Khó khăn sau kiện toàn cộng tác viên dân số ở Nghệ An

Mỹ Hà 21/01/2021 09:17

(Baonghean.vn) - Từ năm 2021, nhân viên y tế thôn, bản sẽ kiêm nhiệm thêm nhiệm vụ cộng tác viên dân số cơ sở. Điều này cũng sẽ gây những xáo trộn trọng hoạt động của ngành và bước đầu chắc chắn sẽ có những khó khăn.

Kiện toàn lại bộ máy

Những ngày giữa tháng 1, công tác dân số của xã Nghĩa Lộc (Nghĩa Đàn) vất vả hơn khi đồng thời 13/21 cộng tác viên dân số của xã sẽ nghỉ việc. Thay vào đó đội ngũ nhân viên y tế thôn, bản kiêm nhiệm thêm công việc của cộng tác viên dân số.

Là một trong những cộng tác viên đã gắn bó lâu với công tác của ngành Dân số, chị Hoàng Thị Hương ở xóm Thuận Lộc không bất ngờ với sự thay đổi này. Tuy nhiên, là một người được đánh giá là có năng lực, tâm huyết và có trách nhiệm, chị khá buồn khi phải chia tay với công việc đã quen thuộc nhiều năm.

Những người đã nhiều năm hoạt động dân số ở cơ sở cũng lo ngại, việc bước đầu thay đổi nhân viên phụ trách khiến cho hoạt động ở các thôn, xóm bị gián đoạn, đặc biệt, khi đây là công việc đặc thù, đòi hỏi sự chịu khó, biết lắng nghe, thấu hiểu.

Người dân xã Nghĩa Lộc (huyện Nghĩa Đàn) tìm hiểu về chính sách dân số. Ảnh: PV
Người dân xã Nghĩa Lộc (Nghĩa Đàn) tìm hiểu về chính sách dân số. Ảnh: P.V

Nghĩa Lộc là một xã đặc thù của huyện Nghĩa Đàn, có nhiều xóm giáo toàn tòng. Hiện, so với các xã, thị khác, xã Nghĩa Lộc vẫn là một trong những địa phương có tỷ lệ sinh con thứ 3 cao, trong đó, riêng năm 2020 là trên 42%.

Những năm qua, đội ngũ cộng tác viên dân số ở đây thực sự là những người “đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng đối tượng” và góp phần không nhỏ làm chuyển biến, nâng cao nhận thức của người dân về công tác dân số. Bên cạnh đó, nhờ bố trí đội ngũ cộng tác viên kiêm luôn vai trò của chi hội trưởng chi hội phụ nữ nên hiệu quả công việc được nhân đôi và việc tuyên truyền, vận động được lồng ghép vào nhiều hoạt động khác.

Trên toàn huyện Nghĩa Đàn, đến thời điểm này, việc kiện toàn bộ máy cộng tác viên dân số ở 189 khối xóm và 22 xã đã hoàn thành và về cơ bản đều thay thế lại đội ngũ cộng tác viên.

“Nếu nhân viên y tế thôn, bản kiêm cả cộng tác viên dân số cơ sở thì có khá nhiều những thuận lợi bởi lĩnh vực này cần những kiến thức về y tế, đặc biệt là trong việc tư vấn, truyền thông về những vấn đề sức khỏe sinh sản.

Tuy vậy, bên cạnh đó cũng có những khó khăn bước đầu, bởi đây đều là những người chưa có kinh nghiệm truyền thông dân số và chưa làm quen với công việc. Nếu cộng tác viên dân số là nam giới thì việc triển khai công việc càng gặp nhiều hạn chế, bởi đây là công việc đòi hỏi sự kiên trì, chịu khó và tỉ mẩn, hiểu được tâm lý, hoàn cảnh của các đối tượng”.

Bà Nguyễn Hoài Thu - Trưởng phòng Dân số, Trung tâm Y tế huyện Nghĩa Đàn

Diễn Kỷ cũng là một xã đặc thù của huyện Diễn Châu nên vai trò của đội ngũ công tác viên dân số là rất quan trọng. Trước đây, dù đã làm Bí thư chi bộ ở khối, xóm nhưng chị Hoàng Thị Bích Thủy vẫn được bà con tín nhiệm bầu làm thêm công tác viên dân số và hoạt động hiệu quả. Với chị, để được bà con tin và làm theo thì người làm công tác dân số phải là người gương mẫu, nói có lý, có tình và phải hiểu được nguyện vọng và tâm tư của người dân. Bên cạnh đó, phải kiên trì, chịu khó và không ngại vất vả.

Hiện tại, khi không đảm nhận công việc này, chị e ngại những người mới, nhất là nam giới hoặc là quá trẻ tuổi sẽ gặp khó khăn khi tiếp xúc và chưa có kinh nghiệm để thuyết phục người dân thực hiện chính sách dân số.

CTV Dân số xã Diễn Kỷ (Diễn Châu) đến tư vấn tại các hộ gia đình. Ảnh: MH
CTV Dân số xã Diễn Kỷ (Diễn Châu) đến tư vấn tại các hộ gia đình. Ảnh: M.H

Chị Trần Thị Quý - viên chức dân số xã Diễn Kỷ cũng nói rằng: “Đội ngũ cộng tác viên dân số hiện nay sau cơ cấu của xã có 2 người là nam giới và trên 60 tuổi, một số người còn rất trẻ chưa từng làm công tác dân số nên phải mất một thời gian mới có thể làm quen với công việc”.

