Ngày cuối năm rưng rưng kể câu chuyện nghĩa tình nơi vùng rốn lũ

Thành Cường 11/02/2021 14:58

(Baonghean.vn) - Bây giờ, cuộc sống bình yên đã trở lại nhưng người dân vùng lũ Thanh Mỹ (Thanh Chương) vẫn mãi còn ôn chuyện về nghĩa tình đồng bào cao quý mà những nhóm “ân nhân” đã cứu giúp họ ra khỏi dòng nước lũ hung tợn….

Tiếng cầu cứu trong đêm

Do ảnh hưởng của hoàn lưu cơn bão số 9, ngày 29/10/2020, Nghệ An xuất hiện mưa lớn gây lũ lụt ở nhiều nơi. Xã Thanh Mỹ là điểm ngập sâu nhất của huyện Thanh Chương trong đợt lũ lịch sử này... Dù được thông báo phải sơ tán người lên vùng cao nhưng vợ chồng ông Đoàn Văn Lân, ở xóm Mỹ Hương vẫn nấn ná vì bao năm nay quê mình không có lũ lớn.

Ảnh: Thành Cường
Xã Thanh Mỹ rạng sáng ngày 30/10. Ảnh: Bằng Trần

Trời sầm sập tối, mưa từ đâu trút như thác đổ, nước khe Hói Mét dâng lên nhanh, ông Lân chỉ kịp chạy ra chuồng bế mấy con dê lên gác thì lũ đã ập vào nhà. Đồ đạc của nả bị cuốn trôi đi hết. Nửa đêm, rồi gần sáng, nước vẫn tiếp tục lên nhanh, hai vợ chồng ông Lân cùng đứa cháu nội gần 3 tuổi ôm nhau run rẩy. Ông đã dỡ ngói để chuẩn bị trèo lên nóc nhà...

Cùng hoàn cảnh, nước lũ đổ về, ông Trần Văn Tạng (73 tuổi), xóm Mỹ Hương cũng chỉ kịp tháo dây cho con trâu tự chạy lũ, rồi lên nhà ngồi. Không riêng gì 2 gia đình này, rất nhiều hộ gia đình khác ở xóm Mỹ Hương và cả Mỹ Lương cũng chỉ kịp thoát thân lên mái nhà, chưa kịp định thần thì mọi thứ trôi hết.

Ảnh: Thành Cường
Hàng chục ngôi nhà bị ngập sâu trong nước. Ảnh: Bằng Trần

Chỉ trong thời gian ngắn, hàng chục ngôi nhà ở Thanh Mỹ đã bị nước lũ ngập lên đến mái, khiến người dân phải dỡ ngói cầu cứu. Với chút pin điện thoại cuối cùng, nhiều người gọi điện, nhắn tin cầu cứu qua mạng xã hội trong hoảng loạn. Lực lượng cứu hộ huyện Thanh Chương phải dùng thuyền nhỏ, soi đèn tìm kiếm cứu nạn, sơ tán người dân ra khỏi các ngôi nhà ngập sâu. Tuy nhiên, lực lượng tại chỗ này khá mỏng, số lượng người cần cứu quá đông nên không bao phủ hết được. Thanh Mỹ có một đêm sống trong sợ hãi...

Tình người trong lũ

Sau nhiều ngày đi cứu hộ ở huyện Lệ Thủy (Quảng Bình) và huyện Cẩm Xuyên (Hà Tĩnh), đoàn cứu hộ của câu lạc bộ thuyền hơi NIBC (có các thành viên ở nhiều tỉnh thành khác nhau, trong đó có Nghệ An) đã về đến Vinh. 21 giờ đêm ngày 29/10, khi vừa bưng bát cơm ăn thì các thành viên đoàn dồn dập nhận được điện thoại cầu cứu của người dân vùng lũ... Miếng cơm ngẹn lại, anh Nguyễn Hồng Sơn (ở Hà Nội ) cùng các thành viên trong câu lạc bộ thuyền hơi quẳng bát, ngược đường 46 lên Thanh Mỹ.

“Nghĩ sẽ được bữa ăn, giấc ngủ ngon sau nhiều ngày dầm nước, nhưng khi nghe tiếng kêu cứu trong đêm của bà con Thanh Mỹ thì anh em đi luôn”

Anh Nguyễn Hồng Sơn -Trưởng đoàn cứu hộ

Đoàn tách làm 2 nhóm, một nhóm đi theo Quốc lộ 46A, còn nhóm kia đi theo hướng đường Hồ Chí Minh để vào Thanh Mỹ. Gần đến vùng lũ, đường ngập và sạt lở ô tô không đi tiếp được, nhóm anh Sơn phải hạ xuồng xuống kéo chạy bộ hơn 4km mới tiếp cận được vùng ngập nặng. Lúc này đã hơn 1 giờ sáng.

Ảnh: Thành Cường
Đội cứu hộ tiếp cận cửa sổ tầng 2 của một gia đình đang bị ngập ở xóm Mỹ Hương. Ảnh: Bằng Trần

Trời mưa tầm tã, những chiếc xuồng cứu hộ vừa dò theo đường dây điện hoặc những ngọn cây còn nổi trên nước lũ, vừa lia ánh đèn pin lên những mái nhà tìm người. Vừa đi, họ vừa gào to “Có ai ở đó không?” - Đáp lại là những ánh đèn pin, những cánh tay run rẩy chòi ra từ mái ngói.

