Thế giới tuần qua: Những tín hiệu lạc quan và tích cực

Mỹ Nga 06/12/2020 10:48

(Baonghean.vn) - Liên minh châu Âu (EU) đã công bố kế hoạch toàn diện nhằm cải thiện quan hệ đối tác với Mỹ, đặt niềm tin và hy vọng ở chính quyền mới của Washington, nhằm ứng phó với nhiều thách thức, nhất là những thách thức chiến lược từ Trung Quốc. Vương quốc Anh đã trở thành quốc gia phương Tây đầu tiên cấp phép sử dụng vaccine Covid-19, tạo ra bước ngoặt lớn trong cuộc chiến chống dịch bệnh trên toàn cầu. Đây là những vấn đề quốc tế đáng chú ý trong tuần vừa qua.

GÁC LẠI MỐI CĂNG THẲNG

EU kêu gọi Mỹ nắm bắt cơ hội “chỉ có một lần” để xây dựng một liên minh toàn cầu mới, tạm gác lại những căng thẳng xuyên Đại Tây Dương dưới thời Tổng thống Donald Trump. Kế hoạch mang tên “Một lịch trình EU-Mỹ mới để thay đổi toàn cầu”, do Ủy ban châu Âu (EC) đề xuất.

Đại diện cấp cao của EU về chính sách đối ngoại và an ninh công bố kế hoạch hợp tác mới giữa toàn diện EU và Mỹ. Ảnh: Reuters
Đại diện cấp cao của EU về chính sách đối ngoại và an ninh công bố kế hoạch hợp tác mới giữa toàn diện EU và Mỹ. Ảnh: Reuters

Bản dự thảo chính sách dài 11 trang do EC đề xuất kêu gọi quan hệ đối tác EU-Mỹ cần “duy trì và đổi mới” nếu thế giới dân chủ muốn khẳng định lợi ích và chống lại “các cường quốc độc tài” và “các nền kinh tế đóng cửa”. Sự hợp tác mới giữa EU và Mỹ sẽ diễn ra trên mọi lĩnh vực, từ quản lý các nền tảng số hóa cho đến ứng phó đại dịch Covid-19. EU đề nghị Mỹ hợp tác thẩm tra các khoản đầu tư nhạy cảm của nước ngoài, chống lại các mối đe dọa như tấn công mạng, xây dựng môi trường quản lý số hóa bao gồm nhất trí cách tiếp cận chung đối với vấn đề thực thi chống độc quyền, bảo vệ dữ liệu, đánh thuế đối với các nền tảng số hóa toàn cầu.

Các phần khác của bản dự thảo kêu gọi hợp tác phát triển và phân phối vaccine ngừa Covid-19, cũng như hợp tác cải cách Tổ chức Y tế thế giới, bảo vệ thỏa thuận quốc tế đối với vấn đề hạt nhân của Iran. EU cũng kêu gọi dập tắt căng thẳng dai dẳng giữa hai bờ Đại Tây Dương, chẳng hạn như việc Tổng thống Trump đe dọa áp thuế ô tô nhập khẩu từ châu Âu, hay EU thúc đẩy áp thuế dịch vụ kỹ thuật số nhằm vào những gã khổng lồ công nghệ Mỹ.

Điểm nhấn của bản dự thảo nằm ở chỗ, phản ánh sự lạc quan “nhẹ nhõm” của Brussels về triển vọng hợp tác với chính quyền mới của Mỹ.

Điểm nhấn của bản dự thảo nằm ở chỗ, phản ánh sự lạc quan “nhẹ nhõm” của Brussels về triển vọng hợp tác với chính quyền mới của Mỹ, nhưng cũng lo ngại rằng, vết rạn nứt xuyên Đại Tây Dương trong những năm vừa qua đã tạo ra vị thế địa chính trị khác biệt cho Bắc Kinh. Do đó, bản dự thảo ủng hộ ý tưởng của Tổng thống đắc cử Joe Biden về một hội nghị thượng đỉnh, và tin rằng một chương trình nghị sự xuyên Đại Tây Dương sẽ là cốt lõi của một liên minh toàn cầu mới bao gồm các đối tác cùng chí hướng. Ngoài ra, đó còn là tiềm năng hợp tác giữa EU với Mỹ để giải quyết các vấn đề từ đầu tư của Trung Quốc vào các công ty sáng tạo của EU và Mỹ, cho đến mối đe dọa tiềm tàng từ sức mạnh của Bắc Kinh trong công nghệ 5G.

Mối quan hệ xuyên Đại Tây Dương giữa EU và Mỹ được kỳ vọng cải thiện trong nhiệm kỳ mới của tổng thống Mỹ. Ảnh minh họa: internet
Mối quan hệ xuyên Đại Tây Dương giữa EU và Mỹ được kỳ vọng cải thiện trong nhiệm kỳ mới của tổng thống Mỹ. Ảnh minh họa: internet

Tuy nhiên, bên cạnh đó vẫn còn tồn tại những trở ngại tiềm tàng đối với sự hợp tác chặt chẽ giữa EU và Mỹ, bao gồm các bất đồng song phương và trong nội bộ EU. Các vấn đề chống độc quyền, thuế kỹ thuật số công nghệ vẫn là điểm nhấn dễ gây bùng phát xung đột trong quan hệ EU-Mỹ, và là một nhân tố phức tạp trong bất kỳ lập trường chung chống lại Bắc Kinh.

