Trung Đông - lơ lửng giữa hai nhiệm kỳ tổng thống Mỹ

Hoàng Bách 05/12/2020 07:58

(Baonghean.vn) - Nhiệm kỳ của Tổng thống Mỹ Donald Trump đã bước vào những ngày cuối. Tuần này, ông Trump đã cử con rể Jared Kushner - cố vấn cấp cao đồng thời là “kiến trúc sư” cho những chính sách của xứ cờ hoa về Israel - Palestine có chuyến công du chính thức và có lẽ là cuối cùng đến Trung Đông. Ôm ấp mục tiêu sửa sang lại những nút thắt lỏng lẻo nơi đây, song chuyến đi của Kushner lại làm dấy lên những dấu hỏi lớn khó tìm lời giải đáp trong dư luận tại khu vực này cũng như tại Mỹ.

Ngồi lại với Qatar

Giữa tuần này, hãng thông tấn nhà nước Qatar đưa tin rằng, Kushner cùng chủ nhà đón tiếp ông là Quốc vương Sheikh Tamim bin Hamad al-Thani đã bàn thảo “những diễn biến trong khu vực”. Những nội dung này, theo bình luận của tờ DW, có thể bao gồm mối quan hệ giữa Qatar và Saudi Arabia cùng các tiểu vương quốc Arập thống nhất - đồng minh của Saudi Arabia, Bahrain và Ai Cập, những quốc gia đã tẩy chay Qatar từ tháng 6/2017, đóng các tuyến đường biển, đóng biên giới đất liền và cả không phận đối với các phương tiện từ Qatar vì nước này có quan hệ đối tác gần gũi với Iran.

Các chính phủ cũng cáo buộc Qatar tài trợ cho chủ nghĩa khủng bố và tổ chức chính trị xuyên quốc gia Anh em Hồi giáo, vốn dĩ bị cấm tại Ai Cập và các vương quốc đồng minh vùng Vịnh. Giới chức Qatar đã bác bỏ những lời lẽ cáo buộc này.

Kushner phát biểu tại hội nghị Hòa bình đến thịnh vượng_ tại Bahrain năm 2019. Ảnh: Reuters
Kushner phát biểu tại hội nghị Hòa bình đến thịnh vượng tại Bahrain năm 2019. Ảnh: Reuters

Qatar đã bù đắp được những mất mát về tài chính do lệnh tẩy chay gây ra, khiến nhiều sản phẩm thực phẩm nhập khẩu bị cắt giảm, với sự giúp đỡ từ Iran và Thổ Nhĩ Kỳ. Tuy nhiên, vào tháng 11, chính phủ nước này đã gián tiếp phát tín hiệu rằng các quan chức có thể cân nhắc vấn đề hòa giải. Ngoại trưởng Sheik Mohammed bin Abdulrahman bin Jassim Al Thani khẳng định chính phủ Qatar không có ý kiến chính thức về việc các quốc gia Trung Đông bình thường hóa các quan hệ với Israel trong lúc vẫn tiếp tục chiếm đóng các vùng lãnh thổ Palestine. Ông này nói rằng, chính phủ UAE và Bahrain “cuối cùng cũng sẽ cần phải quyết định đâu là điều tốt nhất cho đất nước của họ”. Tuy nhiên, nhà ngoại giao này cho biết thêm, rằng ông “nghĩ tốt hơn hết nên có một mặt trận thống nhất” và ưu tiên cho “những lợi ích của người Palestine”.

“Xung đột với Iran”

Ở thời điểm hiện tại, Trung Đông có vẻ như đôi khi bị chia làm hai, một bên là Iran và các đồng minh, còn bên kia là Saudi Arabia, Israel, Mỹ và các quốc gia mà những nước này ủng hộ. Và Kushner được cho là sẽ đề cập đến chủ đề Iran trong thời gian lưu lại Saudi Arabia.

Nhìn lại, hoạt động ngoại giao trong một nhiệm kỳ của chính quyền Trump mang tính thất thường, nhưng nhà lãnh đạo xứ cờ hoa đã nói rõ rằng, Iran là một trong những vấn đề chính của ông. Iran cũng nằm ở vị trí nổi bật trong chương trình nghị sự của người kế nhiệm Trump, tức cựu Phó Tổng thống Mỹ Joe Biden.

Hoạt động trong một nhà máy hạt nhân của Iran.

Chuyên gia Ron Kampeas viết trong một bài phân tích mới đây được Cơ quan Điện báo Do Thái (JTA) xuất bản nhận xét, cả ông Biden lẫn ông Trump “đều quan ngại về việc Iran tích tụ nguyên liệu hạt nhân”. Ông Biden có thể nỗ lực để quay trở lại bản thỏa thuận mà chính quyền Obama cùng các nước khác đã ký với Iran hồi năm 2015 để hạn chế hoạt động tích tụ hạt nhân của nước này. Thỏa thuận được ví là mang tính “lịch sử” ấy rốt cuộc đã bị hủy trong tay ông Trump, và chính ông hiện cũng sẽ có lợi trong việc không để cho nó được khôi phục trở lại. Về vấn đề này, Kampeas viết: “Vị tổng thống sắp mãn nhiệm đang thực hiện các bước đi để gây trở ngại cho người kế nhiệm, mà đáng chú ý nhất là một cơ chế các đòn trừng phạt được tăng cường. Cách hữu hiệu nhất để chặn khả năng quay trở lại thỏa thuận Iran là phát động một cuộc xung đột với Iran”.