Gần 4 giờ sáng, giữa trời mưa lũ, chung quanh mênh mông chỉ toàn nước, vợ chồng ông Đoàn Văn Lân cùng cháu nội run rẩy vì lạnh và đói thì xuồng cứu hộ tới đón. Được đón lên xuồng cùng vợ chồng ông Lân là hai người nữa ở xóm bên. Bà Lê Thị Lục, 56 tuổi, ở thôn Mỹ Lương bàng hoàng kể: “Khi đang cố gắng cứu tài sản, chính bản thân mình cũng bị nước xô đi, nếu đội cứu hộ không đến kịp thời, tôi cũng bị trôi theo cùng với dòng lũ hung dữ rồi”.

Ảnh: Thành Cường
Cháu Đoàn Nhật Minh - cháu nội ông Đoàn Văn Lân được đội cứu hộ đưa lên xuống. Ảnh: Bằng Trần

Trong mênh mông cuồn cuộn nước lũ, những người cứu hộ Câu lạc bộ thuyền hơi đã có một đêm không ngủ, vật lộn để cứu người. Hàng chục người thoát chết, được đưa về nơi tránh trú an toàn trong đêm.

Trong đêm ngày 29/10 đó, tham gia cùng đoàn xuồng cứu hộ còn có anh Trần Đình Bằng, ở xã Thanh Lĩnh. Là người địa phương, nghe thông tin đoàn cứu hộ tìm người dẫn đường để vào Thanh Mỹ, anh Bằng liền đi ngay. 23h đêm, Bằng cùng bạn nữa lên xe máy, đội mưa để ra đường Hồ Chí Minh đón đoàn cứu hộ.

Đến đoạn Eo Tréo, xã Thanh Hương thì gặp sạt lở, xe máy không qua được nên anh quyết định tiếp tục đi bộ. Đang lội trong bùn gần lút đầu gối thì đất, đá và cây trên vách núi thi nhau lăn xuống, Bằng nhoài người trên bùn để tránh. Bò đến đâu, đất đá lăn xuống đến đó. Thoát khỏi vùng sạt lở, Bằng chạy bộ tiếp hơn 1km nữa ra đến đường Hồ Chí Minh. Đón và làm “hoa tiêu” cho đoàn cứu hộ, Bằng trực tiếp nhảy xuống dòng nước lũ, leo lên từng nóc nhà để đỡ người dân xuống xuồng.

Ảnh: Thành Cường
Cháu Đoàn Nhật Minh không hề lạ lẫm khi gặp lại anh Trần Đình Bằng - người đã bế cháu từ mái nhà xuống xuồng cứu hộ. Ảnh: Thành Cường

Lũ đi qua nhưng tình người còn đọng mãi, ông Hoàng Tiến Thọ, Chủ tịch UBND xã Thanh Mỹ cảm kích chia sẻ: “Trận lũ kinh hoàng đêm 29/10, đã khiến 720 hộ dân trong xã bị ngập nước, trong đó có 200 hộ ngập đến nóc nhà. Lũ lên nhanh bất thường đã khiến nhiều người mắc kẹt lại trên mái nhà...Giữa lúc nguy nan đó may nhờ có thêm anh em cứu hộ từ Vinh lên, Hà Nội vào, mang 4 xuồng cao su cùng lực lượng công an, quân sự đi cứu dân.

Anh em cứu hộ đã đi vào những nơi ngập sâu nhất, nước chảy mạnh nhất để hỗ trợ di dời dân, đến 12h trưa mới quay trở lại. Sau khi di dời dân về nơi an toàn, nước rút dần thì họ cũng tạm biệt bà con lên đường ra bắc... Họ nhiệt tình, không lời nào có thể nói hết. Như anh Bằng, người thì nhỏ nhưng sẵn sàng nhảy khỏi xuồng, bơi giữa dòng nước lũ để đưa người già, em nhỏ lên xuồng. Bà con nhân dân mãi khắc ghi..

Ông Hoàng Tiến Thọ - Chủ tịch UBND xã Thanh Mỹ

Ông Hoàng Tiến Thọ cho biết thêm: Giữa nguy nan càng thấy rõ nghĩa tình. Thanh Mỹ đã nhận được rất nhiều sự giúp đỡ của các đơn vị, lực lượng, cá nhân như Sư đoàn 324, Bộ chỉ huy Quân sự tỉnh, Công an tỉnh đã tới từng nhà, hỗ trợ người dân khắc phục hậu quả lũ lụt, ổn định cuộc sống. Nhiều đoàn xe cứu trợ đã đến trao tặng lương thực, thực phẩm, quần áo, sách vở và cả tiền để giúp người dân vơi đi khó khăn. Tổng số tiền và hiện vật ủng hộ Thanh Mỹ lên đến hơn 3 tỷ đồng.

Xuân đang về trên đất Thanh Mỹ. Nơi đây, không còn những dòng nước đỏ hung hãn, màu xanh ruộng đồng đã trở lại. Người dân nơi đây vẫn nhắc mãi chuyện nghĩa tình!

Thành Cường