Gặp những nạn nhân được giải cứu sau nhiều năm bị bán làm vợ nơi xứ người
(Baonghean.vn) - Bị những kẻ buôn người lừa bán làm vợ một đàn ông Trung Quốc khi vẫn đang còn tuổi ăn tuổi học, tiếng không biết, X. vì thế thường xuyên bị hành hạ bởi những trận đòn roi từ nhà chồng. Đó cũng là những hoàn cảnh chung của phần lớn những nạn nhân bị lừa bán qua biên giới.
Làm vợ tuổi 14
Một ngày cuối tháng 12, trong căn phòng nhỏ của trụ sở Công an Nghệ An, Cụt Thị X. (15 tuổi), ôm chầm lấy bố khóc nức nở trong giây phút đoàn tụ. Nhận được thông tin từ công an gon gái đã được giải cứu, ngay trong đêm, bố X., ông Cụt Phò Búa vội vã từ xã Bảo Nam (huyện Kỳ Sơn) ra Quốc lộ 7 bắt chuyến xe muộn về TP Vinh để gặp con gái. “Tôi cứ nghĩ là mất nó thật rồi”, người đàn ông Khơ mú khuôn mặt khắc khổ lau nước mắt nói.
Giây phút đoàn tụ của bố con ông Búa. Ảnh: Tiến Hùng |
Vợ chồng ông Búa có 4 người con, X. là con gái út. Cũng như nhiều gia đình người Khơ Mú khác trong bản, nhà ông Búa nghèo. Vì thế, các con ông khi vừa kịp biết hết con chữ đã phải nghỉ theo bố mẹ lên rẫy kiếm cái ăn. Biết gia đình ông Búa đông con gái, lại khó khăn nên Cụt Văn Út (32 tuổi, xã Xá Lượng, huyện Tương Dương) đã tiếp cận. Út là một trong những kẻ nằm trong đường dây buôn người, chuyên đi săn lùng thiếu nữ vùng cao Nghệ An để lừa bán qua Trung Quốc. Mỗi phi vụ trót lọt, Út được hưởng 5 triệu đồng từ đường dây.
Sau một thời gian làm quen, Út dần chiếm được lòng tin của gia đình ông Búa. Tháng 4/2019, Út đặt vấn đề đưa X. vào miền Nam làm “việc nhẹ lương cao”, để giúp gia đình thoát nghèo. Gia đình X. vì thế chẳng mảy may suy nghĩ, liền “giao trứng cho ác”. Cũng từ đó, cả Út lẫn X. đều bặt vô âm tín với gia đình ông Búa. Út sau đó đưa thiếu nữ Khơ Mú vượt biên sang Trung Quốc bàn giao em cho những kẻ trong đường dây. Xeo bị bán làm vợ một người đàn ông Trung Quốc khi còn chưa đủ 14 tuổi, với giá 240 triệu đồng. Ông Búa nói rằng, kể từ ngày ấy, ngày nào ông cũng hối hận, dằn vặt bản thân mình.
Khi nạn nhân được giải cứu cũng là lúc Cụt Văn Út bị bắt. Ảnh: Tiến Hùng |
“Em mong chờ ngày này đã gần 2 năm nay rồi. Cuộc sống bên đó thật sự quá tàn nhẫn, như “địa ngục trần gian”. Ngày nào em cũng khóc cả, mong được trở về quê hương, đoàn tụ với gia đình”, X. nói và cho hay, vì bị bán làm vợ khi còn quá nhỏ, ở xứ người lại không có ai quen biết, không biết tiếng Trung Quốc nên mỗi lần trái ý, lại bị nhà chồng hành hạ.
“Vì không biết tiếng nên chồng và những người trong gia đình chồng sai làm việc này, việc kia em không hiểu được. Mỗi lần như vậy lại bị đánh”, X. khóc nức nở.
X. kể rằng, kể từ ngày bị lừa bán, em luôn tìm cách để liên lạc với gia đình. Tuy nhiên, mãi đến tháng 7/2020, em mới dùng được điện thoại. Trong lần hiếm hoi được tiếp cận điện thoại để gọi về quê, em bị chồng phát hiện. Sau khi hành hạ vợ chán chê, ông ta thu điện thoại, cấm vợ gọi về nhà. Nhưng cũng nhờ cuộc điện thoại ngắn đó, gia đình X. ở quê đã trình báo với công an. Sau 5 tháng xác minh, Tổ chức bảo vệ trẻ em Rồng Xanh mới nắm được địa chỉ để giải cứu em đưa về đoàn tụ với gia đình. Ngay khi X. được đoàn tụ với gia đình, Cụt Văn Út - kẻ đã lừa bán em qua Trung Quốc cũng bị cơ quan điều tra bắt khẩn cấp về tội Mua bán trẻ em.
