Đồng Hợp - một nỗi lo ô nhiễm...

Nhật Lân 31/12/2020 11:39

(Baonghean.vn) - Bất kỳ ai khi đặt chân đến Cụm công nghiệp chế biến đá của xã Đồng Hợp (Quỳ Hợp) cũng sẽ phải giật mình thảng thốt trước sự tạm bợ, nhếch nhác ở nơi này. Bởi làm sao có thể nghĩ được trong cụm công nghiệp lại tồn tại sự tạm bợ, nhếch nhác đến như vậy...

Kiến nghị của cử tri

Trung tuần tháng 12/2020, có cuộc điện thoại lạ xưng là cử tri xóm Tân Thắng, xã Đồng Hợp, huyện Quỳ Hợp gọi vào đường dây nóng Báo Nghệ An. Cử tri này cho biết, ở xóm Tân Thắng đang có tình trạng ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến cây trồng và đời sống của người dân.

“Ô nhiễm do một số cơ sở sản xuất đá tại Cụm công nghiệp chế biến đá Đồng Lèn gây ra. Cực chẳng đã nên tôi phải phản ánh điều này đến báo. Vì thời gian qua đã kiến nghị lên chính quyền xã mấy lần, thấy có kiểm tra rồi nhưng đâu lại vào đó...”

Cử tri xóm Tân Thắng, xã Đồng Hợp

Đường vào xóm Tân Thắng, xã Đồng Hợp đoạn ngang qua Cụm công nghiệp chế biến đá Đồng Lèn. Ảnh: Nhật Lân
Đường vào xóm Tân Thắng, xã Đồng Hợp đoạn ngang qua Cụm công nghiệp chế biến đá Đồng Lèn. Ảnh: Nhật Lân

Liên lạc với một cán bộ thông thạo địa bàn Đồng Hợp để xác minh, được khẳng định vấn đề ô nhiễm môi trường từ các cụm công nghiệp là có thật. Không chỉ vậy, tình trạng này đã tồn tại qua nhiều thời gian. Cán bộ cho biết thêm, trong báo cáo tổng hợp ý kiến cử tri của HĐND xã Đồng Hợp kỳ họp vừa qua có nội dung này. Rồi anh thẳng thắn trao đổi: “Kiến nghị của cử tri xóm Tân Thắng là hoàn toàn chính đáng. Báo Nghệ An cần cử phóng viên lên Đồng Hợp nắm bắt thực tế để phản ánh về tình trạng này...”.

Để đến xóm Tân Thắng, phải đi trên con đường cắt qua Cụm công nghiệp chế biến đá Đồng Lèn. Chỉ là mới lướt ngang qua nhưng thấy việc phản ánh của cử tri là đúng, là cần thiết. Bởi ngay trên tuyến đường bừa bãi những khối đá vật liệu, những gò đụn đá thải, những lênh láng nước thải..., vừa gây cản trở giao thông và ảnh hưởng đến môi trường.

Đường vào cụm công nghiệp chế biến đá Đồng Lèn. Ảnh: Nhật Lân
Đường vào cụm công nghiệp chế biến đá Đồng Lèn. Ảnh: Nhật Lân

Tìm gặp anh Nguyễn Thanh Hải - Xóm trưởng xóm Tân Thắng để nắm tình hình được biết, dẫn đến kiến nghị là vì có vài chủ cơ sở trong quá trình sản xuất để tràn nước thải sang đất nông nghiệp của dân. Nét buồn lộ rõ trên khuôn mặt, anh Hải nói: “Xã đã về kiểm tra, lập biên bản và yêu cầu chủ cơ sở chế biến khắc phục trong tháng 12/2020. Nhưng các cơ sở này chậm thực hiện nên dân tiếp tục có ý kiến...”. Hỏi việc kiểm tra, lập biên bản của xã có nội dung ra sao? Xóm trưởng Nguyễn Thanh Hải cho biết, xóm chỉ tham gia chứ không lưu giữ biên bản.

Liên lạc với UBND xã Đồng Hợp để nắm thông tin, chúng tôi được làm việc cùng Phó Chủ tịch UBND xã - ông Bùi Thanh Tùng và bà Lang Thị Thương – cán bộ địa chính, là những cán bộ đã xử lý nội dung kiến nghị của người dân xóm Tân Thắng. Theo biên bản kiểm tra được lập vào tháng 11/2020, qua kiểm tra xác định có hai cơ sở chế biến đá trong quá trình sản xuất để nước thải bể lắng chảy tràn sang đất trồng cây của dân.

