Kinh tế khó khăn, nhiều người vẫn chi tiền triệu để đốt vàng mã

Tiến Lộc 26/02/2021 17:44

(Baonghean.vn) - Mặc dù nền kinh tế đang đứng trước bối cảnh khó khăn bởi đại dịch Covid-19, tuy nhiên, nhiều người dân đi lễ đền, chùa trong dịp Rằm tháng Giêng vẫn sẵn sàng chi ra hàng triệu đồng, thậm chí hàng chục triệu đồng đốt vàng mã, gây ra sự lãng phí không nhỏ.

Đền Ông Hoàng Mười (Hưng Thịnh, Hưng Nguyên), là một trong những địa điểm thu hút rất đông du khách trong và ngoại tỉnh đến cầu an, giải hạn trong dịp đầu năm mới.

Theo quan niệm truyền thống, đầu năm thường đi đền, chùa để cầu an, giải hạn, nên các dịch vụ ăn theo tại các điểm di tích vì thế cũng nở rộ, trong đó có dịch vụ viết sớ. Mỗi tờ sớ không bao gồm công cúng, có giá 10.000 đồng. Ảnh: TL
Theo quan niệm truyền thống, đầu năm người dân thường đi đền, chùa để cầu an, giải hạn, nên các dịch vụ ăn theo tại các điểm di tích vì thế cũng nở rộ, trong đó có dịch vụ viết sớ. Mỗi tờ sớ không bao gồm công cúng, có giá 10.000 đồng. Ảnh: TL

Không kể những ngày trước và sau Tết âm lịch, trong ngày Rằm tháng Giêng năm nay, mặc cho khuyến cáo hạn chế đi lại và tụ tập đông người nhưng lượng khách đổ về đền Ông Hoàng Mười vẫn rất đông. Ngoài viết sớ cầu an, cầu tài, cầu lộc cho gia đình, người thân kèm theo một ít tiền, vàng mã. Nhiều gia đình còn sắm từng chồng lễ vật bằng giấy, và mua "ông ngựa" để đốt.

Các cơ sở kinh doanh ngay trước cổng đền ông Hoàng Mười đang trang trí lại
Các cơ sở kinh doanh ngay trước cổng đền Ông Hoàng Mười đang trang trí lại "ông ngựa" để phục vụ cho du khách. Ảnh: TL

Nhằm đáp ứng nhu cầu của khách hàng, ngay khu vực trước cổng đền Ông Hoàng Mười, các cửa hàng kiêm luôn dịch vụ bày lễ và cầu, cúng.

Các cơ sở kinh doanh ngoài việc buôn bán còn kiêm luôn dịch vụ bày lễ cho du khách có nhu cầu. Ảnh: TL
Các cơ sở kinh doanh ngoài việc buôn bán hương, hoa, còn kiêm luôn dịch vụ bày lễ cho du khách có nhu cầu. Ảnh: TL

Mỗi bộ lễ, tùy theo nhu cầu của khách hàng mà có giá từ 300.000 đồng đến hàng triệu đồng. Tính chi phí viết sớ và có "thầy" cúng kèm theo, mỗi gia đinh tiêu tốn gần 1 triệu đồng, cho bộ lễ nhỏ. Còn nếu gia đình nào mua "ông ngựa", "ông voi", thuyền giấy, hình nhân... thì chi phí càng cao. Mỗi "ông ngựa", đan bằng tre và trang trí giấy vàng được bày bán có giá từ 400.000 - 500.000 đồng. Thường gia đình nào đốt "ông ngựa", thì cũng phải đốt kèm theo các bộ quan phục, lều, lọng... vì thế chi phí sẽ cao lên.

Sau khi làm lễ xong,
Sau khi làm lễ xong, "ông ngựa" được mang ra khu vực hóa vàng để đốt. Ảnh: TL

Chị Trang, đến từ Đà Nẵng cho biết, hầu như hàng năm, nhân dịp về quê tế họ, gia đình đều đi lễ tại đền Ông Hoàng Mười, với hy vọng cầu mong cho một năm mới bình an, hạnh phúc và gặp nhiều may mắn. Và việc mua sắm lễ vật, đốt "ông ngựa", thì cũng xuất phát từ quan niệm truyền thống, thấy nhiều người đi lễ làm thì mình cũng làm theo.

Theo tiết lộ từ một vị làm nhiệm vụ tại đền Ông Hoàng Mười, mỗi ngày tại đây đốt khoảng 50 "ông ngựa", có thời điểm các đoàn đi lễ đến nhiều, nhất là các đoàn ở các tỉnh phía Bắc vào thì số lượng "ông ngựa" bị đốt càng lớn hơn, lên đến cả trăm.

Mặc dù các đơn vị văn hóa đã tích cực tuyên truyền việc hạn chế đốt vàng mã, nhằm đảm bảo vệ sinh môi trường, phòng chống cháy nổ tại các điểm di tích đồng thời đảm bảo việc hoạt động văn hóa tâm linh lành mạnh, tiết kiệm. Thế nhưng, trên thực tế, các điểm di tích không thể cấm đoán, hoặc hạn chế người dân mua vàng mã, thậm chí sắm những bộ vàng mã hàng chục triệu đồng để đốt. Chính điều này đang gây ra sự lãng phí rất lớn./.

Tiến Lộc