Chính phủ yêu cầu đẩy mạnh ứng dụng KHCN trong đảm bảo trật tự an toàn giao thông
(Baonghean.vn) - Ứng dụng KHCN là giải pháp đột phá, quan trọng nhất trong đảm bảo trật tự an toàn giao thông là một trong những ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình yêu cầu các bộ, ngành, địa phương đẩy mạnh thực hiện trong thời gian tới.
Sáng 9/12, Chính phủ tổ chức Hội nghị trực tuyến tổng kết phong trào thi đua đảm bảo trật tự an toàn giao thông giai đoạn 2016 - 2020. Đồng chí Trương Hòa Bình - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban An toàn giao thông quốc gia chủ trì hội nghị tại điểm cầu Hà Nội. Tham dự có các đồng chí Phó Ủy ban An toàn giao thông quốc gia; đại diện các ban, bộ, ngành Trung ương và các cơ quan, đơn vị liên quan.
Tại điểm cầu Nghệ An có đồng chí Lê Hồng Vinh - Ủy viên Ban Thường vụ, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh; đại diện các sở, ban, ngành, đơn vị liên quan.
Đồng chí Trương Hòa Bình - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban An toàn giao thông quốc gia chủ trì hội nghị tại điểm cầu Hà Nội và các đại biểu tham dự tại điểm cầu Nghệ An. Ảnh: Hoài Thu |
Các giải pháp có tính khả thi cao
Tại hội nghị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình ghi nhận những kết quả đã đạt được trong 5 năm thực hiện công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông (TTATGT) trong cả nước. Sau khi nghe các địa phương, các ý kiến phát biểu tại hội nghị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình nhấn mạnh, để tiếp tục phát huy hiệu quả đảm bảo TTATGT trong thời gian tới, các bộ, ngành, địa phương cần tăng cường công tác tuyên truyền pháp luật về đảm bảo TTATGT, xây dựng văn hóa và tăng ý thức của mỗi cá nhân, nhường nhịn nhau khi tham gia giao thông; tăng cường xử lý các vi phạm về nồng độ cồn, sử dụng ma túy và vi phạm về tải trọng khi các cá nhân, phương tiện tham gia giao thông.
Giao các bộ, ban, ngành, ủy ban ATGT các địa phương căn cứ chức năng, nhiệm vụ để xây dựng kế hoạch, nội dung triển khai công tác đảm bảo TTATGT năm 2021 và giai đoạn 2021 - 2025, xác định ứng dụng khoa học công nghệ là giải pháp đột phá quan trọng nhất, là chìa khóa để triển khai 5 nhóm nhiệm vụ trọng tâm về TTATGT trong thời gian tới.
Từ 2016 đến nay cả nước đăng ký mới trên 1,8 triệu xe ô tô, gần 18 triệu xe mô tô, 1,3 triệu xe máy…nâng tổng số xe đã đăng ký tính đến ngày 14/10/2020 là trên 4,6 triệu xe ô tô, trên 72 triệu xe mô tô và gần 1,5 triệu xe máy điện. Trong 5 năm cả nước xảy ra 94.024 vụ tai nạn giao thông (TNGT), làm chết 39.917 người, bị thương 77,477 người. Riêng năm 2020, tính đến tháng 11 cả nước có 12.985 vụ tai nạn giao thông, làm chết 6.048 người, bị thương 9.652 người.
Trước đó, báo cáo đánh giá về hiệu quả công tác đảm bảo (TTATGT) trong 5 năm qua, Hội nghị nhận định đã có nhiều giải pháp có tính khả thi cao. Cụ thể, giai đoạn 2016 - 2020, qua đánh giá trong cả nước với 8 nội dung lớn về công tác chỉ đạo, điều hành; các giải pháp đảm bảo TTATGT; tình hình tai nạn giao thông (TNGT) và ùn tắc giao thông; đánh giá các tồn tại, hạn chế nhìn nhận những nguyên nhân và hiệu quả các giải pháp đã triển khai… cho thấy có nhiều kết quả nổi bật.
Trong 5 năm và đặc biệt năm 2020 số vụ TNGT đã giảm sâu trên cả 3 tiêu chí, cho thấy các giải pháp mà Chính phủ đã ban hành là phù hợp với yêu cầu thực tiễn, có tính khả thi cao.
