Những 'vết sẹo' tâm lý sau vụ nổ Beirut

Hoàng Bách 03/02/2021 08:23

(Baonghean.vn) - Đã nửa năm trôi qua kể từ vụ nổ gây rung chuyển Beirut - thủ đô và cũng là thành phố lớn nhất của Liban. Những vết thương trên da thịt đã dần khép miệng, cuộc sống có vẻ như vẫn tiếp diễn với những nhịp điệu như trước kia, nhưng trong số những người sống sót, cơn sang chấn về tâm lý vẫn còn đeo đẳng, thậm chí có lẽ là đến tận cuối đời.

Sức công phá khủng khiếp

Sau vụ nổ khủng khiếp tại cảng Beirut vào tháng 8/2020, Joana Dagher nằm bất tỉnh dưới đống đổ nát trong căn hộ của mình, bị mất nhiều máu tới nỗi tưởng chừng cô đã sắp sửa rơi vào nanh vuốt của Tử thần. Cô sống sót được là nhờ sự can đảm của người chồng đã lao vào cứu cô từ mớ gạch vụn, lòng tốt của một người lạ chở cô tới bệnh viện trên chiếc xe cũng bị hư hỏng bởi vụ nổ, và sự giúp đỡ kề cận của các chị em gái trong gia đình để vượt qua những ngày tháng chật vật trong cơ sở y tế quá tải người bệnh.

Sức tàn phá khủng khiếp của vụ nổ tại cảng biển ở Beirut, Liban. Ảnh: AP
Sức tàn phá khủng khiếp của vụ nổ tại cảng biển ở Beirut, Liban. Ảnh: AP

Nhưng, Dagher chẳng thể nhớ nổi điều gì trong số đó: Người phụ nữ 33 tuổi, mẹ của 2 con nhỏ ấy đã bị mất trí nhớ suốt 2 tháng ròng do những thương tích mà cô phải hứng chịu trong vụ nổ, bao gồm cả chấn thương sọ não và tổn thương não.

“Tôi đã mất đi cuộc sống của mình vào ngày 4/8. Tôi mất nhà cửa, mất trí nhớ, mất 2 người bạn láng giềng. Tôi không còn sức khỏe tâm thần, và vì thế tôi mất mọi thứ”

Joana Dagher

Vụ nổ Beirut, khiến hơn 200 người thiệt mạng và hơn 6.000 người khác bị thương, nhưng để lại những sang chấn về tinh thần ở quy mô thậm chí lớn hơn nhiều trong những người sống sót qua biến cố.

Dagher đang dần hồi phục trí nhớ. Nhưng một nỗi đau khác thì vẫn còn hiện hữu dai dẳng. Dù trị liệu hiện đã bắt đầu có hiệu quả, song cô cho rằng bản thân cảm thấy mọi thứ không còn như trước được nữa. Trong con mắt của nhiều người, bao gồm chị gái Jihane, Dagher là người điềm tĩnh và độc lập. Thế mà giờ đây, cô lại dễ bộc phát giận dữ và căng thẳng, suy sụp về tinh thần và thậm chí thi thoảng còn trở nên hung hăng - theo các chuyên gia, tất cả đều là dấu hiệu của chứng rối loạn căng thẳng hậu chấn thương tâm lý.

Joana Dagher bị mất trí nhớ suốt 2 tháng sau vụ nổ Beirut. Ảnh: AP

Vụ nổ 6 tháng trước bắt nguồn từ một mồi lửa bén vào và thiêu trụi gần 3.000 tấn muối amoni nitrat được lưu trong kho ở cảng. Được ghi nhận là một trong những vụ nổ phi hạt nhân lớn nhất từ trước đến này, sức công phá của nó đã xé toang thành phố Beirut, khiến nhiều người bị thổi bay khi đang ngồi trong phòng, và bị những mảnh thủy tinh vỡ cứa đứt da đứt thịt. Nhiều cửa sổ và cửa ra vào bị thổi bay xa khỏi tâm vụ nổ hàng kilomet.

Ngay cả tại một nước từng chứng kiến, kinh qua nhiều cuộc chiến tranh và nhiều vụ đánh bom như Liban, thì cũng chưa bao giờ có nhiều người đến vậy - hàng chục nghìn người - trực tiếp nếm trải 1 biến cố đau thương trong cùng 1 thời điểm, 1 không gian.

Tổn thương khó hàn gắn

Nỗi đau xảy đến khi mà người dân Liban vốn dĩ đang ở trong tình trạng căng thẳng dồn nén từ nhiều cuộc khủng hoảng chồng chất, bao gồm một đợt suy thoái kinh tế “vô tiền khoáng hậu”, đại dịch do chủng mới virus Corona (Covid-19) và cảm giác bất lực sau khi các cuộc biểu tình nổ ra trên cả nước nhằm phản đối tham nhũng nhưng không đạt được mục đích đề ra.

Mia Atwi, chuyên gia tâm lý đồng thời là chủ tịch của Embrace - một tổ chức hoạt động nhằm nâng cao nhận thức và hỗ trợ sức khỏe tâm thần, cho biết: “Trong cộng đồng dân cư đang tồn tại những mối lo lắng và bất an ở cấp độ rất cao. Phần đông dân số đang trong tâm trạng buồn đau gần như là tiệm cận chứng trầm cảm”.

Nhu cầu về các chuyên gia trị liệu tăng cao, khiến người ta khó có thể tìm được nơi để điều trị, nhất là khi nhiều chuyên gia có năng lực và kinh nghiệm đang dần rời khỏi Liban.