Tiếp tục bồi dưỡng, nâng cao năng lực

Từ ngày 1/1/2021, thực hiện Nghị quyết số 15/2020/NQ - HĐND tỉnh về việc quy định một số chính sách dân số, đội ngũ cộng tác viên dân số ở các thôn, xóm, bản ở Nghệ An sẽ được kiện toàn lại. Cụ thể, đối với các xóm, bản chỉ bố trí một người làm nhân viên y tế xóm, bản sẽ kiêm nhiệm công tác dân số tại xóm, bản; đối với các khối thuộc phường, thị trấn chỉ bố trí một người làm cộng tác viên dân số khối kiêm nhiệm thêm công tác y tế khối.

Thực hiện theo hướng dẫn của Sở Y tế, thời gian qua, việc sắp xếp lại đội ngũ cộng tác viên dân số đã được thực hiện khá khẩn trương và đến thời điểm này về cơ bản đã hoàn thành.

Những năm qua, đội ngũ CTV dân số cơ sở đã tích cực
Những năm qua, đội ngũ CTV dân số cơ sở đã tích cực "đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng đối tượng". Ảnh: PV.

Tại huyện Thanh Chương, trước đây toàn huyện có hơn 500 cộng tác viên, dân số. Tuy vậy, sau sáp nhập, toàn huyện chỉ còn lại 228 thôn, xóm và về cơ bản đội ngũ cộng tác viên đã thay thế toàn bộ. Ngay sau khi sắp xếp lại, huyện Thanh Chương cũng đã xây dựng kế hoạch tổ chức tập huấn cho đội ngũ nhân viên y tế thôn, bản kiêm cộng tác viên dân số.

Ông Nguyễn Viết Thành - Phó trưởng Phòng Dân số, Trung tâm Y tế huyện Thanh Chương cho biết: Sau 3 năm thực hiện Nghị quyết 21 về công tác dân số, tỷ lệ sinh con thứ 3 trên địa bàn huyện Thanh Chương vẫn tăng từ 19,4% lên 25,2%.

Điều này, ngoài nguyên nhân khách quan thì có một phần do thời gian qua, bộ máy làm công tác dân số không ổn định và việc đầu tư cho công tác dân số ít. Vì thế, thời gian tới, khi thay đổi lại toàn bộ bộ máy cơ sở thì công tác dân số sẽ vất vả hơn bởi hiện tại quy mô các thôn xóm thì rộng, dân số đông nhưng chỉ có một người kiêm nhiệm (thay vì 2 - 3 người như trước đây). Chưa kể cộng tác viên dân số hiện nay khá nhiều người là nam giới, nhiều tuổi, chưa có kinh nghiệm tuyên truyền, vận động.

Trước đó, cộng tác viên dân số được xem là hệ thống “chân rết” ở cơ sở, bám địa bàn, bám đối tượng. Song song với đó, do đội ngũ này thường gắn với người giữ vị trí chi hội trưởng phụ nữ và công tác hội nên hoạt động phối hợp sẽ hiệu quả và thiết thực hơn.

Thanh Chương tặng quà cho những CTV đã có nhiều năm gắn bó với công tác dân số. Ảnh: PV
Thanh Chương tặng quà cho những CTV đã có nhiều năm gắn bó với công tác dân số. Ảnh: PV

Từ thực tế này, bà Nguyễn Hoài Thu - Trưởng phòng Dân số, Trung tâm Y tế huyện Nghĩa Đàn nói thêm: Hiện công tác dân số của huyện Nghĩa Đàn đang có nhiều hạn chế như vẫn tiếp tục gia tăng tỷ lệ sinh con thứ 3 (dù thấp hơn các địa phương khác), tỷ lệ mất cân bằng giới tính rất cao (117 bé trai / 100 bé gái), tỷ lệ tảo hôn gia tăng và ngày càng có nhiều cán bộ, đảng viên vi phạm chính sách dân số.

Trong tình trạng đó, việc thay đổi đội ngũ cộng tác viên ở cơ sở sẽ tạo nên một “khoảng trống” và phải mất một thời gian mới duy trì lại hoạt động. Trước thực tế này chúng tôi đang rà soát và dự kiến sẽ tham mưu cho chính quyền địa phương, tạo điều kiện cho những cộng tác viên có kinh nghiệm và đang còn trẻ đi bồi dưỡng thêm về y tế, để từ đó xây dựng họ tiếp tục thành nòng cốt nâng cao hiệu quả hoạt động ở cơ sở.

Để nâng cao hiệu quả hoạt động cộng tác viên dân số ở cơ sở thì vai trò của người đứng đầu, tham mưu rất quan trọng. “Chúng tôi sẽ tiếp tục tổ chức nhiều buổi tập huấn để nâng cao trình độ và kỹ năng tuyên truyền cho đội ngũ cộng tác viên dân số kiêm y tế thôn, bản. Riêng với đội ngũ cộng tác viên dân số ở các khối thuộc phường, thị trấn nếu chưa có chứng chỉ y tế sẽ được rà soát để cử đi học thêm chuyên môn y (tối thiểu là sơ cấp) để đảm bảo đến ngày 30/6/2022 có đủ điều kiện để thực hiện kiêm nhiệm vụ y tế tại khối”

Ông Nguyễn Bá Tân - Chi cục trưởng Chi cục Dân số - KHHGD tỉnh

Mỹ Hà