Trân quý giá trị cuộc sống mình để biết yêu thương người khác

Nội dung: Mỹ Hà; Ảnh, kỹ thuật: Đức Anh 11/02/2021 15:45

(Baonghean.vn) - Hai năm trước bức tâm thư của cô giáo Nguyễn Minh Ngọc đã gây xôn xao cộng đồng mạng bởi những chia sẻ mới mẻ, nhân văn nhưng cũng rất chân thực về tuổi học trò.

Cô giáo Nguyễn Minh Ngọc tham gia đứng lớp trong một chương trình dạy học miễn phí. Ảnh: Đức Anh
Cô giáo Nguyễn Minh Ngọc tham gia đứng lớp trong một chương trình dạy học miễn phí. Ảnh: Đức Anh

Cô giáo Nguyễn Minh Ngọc cũng là một cựu học sinh của Trường THPT chuyên Phan Bội Châu và là một giáo viên tâm huyết có nhiều trăn trở với nghề, nhất là với quá trình đổi mới của ngành giáo dục.

Một ngày đầu năm 2021, chị có một cuộc trò chuyện thú vị với Báo Nghệ An nhân chuyến công tác tại thành phố Vinh.

Dạy học phải gắn với dạy làm người

PV: Đã lâu lắm rồi chị mới quay trở lại Nghệ An và tham gia đứng lớp trong một chương trình dạy học miễn phí. Tôi cũng biết, đã hơn một tháng nay, rất nhiều giáo viên háo hức với chương trình do chị dạy với chủ đề “đưa giá trị sống vào lớp học”. Chị có thể chia sẻ thêm về lớp học này?

Cô giáo Nguyễn Minh Ngọc: Như chúng ta đã biết, UNESCO đã khái quát 12 giá trị căn bản của mỗi cá nhân đó là: Hợp tác, Tự do, Hạnh phúc, Trung thực, Khiêm tốn, Yêu thương, Hòa bình, Tôn trọng, Trách nhiệm, Giản dị, Khoan dung, Đoàn kết, để từ đó phát triển thành các khóa học về giá trị sống. Từ năm 2000, chương trình “Những giá trị sống dành cho tuổi trẻ” của UNESCO do nhiều nhà giáo dục nổi tiếng trên thế giới xây dựng được đưa vào Việt Nam. Hiện nay, chương trình đã được một số trường học áp dụng và tạo nên sự lan tỏa của những giá trị sống tích cực với các em học sinh.

Ảnh: Đức Anh
Ảnh: Đức Anh

Trong khi đó, chương trình giáo dục phổ thông mới được Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành năm 2018 đã định hướng xây dựng hình ảnh học sinh với 5 phẩm chất thiết yếu cần phát triển gồm: Yêu nước, Trách nhiệm, Trung thực, Chăm chỉ, Nhân ái.

Tuy nhiên, để 5 phẩm chất ấy thực sự trở thành những giá trị nền tảng, hình thành nhân cách học sinh, cần một đội ngũ ban lãnh đạo, giáo viên hiểu về vai trò của giá trị sống và chuyển tải những phẩm chất ấy vào nội dung các bài giảng, các hoạt động sinh hoạt tập thể lớp cho đến những dự án giáo dục, những hình dung sống động về sứ mệnh, giá trị cốt lõi của một ngôi trường.

Điểm gặp gỡ trong chương trình của UNESCO với chương trình phổ thông tổng thể của Bộ Giáo dục và Đào tạo là 2 chương trình đã đề xuất nhiều phẩm chất cần có của học sinh như: Yêu thương, Trách nhiệm, Trung thực.

Trên cơ sở đó, chúng tôi thiết kế một khóa học kết hợp những hoạt động hình thành giá trị sống mà chương trình của UNESCO đã đề ra, nhằm giúp cho giáo viên có những hướng dẫn cụ thể để xây dựng 5 phẩm chất cho học sinh theo định hướng của chương trình giáo dục mới.

