Những thay đổi lớn trong chính sách đối ngoại của tân Tổng thống Mỹ Joe Biden
Tân Tổng thống Joe Biden tuyên bố "nước Mỹ đã trở lại" và ngoại giao sẽ khôi phục vị thế trung tâm trong chính sách ngoại giao của chính quyền mới.
Truyền thông Mỹ đưa tin, Tổng thống Biden ngày 4/2 đã có phát biểu quan trọng đầu tiên về chính sách đối ngoại trên cương vị lãnh đạo Nhà Trắng khi tới thăm trụ sở Bộ Ngoại giao, gặp gỡ tân Ngoại trưởng Antony Blinken và các nhân viên ngoại giao Mỹ. Phó Tổng thống Kamala Harris cũng tháp tùng ông Biden trong chuyến đi này.
Tổng thống Mỹ Joe Biden. Ảnh: AP |
Tái xây dựng các liên minh truyền thống
Trong bài phát biểu dài 20 phút trước giới chức ngoại giao trong nước, ông Biden cam kết sẽ tạo ra một kỷ nguyên mới trong chính sách đối ngoại Mỹ, nhấn mạnh tầm quan trọng của các liên minh truyền thống và khẳng định sẽ sử dụng ngoại giao để gắn kết với các nước khác.
Theo ông Biden, bảo vệ tự do, nâng cao cơ hội, duy trì các quyền phổ quát và tôn trọng pháp quyền là "sợi dây chống sét cho sức mạnh toàn cầu của Mỹ", mang lại cho nước này "lợi thế vĩnh cửu" trên trường quốc tế.
“Mặc dù nhiều giá trị trong số này đã gặp áp lực mạnh mẽ trong những năm gần đây, thậm chí bị đẩy đến bờ vực thẳm trong vài tuần qua, nhưng người dân Mỹ sẽ thống nhất từ đây, mạnh mẽ hơn, quyết tâm hơn và được trang bị tốt hơn để đoàn kết thế giới trong cuộc chiến bảo vệ nền dân chủ, bởi vì chính chúng ta đã đấu tranh cho nó".
Người đứng đầu chính phủ cảnh báo, Mỹ đang phải đối mặt với thời điểm “gia tăng các thách thức toàn cầu”, từ đại dịch đến khủng hoảng khí hậu hay tình trạng phổ biến vũ khí hạt nhân. Ông tin tất cả những vấn đề này sẽ chỉ được giải quyết thông qua sự hợp tác của các quốc gia. "Chúng ta không thể làm điều đó một mình", ông Biden nói.
Theo báo US Today, bài phát biểu của Biden đánh dấu sự thay đổi lớn từ chính sách “nước Mỹ trên hết” mà chính quyền người tiền nhiệm Donald Trump theo đuổi, vốn đã tạo ra những rạn nứt nghiêm trọng trong mối quan hệ giữa Washington và một số đồng minh lâu năm.
Chú trọng ngoại giao trong chính sách đối ngoại
Lúc còn vận động tranh cử, ông Biden thường đề cập tới nhu cầu phải thúc đẩy nền dân chủ trên toàn thế giới song song với việc xây dựng lại các liên minh truyền thống. Chỉ trong vòng 2 tuần kể từ khi tuyên thệ nhậm chức, ông đã thực hiện các bước để tái khẳng định vai trò lãnh đạo của Mỹ trên trường quốc tế thông qua việc tái tham gia Hiệp định Paris về khí hậu và Tổ chức Y tế thế giới.
Tân Tổng thống Mỹ cũng lưu ý, trong 2 tuần qua, ông đã trò chuyện với các lãnh đạo của nhiều nước đồng minh thân cận nhất của Mỹ, bao gồm Canada, Mexico, Anh, Đức và Pháp, để bắt đầu khôi phục các mối quan hệ mà theo ông đã suy yếu "sau 4 năm bị bỏ rơi và lạm dụng".
“Các liên minh của Mỹ là một trong những tài sản lớn nhất của chúng ta và dẫn đầu bằng ngoại giao, có nghĩa là sát cánh cùng các đồng minh và đối tác quan trọng của mình một lần nữa. Tuy nhiên, dẫn đầu bằng ngoại giao cũng phải đồng nghĩa là kết nối với các kẻ thù và đối thủ của chúng ta về mặt ngoại giao, vì lợi ích và thúc đẩy an ninh cho người dân Mỹ”, ông Biden giải thích.
