Kỷ niệm đón Tết ở nhà tù Côn Đảo của thầy giáo xứ Nghệ
(Baonghean.vn) - Bước qua ngưỡng tuổi bát tuần, ông Chu Cấp vẫn khá minh mẫn, vẫn nhớ như in năm tháng bị kẻ thù giam giữ giữa trùng khơi Côn Đảo và những lần đón Tết trong chốn ngục tù đế quốc.
Đi về phía "mặt trời"
Ngày áp Tết, trong căn nhà nhỏ nằm giữa xóm Chu Trạc, xã Hoa Thành (Yên Thành), ông Chu Cấp (SN 1940) lần tìm những kỷ vật của những người bạn tù năm xưa gửi tặng. Những bức tượng và cuốn sách gửi về từ miền Nam được ông Cấp nâng niu và đặt trong tủ kính. Đặc biệt, có chiếc cùm bằng sắt xin được trong lần trở lại thăm nhà tù Côn Đảo, ông Cấp luôn cất giữ cẩn thận.
Ông Chu Cấp có 5 cái Tết trong nhà tù Đế quốc Mỹ, trong đó 4 Tết ở nhà tù Côn Đảo. Ảnh: Công Kiên |
“Năm 1995, nhân kỷ niệm 20 năm giải phóng hoàn toàn miền Nam, tôi có dịp thăm lại nhà tù Côn Đảo, nơi mình từng bị Mỹ - Ngụy giam giữ suốt mấy năm. Thấy những chiếc cùm sắt trưng bày ở phòng truyền thống, ký ức của hơn 20 năm trước dội về khiến tôi không nén được xúc động” - ông Cấp kể lại.
Sinh ra trong một gia đình nghèo ở làng Chu Trạc, cuộc sống vất vả, thiếu thốn nhưng cậu bé Chu Cấp vẫn được bố mẹ cho đến trường. Cấp 1, cấp 2 học trường làng, đến cấp 3 xuống học tận Diễn Châu, xong cấp 3 học tiếp lên Trung cấp Sư phạm. Năm 1961 ra trường, thầy giáo trẻ quê lúa được phân công về huyện Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình nhận công tác.
Ông Chu Cấp kể lại cảnh bị tra tấn, còng tay chân trong nhà tù đế quốc Mỹ. Ảnh: Công Kiên |
Năm 1964, ông được đứng vào hàng ngũ của Đảng, được đề bạt làm Hiệu phó Trường cấp 2 Hùng Tiến (huyện Kim Sơn), rồi Hiệu trưởng Trường cấp 2 Ninh Giang (huyện Gia Khánh). Cũng trong năm này, ông Cấp được chọn đi học ở Liên Xô để đào tạo lực lượng cán bộ nguồn. Và ở miền Nam, thời điểm này các vùng giải phóng đang thiếu giáo viên, rất cần sự chi viện từ miền Bắc. Thầy giáo Chu Cấp đã quyết định tình nguyện lên đường chi viện cho miền Nam.
Ba tháng ròng rã băng rừng, lội suối, ông và những người đồng chí đã đặt chân đến đất Nam Bộ, nhận nhiệm vụ tại Tiểu ban Giáo dục khu 8, sau về làm Phó Tiểu ban Giáo dục Mỹ Tho. Nhiệm vụ chính là xây dựng phong trào giáo dục ở vùng giải phóng, đào tạo nguồn giáo viên tại chỗ để giúp bà con nhân dân xóa nạn mù chữ.
Tái hiện cảnh tra tấn tù nhân ở nhà tù Côn Đảo. Ảnh tư liệu: Đức Anh |
Năm 1969, một hôm, đang trên đường xuống cơ sở, ông Cấp và một đồng chí bị địch phục kích và bắt giữ. Chúng dùng đủ thứ nhục hình, chuyển từ trại giam này đến nhà tù khác nhưng người thầy xứ Nghệ vẫn giữ vững khí tiết và bản lĩnh của người cộng sản. Cuối cùng, ông bị đày ra Côn Đảo, nơi được ví là “địa ngục trần gian”.
Đoàn cán bộ, phóng viên Báo Nghệ An nghe thuyết minh giới thiệu về nhà tù Côn Đảo. Ảnh tư liệu: Đức Anh |
Ở đây, có thời gian dài ông Chu Cấp bị nhốt ở phòng biệt giam và liên tục hứng chịu những trận đòn tàn bạo.
“Trong lao tù hà khắc, có lúc kiệt sức tôi nghĩ chắc không còn đường trở về. Những lúc như thế, tôi lại nghĩ về quê hương, nơi sinh ra nhà yêu nước Phan Đăng Lưu, đặc biệt là có Bác Hồ muôn vàn kính yêu để dặn lòng mình phải giữ vững khí tiết. Nhờ đó, có thêm động lực để tiếp tục sống và cùng đồng chí, đồng đội tranh đấu với kẻ thù”
Và kỷ niệm đón Tết ở chốn “địa ngục trần gian”
Những năm tháng bị tù đày, ông Chu Cấp có 5 cái tết Nguyên đán ở nhà tù Côn Đảo, đó là vào các năm 1970, 1971, 1972, 1973 và 1974, Tết năm 1969 ở nhà giam Chí Hòa. Mỗi lần đón Tết trong chốn lao tù là một kỷ niệm khó quên, trong đó ông Chu Cấp nhớ nhất là lần đón tết Nguyên đán năm 1973 ở nhà tù Côn Đảo.
