Người Khơ mú ở Keng Đu và trăn trở thoát nghèo

Hoài Thu 14/02/2021 10:14

(Baonghean.vn) - Xã Keng Đu (Kỳ Sơn) hiện có 9/10 bản là đồng bào dân tộc Khơ mú. Tết đến, Xuân về, để đồng bào thoát cái đói, cái nghèo, có những cái Tết no ấm là cả một sự trăn trở bao năm qua...

Bản nghèo nơi biên viễn

Trung tâm xã Keng Đu cách thị trấn Mường Xén của huyện Kỳ Sơn khoảng 70 km đường đồi núi, qua không biết bao nhiêu con dốc và một cái “cổng trời” ở Đoọc Mạy với một bên là núi, một bên là vực sâu. Đến với Keng Đu, không chỉ có những tuyến đường đi quen thuộc với cảnh sắc đặc trưng của núi rừng, cư dân ở Kỳ Sơn, đó còn là những câu chuyện về con người nơi đây, mà theo như những người lớn tuổi, thì bao năm nay họ dường như vẫn không có thay đổi.

Từ trung tâm xã Keng Đu, chúng tôi vượt 15 km đường đồi núi gồ ghề, khúc khuỷu và có những đoạn dốc đứng để đến với bản Khe Linh. Thời điểm cận Tết Nguyên đán cũng là mùa thu hái cây đót của đồng bào Kỳ Sơn.

Dọc đường đi, thi thoảng lại bắt gặp hình ảnh những em nhỏ, hoặc các bà, các mẹ tay ôm bó đót tươi vừa lấy được từ triền núi, thong thả cuốc bộ về nhà. Qua chốt kiểm soát người ra, vào biên giới để phòng, chống dịch Covid-19 của Đồn Biên phòng Keng Đu, bản Khe Linh hiện ra với những nếp nhà sàn mái lá thấp thoáng lưng chừng núi.

Hình ảnh quen thuộc của người Khơ mú ở Keng Đu. Ảnh: Hoài Thu
Hình ảnh quen thuộc của người Khơ mú ở Keng Đu. Ảnh: Hoài Thu

Điểm nhấn nổi bật nhất của bản Khe Linh chính là dãy nhà cấp 4 được xây dựng kiên cố, lợp mái tôn màu xanh và có cột cờ Tổ quốc cao vút trước sân. Xung quanh, những nếp nhà cũ kỹ của đồng bào dân tộc Khơ mú nằm rải rác, xen lẫn những dãy đồi núi bàng bạc một màu của đá, của cây cỏ vừa trải qua một đợt giá lạnh mùa Đông, và cả màu bạc của cây đót, cây lau bạt ngàn./.

Ở Khe Linh, việc người lạ đến với bản làng như là một “sự kiện” khiến bà con rất quan tâm. Các cháu nhỏ vừa tò mò quan sát các “vị khách” lạ, vừa bẽn lẽn nép sau lưng anh chị, hoặc ôm chân người lớn ngó nghiêng với ánh mắt vừa trông chờ, vừa có chút sợ sệt. Song, gương mặt em nào cũng đen nhẻm, lấm lem.

Những ngày cuối Đông, ở nơi núi rừng xa xôi sát biên giới với nước bạn Lào này, trời lạnh tê tái. Ấy vậy mà các em nhỏ hầu như chỉ bận mỗi một chiếc áo, có em thì bận quần xà lỏn, hoặc quàng thêm chiếc khăn của mẹ, của chị… nhưng tất thảy đều đã cũ mòn, lem luốc.

Những hình ảnh quen thuộc này chúng tôi vẫn thường bắt gặp ở các bản làng ở Kỳ Sơn, nhưng ở nơi đây thì nhiều vô kể. Ở Keng Đu, càng đến những bản xa như Huồi Xui, Kèo Cơn, cách trung tâm xã ngót nghét 20 km, thì những hình ảnh đó lại càng phổ biến. Bởi cũng chỉ tại cái đói, cái nghèo vẫn còn đeo bám đồng bào nơi đây đời này qua đời khác.

