thống chính trị sẽ tập trung lan tỏa các phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” giai đoạn 2021- 2025, định hướng đến năm 2030 nhằm góp phần thực hiện mục tiêu: phấn đấu đưa Tương Dương thoát khỏi huyện nghèo; duy trì được mức tăng trưởng kinh tế cao, từng bước ổn định và bền vững. Bên cạnh đó, xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng thiết yếu, đồng bộ nhằm nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân. Để đạt được mục tiêu đề ra, mỗi ban, ngành, cơ quan, đơn vị dựa theo chức năng, nhiệm vụ của mình để triển khai những hoạt động thiết thực, góp phần lan tỏa phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” một cách hiệu quả”.
Giai đoạn 2021 - 2025, huyện Tương Dương phấn đấu tỷ lệ gia đình văn hóa đạt 81%; làng, bản, khối văn hóa đạt 86%; cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đạt chuẩn văn hóa 60%; các xã, thị trấn có thiết chế văn hóa thể thao đạt chuẩn theo tiêu chí của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch 52,9%; tỷ lệ người dân tộc luyện tập thể dục thể thao thường xuyên 36,8% và tỷ lệ gia đình đạt tiêu chuẩn thể thao 22%.