Thế giới tuần qua: Nguy cơ đổ vỡ những thỏa thuận

Mỹ Nga 13/12/2020 07:28

(Baonghean.vn) - Thủ tướng Anh Boris Johnson tuyên bố, khả năng cao không có thỏa thuận thương mại với Liên minh châu Âu. Hạ viện Mỹ đã thông qua một dự luật ngắn hạn nhằm duy trì chính phủ mở cửa cho đến hết ngày 18/12, trong bối cảnh các nhà lập pháp vẫn căng thẳng đàm phán về gói chi tiêu dài hạn hơn. Đây là những vấn đề quốc tế đáng chú ý trong tuần qua.

Sẵn sàng cho Brexit không thỏa thuận

Brexit không thỏa thuận luôn là điều mà cả nước Anh và Liên minh châu Âu (EU) lo ngại nhất trong quá trình đàm phán giai đoạn chuyển tiếp kéo dài gần 1 năm qua. Ba tuần nữa, Anh sẽ cắt đứt quan hệ thành viên với EU sau hơn 40 năm. Hai bên vẫn đang trong cuộc đàm phán với nỗ lực khắc phục những bất đồng cốt lõi đang cản trở một hiệp định thương mại tự do. Thế nhưng kịch bản Anh và EU không đạt được thỏa thuận nào ngày càng rõ ràng.

Thủ tướng Boris Johnson đã đưa ra lời cảnh báo rằng “khả năng rất cao" Anh và EU sẽ thất bại trong việc đàm phán thỏa thuận thương mại, thậm chí ông còn kêu gọi doanh nghiệp, người dân chuẩn bị cho ngày 1/1/2021, bởi ông tin rằng “sẽ có sự thay đổi theo cách nào đó”.

Thủ tướng Anh Boris John và Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen đã có buổi gặp mặt thân mật, song tương lai về Brexit không thỏa thuận ngày càng rõ ràng. Ảnh: Blo
Thủ tướng Anh Boris John và Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen đã có buổi gặp mặt thân mật, song tương lai về Brexit không thỏa thuận ngày càng rõ ràng. Ảnh: Bloomberg

Thủ tướng Johnson cho biết, “thỏa thuận nằm trên bàn thực sự không phù hợp vào lúc này", đồng thời nhận định rằng thậm chí nó sẽ khiến Anh dễ bị trừng phạt hoặc bị áp đặt thuế quan, nếu nước này không tuân theo luật mới của khối.

Hiện tại, Anh đang “bị khóa trong quỹ đạo của EU", nhưng các nhà lãnh đạo Anh khẳng định cuộc đàm phán sẽ “đi xa hơn" để đạt được hiệp ước đúng hạn vào ngày 31/12. Trong khi đó, Thủ tướng Johnson đã đề nghị Nội các của mình “bắt đầu và chuẩn bị" cho cuộc ra đi mà không có thỏa thuận, hoặc sẽ giao dịch với EU theo “giải pháp Australia"- cách ông gọi một Brexit không thỏa thuận thương mại.

Việc không đạt được thỏa thuận sau 11 tháng đàm phán sẽ giáng một đòn lớn vào nền kinh tế Anh, và phá vỡ chuỗi cung ứng của các doanh nghiệp ở cả Anh và EU. Người tiêu dùng sẽ bị ảnh hưởng bởi các chi phí phát sinh và sự gián đoạn do thuế quan và hạn ngạch từ EU - đối tác thương mại lớn nhất và gần gũi nhất của Anh. Đồng bảng Anh đã giảm hơn 1% với đồng đô la. Các nhà giao dịch đang chuẩn bị cho sự hỗn loạn xung quanh thời hạn cuối cùng, và được dự đoán là có mức biến động lớn nhất trong năm.

Mặc dù 2 bên đặt ra thời hạn 13/12 tới để đưa ra quyết định cuối cùng cho thỏa thuận hậu Brexit, nhưng khả năng đạt được đột phá là rất thấp. Hiện hai bên vẫn bất đồng về 3 nội dung mấu chốt về quyền đánh bắt cá, sân chơi bình đẳng và giải quyết tranh chấp. Cả 2 bên ngày càng đẩy nhau ra xa, và nhận ra rằng, việc đạt được một thỏa thuận là điều không dễ dàng.

Một thỏa thuận thương mại giữa Anh và EU không dễ dàng gì đạt được. Ảnh: Bloomberg

“Tôi muốn không có thỏa thuận nào hơn là có một thỏa thuận tồi. Việc Anh rời khỏi EU đã là điều tồi tệ đối với khối, nhưng còn tồi tệ hơn đối với Anh, vì chúng ta phải có một thỏa thuận mà tất cả chúng ta đều có thể có được sự đảm bảo cần thiết, và tìm cách thích hợp để thoát ra khỏi tình trạng rối ren này".

Thủ tướng Luxembourg Xavier Bettel

Về phía mình, Ủy ban châu Âu (EC) đã công bố các kế hoạch dự phòng trong trường hợp không có thỏa thuận nào được ký kết. EC cho biết, những điều này chỉ nhằm đảm bảo kết nối hàng không và đường bộ cơ bản giữa EU và Anh, cũng như khả năng tiếp cận đánh bắt cá có đi có lại.

