Vì đất… mất cán bộ

KL 28/02/2021 07:40

(Baonghean.vn) - Đất đai là một lĩnh vực nhạy cảm, phức tạp, dễ xảy ra sai phạm. Thời gian qua, trên địa bàn tỉnh đã xảy ra một số vụ việc sai phạm trong quản lý đất đai, bồi thường GPMB các dự án liên quan đến cán bộ, công chức, người đứng đầu các ngành, địa phương

Bài học trong quản lý đất đai

Thực tế, thời gian qua, có không ít cán bộ, đảng viên đã bị khởi tố, bắt tạm giam, ra tòa lĩnh án hoặc chịu các hình thức kỷ luật về Đảng và chính quyền do liên quan đến sai phạm trong quản lý, sử dụng đất đai, thực hiện bồi thường GPMB.

Điển hình như đầu năm 2021, cơ quan Cảnh sát điều tra (Công an Nghệ An) đã tống đạt quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với 3 đối tượng cùng trú tại xã Nghi Tiến (Nghi Lộc) về hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn khi thi hành công vụ. Trong đó, có ông Lưu Quang Thượng (SN 1954), nguyên là Chủ tịch UBND xã Nghi Tiến giai đoạn từ năm 2004 đến năm 2014 và ông Trần Công Oanh (SN 1960), nguyên là Bí thư Đảng ủy xã Nghi Tiến từ năm 2005 đến năm 2014, Chủ tịch UBND xã Nghi Tiến từ năm 2014 đến năm 2020.

Các đối tượng Trần Công Oanh, Lưu Quang Thượng, Nguyễn Văn Hồng bị khởi tố về hành vi "lợi dụng chức vụ, quyền hạn khi thi hành công vụ''. Ảnh: Vương Linh

Nguyên nhân là bởi trong thời gian tại vị, 2 ông Thượng và Oanh đã cho chủ trương để ông Nguyễn Văn Hồng (SN 1980), nguyên là công chức địa chính xã này tiến hành lập khống hồ sơ đề nghị hỗ trợ diện tích nuôi trồng thủy sản bị thiệt hại do thiên tai và hồ sơ hỗ trợ thiệt hại cây trồng do mưa, lụt để rút tiền của ngân sách Nhà nước hơn 805 triệu đồng. Trong khi số tiền thực tế chi trả cho các hộ dân theo mức thiệt hại thực tế là khoảng 83 triệu đồng. Số tiền hơn 722 triệu đồng còn lại được sử dụng để chi tiêu cho các hoạt động khác mà không có chứng từ. Vụ việc đang được cơ quan chức năng tiếp tục điều tra, làm rõ.

Cơ quan công an khám xét tại nhà Trần Công Oanh nguyên Bí thư Đảng ủy; Chủ tịch UBND xã Nghi Tiến, Nghi Lộc. Ảnh: Vương Linh
Cơ quan Công an khám xét tại nhà Trần Công Oanh - nguyên Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Nghi Tiến, Nghi Lộc. Ảnh: Vương Linh

Trước đó, tại một số địa phương khác, cũng đã xảy ra các vụ việc nguyên cán bộ lãnh đạo chủ chốt bị xử lý do liên quan đến bán đất trái thẩm quyền như ở Nghĩa Đồng, Nghĩa Thái (Tân Kỳ), Mỹ Thành (Yên Thành)… Hay sai phạm trong lập hồ sơ, bồi thường GPMB các dự án như vụ việc nguyên Chủ tịch UBND xã Nghi Phong (Nghi Lộc) Nguyễn Đình Hải và một số cán bộ bị kỷ luật do trong quá trình thực hiện công tác giải phóng mặt bằng cho Đại lộ 72m nối Vinh - Cửa Lò đi qua địa bàn. Khi thực hiện dự án này, UBND xã Nghi Phong (Nghi Lộc) đã tiến hành rà soát, cấp đổi, giao đất… cho các hộ dân liên quan bị ảnh hưởng.

Dự án đại lộ Vinh- Cửa Lò. Ảnh tư liệu Thảo Nguyên
Dự án đại lộ Vinh - Cửa Lò. Ảnh tư liệu: Thảo Nguyên

Tuy nhiên, nhiều trường hợp có đất bị ảnh hưởng từ dự án đã được chính quyền xã Nghi Phong xác định không đúng nguồn gốc sử dụng đất và biến động tăng, giảm diện tích đất đai để được cấp đổi GCN quyền sử dụng đất. Trách nhiệm thuộc về nguyên Chủ tịch UBND xã Nghi Phong Nguyễn Đình Hải và một số cán bộ liên quan. Trong một vụ án khác liên quan đến sai phạm trong bồi thường GPMB Dự án công trình kênh tiêu thoát nước Nghi Kim - Nghi Vạn (giai đoạn 1), các cán bộ gồm Võ Biên Thùy - nguyên Phó Giám đốc Trung tâm Phát triển quỹ đất TP. Vinh; Trần Lê Ngọc Tú - nguyên cán bộ địa chính xã Hưng Đông sau đó được điều chuyển công tác đến phường Hồng Sơn và Nguyễn Xuân Thọ - nguyên Chủ tịch UBND xã Hưng Đông đã bị khởi tố.

