Nghệ An: Tăng cường quản lý thuế kinh doanh thương mại điện tử

Nguyễn Hải 29/12/2020 08:56

(Baonghean.vn) - Được Bộ Công Thương xác định là 1 trong 8 tỉnh trọng điểm về kinh doanh thương mại điện tử nên thời gian qua, cùng với việc tích cực kiểm tra các hoạt động thanh, kiểm tra, đấu tranh với các hành vi gian lận thương mại, Nghệ An đang chủ động triển khai các giải pháp nhằm tăng cường quản lý thuế đối với hoạt động này.

CHỦ ĐỘNG VÀO CUỘC

Ngay từ tháng 7 năm 2020, khi Nghị định số 126/2020 ngày 19/10/2020 được ban hành (có hiệu lực từ ngày 5/12/2020), tỉnh Nghệ An đã có Văn bản số 4232/UBND-KT về tăng cường công tác quản lý thuế đối với hoạt động kinh doanh thương mại điện tử.

Theo đó, UBND tỉnh giao Sở Công Thương, Sở Thông tin và Truyền thông, Cục Thuế, Công an tỉnh, Cục Quản lý thị trường và Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Nghệ An trên cơ sở khảo sát, nắm chắc tình hình kinh doanh thương mại điện tử để có các giải pháp phối hợp, tuyên truyền, chỉ đạo và kiểm tra xử lý nhằm chấn chỉnh các hoạt động thương mại không lành mạnh.

Lực lượng quản lý thị trường kiểm tra một quầy hàng có kinh doanh thương mại điện tử qua mạng xã hội tại Đô Lương.
Lực lượng quản lý thị trường kiểm tra một quầy hàng có kinh doanh thương mại điện tử qua mạng xã hội tại Đô Lương.

Trên thực tế, sau khi có Chỉ thị trên, Sở Công Thương đã phối hợp với Cục Thương mại điện tử - Bộ Công Thương nắm tình hình, cung cấp cho Cục Thuế về tình hình thương mại điện tử. Theo đó, toàn tỉnh hiện có 438 website thương mại điện tử bán hàng, 6 website sàn giao dịch thương mại điện tử, 1 ứng dụng di động của các tổ chức, cá nhân hợp pháp đã đăng ký với Bộ Công Thương theo quy định.

Cùng với nắm bắt thông tin, Cục Quản lý thị trường phối hợp với Công an tỉnh tổ chức nhiều đợt ra quân thanh, kiểm tra theo Quyết định số 2981/QĐ-BCT ngày 01/10/2019 của Bộ Công Thương về tăng cường kiểm tra các vi phạm về sở hữu trí tuệ, xuất xứ hàng hóa và thương mại điện tử. Kết quả, sau gần 12 tháng triển khai, Cục Quản lý thị trường ra quân kiểm tra và xử lý được 65 vụ việc với giá trị gần 1,268 tỷ đồng, trong đó, phạt hành chính 500 triệu đồng.
Mới đây, ngay sau khi Nghị định 126 về tăng cường quản lý thuế có hiệu lực thi hành từ ngày 5/12/2020, trên cơ sở rà soát lại dữ liệu về doanh nghiệp do Cục Thuế quản lý, phòng chuyên môn Cục Thuế đã gửi vào email các doanh nghiệp các thông tin liên quan đến các điểm mới của Nghị định 126, nhất là hoạt động quản lý thuế đối với thương mại điện tử, doanh thu phát sinh qua buôn bán online trên nền tảng mạng xã hội như YouTube, Facebook hay Zalo… đều có thể thuộc diện phải chịu thuế. Đáng chú ý, trong số các điểm mới của Nghị định 126 có quy định cho phép ngành Thuế trên cơ sở theo dõi nếu phát hiện chủ tài khoản có doanh thu bán hàng qua mạng nhưng không kê khai thuế thì yêu cầu ngân hàng cung cấp thông tin.

