77 xã miền núi Nghệ An đạt chuẩn nông thôn mới
(Baonghean.vn) - Đó là thông tin được Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Nghĩa Hiếu thông báo tại Hội nghị tổng kết công tác dân tộc và chính sách dân tộc năm 2020, triển khai nhiệm vụ năm 2021.
Chiều 22/1, dưới sự chủ trì của các đồng chí: Hoàng Nghĩa Hiếu - Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; Vi Văn Sơn - Trưởng Ban Dân tộc tỉnh, UBND tỉnh tổ chức Hội nghị tổng kết công tác dân tộc và chính sách dân tộc năm 2020, triển khai nhiệm vụ năm 2021.
Dự hội nghị có đồng chí Hoàng Viết Đường - Phó Chủ tịch HĐND tỉnh; đại diện các ban Đảng và Văn phòng Tỉnh ủy; lãnh đạo Ủy ban MTTQ tỉnh; các sở, ngành, địa phương liên quan.
Công tác dân tộc chuyển biến tích cực
Theo báo cáo trình bày tại hội nghị, năm 2020, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh đã ban hành kế hoạch triển khai, tổ chức Hội nghị quán triệt, triển khai thực hiện các chủ trương, đường lối, Nghị quyết, Chỉ thị của Đảng, Nhà nước về công tác dân tộc và chính sách dân tộc; tiếp tục đôn đốc thực hiện có hiệu quả Nghị định số 05/2011/NĐ-CP ngày 14/01/2011 của Chính phủ về Công tác dân tộc và Chiến lược công tác dân tộc đến năm 2020.
Đồng chí Vi Văn Sơn - Trưởng Ban Dân tộc tỉnh phát biểu khai mạc hội nghị. Ảnh: Đào Tuấn |
Các đại biểu dự Hội nghị. Ảnh: Đào Tuấn |
Nghệ An nằm ở khu vực Bắc Trung Bộ, có diện tích tự nhiên lớn nhất cả nước với 16.487 km2; trong đó, diện tích vùng dân tộc thiểu số và miền núi là 13.745 km2, chiếm 83% diện tích tự nhiên toàn tỉnh. Dân số Nghệ An hiện có 3.327.791 người, trong đó, dân số vùng dân tộc thiểu số và miền núi trên 1,2 triệu người (chiếm 36% dân số toàn tỉnh). Đồng bào dân tộc thiểu số là 491.267 người, chiếm 14,76% dân số toàn tỉnh và chiếm 40,93% dân số trên địa bàn miền núi. Tỉnh có 47 dân tộc, trong đó dân tộc thiểu số chiếm tỷ lệ lớn là dân tộc Thái, Thổ, Khơ Mú, Mông, Ơ Đu. Vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi tỉnh Nghệ An gồm 252 xã, 1.339 thôn, bản...
Từ đầu năm 2020 tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, nguy cơ lây lan dịch bệnh trên diện rộng, ảnh hưởng sâu rộng trên tất cả các lĩnh vực đời sống xã hội. Tuy vậy, nhờ sự quan tâm của các cấp các ngành, đời sống đồng bào dân tộc có những bước phát triển khá; bộ mặt nông thôn miền núi có bước chuyển biến tích cực, đã hình thành một số vùng sản xuất cây nguyên liệu như chè, cao su, mía, rừng nguyên liệu…, chăn nuôi tập trung quy mô lớn gắn với phát triển công nghiệp chế biến. Các địa phương có cách làm hay, sáng tạo về xây dựng thôn, bản nông thôn mới. Cơ cấu cây trồng, vật nuôi được chuyển đổi mùa vụ theo hướng sản xuất hàng hóa gắn với chế biến, tiêu thụ sản phẩm. Thương mại, dịch vụ được mở rộng, phát triển đáp ứng tốt hơn nhu cầu đời sống và sản xuất. Kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội được quan tâm xây dựng, nhiều công trình trọng điểm đã và đang được thực hiện, đời sống của Nhân dân được nâng lên, an ninh lương thực được đảm bảo.
Bản Huồi Mới 1, xã Tri Lễ (Quế Phong). Ảnh: Đào Tuấn |
Hiện nay, cả nước có 96 chính sách được thể hiện qua 148 văn bản đang còn hiệu lực chỉ đạo thực hiện. Trong đó, các chính sách dân tộc còn có hiệu lực trên địa bàn tỉnh Nghệ An là 70 chính sách của Trung ương, 12 chính sách của tỉnh và liên quan trực tiếp đến 14 sở, ban, ngành. Năm 2020, các chính sách về dân tộc được tỉnh và các sở, ngành quan tâm thực hiện đã góp phần nâng cao đời sống vùng đồng bào dân tộc thiểu số...
Cán bộ Ban Quản lý Khu bảo tồn Pù Hoạt và Trạm Biên phòng bản Huồi Mới 1, xã Tri Lễ (Quế Phong) tuyên truyền người dân bảo vệ rừng. Ảnh: Đào Tuấn |
Đồng chí Lê Thanh Hà - Phó Chủ tịch UBND huyện Quỳ Châu tham luận tại Hội nghị. Ảnh: Đào Tuấn |
Tham luận tại Hội nghị, các đại biểu đã đề cập đến nhiều vấn đề liên quan đến công tác dân tộc và chính sách dân tộc trong thời gian qua. Nổi bật là các nội dung về công tác tuyên truyền phổ biến chính sách, pháp luật cho đồng bào dân tộc thiểu số; tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống trong cộng đồng dân tộc thiểu số, nhất là đồng bào Mông và Khơ mú.
