Lũ bạc, tình xanh...

Đoàn Trần 28/11/2020 06:00

(Baonghean.vn) - Bão lụt liên tiếp tấn công miền Trung. Giữa dòng lũ bạc, tình người vẫn xanh khi Chính phủ “đã, đang và sẽ làm hết sức mình”, còn người dân cả nước ùn ùn các chuyến hàng cứu trợ. Một Việt Nam “sáng chắn bão giông, chiều ngăn nắng lửa”, vẫn không ngừng vượt khó vươn lên.


Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc thăm người dân vùng rốn lũ Quảng Bình, ngày 24/10/2020.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc thăm người dân vùng rốn lũ Quảng Bình. Ảnh: Huy Hoàng

Không được phép thất bại

Trước khi chủ trì cuộc họp với các tỉnh miền Trung bàn giải pháp ứng phó bão lũ, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đến thăm hỏi người dân thôn Đồng Tư, xã Hiền Ninh (Quảng Bình), vùng ngập nặng nhất, nơi có 100% nhà dân bị ngập trong lũ. Bây giờ, mỗi bước chân của người miền Trung đi đều để lại dấu đặc quánh bùn non, đường sá điêu tàn, cây cối nghiêng ngả, đến cả cuốn vở đi học của trẻ con cũng ướt nhòe nét chữ…

Bí thư Tỉnh ủy Nghệ An thị sát vùng lũ Yên Thành. Ảnh: Thành Duy

Nhưng những đổ nát sẽ sớm lùi vào quá khứ, trời đất mang đến bão lũ, thì cũng trả lại những mùa màng tốt tươi, hàng lớp lớp bùn non vẫn đang chờ tay người cấy hái khi sóng gió qua đi. “Hứng chịu lũ chồng lũ, bão chồng bão, “họa vô đơn chí”, nhưng càng như vậy, chúng ta càng phải có ý chí, phải có tinh thần lạc quan bước về phía trước” - Thủ tướng nói.

Đã từng nhiều lần thị sát công việc này, người đứng đầu Chính phủ chỉ rõ trách nhiệm của Chính phủ, của chính quyền địa phương các cấp, “ứng phó với thiên tai phải coi là thử thách bắt buộc phải vượt qua và không được phép thất bại”. Mỗi khi nhận được tin bão đổ bộ, gần như cả Chính phủ đều đổ về các địa phương để cùng chính quyền các cấp lo cho dân.

Vào 3 năm trước, tháng 9/2017, có một cơn bão mà Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường đã phải dùng các cụm từ “quằn quại”, “dai dẳng” để mô tả, cơn bão số 10. Đó là cơn bão với cường độ rất lớn từ cấp 10 - 11, giật cấp 13 - 14, đổ bộ thẳng vào đèo Ngang, ảnh hưởng lớn nhất là tỉnh Hà Tĩnh; đồng thời gây mưa lớn, mưa cấp tập trên diện rộng từ Nghệ An đến Thừa Thiên - Huế.

Hội Nhà báo tỉnh Nghệ An kêu gọi, thực hiện cứi trợ đồng bào lũ lụt tại tỉnh Quảng Trị. Ảnh: Thanh Diệp

Sốt ruột lo cho dân, “thi gan” cùng với bão, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đi dọc 3 tỉnh miền Trung từ Hà Tĩnh đến Quảng Bình. Quan sát suốt dọc đường đi, ông cảm thấy giảm bớt phần nào nỗi lo khi chính quyền địa phương làm rất tốt công tác tuyên truyền nên người dân đều trú bão, không có ai trên đường. Người dân không dám ra đường nhưng Thủ tướng vẫn trên đường để đảm bảo “không để dân đói cơm đứt bữa, không để tiêu điều nối tiêu điều”, như khẳng định của Thủ tướng trước khi ông khẩn cấp đi vào nơi tâm bão.