Ở đây, mỗi ngôi nhà có một khoảng sân chật hẹp, có khi con dốc chính là sân chơi của con trẻ. Mấy chục hộ ở bản Khe Linh là mấy chục ngôi nhà, song thật khó để tìm được những luống rau xanh ngoài vườn rau tươi tốt của các chiến sỹ biên phòng ở chốt kiểm soát đóng ở đầu bản.

Người dân sống phụ thuộc vào thiên nhiên, từ cái ăn cho đến nguồn nước để sinh hoạt. Năm nào mưa thuận, gió hòa, mùa lúa rẫy nặng bông trĩu hạt thì đỡ phải ăn ngô, ăn sắn thay cơm. Năm nào lượng mưa dồi dào thì bà con có nước sinh hoạt đầy đủ.

Trẻ em Khơ mú ở bản Khe Linh, xã Keng Đu. Ảnh: Hoài Thu
Trẻ em Khơ mú ở bản Khe Linh, xã Keng Đu. Ảnh: Hoài Thu

Bản Khe Linh có những số phận hẩm hiu như cụ Cụt Phò Lư, mới hơn 60 tuổi nhưng trông già nua, ốm yếu như cụ già 80, đi không vững, phải nhờ đến chiếc gậy. Cụ có 8 người con, song các con của cụ cũng đều nghèo đói, và đều đã ra ở riêng. Vợ cụ đã mất, hiện cụ Cụt Phò Lư ở một mình trong căn nhà ọp ẹp, và sống nhờ vào sự chu cấp của chính quyền, bà con xung quanh cũng đều nghèo nên chẳng mấy khi cho cụ được nhiều. Quanh năm cụ chỉ ăn cơm với muối, thi thoảng có thêm gói mì tôm, được tặng chút thịt thà mỗi khi lễ, tết.

Cái đói nghèo bao trùm khiến bản làng cũng hiu hắt. Không chỉ người già cả như cụ Phò Lư, ngay cả những người trẻ, người còn sức lao động như Lo Văn Nhi, Xeo Phò Khăm… thì vẫn giữ thói quen phụ thuộc vào tự nhiên, hái lượm lâm sản phụ sống qua ngày… Phụ nữ, người già ngoài một mùa rẫy thì chẳng biết làm gì hơn là tụ tập nói chuyện, có khi ngồi cùng nhau tư lự nhìn núi đồi khiến con người dường như cũng thui chột ý chí vươn lên thoát nghèo.

“Khe Linh có 58 hộ thì có 53 hộ nghèo. Số hộ biết chăn nuôi trâu, bò, lợn thì cũng chỉ đếm trên đầu ngón tay. Chủ yếu bà con vào rừng, trèo cái đồi, cái núi để làm mỗi năm một mùa rẫy kiếm lúa gạo cho cả năm. Còn lại thì hái lượm được cái gì thì ăn cái nấy thôi. Không có thì ăn xôi chấm muối trắng” - Trưởng bản Khe Linh Lo Văn Sơn bày tỏ.

Những đứa trẻ nhem nhuốc, những người già sống chờ đến ngày tàn về với núi rừng, những người khỏe trông mong mưa gió thuận , hòa với một mùa rẫy mỗi năm, thi thoảng lượn lặt được ít lâm sản phụ như măng, đót, nuôi vài ba con gà, lợn đủ cho dịp lễ, tết, suốt đời quanh quẩn quanh ngôi nhà quen thuộc… Những người Khơ mú ở Khe Linh, xã Keng Đu bao đời nay vẫn vậy, “họ gắn bó với núi rừng biên cương, nhưng để thoát cái đói nghèo thì còn xa lắm, không biết làm gì để khấm khá hơn”, anh Lo Văn Sơn bộc bạch.