Ông Biden cũng tìm cách nâng cao tinh thần cho các nhân viên công quyền, những người bị cựu Tổng thống Trump lên án và cáo buộc đang âm mưu làm suy yếu quyền lãnh đạo của ông.
Đối với các quan chức, nhân viên thuộc Bộ Ngoại giao Mỹ, ông Biden quả quyết bản thân coi trọng chuyên môn của họ và hứa sẽ luôn tin tưởng họ trong khi làm nhiệm vụ. “Nước Mỹ đã trở lại, ngoại giao đã trở lại. Các bạn là trung tâm của tất cả những gì tôi định làm. Các bạn là trái tim của quá trình đó", ông Biden nói.
Chính sách với Trung Quốc và Nga
Về vấn đề Trung Quốc, ông Biden chỉ phát biểu chung chung. Ông nói, Mỹ sẽ chống lại "sự lạm dụng kinh tế, các hành vi gây hấn, cưỡng ép của Trung Quốc nhằm đẩy lui cuộc tấn công của Bắc Kinh vào quyền sở hữu trí tuệ và quản trị toàn cầu".
Về quan hệ với Nga, tân Tổng thống Mỹ ca ngợi việc chính quyền của ông gia hạn hiệp ước START mới với Nga, thỏa thuận kiểm soát vũ khí hạt nhân duy nhất còn lại giữa hai nước. Song, ông cũng chỉ trích Nga vì việc bắt giữ nhà hoạt động đối lập Alexey Navalny và đòi Moscow thả người này "ngay lập tức, vô điều kiện".
Đảo ngược nhiều chính sách đối ngoại của chính quyền tiền nhiệm
Tổng thống Biden khẳng định cuộc nội chiến lâu năm tại Yemen sẽ là một trong những trọng tâm trong chính sách đối ngoại của Mỹ. Ông thông báo sẽ chấm dứt mọi sự hỗ trợ của Washington đối với các hoạt động quân sự tại quốc gia nằm trên bán đảo Ảrập, kể cả các vụ mua bán vũ khí. Ông tiết lộ sẽ bổ nhiệm một đặc phái viên nhằm chấm dứt cuộc xung đột gây ra "thảm họa nhân đạo" này.
Theo ông Biden, Bộ trưởng Quốc phòng Lloyd Austin sẽ phụ trách cuộc đánh giá toàn diện về việc bố trí các lực lượng Mỹ trên toàn cầu. Trong khi quá trình rà soát đang diễn ra, Mỹ sẽ ngưng việc điều chuyển lực lượng đồn trú ở Đức đi nơi khác như quyết định trước đây của chính quyền Trump. Ông Trump từng ra lệnh rút gần 12.000 lính Mỹ khỏi Đức nhằm trừng phạt quốc gia châu Âu không hoàn thành nghĩa vụ đóng góp cho NATO.
Ông Biden cũng công bố ý định tăng số lượng người tị nạn được Mỹ chấp nhận sau khi số người này xuống thấp kỷ lục thời ông Trump cầm quyền. Cụ thể, trong năm tài khóa đầu tiên của chính quyền mới, tính từ ngày 1/10, Mỹ sẽ nâng số lượng người tị nạn được phép vào nước này lên 125.000 người, tăng gấp nhiều lần so với mức hạn ngạch 15.000 người của chính quyền tiền nhiệm. Ông Biden tiết lộ, động thái này giúp ông thực hiện một cam kết hồi còn tranh cử và ông đã chỉ đạo Bộ Ngoại giao làm việc với Quốc hội về vấn đề.
Trả lời phỏng vấn của các phóng viên sau bài phát biểu của tân tổng thống, Thư ký báo chí Nhà Trắng Jen Psaki nói ông Biden muốn tập trung “khôi phục vị thế của Mỹ trên thế giới”. Cố vấn an ninh Jake Sullivan cho biết thêm, mọi việc chính quyền Biden đang xúc tiến liên quan đến chính sách ngoại giao sẽ được nghiên cứu kỹ lưỡng xem có giúp mang đến cuộc sống "tốt đẹp, an toàn và dễ dàng hơn cho các gia đình lao động" hay không.