Thủ tướng chỉ đạo chính quyền địa phương cũng như các bộ, ngành phải làm những việc cụ thể nhất, không nói dài, nói nhiều, không chỉ tay năm ngón chung chung. Và ông làm gương bằng cách tự mình xông pha. Đến Đồng Hới (Quảng Bình) lúc chiều muộn sau khi đi ô tô quãng đường hơn 300km mịt mù trong mưa, chứng kiến cả thành phố này chìm trong bóng tối, Thủ tướng yêu cầu lãnh đạo Bộ Công thương phải tập trung bằng mọi cách cấp điện lại bình thường cho dân.

Một tháng sau đó, hủy mọi cuộc làm việc ngày 12/10/2017, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tới Ninh Bình, kiểm tra trực tiếp công tác ứng phó với mưa lũ tại Đập tràn Lạc Khoái, xã Gia Lạc, huyện Gia Viễn, Ninh Bình, đi ca nô trên sông Hoàng Long, một trong 3 con sông đang có diễn biến mua lũ phức tạp nhất… Thủ tướng muốn tận mắt chứng kiến mức độ nguy hiểm đối với đời sống và tính mạng người dân ra sao, chứ không chỉ ngồi nghe qua các báo cáo.

Chưa bao giờ đầu hàng

Kể từ khi bắt đầu nhiệm kỳ Chính phủ khóa mới, liên tục trong 4 năm qua, năm nào Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng trực tiếp chủ trì Hội nghị toàn quốc về phòng chống thiên tai. Trong phòng chống thiên tai, ông có niềm tin tình người có thể thắng được sự khắc nghiệt của trời đất khi ông luôn thấy mỗi khi nơi nào xảy ra thiên tai, thì người dân cả nước dù nghèo, nhưng vẫn hăng hái đi cứu trợ.

Nhìn lại các cơn bão đã đi qua trong nhiệm kỳ này, một thực tế không thể phủ nhận, cả hệ thống chính trị đã vào cuộc nhanh chóng, chủ động, quyết liệt trong ứng phó với bão và tất cả các cấp chính quyền đều có trách nhiệm rất cao trong việc bảo vệ an toàn cũng như tài sản cho người dân.

Thủ tướng đồng thời khẳng định rằng, “trong ứng phó với thiên tai thì các cấp chính quyền phải nhận trách nhiệm chính. Việt Nam là đất nước “sáng chắn bão giông, chiều ngăn nắng lửa”, nhưng chưa bao giờ đầu hàng giặc thiên tai. Chính quyền có trách nhiệm, người dân có nhận thức, thì không khó để vượt qua được những thách thức của thiên tai.

Không địa phương nào được đứng ngoài cuộc vì thiên tai không đi theo quy luật nào, ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống an lành của dân, để dân đói, rét là trách nhiệm của chính quyền”.

Nhìn lại các cơn bão đã đi qua trong nhiệm kỳ này, một thực tế không thể phủ nhận, cả hệ thống chính trị đã vào cuộc nhanh chóng, chủ động, quyết liệt trong ứng phó với bão và tất cả các cấp chính quyền đều có trách nhiệm rất cao trong việc bảo vệ an toàn cũng như tài sản cho người dân.

Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An Nguyễn Đức Trung thị sát vùng lũ Đô Lương. Ảnh: Phạm Bằng

Như với cơn bão số 10/2017, tất cả các tỉnh nằm trong tâm bão và cơn bão đi qua, lãnh đạo địa phương đều ra đường chỉ đạo ứng cứu. Quân khu 4 điều hơn 22.000 chiến sĩ, Bộ Công an tăng cường 9.000 người cho 3 tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Nghệ An hỗ trợ công tác khắc phục hậu quả bão và sẵn sàng cử thêm quân theo yêu cầu của địa phương.

Hay như trong những ngày qua lũ lụt ở các tỉnh miền Trung, đã có hàng chục cán bộ chiến sĩ hy sinh khi tham gia cứu hộ cứu nạn. Từ Thủ tướng, các Phó Thủ tướng đến Bí thư, Chủ tịch các địa phương đều lặn lội cùng người dân.