X. khai báo với cảnh sát hình sự về kẻ đã lừa bán em. Ảnh: Tiến Hùng |
Cùng đợt giải cứu với X., phòng Cảnh sát Hình sự và Tổ chức Rồng Xanh cũng giải cứu thêm một trường hợp là Lương Thị B. (xã Hữu Khuông, Tương Dương) bị bán năm 2015 khi mới 20 tuổi. Theo lời khai của B., nằm đó cùng bị lừa bán với em còn có 2 thiếu nữ khác trong bản. 2 người này đến nay vẫn “bặt vô âm tín”, chẳng biết sống chết thế nào. Phòng Cảnh sát Hình sự đang tiếp tục điều tra làm rõ, xác minh đường dây này.
Nước mắt nơi xứ người
Chúng tôi gặp Trần Thị H. (33 tuổi, xã Giai Xuân, huyện Tân Kỳ), khi chị đang tất bật dẫn theo đứa con trai chưa đầy 2 tuổi ra làm đồng. H. cũng là một trong những nạn nhân của bọn buôn người vừa được Tổ chức Rồng Xanh giải cứu về nước hơn 1 tháng trước. H. kể, chị là con thứ 2 trong gia đình có 3 anh em. Vì cuộc sống quá khó khăn nên mẹ của chị bỏ đi theo người đàn ông khác. Một mình bố “gà trống nuôi con” đến khi ông ngã bệnh rồi mất sớm, chỉ còn lại 3 anh em đùm bọc, thương yêu nhau.
Mùa hè năm 2001, khi đó H. vừa tròn 14 tuổi, bắt xe đi xuống thị trấn Diễn Châu tìm việc làm với mong muốn phụ giúp anh trai. Tại đây, em thuê phòng trọ và gặp một người phụ nữ tên Thủy. Biết H. có ý định tìm việc làm, Thủy dỗ ngon ngọt sang Trung Quốc "làm ăn để đổi đời". Cô bé mới lớn tin lời người phụ nữ đó mà không hề biết tất cả chỉ là cái bẫy. Tại Trung Quốc, thời gian đầu, H. theo Thủy đi làm chừng 2 tháng thì bị bán làm vợ người đàn ông ở Quảng Đông, Trung Quốc với giá 20.000 nhân dân tệ.
Ngày đoàn tụ sau gần 20 năm bị lừa bán qua Trung Quốc của chị H.. Ảnh: Tiến Hùng |
H. nói rằng, suốt gần 20 năm qua, lúc nào chị cũng day dứt, nhớ về quê nhà, nhưng chẳng có cách nào để liên lạc về cho gia đình. Những năm tháng làm vợ nơi xứ người, chị H. thường bị chồng hành hạ. Dù đã sinh cho ông ta đến 4 người con. “Chồng làm nghề xây dựng nên cũng đi biền biệt, chẳng mấy khi về nhà. Mỗi lần về hễ không vừa ý điều gì lại đổ mọi thứ lên đầu vợ. Ở nhà chồng, phải làm việc từ sáng đến tối mịt. Cậu bé út còn nhỏ nên khi tôi được giải cứu, bế theo nó về luôn nhưng chấp nhận mất luôn 3 đứa con ở bên đó”, chị H. nói.
Gần đây, chị H. trong một lần hiếm hoi được phép ra khỏi nhà đã may mắn gặp một đồng hương Nghệ An. Sau khi nhận lời kêu cứu từ H., anh này đã chụp ảnh chị và những thông tin chị cung cấp để đăng tải lên mạng xã hội. Ở quê nhà, anh trai chị H. đã nhận ra người em gái dù đã 20 năm xa cách. Anh sau đó làm đơn trình báo cơ quan chức năng.
Theo báo cáo của UBND tỉnh Nghệ An, thời gian qua, tình hình tội phạm mua bán người vẫn luôn diễn biến phức tạp, nhất là tình trạng mua bán người sang Trung Quốc tại các huyện miền núi ở tỉnh Nghệ An. Từ năm 2012 - 2020, cơ quan điều tra các cấp đã điều tra, khởi tố 136 vụ và 258 bị can phạm tội mua bán người, mua bán trẻ em.
Thủ đoạn chủ yếu của tội phạm mua bán người là lợi dụng vào các mối quan hệ quen biết hoặc qua các đầu mối trung gian để tiếp cận nạn nhân, dùng lời lẽ dụ dỗ, hứa hẹn tìm việc làm cho họ với mức lương cao; công khai ngã giá, rủ rê nạn nhân đi lấy chồng ở nước ngoài sẽ có cuộc sống nhàn hạ hơn và sẽ có một số tiền giúp đỡ gia đình nên một số nạn nhân tin và tự nguyện đi theo... Thời gian gần đây, những kẻ buôn người còn thông qua mạng xã hội (zalo, facebook...) để tìm cách lôi kéo, lừa phỉnh nạn nhân đem đi bán. Địa bàn hoạt động là các vùng nông thôn, miền núi, nơi có trình độ dân trí thấp, người dân cả tin, kinh tế khó khăn, nhiều người thiếu việc làm... nên dễ bị dụ dỗ, lôi kéo, lừa gạt. Tệ nạn buôn bán người chủ yếu tập trung ở một số huyện miền núi như Tương Dương, Con Cuông, Quỳ Hợp, Quỳ Châu, Quế Phong, Kỳ Sơn.