Ung thư gan dẫn đầu các bệnh ung thư ở Việt Nam
Năm 2020, Việt Nam ghi nhận 26.418 ca ung thư gan mới, chiếm tỷ lệ 14,5%, cao nhất trong các bệnh ung thư phổ biến.
Số liệu được cơ quan Nghiên cứu Ung thư Quốc tế (IACR) ghi nhận trong báo cáo năm 2020 về ung thư toàn cầu. Báo cáo này cung cấp dữ liệu về ung thư ở 185 quốc gia và vùng lãnh thổ, cập nhật hai năm một lần.
Trong hai năm qua, Việt Nam ghi nhận 182.563 ca mắc mới ung thư. So với 2018, số ca ung thư gan ở Việt Nam thêm 1.083 ca mắc mới, tiếp tục dẫn đầu trong các loại ung thư phổ biến. Năm loại ung thư phổ biến năm 2020 lần lượt là ung thư gan, phổi, ung thư vú ở nữ, dạ dày và đại trực tràng. Năm 2018, 5 loại ung thư phổ biến là gan tỷ lệ 15,4% với 25.335 ca, tiếp đến là phổi, dạ dày, vú và ung thư đại trực tràng.
Như vậy năm 2020, 5 bệnh ung thư dẫn đầu vẫn giữ nguyên, chỉ khác thứ tự ung thư vú tăng một bậc, vượt ung thư dạ dày để đứng vị trí ba.
Tỷ lệ các loại ung thư mắc mới tại Việt Nam theo số liệu cập nhật 2020. Nguồn: IARC |
Tiến sĩ, bác sĩ Diệp Bảo Tuấn, Phó Giám đốc Bệnh viện Ung bướu TP HCM, cho biết sở dĩ số ca ung thư gan ở Việt Nam vẫn tiếp tục tăng và chiếm tỷ lệ cao là do thực tế chủng ngừa siêu vi viêm gan B, C chưa đảm bảo. Nhiều người chưa tiêm vaccine viêm gan đầy đủ hoặc không tiêm nhắc lại sau thời gian hết hạn.
"Ngoài ra, xơ gan, ung thư gan nhiều là do uống nhiều rượu bia, tình trạng nhiễm mỡ, nhiễm độc tố aflatoxin có trong đậu phộng hay các thực phẩm khô bị mốc", bác sĩ Tuấn chia sẻ.
Bên cạnh đó dân số tăng, già hóa dân số cũng là lý do khiến số ca ung thư ở Việt Nam tăng chung, trong đó có ung thư gan. Việc tuyên truyền phòng chống bệnh ung thư được nâng cao, giao thông thuận lợi giúp người dân quan tâm hơn đến khám sức khỏe, đến các bệnh viện tuyến trên để tầm soát sàng lọc ung thư sớm.
Để hạn chế nguy cơ ung thư gan, bác sĩ Diệp Minh Tuấn khuyến cáo người dân nên chủng ngừa viêm gan B, C đầy đủ, hạn chế uống bia rượu, ăn nhiều rau, tăng cường vận động, không sử dụng các thực phẩm khô bị nấm mốc, các thực phẩm ngâm chua, ngâm muối.
Số ca mắc mới ung thư tại Việt Nam 2018 và 2020. |
Phân tích về tỷ lệ ung thư vú tăng năm 2020, theo bác sĩ Tuấn, có nhiều lý do. Trong đó, phụ nữ có xu hướng ít đẻ con, sinh con sau tuổi 35, ít cho con bú cũng làm tăng nguy cơ mắc ung thư vú.
Nhờ sự phát triển của khoa học kỹ thuật, tầm soát ung thư vú phát hiện được các khối u dưới 10 mm, giúp chẩn đoán kịp thời ung thư, cũng là lý do khiến số ca tăng. "Con số tăng không hoàn toàn là tín hiệu xấu, mà cho thấy sự chủ động trong phòng ngừa và điều trị ung thư, giúp can thiệp điều trị ung thư ở giai đoạn sớm", bác sĩ Tuấn nhận định.