Sau đó, các vị đại diện đã yêu cầu chủ hai cơ sở này múc bùn thải tại bể lắng, xây dựng tường bao không để tái diễn tình trạng tràn bể, gây ảnh hưởng đến đất sản xuất của dân. Dù vậy, đến ngày 17/12/2020, UBND xã Đồng Hợp lại tiếp tục phải làm việc với các chủ cơ sở chế biến đá để nhắc lại các nội dung tại biên bản đã lập hồi tháng 11, qua đó đôn đốc thực hiện các biện pháp khắc phục, gia hạn đến 30/12/2020 phải hoàn thành...

Một nhà xưởng cắt xẻ đá ở cụm công nghiệp chế biến đá Đồng Lèn. Ảnh: Nhật Lân
Một nhà xưởng cắt xẻ đá ở cụm công nghiệp chế biến đá Đồng Lèn. Ảnh: Nhật Lân

SOS!

Ngày 24/12/2020, PV Báo Nghệ An cùng ông Cao Văn Bảo - Cán bộ Phòng TN&MT huyện Quỳ Hợp và lãnh đạo xóm Tân Thắng, lãnh đạo xã Đồng Hợp thực tế tại Khu công nghiệp Đồng Lèn, thấy thật ám ảnh. Bởi với những gì đang hiển hiện, Đồng Lèn không thể là cụm công nghiệp, làng nghề, hay đại loại một tên gọi gì đó tương tự. Và tình trạng này là hết sức vô lý vì xã Đồng Hợp, từ năm 2015 đã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới!

Cụm công nghiệp Đồng Lèn có khoảng chục cơ sở chuyên chế biến các loại đá ốp và các loại đá hạt dùng cho các tiểu cảnh. Mỗi cơ sở có diện tích chỉ khoảng trên dưới một ngàn m2, trong đó gồm luôn nơi chứa nguyên liệu, sản xuất, kho thành phẩm và khu chứa nước thải và bãi để chất thải rắn (gồm các loại vụn đá và bùn thải khô). Quá trình sản xuất, bốc dỡ vật liệu..., các cơ sở này thường gây bụi nhưng không thực hiện các biện pháp giảm phát tán bụi (như xây dựng hàng rào chắn, hoặc trồng hàng rào cây xanh...).

Trong khi đó, các bể chứa nước thải, bùn thải thực chất là những chiếc hố có kích thước nhỏ, đào âm dưới mặt đất chỉ có diện tích chừng vài chục m2. Thế nên nước, bùn thải trong quá trình sản xuất trong một khoảng thời gian ngắn thì đầy ăm ắm các hố chứa, do không có khu xử lý chung, nên chảy tràn vương vãi khắp nơi trong khu vực sử dụng chung của cụm công nghiệp, ra ngoài đường giao thông liên xóm và lan ra khu vực sản xuất của người dân. Nhìn tổng thể, yếu tố để người ta gắn cụm từ “công nghiệp” cho nơi này có lẽ chỉ nhờ vào một số thiết bị máy móc cắt xẻ tại các cơ sở, dù chúng cũng cóc cáy, đen đúa và vương vãi bùn thải...

Những bể chứa thải ở cụm công nghiệp chế biến đá Đồng Lèn. Ảnh: Nhật Lân
Những bể chứa thải ở cụm công nghiệp chế biến đá Đồng Lèn. Ảnh: Nhật Lân

Để được sản xuất trong các khu công nghiệp, các doanh nghiệp hoặc cơ sở sản xuất đều phải thực hiện các biện pháp bảo vệ môi trường. Tại sao ở đây lại như vậy? Tìm hiểu, các cơ sở sản xuất tại Cụm công nghiệp chế biến đá Đồng Lèn đều lập đề án “Bảo vệ môi trường đơn giản”. Tại đề án, ngoài mô tả quy trình sản xuất, cơ sở hạ tầng, máy móc thiết bị, thì họ đều đề ra các biện pháp, giải pháp giảm thiểu ô nhiễm môi trường (giảm thiểu ô nhiễm môi trường không khí; giảm thiểu ô nhiễm môi trường nước; giảm thiểu chất thải rắn...), và cam kết thực hiện. Dù vậy, họ đã không thực hiện như cam kết.