Đây cũng là vấn đề xuất phát từ thực tế bởi trong hoạt động giáo dục phẩm chất ở nhà trường hiện nay, có một thực trạng khá phổ biến là nhà trường, giáo viên phần lớn chưa thiết kế, xây dựng được một chương trình giá trị sống thiết thực, hiệu quả. Một khi giá trị sống không tạo nên nền tảng, không đến với học sinh bằng những hoạt động gần gũi, không “chạm” được vào nhận thức, cảm xúc của các em, sẽ trở nên cứng nhắc, giáo điều, xa lạ.

Vì vậy, cần thiết phải có một chương trình hỗ trợ để giúp đỡ các giáo viên thiết kế những hoạt động, dự án nhằm chuyển tải các bài học giáo dục phẩm chất, nhân cách vào lớp học một cách nhẹ nhàng, gần gũi. Như với lớp học mà tôi vừa tổ chức cho các giáo viên ở Nghệ An, tôi không dạy về 12 giá trị sống mà dạy cách đan cài các giá trị đó vào các tiết học.

Thạc sỹ Nguyễn Thị Minh Ngọc đã có 17 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực giáo dục. Cô là cựu học sinh của Trường THPT chuyên Phan Bội Châu; từng giảng dạy tại Trường THPT Huỳnh Thúc Kháng (thành phố Vinh, Nghệ An) và hiện đang là giáo viên tại Trường THCS - THPT Đinh Thiện Lý (thành phố Hồ Chí Minh).

Chị là sáng lập viên của dự án “Học văn để Sống”. Dự án đạt giải Nhất lĩnh vực, giải Ba chung cuộc trong cuộc thi “Dạy học tích hợp” của Bộ giáo dục và Đào tạo năm 2013. Dự án đạt giải Nhất cuộc thi “Giáo viên sáng tạo trên nền tảng công nghệ thông tin năm 2015”.

Chị đã có kinh nghiệm tổ chức nhiều dự án về giá trị sống thành công như: Tôi chọn Trung thực, Chuyện trách nhiệm, Ruy băng đỏ, Thiện - ác và Smartphone, Memento Mori (Sống thêm một cuộc đời)...

Cô giáo Nguyễn Minh Ngọc hướng dẫn cho các giáo viên ở TP Vinh. Ảnh: Đức Anh
Cô giáo Nguyễn Minh Ngọc hướng dẫn cho các giáo viên ở TP Vinh. Ảnh: Đức Anh

Phải khơi dậy được tinh thần tự học trong mỗi học trò

PV: Chị là một giáo viên chủ nhiệm đã nhận được rất nhiều sự yêu mến của học trò và tôi có thể cảm nhận được cái tâm và tình yêu nghề của chị qua những bức tâm thư chị viết cho những học trò của mình. Khi đặt bút viết những dòng thư này chị đã nghĩ gì?

Cô giáo Nguyễn Minh Ngọc: Thật ra khi tôi viết những bức thư này, đơn giản vì đó là nhiệm vụ mình được giao, vì mình là giáo viên chủ nhiệm và năm nào một lớp học sinh ra trường cũng sẽ có một bài phát biểu. Nhưng khi viết tôi không xem đó là bài phát biểu mà đó là những điều mình muốn nói, muốn trò chuyện hàng ngày với học trò của mình. Vì thế, tôi dành hết tình cảm của mình vào bài viết. Và có thể, vì được viết bằng từ cảm xúc mình thì tự nó sẽ lan tỏa.

PV: Đến thời điểm này vẫn nhiều phụ huynh quan niệm muốn con học giỏi, đỗ đạt và phải có thật nhiều danh hiệu. Cá nhân chị, có ủng hộ điều này?