Tầm nhìn của Brussels về quyền bảo vệ dữ liệu, tăng cường cạnh tranh trong lĩnh vực công nghệ, và cải cách thuế sẽ đòi hỏi Brussels phải hành động chống lại các công ty công nghệ khổng lồ của Mỹ đang thống trị thị trường số hóa.

BƯỚC NGOẶT LỚN

Cơ quan quản lý Thuốc và Sản phẩm chăm sóc sức khỏe (MHRA) của Anh đã cấp phép sử dụng khẩn cấp vaccine phòng chống Covid-19 của công ty Pfizer phối hợp với đối tác Đức là BioNTech, và những liều đầu tiên dự kiến sẽ đưa ra thị trường vào đầu tuần tới. Việc cấp phép diễn ra với tốc độ kỷ lục, chỉ 3 tuần sau khi Pfizer công bố dữ liệu đầu tiên của giai đoạn thử nghiệm lâm sàng cuối cùng. Kết quả cho thấy vaccine có hiệu quả 95%. Trong bối cảnh chính phủ Anh đang ráo riết tìm cách vực dậy hình ảnh khi hứng chịu nhiều chỉ trích về cách thức đối phó với đại dịch, thì việc cấp phép vaccine đã khiến các chính trị gia và chuyên gia y tế châu Âu phải ngạc nhiên.

Anh sẽ triển khai vaccine ngừa Covid-19 trong tuần tới. Ảnh: AFP
Anh sẽ triển khai vaccine ngừa Covid-19 trong tuần tới. Ảnh: AFP

An toàn của cộng đồng được đặt lên hàng đầu - “An toàn” là khẩu hiệu của chúng tôi”.

Tiến sĩ June Raine, Giám đốc điều hành MHRA

Các cơ quan quản lý của Anh nhấn mạnh, việc phê duyệt nhanh chóng của họ thực hiện đúng quy trình, không bị cắt xén. Tiến sĩ June Raine, Giám đốc điều hành MHRA cho hay: “Chúng tôi đã thực hiện đánh giá khoa học nghiêm ngặt về tất cả các bằng chứng hiện có về chất lượng, an toàn và hiệu quả. An toàn của cộng đồng được đặt lên hàng đầu - “An toàn” là khẩu hiệu của chúng tôi”.

Mấu chốt của việc phê duyệt vaccine thần tốc ở chỗ, MHRA đã tiến hành đánh giá cuốn chiếu. Các nhà khoa học MHRA đã bắt đầu kiểm tra dữ liệu về vaccine từ tháng 10/2020, và mỗi gói dữ liệu đều được đánh giá ngay khi có sẵn, thay vì bản đánh giá chung vào cuối thời gian thử nghiệm. Việc đánh giá tổng hợp tất cả các thông tin cần thiết tại Anh được bắt đầu từ 23/11, sau đó đưa ra thông báo cấp phép vào ngày 1/12. Tiến trình này cho phép các nhà quản lý kiểm tra dữ liệu một cách chi tiết trước khi các Pfizer và BioNTech nộp đơn xin cấp phép.

Việc các bộ trưởng trong chính phủ đã chấp thuận vaccine cũng là một thành công của Anh trong ứng phó với đại dịch, sau khi quốc gia này ghi nhận số người tử vong cao thứ 5 trên thế giới.

Sau tuyên bố của Anh, Cơ quan Quản lý Dược phẩm châu Âu (EMA) cho rằng, việc Anh phê duyệt khẩn cấp vaccine là một bước đi chính trị quan trọng, song cũng tiềm ẩn rủi ro. Guido Rasi, người vừa kết thúc nhiệm kỳ Giám đốc EMA nhận định: “Nếu chỉ đánh giá một phần dữ liệu khi đang tiến hành thử nghiệm, thì cũng phải chịu rủi ro tối thiểu. Cá nhân tôi mong đợi quá trình xem xét dữ liệu mạnh mẽ, điều mà chính phủ Anh đã không thực hiện”.

Những liều vaccine của nhà sản xuất Pfizer đang được bảo quản nghiêm ngặt để cung cấp trong thời gian tới. Ảnh: Reuters
Những liều vaccine của nhà sản xuất Pfizer đang được bảo quản nghiêm ngặt để cung cấp trong thời gian tới. Ảnh: Reuters

Các chính trị gia châu Âu cũng lên tiếng chỉ trích quyết định của Anh có thể tạo ra áp lực buộc thế giới phải chạy đua trình làng vaccine. Peter Liese, chính trị gia Đức tại Nghị viện châu Âu cho hay: “Tôi coi quyết định này là có vấn đề và khuyến nghị các nước thành viên EU không lặp lại quy trình tương tự. Một vài tuần kiểm tra chặt chẽ của EMA sẽ tốt hơn so với việc cấp phép khẩn cấp vaccine một cách vội vàng”.

Còn tại Mỹ, việc Anh phê duyệt vaccine do một công ty Mỹ phát triển, đã gây thêm áp lực chính trị cho chính quyền ông Donald Trump đối với các cơ quan quản lý nhằm đẩy nhanh quy trình cấp phép vaccine khẩn cấp.

Bộ trưởng Y tế Anh Matt Hancook cho biết, nước này sẽ bắt đầu triển khai vaccine vào tuần tới và liều lượng vaccine được chỉ định sẽ căn cứ vào những ưu tiên về y tế. Người được tiêm chủng sẽ cần có 2 liều vaccine.

Mỹ Nga