Ngày 23/12/2020, tại một cụm công nghiệp khác trên địa bàn xã Đồng Hợp, qua kiểm tra, Phòng TN&MT huyện Quỳ Hợp phát hiện có tình trạng 2 cơ sở sản xuất đang xả thải theo mương ra hố lắng sát với suối Đồng Cạn. Tuy nhiên, có hiện tượng chất thải rò rỉ ra suối. Vì vậy, Phòng TN&MT huyện Quỳ Hợp đã lập biên bản đối với hai cơ sở này.

Biên bản kiểm tra của UBND xã Đồng Hợp (trái) và Biên bản kiểm tra của Phòng TN&MT huyện Quỳ Hợp. Ảnh: N.L
Biên bản kiểm tra của UBND xã Đồng Hợp (trái) và Biên bản kiểm tra của Phòng TN&MT huyện Quỳ Hợp. Ảnh: N.L

Phải thay đổi!

Tại sao một xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới từ năm 2015 mà lại tồn tại tình trạng này? Chủ tịch UBND xã Đồng Hợp, ông Vũ Ngọc Lâm nói rằng: “Đây là một thực tế khiến xã rất đau đầu...”. Theo ông Lâm giải thích, chủ các cơ sở chế biến đá tại các cụm công nghiệp đều là người ở Đồng Hợp. Xuất thân của họ, hầu hết là công nhân của các doanh nghiệp đá trên địa bàn huyện. Vì nhiều lý do trong đó có tình trạng thiếu việc làm, họ trở về mở xưởng, tận dụng các loại đá kích thước nhỏ mà doanh nghiệp thải ra để cắt xẻ, chế tác cung ứng cho người có nhu cầu. Đến khoảng năm 2012 – 2013, để quản lý các đối tượng này, Nhà nước đã khoanh vùng, cho họ thuê đất. Tên gọi “cụm công nghiệp” (hoặc làng nghề) bắt đầu từ đó, tuy nhiên về hạ tầng thì không có sự đầu tư như các nơi khác.

Cũng theo Chủ tịch UBND xã Vũ Ngọc Lâm, trước tình trạng ô nhiễm môi trường, UBND xã Đồng Hợp đã tính đến phương án quy hoạch, mở rộng diện tích Cụm công nghiệp Đồng Lèn, để sắp xếp lại khu sản xuất của các cơ sở chế biến đá. Tuy nhiên, để làm được như vậy cũng rất khó vì các cơ sở đều đã được Nhà nước cho thuê đất. Trong khi việc mở rộng cụm công nghiệp thì cần thu hồi đất, thực hiện giải phóng mặt bằng; bên cạnh đó là việc đầu hạ tầng giao thông nội cụm công nghiệp, khu xử lý nước thải chung...

Chất thải từ cụm công nghiệp chế biến đá Đồng Lèn tràn sang đất sản xuất của người dân xóm Tân Thắng. Ảnh: Nhật Lân
Chất thải từ cụm công nghiệp chế biến đá Đồng Lèn tràn sang đất sản xuất của người dân xóm Tân Thắng. Ảnh: Nhật Lân

Điều Chủ tịch UBND xã Đồng Hợp nói ra là có thể hiểu. Tuy nhiên, trước tiên cần nhận thấy là chủ các cơ sở chế biến đá không có ý thức bảo vệ môi trường, không thực hiện cam kết do chính họ đề ra; bên cạnh đó, do cả nể con em trên địa bàn nên chính quyền xã còn lỏng lẻo trong công tác quản lý, chưa hoàn thành trách nhiệm theo thẩm quyền được giao.

Bởi vậy, để sớm giải quyết được tình trạng này, trước mắt cần rà lại đề án “Bảo vệ môi trường đơn giản” mà các chủ cơ sở đã lập để yêu cầu họ nghiêm túc thực hiện đầy đủ; đồng thời, UBND xã cần thường xuyên có các hoạt động giám sát với sự tham gia của cán sự các xóm và người dân. Về lâu dài, thì như phương án mà UBND xã đã tính đến, đó là đề xuất cấp có thẩm quyền cho phép điều chỉnh quy hoạch, mở rộng diện tích của các cụm công nghiệp để thực hiện sắp xếp lại. Có như vậy, môi trường ở các cụm công nghiệp mới được cải thiện, đời sống sinh hoạt của người dân trên địa bàn mới không bị những tác động xấu từ vấn nạn ô nhiễm...

Nhật Lân