Nghệ An ra công điện ứng phó với rét đậm, rét hại

PV 28/12/2020 10:45

(Baonghean.vn) - Hồi 10h ngày 28/12, Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Nghệ An có Công điện số 21/CĐ-BCHPCTT-TKCN về việc ứng phó với rét đậm, rét hại.

Nội dung công điện nêu rõ, theo dự báo của Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, từ ngày 30/12, ở các tỉnh Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ trời chuyển rét đậm, rét hại với nhiệt độ thấp nhất 8-11 độ, vùng núi 4-7 độ, vùng núi cao có khả năng xảy ra băng giá và sương muối; có mưa vừa, có nơi mưa to và dông.

Những ngày rét đậm, rét hại giữa tháng 12/2020, tại xã Mường Lống (Kỳ Sơn), nhiều gia đình đã phải nhóm một bếp lửa ngay giữa nhà để con em sưởi ấm. Ảnh tư liệu Quang An

Để chủ động ứng phó với rét đậm, rét hại, Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh đề nghị Chủ tịch UBND, Trưởng ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn các huyện, thành phố, thị xã; Ban Chỉ huy PCTT-TKCN các Sở: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Y tế, Tài nguyên và Môi trường, Thông tin và Truyền thông; Đài Phát thanh Truyền hình tỉnh, Báo Nghệ An:

+ Thực hiện nghiêm túc Công điện số 42/CĐ-TW ngày 27/12/2020 của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai - Ủy ban Quốc gia ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn; tiếp tục thực hiện Công điện số 19/CĐ-BCH PCTT&TKCN ngày 05/12/2020 của Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Nghệ An về ứng phó rét đậm, rét hại.

+ Thường xuyên cập nhật tình hình thời tiết, diễn biến không khí lạnh, rét đậm, rét hại; tăng cường thời lượng phát tin trên các phương tiện thông tin đại chúng, đặc biệt là hệ thống thông tin, truyền thông cơ sở để chính quyền các cấp, người dân, nhất là ở vùng cao biết, chủ động phòng, chống.

+ Tập trung chỉ đạo triển khai các biện pháp đảm bảo an toàn cho người, nhất là với người già, trẻ nhỏ, học sinh và triển khai các biện pháp để giảm thiểu mức độ thiệt hại về sản xuất, chú trọng đàn đại gia súc và các cơ sở chăn nuôi tập trung ở khu vực đặc biệt khó khăn, vùng sâu, vùng xa. Tuyên truyền, cảnh báo người dân không sưởi ấm bằng lò đốt than trong nhà kín.

+ Chỉ đạo các phòng, ban chuyên môn kiểm tra, đôn đốc công tác phòng, chống rét cho người, vật nuôi, cây trồng.

+ Chủ động bố trí ngân sách địa phương, quỹ phòng, chống thiên tai và các nguồn lực tại chỗ để kịp thời phục vụ công tác phòng, chống; triển khai lực lượng xung kích tại cơ sở, hỗ trợ vật tư, kinh phí để giúp nhân dân.

+ Các huyện, thị ven biển theo dõi chặt chẽ diễn biến của gió mạnh, sóng lớn trên biển; thông báo cho các phương tiện tàu, thuyền biết để chủ động phòng tránh, đảm bảo an toàn.

+ Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương về việc thực hiện công tác phòng, chống rét, dịch bệnh cho đàn vật nuôi, thủy sản và cây trồng; xây dựng, điều chỉnh kế hoạch sản xuất, cơ cấu cây trồng phù hợp với điều kiện và diễn biến thời tiết.

+ Đài Phát thanh Truyền hình Nghệ An, Báo Nghệ An và các cơ quan thông tấn báo chí thường xuyên cập nhật thông tin, diễn biến của rét đậm, rét hại và gió mạnh, sóng lớn trên biển trên các phương tiện thông tin đại chúng để người dân biết, chủ động phòng tránh.

+ Tổ chức trực ban nghiêm túc 24/24 giờ, thường xuyên báo cáo về Ban Chỉ huy PCTT-TKCN tỉnh (qua Văn phòng thường trực) khi có tình huống đột xuất để xử lý kịp thời./.

PV