Đáng chú ý ở một số vụ việc, có sự tham gia của nhiều cán bộ như một “ê-kíp”. Điển hình như sai phạm xảy ra ở BQL Rừng phòng hộ Yên Thành, để được tăng thêm tiền hỗ trợ, bồi thường tài sản trên đất không phải hoạch toán trong sổ kế toán, Phan Tiến Sỹ - nguyên Trưởng BQL Rừng phòng hộ Yên Thành đã chỉ đạo cấp dưới lập khống 4 hồ sơ để nhận bồi thường sai quy định hơn 5 tỷ đồng. Liên quan đến vụ án này, có 10 bị cáo bị đưa ra xét xử, trong đó, người cao nhất lĩnh án 5 năm tù, thấp nhất là 15 tháng tù treo. Trong đó, có 2 bị cáo Nguyễn Đức Thiện, Phan Văn Minh nguyên là Trưởng, Phó phòng TN&MT huyện Yên Thành.

Bị cáo Phan Tiến Sỹ- Nguyên trưởng BQL Rừng phòng hộ Yên Thành và các đồng phạm tại tòa. Ảnh tư liệu Trần Vũ
Bị cáo Phan Tiến Sỹ - Nguyên Trưởng BQL Rừng phòng hộ Yên Thành và các đồng phạm tại tòa. Ảnh tư liệu: Trần Vũ

Những vụ việc trên không chỉ là bài học đắt giá về công tác quản lý Nhà nước trong lĩnh vực tài nguyên đất đai, công sản mà còn là bài học kinh nghiệm trong công tác quản lý, giáo dục, kiểm soát cán bộ, công chức.

Bởi bên cạnh nguyên nhân xuất phát sự thiếu nhất quán trong chính sách quản lý đất đai; giữa Luật Đất đai và các luật liên quan; công tác thanh tra, kiểm tra, phát hiện vi phạm trong quản lý, sử dụng đất đai chưa thường xuyên; chế tài xử lý vi phạm pháp luật về đất đai chưa đủ mạnh; công tác quản lý đất đai của các cấp chính quyền còn sơ hở, lỏng lẻo, việc sử dụng đất đai có nơi còn lãng phí... tạo kẽ hở cho các hành vi tham nhũng, trục lợi, còn có nguyên nhân từ sự thiếu tu dưỡng, sự tự diễn biến, tự chuyển hóa của một số cán bộ, công chức.

Siết chặt công tác quản lý

Qua công tác tiếp dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo cho thấy đất đai là “ngọn nguồn” của nhiều vụ khiếu nại, tranh chấp kéo dài (chiếm 70 - 80% các vụ khiếu kiện hàng năm). Để tăng cường công tác quản lý, phòng ngừa sai phạm trên lĩnh vực này, những năm qua, tỉnh Nghệ An đã triển khai nhiều giải pháp nhằm khắc phục những bất cập, hạn chế trong quản lý, sử dụng đất đai trên địa bàn. Nổi bật là việc tăng cường chỉ đạo thực hiện nghiêm Luật Đất đai 2013 và các văn bản hướng dẫn thi hành Luật; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý đất đai; nâng cao ý thức, trách nhiệm, đạo đức công vụ của cán bộ, công chức và kiên quyết xử lý các trường hợp vi phạm.

Luật đất đai năm 2013. Ảnh Internet
Luật đất đai năm 2013. Ảnh Internet

Bên cạnh đó, ngày 13/3/2020, UBND tỉnh Nghệ An đã ban hành Công văn số 1359/UBND-NN về “kiểm tra, rà soát, tăng cường công tác quản lý đất đai” trên địa bàn tỉnh. Trong đó, yêu cầu các Sở: Tài nguyên và Môi trường, Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Xây dựng, Tư pháp; UBND các huyện, thành phố, thị xã kiểm tra, rà soát tăng cường công tác quản lý đất đai trên địa bàn tỉnh Nghệ An. Đồng thời, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục về Luật Đất đai bằng nhiều hình thức đa dạng, phù hợp với từng địa phương, từng đối tượng cán bộ quản lý các cấp, từng đối tượng sử dụng đất; thực hiện có hiệu quả Đề án “Nâng cao hiệu quả sử dụng đất giai đoạn 2017 - 2020 trên địa bàn tỉnh Nghệ An”. Đồng thời, thực hiện tốt công tác lập quy hoạch và kế hoạch sử dụng đất các cấp đã được phê duyệt...