10 tháng đầu năm 2020 Nghệ An giảm tai nạn giao thông trên cả 3 tiêu chí. Ảnh tư liệu |
Trên địa bàn tỉnh Nghệ An, mỗi năm có trên 80 nghìn phương tiện cơ giới đăng ký mới. Hiện Nghệ An có 130.000 xe ô tô, hơn 1,7 triệu xe mô tô và hơn 103 nghìn xe máy điện. Từ năm 2016 đến 10/2020 Nghệ An xảy ra 1.385 vụ tai nạn giao thông, làm chết 898 người, bị thương 1.002 người. 10 tháng đầu năm 2020 xảy ra 168 vụ TNGT làm chết 106 người, bị thương 113 người, so cùng kỳ năm ngoái giảm 41 vụ, giảm 25 người chết và giảm 32 người bị thương. Trong đó về số người chết do TNGT có 12 địa phương giảm và có 7 địa phương tăng so năm 2019.
Hội nghị cũng nghe ý kiến thảo luận của một số địa phương như TP Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, tỉnh Quảng Ninh, TP Đà Nẵng, đại diện lãnh đạo một số bộ, ngành… đánh giá, nêu những thực trạng và các biện pháp hiệu quả trong đảm bảo TTATGT, trong đó tập trung công tác tuyên truyền, đầu tư xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông; tăng cường tuần tra, kiểm soát xử lý vi phạm; chú trọng đào tạo, cấp giấy phép lái xe đảm bảo chất lượng; ứng dụng CNTT trong xử lý các vi phạm TTATGT, các điểm đen về TNGT...
Triển khai năm an toàn giao thông 2021
Giai đoạn 2021 - 2025 Ủy ban ATGT quốc gia đề ra 5 nhóm nhiệm vụ trọng tâm về đảm bảo TTATGT. Trong đó, năm 2021 cả nước sẽ triển khai kế hoạch Năm an toàn giao thông với chủ đề “Nâng hiệu lực hiệu quả thực thi pháp luật bảo đảm trật tự an toàn giao thông".
Mục tiêu của Năm ATGT 2021 nhằm nâng cao ý thức trách nhiệm, tính chuyên nghiệp, đạo đức nghề nghiệp của người thực thi công vụ trong lĩnh vực đảm bảo TTATGT; giảm tai nạn giao thông từ 5 - 10% số vụ, số người chết và bị thương; kéo giảm tình trạng ùn tắc giao thông ở các đô thị lớn. Đặc biệt, hội nghị nhấn mạnh mục tiêu cần giảm các vụ TNGT đặc biệt nghiêm trọng; từng bước giảm ùn tắc giao thông tại các thành phố lớn, nhất là ở Thủ đô Hà Nội và TP Hồ Chí Minh.
Người dân hiến đất và tài sản để làm đường giao thông nông thôn. Ảnh tư liệu |
Thực hiện năm An toàn giao thông 2021, hội nghị yêu cầu các cơ quan thành viên Ủy ban ATGT quốc gia và Ban ATGT các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương cần tập trung thực hiện 8 nhóm nhiệm vụ trọng tâm đã nêu trong Nghị quyết 12 của Chính phủ. Các ý kiến tại hội nghị đề nghị các bộ, ban, ngành, đơn vị liên quan cần tăng cường các biện pháp đảm bảo TTATGT trong năm 2021 và những năm tiếp theo của nhiệm kỳ quyết liệt hơn để đảm bảo hiệu quả.
Đối với tỉnh Nghệ An, xác định các nhiệm vụ trọng tâm về đảm bảo TTATGT năm 2021, UBND tỉnh yêu cầu các sở, ban, ngành chức năng chỉ đạo triển khai các nội dung trọng tâm, trong đó chú trọng đổi mới phương pháp tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về TTATGT; tăng cường tuần tra kiểm soát, xử lý vi phạm về trật tự giao thông, đặc biệt là những tháng cuối năm; xây dựng và triển khai kế hoạch phát triển kết cấu hạ tầng giao thông giai đoạn 2021 - 2025; đẩy mạnh giải tỏa hành lang ATGT và quản lý về vận tải, dịch vụ vận tải khách liên tỉnh; quy hoạch các điểm dừng, đỗ xe, phân luồng giao thông khoa học, hợp lý...