Nông dân Nghệ An tăng cường sản xuất thực phẩm, nông sản an toàn
(Baonghean.vn) -Thời gian qua, Hội Nông dân tỉnh Nghệ An đã phối hợp với các địa phương triển khai nhiều chương trình, xây dựng các mô hình sản xuất nông sản an toàn. Nhờ đó, nhận thức về an toàn thực phẩm của các cơ sở sản xuất, hộ nông dân, các đơn vị kinh doanh thực phẩm được nâng lên rõ rệt, góp phần ổn định thị trường nông sản sạch.
Nhiều mô hình hiệu quả
Trong xu thế cạnh tranh với thị trường, đảm bảo các tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm, an toàn môi trường nuôi tôm theo quy trình sinh học là yêu cầu tất yếu, giúp người nuôi tôm hạn chế tối đa rủi ro, giảm chi phí, tăng thu nhập.
Tại xã Diễn Trung, huyện Diễn Châu, mô hình nuôi tôm sinh học được áp dụng trong những năm trở lại đây đã mang lại nhiều hiệu quả tích cực.
Mô hình nuôi tôm an toàn sinh học tại xã Diễn Trung (Diễn Châu). Ảnh: Quang An |
Gia đình anh Nguyễn Viết Bình, ở xã Diễn Trung, có 2 đầm tôm với tổng diện tích trên 30.000m2, nuôi theo phương thức an toàn sinh học. Anh Bình cho biết: Từ khâu xử lý ao hồ, chọn giống, ươm giống, thả con giống, chăm sóc, quản lý... đến thu hoạch, anh Bình đều thực hiện nghiêm quy trình an toàn sinh học theo hướng dẫn của cán bộ hội nông dân nên tôm ít dịch bệnh, giảm chi phí, sản lượng đạt cao.
Thời điểm thu hoạch, tôm đạt kích cỡ từ 30 - 33 con/kg, cao hơn nhiều so với nuôi tôm truyền thống, sản lượng vì thế mà cũng tăng lên gấp rưỡi mỗi vụ. Không những thế, giá bán ra thị trường đối với tôm sinh học khoảng 200.000 đồng/kg, trong khi tôm truyền thống chỉ khoảng 150.000 – 170.000 đồng/kg.
Ông Đậu Ngọc Hòa – Giám đốc HTX chăn nuôi VietGAP Diễn Trung cho biết: Các hộ nuôi tôm an toàn sinh học được đào tạo, tập huấn về kiến thức an toàn sinh học, VietGAP, được tiếp cận những quy trình kỹ thuật nuôi về đảm bảo an toàn dịch bệnh, thân thiện môi trường.Để thực hiện tốt quy trình nuôi tôm theo an toàn sinh học, đòi hỏi người dân phải tuân thủ nghiêm ngặt các quy trình kỹ thuật, thường xuyên cải tạo, làm sạch ao đầm; kiểm tra kỹ các yếu tố môi trường như độ pH, độ kiềm, độ mặn... Trong quá trình nuôi, từ lúc thả giống đến chăm sóc và thu hoạch luôn có sự đồng hành của hội nông dân trong việc chỉ dẫn phương thức canh tác cũng như liên kết để tạo đầu ra sản phẩm cho bà con nên ai cũng phấn khởi.
Tôm nuôi theo phương pháp an toàn sinh học đạt năng suất cao, được thị trường ưa chuộng. Ảnh: Quang An |
Bên cạnh các mô hình về nuôi trồng thì những mô hình về trồng trọt đảm bảo an toàn cũng được Hội Nông dân triển khai tại nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh.
Tại xã Diễn Thái, huyện Diễn Châu những ngày này, những cánh đồng trồng mùi tàu trải dài, xanh ngắt. Đây là loại rau dễ trồng, ưa vùng đất bùn, trồng một lần có thể thu hoạch nhiều lứa nên chi phí đầu tư ít, là cây trồng mang lại hiệu quả kinh tế cao bậc nhất trên địa bàn.
Bà Phan Thị Nhung - Giám đốc HTX rau mùi tàu Diễn Thái cho biết: Bên cạnh các ưu điểm trên thì rau mùi tàu tại địa phương là sản phẩm đảm bảo an toàn thực phẩm, nguồn nước phục vụ trồng mùi tàu được lấy từ bara Đô Lương, không qua khu dân cư nên đảm bảo chất lượng, không bị ô nhiễm. Mặt khác, do người dân được tập huấn phương pháp cánh tác đảm bảo an toàn của hội nông dân nên bà con không sử dụng các thuốc BVTV trong quá trình chăm sóc, sản phẩm luôn đảm bảo chất lượng.