Công văn cũng yêu cầu tăng cường sự phối hợp giữa các sở, ngành và UBND cấp huyện trong việc thu hút đầu tư, quản lý các dự án đầu tư, quản lý đất đô thị, kịp thời tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc giúp các chủ đầu tư sử dụng đất đúng pháp luật, có hiệu quả. Đồng thời phát hiện và kịp thời xử lý các vi phạm trong quản lý đất đai, chuyển mục đích sử dụng đất trái phép trên địa bàn; nâng cao trách nhiệm của chính quyền cơ sở, nhất là đội ngũ cán bộ chủ chốt và cán bộ địa chính, xây dựng, quản lý trật tự đô thị của UBND cấp xã; chấn chỉnh tình trạng lấn chiếm đất đai, chuyển mục đích trái phép, xây dựng sai quy hoạch hoặc sai giấy phép được cấp; tháo gỡ vướng mắc trong công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng; cấp mới, cấp đổi Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; chú trọng giải quyết các tranh chấp, khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, về đất đai, nhất là các vụ việc phức tạp, đông người, kéo dài, vượt cấp…

Bên cạnh đó, Tỉnh ủy, UBND tỉnh cũng tăng cường chỉ đạo đẩy mạnh công tác phòng, chống tham nhũng, tăng cường thanh, kiểm tra trong lĩnh vực quản lý đất đai; xử lý nghiêm trách nhiệm người đứng đầu nếu để xảy ra sai phạm thuộc lĩnh vực đất đai.

Chỉ tính riêng trong năm 2020, qua công tác thanh tra đã phát hiện sai phạm và kiến nghị xử lý 20.564 m2 đất, trong đó, kiến nghị thu hồi 1.404 m2 đất. Kết quả đã thu hồi về cho Nhà nước 1.305/1.404 m2 đất đạt tỷ lệ 92,95%.

Tuy nhiên, theo đánh giá của Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng tỉnh, công tác thu hồi tài sản từ sai phạm trong lĩnh vực đất đai gây ra gặp nhiều hạn chế. Đất sau khi được bán, đổi hoặc giao trái thẩm quyền cho các hộ dân hầu hết đã được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hoặc xây dựng các công trình có giá trị lớn để ở và định cư ổn định, canh tác lâu dài trên đất được giao. Nếu phải thu hồi sẽ gây thiệt hại rất lớn cho người dân nên việc thu hồi diện tích đất bị giao, bán trái quy định không thể thực hiện được. Bên cạnh đó, mục đích của các bị can là cán bộ của xã, thôn khi thực hiện hành vi giao đất, bán đất, cho thuê đất… hầu hết sử dụng tiền thu vào việc xây dựng các công trình phúc lợi của thôn, xã, phục vụ dân sinh. Sau khi bị khởi tố các bị can đã nộp tiền khắc phục nhưng đa số đều khó khăn về kinh tế, nên việc thu hồi tài sản trong các vụ án này thường khó thực hiện.

Một trong những thửa đất bị lãnh đạo xã Mỹ Thành ( Yên Thành) bán trái quy định. Ảnh tư liệu.
Một trong những thửa đất bị lãnh đạo xã Mỹ Thành (Yên Thành) bán trái quy định. Ảnh tư liệu.

Do vậy, bên cạnh việc tập trung rà soát để bãi bỏ, sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật về đất đai thuộc thẩm quyền của UBND tỉnh; thì còn kiến nghị Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương xem xét sửa đổi, bổ sung các quy định bất cập, vướng mắc trong công tác quản lý đất đai như yêu cầu trong Công văn số 1359/UBND-NN của UBND tỉnh. Các ngành chức năng, các địa phương cần tăng cường công tác tự kiểm tra, giám sát, phòng ngừa vi phạm trên lĩnh vực đất đai; kiên quyết xử lý nghiêm, loại ra khỏi bộ máy đối với những cán bộ, công chức lợi dụng chức trách, quyền hạn được giao, có hành vi nhũng nhiễu, tiêu cực, trục lợi trong giải quyết những vấn đề liên quan đến đất đai, bồi thường GPMB. Đồng thời, thiết lập cơ chế khả thi, công khai, minh bạch để người dân thực sự giám sát được việc quản lý và sử dụng đất đai.

Tội vi phạm các quy định về quản lý đất đai được quy định cụ thể tại Điều 228, Điều 229 Bộ luật Hình sự năm 2015. Trong đó, người lợi dụng hoặc lạm dụng chức vụ, quyền hạn giao đất, thu hồi, cho thuê, cho phép chuyển quyền sử dụng, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất trái quy định của pháp luật thuộc một trong các trường hợp: Đất trồng lúa có diện tích 70.000 mét vuông (m2) trở lên; đất rừng đặc dụng, rừng phòng hộ, rừng sản xuất có diện tích 100.000 mét vuông (m2) trở lên; đất nông nghiệp khác và đất phi nông nghiệp có diện tích 80.000 mét vuông (m2) trở lên; hoặc đất có giá trị quyền sử dụng đất được quy thành tiền 7.000.000.000 đồng trở lên đối với đất nông nghiệp hoặc 15.000.000.000 đồng trở lên đối với đất phi nông nghiệp có thể bị phạt tù từ 5 năm đến 12 năm.

Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 150.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 năm đến 5 năm.

KL