Những tổn thương về tinh thần vẫn chưa thể nguôi ngoai trong những người sống sót. Ảnh: AP
Những tổn thương về tinh thần vẫn chưa thể nguôi ngoai trong những người sống sót. Ảnh: AP

Embrace đã mở rộng quy mô phòng khám của họ sau vụ nổ hồi năm ngoái, vậy mà đến thời điểm này, họ vẫn còn danh sách chờ lên tời 60 bệnh nhân. Kể từ vụ việc nửa năm trước, tổ chức này đã hỗ trợ cho 750 người, hầu hết đang trải qua những triệu chứng hậu vụ nổ, trầm cảm và lo lâu. Theo thống kê qua đường điện thoại của Embrace, 67% cuộc gọi kể từ tháng 8/2020 mà họ nhận được là từ những người đang trong trạng thái cảm xúc rối bời, đau khổ về tinh thần, và 28% xuất hiện ý định tự tử.

Thậm chí với những người không chịu vết thương vật lý, thì vụ nổ vẫn để lại những vết cắt sâu về tâm lý. Đơn cử, Najla Fadel, 33 tuổi, lạ kỳ thay đã bình an vô sự khi vụ nổ khiến cửa sổ kính của nhà cô vỡ vụn, người trông trẻ mà cô thuê chăm sóc con cái bị thương nặng. Khi đang mang bầu đứa con thứ hai những tháng cuối thai kỳ, Fadel đã phải tự mình xoay sở để đưa người phụ nữ ấy mình đầy máu me tới bệnh viện kịp thời. Song kể từ đó, Fadel liên tục gặp ác mộng. Cô thường xuyên tỉnh giấc giữa đêm, trống ngực đập thình thịch, cứ ngỡ rằng vụ nổ lại một lần nữa xảy ra. “Tôi giật thót lên khi nghe bất kỳ tiếng động nào rồi bắt đầu tìm chỗ ẩn náu”, cô chia sẻ. Điều tồi tệ nhất với cô giờ đây là tiếng sấm khi trời có giông và âm thanh từ máy bay chiến đấu Israel thường vần vũ trên không phận Liban. Cô kể lại: “Mới vài đêm trước thôi, khi máy bay lượn trên bầu trời Beirut, tôi đã ngủ ngoài hành lang. Như vậy tôi ở gần phòng các con hơn, tôi có thể ôm lấy chúng nhanh hơn rồi chạy đi khi có chuyện xảy ra”.

Fadel đã gặp chuyên gia tâm lý một thời gian. Trong khi rất nhiều người khác chưa nhận được sự giúp đỡ. Souraya Frem, chủ tịch và đồng sáng lập của Cenacle De Lumiere, một tổ chức sau vụ nổ Beirut bắt đầu cung cấp sự hỗ trợ về sức khỏe tâm thần tại thành phố này cho biết: “Có rất nhiều người đang thờ ơ với sức khỏe tâm thần của họ hoặc không biết phải làm gì. Người ta đang vật lộn với đói nghèo, nghĩ cách làm sao kiếm sống qua ngày và vì thế họ không xem sức khỏe tâm thần là điều ưu tiên”.

Từ Perth, Australia, nơi Sarah Copland chuyển tới sau vụ nổ, cô chia sẻ rằng bản thân đã phải đặt lịch với 2 chuyên gia tâm lý để có thể đối diện với mất mát của mình. Trong vụ nổ, một mảnh thủy tinh đã xé toạc lồng ngực bé nhỏ của Isaac - cậu con trai mới 2 tuổi của cô, kết thúc cuộc đời ngắn ngủi của cậu bé. Cô bảo rằng, ngày đó cũng là thời điểm cuộc sống của cô như rơi vào ngõ cụt.

“Hình ảnh cuối cùng của đứa con trai bé bỏng là điều mà một người mẹ đáng lẽ không bao giờ nên chứng kiến. Hình ảnh ấy xuất hiện trong tâm trí lúc tôi không mong muốn nhất - chúng tôi cứ sắp sửa làm gì đó, thì nó lại hiện ra. Rất xót xa…”

Sarah Copland

Sarah Copland đã mất đi cậu con trai Isaac trong vụ nổ. Ảnh: AP

Thời điểm ấy, Copland làm việc cho Liên hợp quốc tại Beirut. Giờ đây, khi đã cách Liban hàng nghìn cây số, ký ức đó vẫn ám ảnh cô. Cô nói: “Cảnh tượng hoặc âm thanh thủy tinh vỡ khiến tôi bồn chồn, lo lắng. Đêm xuống nằm trên giường tôi nghe tiếng gió đập vào cửa sổ và điều đó khiến tôi hoảng hốt. Tôi như đông cứng bởi nó khiến tôi nhớ lại tiếng rít qua cửa sổ khi vụ nổ xảy ra”.

Cậu con trai 2 tháng tuổi Ethan là động lực để Copland tiếp tục bước tiếp, nhưng với cô, nỗi đau sâu sắc vẫn chưa thể nguôi ngoai. “Nghe thấy tiếng trẻ con la hét, kể cả khi đó là hét lên vì vui sướng, cũng khiến tôi nhớ lại lúc ở bệnh viện, nhớ đến Isaac và những đứa trẻ gào khóc trong cơn đau”, cô nói.

Trong khi đó, hiện sống tại một căn hộ tạm thời ở ngoại ô Beirut, Joana Dagher quyết định ở lại Liban, dù hàng nghìn người khác đang tìm cách rời đi: “Tôi muốn ở gần những người mình yêu thương, gần gia đình, không rời nhà hay rời bỏ đất nước”. Nhưng với cô, cũng như với hầu hết những người sống sót sau ngày kinh hoàng ấy, vẫn còn một nỗi sợ hãi lơ lửng chẳng bao giờ có thể buông xuôi: “Nỗi sợ mất đi những người tôi yêu thương hiện còn lớn hơn bao giờ hết”.

Hoàng Bách