Ông Chu Cấp đang lưu giữ nhiều kỷ vật của những người bạn tù gửi tặng. Ảnh Công Kiên |
“Tết năm đó, tôi bị giam ở phòng 11, trại 5 của nhà tù Côn Đảo, là căn phòng biệt giam có 54 tù chính trị. Đêm giao thừa, ngay sau bữa tối, chúng tôi đã tổ chức chương trình liên hoan văn hóa - văn nghệ đón năm mới. Anh em trong phòng đến từ nhiều miền quê khác nhau, thay nhau thể hiện những lời ca quê hương, mang đậm tính vùng, miền khiến chương trình mỗi lúc càng sôi nổi” - ông Cấp nhớ lại.
Nghe tiếng ca hát vang lên từ căn phòng biệt giam, bọn quản lý nhà tù sai lính cắt điện, đứng ngoài chửi bới và ném chất bẩn vào phòng. Ông Chu Cấp và các bạn tù đồng thanh hô “Đả đảo!”, tiếp đến các phòng khác cũng hô vang, rồi cả nhà tù cùng đồng loạt hô vang.
Giấy khen của Chủ tịch UBND huyện Yên Thành tặng ông Chu Cấp đã có thành tích xuất sắc trong công tác Hội Chiến sỹ cách mạng bị địch bắt tù đày. Ảnh: Công Kiên |
Sau đó, những người tù chính trị đã tạo sức ép, yêu cầu quản lý nhà tù để các phòng giam được tổ chức văn nghệ đón Tết cổ truyền. Trước sức mạnh đấu tranh và tinh thần đoàn kết của những người tù cộng sản, bọn lính cai ngục phải nhượng bộ. Cuộc vui lại tiếp tục, điệu hò Mái đẩy (Huế), Quan họ (Bắc Ninh), Cải lương (Nam Bộ) và Ví giặm (Nghệ Tĩnh)… lại vang vọng giữa trùng khơi sóng gió.
Đến lượt mình biểu diễn, ông Chu Cấp ngâm bài thơ “Quê hương” của Giang Nam và “Núi đôi” của Vũ Cao - hai bài thơ được yêu mến lúc bấy giờ. Được các bạn tù cổ vũ, ông ngâm thêm bài thơ Chúc Tết năm 1968 của Bác Hồ khiến cho không khí càng thêm sôi nổi.
Lãnh đạo tỉnh và Sở Giáo dục và Đào tạo thăm gia đình nhà giáo Chu Cấp nhân dịp 20/11/2019. Ảnh: NVCC |
Áng chừng đã đến Giao thừa, những người tù ở phòng 11 cùng đứng nghiêm, đặt tay lên ngực, mặt hướng về phía Bắc rồi cùng cất lên bài “Quốc ca”. Sau giây phút thiêng liêng ấy, ông Chu Cấp và các bạn tù cùng kể nhau nghe những kỷ niệm đón Tết ở quê nhà và bày tỏ niềm hy vọng được sớm trở về đoàn tụ với gia đình.
Niềm mong ước ấy đã trở thành hiện thực, hơn một năm sau ông Chu Cấp được trao trả và về hoạt động tại Sài Gòn, trong chiến dịch Hồ Chí Minh tham gia dẫn đường cho bộ đội tiến vào giải phóng các nhà lao. Sau giải phóng, ông được cử làm Trưởng phòng Giáo dục Quận 1, thành phố Hồ Chí Minh, rồi tiếp tục sang chi viện cho đất nước Campuchia. Năm 1977, được cử đi học Trường Nguyễn Ái Quốc nhưng vì hoàn cảnh gia đình, ông Chu Cấp đã xin chuyển về quê lúa Yên Thành tiếp tục sự nghiệp trồng người cho đến ngày nghỉ hưu.
Với bầu nhiệt huyết và tinh thần cống hiến cho đất nước, nhà giáo Chu Cấp vinh dự được Nhà nước và ngành Giáo dục tặng nhiều danh hiệu và phần thưởng cao quý. Tiêu biểu là Huân chương Kháng chiến chống Mỹ cứu nước hạng Nhất, Huân chương Giải phóng hạng Nhì và Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Giáo dục vì có thành tích hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chi viện cho miền Nam, Kỷ niệm chương Vì sự nghiệp giáo dục...
Niềm vui đoàn tụ của gia đình nhà giáo Chu Cấp. Ảnh: NVCC |
“Ông Chu Cấp là hội viên tích cực, dù tuổi cao nhưng vẫn hăng hái tham gia các hoạt động xã hội, có nhiều việc làm ý nghĩa trong giáo dục thế hệ trẻ, xứng đáng là tấm gương sáng cho toàn thể hội viên”.