Dĩ nhiên, một cuộc xung đột như vậy nếu xảy ra sẽ kéo theo nhiều rắc rối. Tấn công Iran sẽ là trở ngại cho bất cứ hy vọng nào đối với việc sửa chữa hệ thống tài chính tại Trung Đông, theo quan điểm của chuyên gia Karen Young trong bài báo xuất bản hồi tháng 11 trên trang web tin tức khu vực Al-Monitor. Tác giả này viết: “Trên thực tế, nó sẽ mở ra một thế hệ mất mát, vứt bỏ đi cơ hội có được lợi tức dân số, bắt giữ một nhóm dân số trẻ, tương đối khỏe mạnh và có trình độ học vấn cao rồi khép họ vào cảnh nghèo đói, bất động và thinh lặng - có lẽ là cơ hội lớn nhất bị bỏ lỡ kể từ khi phát hiện ra dầu lửa”.

Đối đầu với hoàng gia Saudi Arabia

Thái tử Mohammed bin Salman ắt hẳn có nhiều lý do để lo lắng về mối quan hệ của Saudi Arabia với nước Mỹ dưới quyền kiểm soát của ông Joe Biden. Một số thành viên trong Quốc hội xứ cờ hoa đã nói rằng, Mohammed bin Salman có dính dáng đến vụ ám sát nhà báo Jamal Khashoggi của tờ Washington Post do các nhân viên chính phủ làm việc tại lãnh sự quán của Saudi Arabia tại Istanbul và đã kêu gọi thái tử Mohammed bin Salman phải chịu trách nhiệm. Chính quyền Trump đã chặn toàn bộ những nỗ lực này, và nhà báo Bob Woodward của tờ Washington Post thậm chí còn đưa tin, ông Trump từng khoe khoang rằng mình đã “cứu mạng” Mohammed bin Salman.

Kushner trong chuyến thăm Saudi Arabia hồi tháng 9. Ảnh: PA
Kushner trong chuyến thăm Saudi Arabia hồi tháng 9. Ảnh: PA

Günter Meyer, giám đốc Trung tâm nghiên cứu thế giới Arập thuộc Đại học Mainz hồi tháng 11 trao đổi với tờ DW, nêu quan điểm rằng, ông Biden sẽ phải xác định rõ lập trường của mình. “Trước thềm các cuộc bầu cử, Biden nói rằng ông sẽ ‘suy nghĩ lại’ mối quan hệ với Saudi Arabia. Một thông báo kiểu như vậy thường kéo theo những thay đổi sâu rộng”, Meyer phát biểu.

Các nhà cầm quyền của UAE có lẽ đỡ phải lo lắng về số phận cá nhân của họ hơn. Nhưng vị trí địa lý của quốc gia này lại khiến nó trở nên đặc biệt dễ bị ảnh hưởng trong trường hợp có xung đột quân sự. Cuộc chiến đang diễn ra tại Yemen mà UAE đã rút quân phần lớn, hiện cho thấy việc các nhà cầm quyền tại UAE hầu như không thể làm được gì trước những đối thủ bất thường chẳng hạn như lực lượng Houthi do Iran hậu thuẫn. Vì thế, UAE chắc chắn sẽ hy vọng duy trì quan hệ tốt đẹp với Mỹ, cái tên đến nay đã và đang cung cấp sự bảo vệ cho họ.

Israel thì sao?

Chính phủ Israel cũng đối diện với câu hỏi làm thế nào để ứng phó với Iran. Các quan chức tại Mỹ và Iran khẳng định, bằng chứng cho thấy có sự liên đới của Israel trong vụ ám sát nhà khoa học hạt nhân nổi tiếng của Iran Mohsen Fakhrizadeh hôm 27/11. Hiện vẫn chưa có bình luận chính thức nào được chính phủ Israel đưa ra về vấn đề này. Song giả dụ sự dính dáng của Israel trong vụ ám sát được xác nhận, điều đó có thể thử thách các quan hệ vừa mới được bình thường hóa của chính phủ nước này với UAE, Bahrain và Sudan - một dự án được phía Mỹ khuyến khích thực hiện. Nhiều người trong khu vực có thể sẽ không sẵn lòng ủng hộ một cuộc chiến chống lại Iran, và chắc chắn không bảo đảm cho an ninh của Israel. Hậu quả về mặt chính trị của một kịch bản như vậy thật khó có thể tính toán!

Ông Netanyahu có quan hệ hiệu quả với nước Mỹ dưới thời Trump. Ảnh: AA
Ông Netanyahu có quan hệ hiệu quả với nước Mỹ dưới thời Trump. Ảnh: AA

Hơn nữa, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu sẽ yêu cầu Mỹ hậu thuẫn nếu ông phải lựa chọn động thái quân sự toàn diện chống lại Iran. Bàn về nội dung này, chuyên gia Kampeas viết cho JTA: “Ông Biden có thể sẽ ít sẵn lòng ủng hộ hoàn toàn Israel hơn nếu người ta nhìn thấy ông Netanyahu khơi mào cuộc chiến tranh”.

Những câu hỏi này có thể vẫn sẽ còn để ngỏ cho tới sau lễ nhậm chức diễn ra ngày 20/1/2021, khi tân Tổng thống Biden làm rõ những kế hoạch của bản thân đối với khu vực.

Hoàng Bách