Mua bán hàng truyền thống tại các siêu thị, chơ đã giảm vì mua bán online dần thay thế. Ảnh: N.H
Mua bán hàng truyền thống tại các siêu thị, chơ đã giảm vì mua bán online dần thay thế. Ảnh: N.H

Bà Nguyễn Thị Trang - Trưởng phòng Nghiệp vụ tổng hợp và Dự toán, Cục Thuế tỉnh Nghệ An cho biết: Trước mắt, Cục Thuế đã gửi thư điện tử về tinh thần Nghị định 126 cho tất cả các doanh nghiệp đang phát sinh doanh thu thuế và các trang thương mại điện tử, sàn giao dịch mà Sở Công Thương cung cấp. Sắp tới, Cục Thuế sẽ lần lượt tổ chức hội nghị tập huấn, đối thoại chính sách thuế định kỳ với các doanh nghiệp sẽ giao cho các chi cục tổ chức lồng ghép triển khai Nghị định 126 và Hướng dẫn của Bộ Tài chính và Tổng cục Thuế về nội dung này.

NHỮNG THÁCH THỨC

Kinh doanh thương mại điện tử, mua bán online đã trở thành xu thế phổ biến của giao dịch hàng hóa hiện đại. Không những thế, thương mại điện tử với lợi thế không phải mất chi phí thuê mặt bằng, kho bãi quá lớn, chi phí quản lý bán hàng gọn nhẹ tới mức tối giản, người bán chỉ sử dụng không gian mạng xã hội làm quầy ốt của chính mình, không gian linh hoạt và thậm chí còn có thể trốn được các loại thuế, phí nên giá bán rẻ và có sức cạnh tranh rất lớn so với hàng hóa thương mại truyền thống.
Tuy nhiên, như bà Nguyễn Thị Thanh Hiếu - Trưởng phòng Kế hoạch Tài chính (Sở Công Thương) cho rằng: Điểm mấu chốt của thương mại điện tử chủ yếu thanh toán qua các ứng dụng của ngân hàng, không thể trả tiền trực tiếp nên 2 bên đều phải mở tài khoản (khâu giao hàng thường do bên thứ 3 thực hiện), nên ngành Thuế có thể nắm thông tin từ kênh tín dụng.

Ông Vương Đình Chinh - Trưởng phòng Hỗ trợ tuyên truyền, Cục Thuế Nghệ An cho biết: Việc các địa phương kiến nghị và Bộ Tài chính trình Chính phủ dự thảo sửa đổi, bổ sung chính sách về quản lý thuế theo Nghị định 126/2020 là vô cùng cần thiết. Vấn đề là có các giải pháp triển khai hiệu quả, theo đó, một mặt các Cục Thuế khi có cơ sở yêu cầu thì các ngân hàng phải cung cấp thông tin số tài khoản, số lượng giao dịch để Cục Thuế nắm tình hình làm cơ sở quản lý thuế.

Để triển khai quy định này, Tổng cục Thuế đã cam kết sẽ bảo mật thông tin và chỉ có người có trách nhiệm, thẩm quyền mới được yêu cầu và chỉ tài khoản khách hàng giao dịch phát sinh doanh thu bất thường mới thuộc diện xem xét. Ngoài nội dung trên, để quản lý thuế đối với hoạt động thương mại điện tử, một kênh nữa mà cơ quan chức năng cần có hành lang pháp lý để quản lý nữa là khâu giao hàng.

Hiện nay, số lượng hàng gian, hàng giả và hàng kém chất lượng, không rõ nguồn gốc được giao hàng qua các kênh chuyển phát nhanh khá nhiều, khi đóng gói được bảo vệ theo Luật Bưu chính viễn thông nên cơ quan chức năng khó kiểm tra để phát hiện (ngoại trừ các loại hàng cấm). Vì vậy, ngành quản lý thị trường cần tiến tới xây dựng quy định, cơ chế để kiểm tra, giám sát hàng hóa ngay từ khâu đóng gói tại sàn giao dịch để phát hiện sớm các hàng hóa trốn thuế.

Cục thuế Nghệ An tập huấn các nghiệp vụ thuế. Ảnh: Lâm Tùng
Cục Thuế Nghệ An tập huấn các nghiệp vụ thuế. Ảnh: Lâm Tùng

Chỉ thị của UBND tỉnh về tăng cường quản lý thuế mới được triển khai nên phải một thời gian nữa mới có đánh giá kết quả. Tuy nhiên, với việc Nghị định 126 cho phép ngành Thuế có quyền được yêu cầu ngân hàng cung cấp thông tin về chủ tài khoản kinh doanh thương mại điện tử là một bước tiến lớn, tạo cơ sở pháp lý để cơ quan thuế có các giải pháp hạn chế thất thu thuế.

Bà Nguyễn Thị Trang – Trưởng phòng Nghiệp vụ tổng hợp và Dự toán, Cục Thuế tỉnh

Nguyễn Hải