Gần 2.000 giáo viên Nghệ An sẽ được đào tạo để đạt chuẩn
(Baonghean.vn) - Đây là một trong những nội dung vừa được UBND tỉnh thông qua nhằm thực hiện nâng trình độ chuẩn đào tạo của giáo viên Mầm non, Tiểu học, Trung học cơ sở năm 2021.
Trước đó, tính đến ngày 1/7/2020, theo tổng hợp của Sở Giáo dục và Đào tạo, thực hiện theo Nghị định số 71/2020/NĐ-CP và Kế hoạch 681/KH-BGDĐT, trên địa bàn tỉnh Nghệ An đang còn gần 2.000 giáo viên chưa đạt chuẩn. Trong đó bậc mầm non có 244 người (tỷ lệ 2%), bậc tiểu học có 1.378 (tỷ lệ 10%) người và bậc THCS có 277 người (tỷ lệ 2%).
Đa số giáo viên ở Nghệ An đã đạt chuẩn và trên chuẩn. Ảnh: MH (Trong ảnh: Giờ học của học sinh Trường Tiểu học Mai Sơn - Tương Dương). |
Với mục tiêu phấn đấu đến hết ngày 31/12/2025, bảo đảm 100% số giáo viên mầm non đang được đào tạo hoặc đã hoàn thành chương trình đào tạo được cấp bằng tốt nghiệp cao đẳng sư phạm; 50% số giáo viên tiểu học đang được đào tạo hoặc đã hoàn thành chương trình đào tạo được cấp bằng cử nhân; 100% số giáo viên trung học cơ sở đang được đào tạo hoặc đã hoàn thành chương trình đào tạo được cấp bằng cử nhân.
Theo Kế hoạch, tiêu chí lựa chọn giáo viên tham gia nâng trình độ chuẩn bao gồm: Giáo viên đủ tối thiểu năm công tác tính đến tuổi nghỉ hưu theo quy định tại Điều 2 của Nghị định 71/2020/NĐ-CP được tham gia đào tạo trước; việc xây dựng tiêu chí; xác định đối tượng, chỉ tiêu, số lượng giáo viên tham gia đào tạo nâng trình độ chuẩn phải phù hợp với thực trạng hiện có của các cơ sở giáo dục, không để xảy ra tình trạng thiếu giáo viên giảng dạy trong thời gian cử giáo viên tham gia đào tạo. Đối với cấp Tiểu học, Trung học cơ sở, ưu tiên những giáo viên dạy chương trình giáo dục phổ thông năm 2018 tham gia đào tạo trước.
Việc nâng chuẩn giáo viên sẽ góp phần nâng cao chất lượng dạy và học ở các nhà trường. Ảnh: MH. |
Ngoài ra, Kế hoạch cũng nêu rõ các đối tượng tham gia đào tạo nâng trình độ chuẩn là những giáo viên được quy định tại Điều 2 của Nghị Định 71/2020/NĐ-CP. Cụ thể, giáo viên mầm non chưa có bằng tốt nghiệp cao đẳng sư phạm trở lên, tính từ ngày 01 tháng 7 năm 2020 còn đủ 07 năm công tác (84 tháng) đến tuổi được nghỉ hưu theo quy định.
Đối với giáo viên tiểu học chưa có bằng cử nhân thuộc ngành đào tạo giáo viên tiểu học hoặc chưa có bằng cử nhân chuyên ngành phù hợp và có chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm trở lên, tính từ ngày 01 tháng 7 năm 2020 còn đủ 08 năm công tác (96 tháng); đối với giáo viên có trình độ trung cấp, còn đủ 07 năm công tác (84 tháng); đối với giáo viên có trình độ cao đẳng đến tuổi được nghỉ hưu theo quy định.
Giáo viên trung học cơ sở chưa có bằng cử nhân thuộc ngành đào tạo giáo viên hoặc chưa có bằng cử nhân chuyên ngành phù hợp và có chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm trở lên, tính từ ngày 01 tháng 7 năm 2020 còn đủ 07 năm công tác (84 tháng) đến tuổi được nghỉ hưu theo quy định.
Dự kiến trong năm đầu tiên 2021, nguồn kinh phí để nâng chuẩn cho giáo viên là gần 11 tỷ đồng. Sở Giáo dục và Đào tạo cùng Sở Tài chính sẽ cùng phối hợp để cân đối, bố trí kinh phí và hướng dẫn sử dụng, quản lý hiệu quả tiết kiệm.