Đồng chí Vi Thị Quyên - Phó Chủ tịch UBND huyện Kỳ Sơn tham luận tại hội nghị. Ảnh: Đào Tuấn |
Tại Hội nghị các đại biểu cũng phản ánh và nêu một số đề xuất, giải pháp về công tác xây dựng đội ngũ cán bộ dân tộc thiểu số; những chính sách nhằm bảo tồn và phát triển văn hóa đồng bào dân tộc; kinh nghiệm thực hiện chương trình 135...
Giữ gìn và củng cố đoàn kết nội bộ
Khẳng định công tác dân tộc và chính sách dân tộc là một trong những nhiệm vụ có ý nghĩa rất quan trọng trong tổng thể mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của Nghệ An, đồng chí Hoàng Nghĩa Hiếu - Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cho biết, thời gian qua Đảng và Nhà nước rất quan tâm đến vùng đồng bào dân tộc. Đặc biệt ở Nghệ An, khu vực miền núi chiếm 83% diện tích, dân số chiếm hơn 1/3 dân số toàn tỉnh nên công tác dân tộc càng có ý nghĩa quan trọng.
Đồng chí Hoàng Nghĩa Hiếu phát biểu kết luận hội nghị. Ảnh: Đào Tuấn |
Thời gian qua bằng nhiều chủ trương, chính sách đối với khu vực miền núi và đồng bào dân tộc, đã góp phần cải thiện và nâng cao đời sống xã hội người dân. Nhờ đó, kinh tế - xã hội chuyển dịch đúng hướng, thu nhập bình quân đầu người tăng. Khu vực miền núi đã hình thành một số vùng chuyên canh, vùng nguyên liệu tập trung như: chè, cao su, mía, sắn... Trong lĩnh vực chăn nuôi đã hình thành các trung tâm chăn nuôi tập trung. Đặc biệt đã có 77 xã miền núi đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó có 8 xã đặc biệt khó khăn. Văn hóa bản sắc các dân tộc được giữ gìn, phát huy. Qua đó hình thành các điểm du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái ngày càng thu hút du khách.
Đồng chí Hoàng Nghĩa Hiếu - Phó Chủ tịch UBND tỉnh trao Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ cho đồng chí Lang Thị Hiến - Chánh Thanh tra Ban Dân tộc tỉnh. Ảnh: Đào Tuấn |
Lưu ý khắc phục các tồn tại, đồng chí Hoàng Nghĩa Hiếu cho rằng, thời gian qua nhiều chương trình, chính sách vẫn không đạt kế hoạch đề ra, thậm chí nhiều chính sách đạt thấp. Bởi vậy đề nghị thời gian tới, Ban Dân tộc - cơ quan chủ trì tham mưu cho UBND tỉnh về vấn đề dân tộc cần có các giải pháp cụ thể để khắc phục các tồn tại.
Năm 2021 là năm đầu tiên thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX và triển khai Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, Ban Dân tộc cần tiếp tục nỗ lực hoàn thành các nhiệm vụ trọng tâm. Trước hết là giữ gìn và củng cố sự đoàn kết nội bộ, phương châm là làm tốt công tác tập trung dân chủ trên cơ sở nêu gương, của người đứng đầu.
Đồng chí Vi Văn Sơn - Trưởng Ban Dân tộc tỉnh trao Bằng khen của Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Trung ương cho đồng chí Nguyễn Thị Thu Hương - Trưởng Phòng Kế hoạch - Tổng hợp Ban Dân tộc tỉnh. Ảnh: Đào Tuấn |
Tiếp tục có giải pháp nâng cao công tác cải cách hành chính. Quan tâm công tác kiểm tra giám sát, thanh tra. Bên cạnh đó, rà soát lại chỉ tiêu, kế hoạch của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh về công tác dân tộc và chính sách về dân tộc. Chủ động, phối hợp với các ban, ngành, địa phương để rà soát lại các vấn đề liên quan đến công tác cán bộ thuộc dân tộc thiểu số.
Đồng chí Hoàng Nghĩa Hiếu trao Bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An cho 1 tập thể và 2 cá nhân. Ảnh: Đào Tuấn |
Đồng chí Vi Văn Sơn - Trưởng Ban Dân tộc tỉnh trao Giấy khen của Ban Dân tộc tỉnh cho 7 tập thể vì đã có thành tích năm 2020. Ảnh: Đào Tuấn |
Dịp này, đồng chí Lang Thị Hiến - Chánh Thanh tra Ban Dân tộc tỉnh Nghệ An được nhận Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ; đồng chí Nguyễn Thị Thu Hương - Trưởng Phòng Kế hoạch, Ban Dân tộc tỉnh được nhận Bằng khen của Bộ trưởng - Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Trung ương. Có 1 tập thể và 2 cá nhân được Chủ tịch UBND tỉnh tặng Bằng khen. Ban Dân tộc tỉnh tặng Giấy khen cho 7 tập thể và 15 cá nhân vì có thành tích xuất sắc trong công tác năm 2020.