Người đứng đầu Chính phủ nêu rõ đồng cam cộng khổ với nhân dân là trách nhiệm đương nhiên của Chính phủ. Ngay từ khi được Quốc hội bầu và phê chuẩn nhiệm kỳ khóa mới vào tháng 7/2016, Chính phủ đã ra Chương trình hành động của Chính phủ nhiệm kỳ 2016 – 2021, trong đó thống nhất, quyết tâm xây dựng Chính phủ đoàn kết, vững mạnh, quyết liệt hành động, tập trung phục vụ Nhân dân, mang đến niềm hạnh phúc cho Nhân dân làm mục tiêu cao nhất. Từng thành viên Chính phủ nêu cao tinh thần trách nhiệm trước Đảng, Nhà nước và Nhân dân.

Càng gặp họa, càng bền chí

Vào lúc này, Dự thảo văn kiện trình Đại hội XIII đang được xin ý kiến Nhân dân. Nghị trình Kỳ họp thứ 10 sẽ dành riêng một ngày xin ý kiến đại biểu Quốc hội về Dự thảo này.

Một trong những điểm mới nổi bật của Dự thảo văn kiện, chính khát vọng phát triển đất nước không chỉ là xây dựng một nước Việt Nam hùng cường mà còn nhấn mạnh đến yếu tố hạnh phúc của Nhân dân.

Theo cùng đó là bước phát triển mới trong tư duy về nhân dân. Bên cạnh cơ chế dân chủ, để dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra như trước đây, dự thảo văn kiện trình Đại hội XIII còn thêm nội dung “dân giám sát và dân thụ hưởng”. 5 năm trước, ĐH XII xác định phát huy sức mạnh đại đoàn kết dân tộc; đến giờ, ĐH XIII mở rộng ra và nhấn mạnh đến khơi dậy khát vọng phát triển đất nước, phát huy ý chí, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc kết hợp với sức mạnh thời đại...

Trên thực tế, Đại hội nào, Đảng cũng đặt Nhân dân là chủ thể và đặc biệt coi trọng Nhân dân. Đến Đại hội XIII, do yêu cầu phát triển đất nước rất cao và trước một bối cảnh rất nhiều thời cơ thuận lợi và đầy thử thách, mà như ngay trong năm này là đại dịch COVID- 19 và thiên tai triền miên ở miền Trung, thì vai trò của Nhân dân càng lớn hơn.

Hiện, Việt Nam chưa có chỉ số cụ thể để đo đếm hạnh phúc của Nhân dân. Nhưng, mức độ đánh giá hạnh phúc hiện diện ở hầu khắp các chỉ tiêu, ngay cả chỉ tiêu tưởng như rất khô cứng như GDP. Chính phủ thường xuyên nhấn mạnh rằng nền kinh tế Việt Nam không chỉ phấn đấu tăng trưởng nhanh, mà phải là tăng trưởng có chất lượng, bền vững và mọi người dân phải được hưởng thành quả của tăng trưởng. Tăng trưởng phải mang lại niềm hạnh phúc cho Nhân dân.

Việt Nam được thế giới biết đến là một quốc gia liên tục thăng hạng về hạnh phúc. Năm 2018, Việt Nam xếp thứ 95 trong bảng xếp hạng 156 quốc gia của Báo cáo Hạnh phúc Thế giới 2018 của Liên hợp quốc. Đến năm 2019, Việt Nam đứng thứ 94 và năm 2020, vươn lên vị trí thứ 83 trong bảng xếp hạng này. Trong nhiều bảng xếp hạng khác, Việt Nam luôn được gọi tên là một quốc gia hạnh phúc.

Giữa thời đại dịch COVID-19, Việt Nam cũng nổi lên là một quốc gia an toàn, đáng sống khi mọi người dân đều nhận được sự quan tâm của Nhà nước trong cuộc chiến với con virut này. Giữa mùa thiên tai, vẫn không quá khó để bắt gặp những nụ cười nơi rốn lũ khi chính quyền, người dân chung sức, đồng lòng, dẫu gặp họa vô đơn chí, lũ chồng lũ, bão chồng bão, nhưng càng gặp họa, càng đoàn kết, càng bền chí.


Đoàn Trần