Hiện toàn xã có 20ha mùi tàu và dự kiến sẽ mở rộng thêm 3ha trong những năm tới để phục vụ nhu cầu của thị trường. Sau khi đạt chứng nhận OCOP 3 sao thì địa phương đang xúc tiến hoàn thiện các hồ sơ, thủ tục để tiến tới xuất khẩu mùi tàu sang các thị trường Hàn Quốc, Nhật Bản.
Người dân xã Diễn Thái huyện Diễn Châu phấn khởi vì rau mùi tàu cho thu nhập ổn định. Ảnh: Quang An |
Xã Nghi Long, huyện Nghi Lộc được xem là thủ phủ trồng rau an toàn trên địa bàn huyện Nghi Lộc. Năm 2018, nhờ sự giúp sức, đồng hành của hội nông dân, địa phương đã nghiên cứu đề án và tiến hành xây dựng 60ha rau củ quả theo tiêu chuẩn VietGAP mỗi năm 2 vụ. Nếu như vụ hè thu, địa phương gieo trồng 60ha dưa hấu và dưa lê thì đến vụ đông, địa phương trồng 6ha rau các loại như su hào, cải bắp, rau ngũ vị… tất cả đều đảm bảo an toàn theo hướng VietGAP.
Ông Nguyễn Tứ Ngọc – Phó Chủ tịch UBND xã Nghi Long cho biết: “Khi tham gia sản xuất rau an toàn, 60 hộ dân trên địa bàn xã đã được tập huấn các kiến thức. Khi tiến hành sản xuất họ đều tuân thủ nghiêm ngặt các quy trình, do đó các sản phẩm rau đưa ra thị trường đều đảm bảo chất lượng, giá thành bán ra tăng gấp nhiều lần so với sản xuất rau truyền thống, thu nhập của người dân từ đó cũng tăng lên đáng kể. Hiện địa phương cũng đã có nhãn hiệu rau an toàn và đang hoàn thiện các thủ tục để có thể đưa rau vào các hệ thống siêu thị, hệ thống bán lẻ, các thị trường khó tính trong và ngoài tỉnh”.
Tiếp tục nhân rộng các mô hình
Nhận thức được tầm quan trọng của việc sản xuất thực phẩm, nông sản an toàn, đảm bảo sức khỏe cho người tiêu dùng nên Ban Thường vụ Hội Nông dân tỉnh đã chủ trì phối hợp với Sở Nông nghiệp và PTNT, Sở Công Thương, Sở Tài chính để tham mưu cho UBND tỉnh ban hành đề án “Tuyên truyền, vận động, hướng dẫn nông dân sản xuất, kinh doanh, tiêu thụ nông sản thực phẩm an toàn giai đoạn 2020 - 2023”.
Đề án nhằm tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức, ý thức của nông dân trong toàn tỉnh về sản xuất nông sản, thực phẩm an toàn; nâng cao trình độ, kiến thức cho nông dân, nhất là kiến thức về sản xuất, chế biến nông sản, thực phẩm an toàn; trang bị kiến thức nhận biết nông sản, thực phẩm an toàn, góp phần hình thành thói quen tiêu dùng nông sản, thực phẩm an toàn trong nhân dân. Thúc đẩy việc áp dụng và nhân rộng các mô hình, quy trình sản xuất tiên tiến, bảo đảm an toàn thực phẩm; ngăn chặn tình trạng lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật, thuốc kích thích tăng trưởng, hóa chất, kháng sinh và chất cấm trong sản xuất, góp phần phát triển nông nghiệp bền vững, nâng cao thu nhập, chất lượng cuộc sống.
Nông dân xã Nghi Long trồng rau trong nhà lưới. Ảnh: Nguyễn Hải |
Chỉ đạo, hướng dẫn và hỗ trợ kinh phí xây dựng 3 cửa hàng trưng bày, giới thiệu, kinh doanh nông sản thực phẩm an toàn tại 3 huyện: Diễn Châu, Đô Lương và thành phố Vinh. Hiệu quả được kiểm chứng khi những sản phẩm sau khi cho ra thị trường luôn đảm bảo chất lượng, được người tiêu dùng đón nhận, đầu ra nông sản đảm bảo, thu nhập của người nông dân cũng tăng lên, tạo nên phong trào thi đua sản xuất nông sản an toàn trên khắp các huyện, thành, thị
Trong thời gian tới, Hội Nông dân tỉnh sẽ tiếp tục tạo điều kiện để các cấp Hội Nông dân trực tiếp chỉ đạo xây dựng và nhân rộng các mô hình phát triển kinh tế có hiệu quả theo hướng chuỗi liên kết khép kín từ khâu sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm, đặc biệt chú trọng đến khâu sản xuất đảm bảo an toàn, bảo vệ sức khỏe, quyền lợi của người tiêu dùng trên địa bàn.