Một góc bản Khe Linh. Ảnh: Hoài Thu
Một góc bản Khe Linh. Ảnh: Hoài Thu

Cần ý chí vươn lên

Tuy nhiên, đồng bào người Khơ mú ở Keng Đu vẫn có những người muốn bứt phá vươn lên, muốn thay đổi số phận của bản thân và con cái như cụ Moong Phò Lư ở bản Huồi Phuôn 2. “Để thoát khỏi cái đói nghèo, không thể trông chờ hoàn toàn vào sự hỗ trợ của người khác, bản thân mỗi người phải tự có ý thức vươn lên thì mới mong thay đổi được. Như cụ Moong Phò Lư!”, ông Lương Văn Ngam - Bí thư kiêm Chủ tịch UBND xã Keng Đu bày tỏ. Cụ Phò Lư năm nay cũng đã bước qua cái tuổi 50, có 6 đứa con và được xem là một trong những hộ đồng bào Khơ mú khấm khá nhất, nhì xã Keng Đu.

Đến vùng gia trại của ông Moong Phò Lư, hình ảnh ở đây thật khác xa so với hầu hết các bản, làng đồng bào Khơ mú ở Keng Đu. Ngay đầu con dốc bước vào gia trại của ông là những luống rau cải ngồng hoa vàng rực rỡ. Tiếp đó là ao nuôi thả cá nhỏ nhưng có đàn cá tung tăng bơi lội, và đã quen ngoi lên tìm thức ăn mỗi khi có bước chân người đến gần.

Đi qua một quãng hai bên ruộng lúa nước là khu chuồng chăn nuôi lợn, xuống thêm mấy bậc ruộng lúa là khu chuồng nuôi nhốt bò. Đối với người dân tộc Khơ mú, cơ ngơi của ông Phò Lư là cả một sự mơ ước của nhiều người, là điển hình để phát triển kinh tế cho đồng bào nơi đây.

Vùng gai trại của ông Phò Lư. Ảnh: Hoài Thu
Vùng gia trại của ông Moong Phò Lư. Ảnh: Hoài Thu

“Bố có vùng gia trại này từ năm 1994, cũng cố gắng làm ăn lắm, năm 2021 này gia đình bố sẽ phấn đấu để thoát nghèo”, già Moong Phò Lư, bản Huồi Phuôn 2, xã Keng Đu (Kỳ Sơn) bộc bạch. Qua mấy chục năm loay hoay với trồng cây gì, nuôi con gì, gia đình ông Phò Lư đã vượt qua được cái “ngưỡng” hộ nghèo năm 2020, “tiến lên” hộ cận nghèo.

Và như lời ông Phò Lư quyết tâm, thì năm 2021 này ông sẽ nỗ lực để thoát khỏi hộ cận nghèo. Vợ chồng ông Phò Lư hiện sống chung với vợ chồng đứa con trai thứ ba. Trong 6 người con thì đã có 3 đứa lập gia đình, 2 đứa đã có nơi ở riêng, 3 đứa vẫn đang đi học. Bản thân ông Phò Lư là bệnh binh với thương tật 61%. Hơn 10 năm tham gia quân ngũ, ông trở về địa phương, lập gia đình và chăm chỉ lao động, sản xuất.

Ông Phò Lư cho hay, ông khai phá vùng gia trại từ năm 1994, song nhiều năm cũng chỉ biết loay hoay với một mùa lúa, nuôi bò, nuôi lợn nhưng dịch bệnh cứ liên miên. “Năm nào cũng dịch bệnh, lợn, gà còi cọc, khó nuôi lắm, may mắn thì chỉ đủ phục vụ gia đình chứ không có bán”, ông Phò Lư cho biết.

Rồi ông bộc bạch, bà con nơi đây đều làm như vậy cả. Trồng lúa thì phụ thuộc vào thời tiết, năm nào thuận lợi thì cho thu hoạch đủ ăn cả năm, hạn hán, lũ lụt thì lại chịu đói. Còn chăn nuôi trâu, bò, lợn hay dê thì cũng như nhiều nhà, muốn nuôi nhưng không có tiền mua con giống, đành chịu. Lại thêm cái tập tục muốn đông đúc con cái, nên nhà nào cũng nheo nhóc, con cái năm bảy đứa, lo cho chúng cái ăn đã khó, cái mặc thì có gì mặc nấy, ít khi có tiền mua đồ đẹp cho con cái lắm.