Một quan chức EU cho biết, có thể 2 bên sẽ đồng ý về một “thỏa thuận không thân thiện", và đưa ra các phương án dự phòng cho phép các cuộc đàm phán thương mại có thể nối lại vào cuối năm 2021.

Lo sợ chính phủ đóng cửa

Khi nguồn ngân sách hết hạn vào ngày 11/12, nếu các nhà lập pháp không thông qua dự luật tài trợ, nhiều lĩnh vực sẽ ngừng hoạt động trong bối cảnh đại dịch đang hoành hành. Do đó, việc nhanh chóng đưa ra 1 dự luật tạm thời là điều cần thiết. Hạ viện Mỹ đã thông qua dự luật tạm thời của Hạ viện Mỹ với 343 phiếu thuận và 67 phiếu chống, kéo dành thêm thời gian cho các cuộc đàm phán tài chính, cũng như gói giảm thiểu tác động của dịch bệnh Covid-19. Dự kiến Thượng viện sẽ sớm thông qua văn kiện này để chuyển tới Tổng thống Donald Trump ký ban hành.

Hạ viện Mỹ đã thông qua dự luật tạm thời nhằm ngăn chặn việc Chính phủ đóng cửa khi nguồn tài chính kiệt quệ. Ảnh: Reuters
Hạ viện Mỹ đã thông qua dự luật tạm thời nhằm ngăn chặn việc Chính phủ đóng cửa khi nguồn tài chính kiệt quệ. Ảnh: Reuters

Ban đầu, các lãnh đạo của đảng Dân chủ tại Hạ viện hy vọng sẽ kết thúc công việc trong năm 2020 vào cuối tuần này để các Hạ nghị sĩ có thể kịp trở về nhà cách ly trong 2 tuần nhằm đề phòng bất cứ khả năng phơi nhiễm Covid-19 trong quá trình di chuyển và nhóm họp tại tòa nhà Quốc hội, trước khi tận hưởng lễ Giáng sinh cùng gia đình.

Tuy nhiên, do các cuộc thảo luận về một gói chi tiêu toàn diện tiến triển chậm, các nhà lập pháp thừa nhận rằng họ cần thêm thời gian. Cả đảng Dân chủ và đảng Cộng hòa đều muốn tránh việc đóng cửa chính phủ trong thời kỳ đại dịch Covid-19 tăng cao đỉnh điểm.

Các nhà đàm phán hy vọng rằng, thời gian bổ sung sẽ đủ để không chỉ đạt được một thỏa thuận tài trợ sâu rộng, mà còn đạt được thỏa thuận về đợt cứu trợ mới cho đại dịch Covid-19. Số phận của một dự luật chi tiêu toàn diện và khoản cứu trợ bổ sung cho đại dịch gắn liền với nhau, bởi dự kiến rằng, bất kỳ gói hỗ trợ đại dịch nào cũng sẽ phải được thông qua như một phần của thỏa thuận tài trợ của chính phủ.

Một liên minh lưỡng đảng đang thúc đẩy kế hoạch kích thích thỏa thuận với mức giá 908 tỷ USD hiện có thể là phương án tốt nhất để các nhà lập pháp đi đến thống nhất, và ban hành thêm đạo luật viện trợ. Tuy nhiên, văn bản lập pháp cho kế hoạch đó vẫn chưa được công bố chính thức, vì các nhà lập pháp đang nỗ lực giải quyết 2 vấn đề mấu chốt: nguồn tài chính của chính phủ và nguồn của địa phương, ưu tiên chính của đảng Dân chủ cũng như trách nhiệm và ưu tiên chính của đảng Cộng hòa.

Mỹ vẫn là quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất từ đại dịch Covid-19. Ảnh: Reuters
Mỹ vẫn là quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất từ đại dịch Covid-19. Ảnh: Reuters

Trước những rào cản lớn đó, lãnh đạo đa số Thượng viện Mitch McConnell đã đề xuất xóa bỏ mâu thuẫn, để nhanh chóng thông qua thỏa thuận ngay bây giờ, tạo bước ngoặt mới cho các cuộc đàm phán. “Chúng tôi không thể rời đi mà không đưa ra được gói cứu trợ đại dịch Covid-19. Đất nước và người dân đang rất cần điều đó", ông McConnell nhấn mạnh và đề nghị loại bỏ trách nhiệm pháp lý đối với tiểu bang và địa phương.

Mỹ vẫn là quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi dịch Covid-19, với trên 15,9 triệu ca mắc và hơn 298.700 trường hợp tử vong. Giới chức Mỹ cảnh báo, số ca tử vong sẽ tiếp tục tăng đột biến trong bối cảnh hàng triệu người đã đi du lịch khắp đất nước trong kỳ nghỉ Lễ Tạ ơn hồi tháng 11, bất chấp những khuyến cáo hạn chế di chuyển để ngăn ngừa dịch bệnh lây lan.

Trước tình hình chuỗi lây lan ngày càng rộng và không thể kiểm soát, các chuyên gia Mỹ đã nhóm họp để đánh giá về khả năng triển khai khẩn cấp loại vaccine tiềm năng do 2 hãng Pfizer (Mỹ) và BioNTech (Đức) phối hợp phát triển.

Mỹ Nga