Cô giáo Nguyễn Minh Ngọc: Quan niệm của tôi, cái giỏi về mặt kiến thức chỉ là một nhân tố nhưng nó không quyết định thành công. Và thậm chí thành công cũng không bằng hạnh phúc. Nhưng bản thân hạnh phúc cũng không có thang đo nào cả. Mỗi người sẽ hạnh phúc một cách khác nhau. Vì thế, với tôi một đứa trẻ giỏi không quan trọng bằng việc nó hiểu chính bản thân mình và yêu thương, trân quý bản thân mình. Bởi lẽ khi yêu mình thì các em hiểu người khác và yêu thương mình sẽ biết yêu thương người khác. Thế nên, trong cuộc sống chính là câu chuyện của những giá trị... Thật ra dạy đứa trẻ tất cả những kiến thức về Toán, Văn, Lý, Hóa - mà chắc chắn nó sẽ cũ trong thời gian sắp tới vì thế kỷ 21 là thế kỷ của trí tuệ nhân tạo, của công nghệ tác động đến toàn thế giới thì chả có kiến thức nào đủ cả. Nhưng sự chuẩn bị về mặt giá trị là sự chuẩn bị về mặt nền tảng để từ đó con người sẽ biết lựa chọn kiến thức.

Một tiết dạy của cô giáo Minh Ngọc. Ảnh: PV
Một tiết dạy của cô giáo Minh Ngọc. Ảnh: PV

PV: Vậy, phải chăng hiện nay, tự phụ huynh đang tạo áp lực cho con, đặc biệt là áp lực về điểm số? Cá nhân chị quan niệm dạy con như thế nào?

Cô giáo Nguyễn Minh Ngọc: Thực tế chương trình giáo dục phổ thông tổng thể 2018 đưa ra 5 phẩm chất nên bản thân chương trình đang vận động theo hướng thay đổi. Do đó nói đến áp lực điểm số thì chúng ta cũng phải nhìn nhận ở nhiều vấn đề khác nhau. Như năm nay, công văn của Bộ đã yêu cầu giảm rất nhiều đầu điểm và các bài kiểm tra, tăng các bài kiểm tra cho học sinh nói và học sinh viết...Nhưng chủ trương này đưa ra lại gặp những sự kêu ca, một bộ phận giáo viên thì e ngại điều này khó đánh giá học trò, phụ huynh thì cũng phản ứng “con tôi đi học mà không có điểm’. Vậy để cho giáo dục tốt hơn thì không chỉ trách nhiệm của Bộ, của một người thầy mà là trách nhiệm từ toàn xã hội và quan trọng nhất là từ gia đình.

Tôi ngày xưa không chỉ là một mọt sách mà còn là một người xem trọng việc hơn thua. Tuy nhiên, điều đó không phải từ áp lực của gia đình mà chính từ áp lực của mình bởi có thể tôi học trường chuyên từ thời THCS. Đã có thời điểm, tôi đã từng học điên cuồng đến nỗi ba mẹ phải rút cầu chì, tắt điện. Cú sốc lớn nhất của tôi là lần trượt đội tuyển quốc gia ở lớp 12. Khi ấy tôi buồn đến nỗi phát bệnh đau dạ dày và phải đi cấp cứu. Sau này tôi vẫn nói, nếu có con tôi sẽ không bao giờ cho các cháu vào trường chuyên lớp chọn.

Cô giáo Nguyễn Minh Ngọc và các học trò. Ảnh: PV
Cô giáo Nguyễn Minh Ngọc và các học trò. Ảnh: PV

Bây giờ thì tôi quan điểm việc học rộng lắm, học ở trường chỉ là một phần mà các con có thể học được qua những trải nghiệm, cho con học theo sự đam mê của mình. Tất nhiên điểm số có quan trọng bởi nó đánh giá nỗ lực, sự cố gắng của các con. Thậm chí sự thay đổi lên xuống của điểm số nó đánh giá đến phong độ, mức ổn định và sự chú tâm của các con. Nhưng nó không phải là tất cả, tương tự chỉ là một góc của một bức tranh. Vì thế, tôi vẫn có thể trao đổi với con về điểm số nhưng không áp lực để xem nó là cái duy nhất mà sẽ nhìn ở nhiều khía cạnh khác. Con người chúng ta, nói đến giáo dục phải được tạo từ 4 thành tố gia đình, nhà trường, xã hội và bản thân các em. Nghĩa là một khi việc giáo dục đã phát triển thành một khả năng tự học thì tự bản thân mỗi người sẽ học theo nhu cầu và sự mong đợi.

PV: Xin cảm ơn chị về cuộc trao đổi này!

Nội dung: Mỹ Hà; Ảnh, kỹ thuật: Đức Anh