“Cho đến khi có sự giúp đỡ của bộ đội biên phòng, mọi việc mới bắt đầu thay đổi”, ông Moong Phò Lư cho biết. Rồi ông kể, bộ đội đã đến tận gia đình ông, tìm hiểu và động viên vợ chồng ông tăng gia sản xuất. Bộ đội nói với ông rằng, bản thân mỗi người cần phải tự cố gắng thì mới thoát nghèo được, mọi sự hỗ trợ cũng chỉ có một giới hạn nào đó, không thể giúp cả đời được. Còn đời con, đời cháu sau này, không thể cứ chờ sự giúp đỡ được.

Nghe và hiểu, ông quyết tâm sẽ thoát nghèo. Hai năm lại nay, dưới sự hỗ trợ của Đồn Biên phòng Keng Đu cả về cây, con giống và cách chăm sóc, phòng trừ bệnh dịch, kỹ thuật nuôi trồng, gia trại của ông Phò Lư đã khoác lên mình màu áo mới, ấm no, tươi sáng hơn.

Cán bộ Đồn Biên phòng Keng Đu giúp đỡ hộ ông Moong Phò Lư phát triển kinh tế. Ảnh: Hoài Thu
Cán bộ Đồn Biên phòng Keng Đu giúp đỡ hộ ông Moong Phò Lư phát triển kinh tế. Ảnh: Hoài Thu

Cán bộ, chiến sỹ Đồn Biên phòng Keng Đu đã hướng dẫn gia đình ông cải tạo đất vùng gia trại bằng cách khử chua đất bằng vôi, ủ hoai phân trâu, bò, kèm bón lót bằng các loại cây cỏ giúp đất tơi xốp. Rồi dàn ruộng bậc thang để trồng lúa nước.

Bộ đội cũng vận động ông nuôi nhốt bò, lợn, bỏ tập tục thả rông bao đời nay của đồng bào. Bởi nuôi nhốt thì con vật sẽ ít bị bệnh dịch và béo tốt hơn, sinh sản nhiều hơn. Ông tin tưởng nghe theo, bởi ngoài tư vấn cách nuôi con gì, trồng cây gì, bộ đội còn hỗ trợ ông giống cây, xắn tay cùng lao động sản xuất với gia đình ông bao nhiêu là ngày tháng, thân thiết với gia đình ông như người nhà...

Thấy bộ đội dẫn chúng tôi đến tham quan vùng gia trại của mình, già Moong Phò Lư phấn khởi lắm, khoe cơ ngơi của gia đình, và dẫn chúng tôi đi đến từng chuồng trại. Vừa đến chuồng chăn nuôi lợn, hai con lợn nái vừa mới đẻ bầy con được 2 ngày, ông Phò Lư khấp khởi cho hay, năm nay lợn sinh sản tốt, dự kiến là sẽ có nguồn thu kha khá. “Đàn bò của ông hiện đã có 4 con, cộng thêm 6 con bò của vợ chồng con trai thứ ba, năm nay bố phấn đấu thoát khỏi hộ nghèo”, ông Phò Lư vui vẻ cho biết. Niềm vui của ông Phò Lư cũng là niềm vui của những người đã dày công giúp đỡ, hỗ trợ để gia đình ông thay đổi tư duy, suy nghĩ và quyết tâm vươn lên thoát nghèo.

Và giờ đây, đến nửa đời người, ông Phò Lư mới thấm thía sức mạnh của ý chí, ông cho biết, chỉ có bản thân tự muốn vươn lên thoát nghèo, rồi với sự hỗ trợ, động viên của chính quyền, của bộ đội biên phòng, thì mới có thể thành công.

Keng Đu có 9/10 bản làng là nơi sinh sống của đồng bào dân tộc Khơ mú với khoảng 600 hộ, trong đó, gần 70% là hộ nghèo. Để đồng bào dân tộc Khơ mú nơi đây thay đổi nếp nghĩ, nếp làm, thoát khỏi cái nghèo, cái khổ, rất cần những người như ông Moong Phò Lư, biết nỗ lực vươn lên để vượt qua hoàn cảnh ngay từ trong suy nghĩ, để không còn những mùa Xuân nghèo khó, để những người Khơ mú như ông Phò Lư không còn là “của hiếm” nơi vùng biên viễn này.

Hoài Thu