Vàng trong nước 'vênh' thế giới 7,5 triệu đồng/lượng, USD tự do hướng mốc 24.000 đồng

01/03/2021 11:15

Giá vàng thế giới phục hồi khá mạnh, nhưng vẫn thấp hơn khoảng 7,5 triệu đồng/lượng so với giá vàng miếng trong nước...


Giá vàng thế giới phục hồi khá mạnh từ vùng đáy của 8 tháng qua, nhưng vẫn thấp hơn khoảng 7,5 triệu đồng/lượng so với giá vàng miếng trong nước sáng nay (1/3). Giá USD tự do đang hướng về mốc 24.000 đồng, trong khi giá USD ngân hàng đang ở vùng 23.100 đồng.

Lúc gần 10h trưa nay, các Tập đoàn vàng bạc niêm yết giá vàng miếng SJC cho thị trường Hà Nội ở mức 55,85 triệu đồng/lượng (mua vào) và 56,25 triệu đồng/lượng (bán ra). So với cuối tuần, giá vàng miếng hiện tăng 350.000 đồng/lượng ở chiều mua vào và tăng 150.000 đồng/lượng ở chiều bán ra.

Giá vàng trong nước “vênh” thế giới 7,5 triệu đồng/lượng. Ảnh: Internet

Tại thị trường TP.HCM, Công ty SJC báo giá vàng miếng cùng thương hiệu ở mức 55,95 triệu đồng/lượng và 56,35 triệu đồng/lượng.

So với giá vàng thế giới quy đổi, giá vàng miếng SJC bán lẻ đang chênh cao hơn 7,5 triệu đồng/lượng. Khoảng cách này đã rút ngắn so với mức chênh trên 8 triệu đồng/lượng vào cuối tuần, do giá vàng trong nước sáng nay tăng chậm hơn so với thế giới.

Theo xu hướng của những năm gần đây, giá vàng trong nước tăng - giảm đều chậm hơn giá quốc tế, nên chênh lệch giá vàng trong nước - thế giới thường co lại khi giá vàng thế giới giảm và kéo giãn khi giá thế giới tăng.

Trong một cuộc trao đổi mới đây, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam (VGTA) Đinh Nho Bảng cho rằng, chênh lệch lớn hiện nay giữa giá vàng trong nước - thế giới là sự phản ánh tình trạng thiếu hụt nguồn cung vàng so với nhu cầu.

Giá các sản phẩm vàng 999,9 khác dao động trên ngưỡng 53-53,5 triệu đồng/lượng ở chiều mua vào và quanh ngưỡng 54 triệu đồng/lượng ở chiều bán ra.

Giá vàng giao ngay tại thị trường châu Á lúc hơn 10h trưa nay theo giờ Việt Nam đứng ở 1.749,6 USD/oz, tăng 13 USD/oz, tương đương tăng gần 0,8%, so với đóng cửa cuối tuần trước tại New York. Mức giá này tương đương khoảng 48,7 triệu đồng/lượng nếu được quy đổi theo giá USD bán ra tại Ngân hàng Vietcombank và chưa tính các chi phí liên quan.

Trong phiên ngày thứ Sáu tại New York, giá vàng sụt gần 2%, xuống đáy kể từ tháng 6/2020. Dưới sức ép của lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ tăng mạnh, tính cả tuần, giá vàng giảm 2,7%, và cả tháng, giá vàng đã mất 6,6% - đánh dấu tháng giảm mạnh nhất kể từ tháng 11/2016.

Về triển vọng giá vàng tuần này, Trưởng bộ phận chiến lược toàn cầu của TD Securities, ông Bart Melek cho rằng giá vàng rất có khả năng trượt về 1.660 USD/oz.

Theo ông Melek, tâm lý toàn thị trường đang có chiều hướng lạc quan hơn nhờ kế hoạch kích cầu và tiến độ triển khai vaccine được đẩy nhanh. Mối lo lớn duy nhất lúc này là sự khởi sắc kinh tế sẽ thúc lạm phát tăng, đẩy lợi suất trái phiếu tăng. Tuần trước, lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 đã tăng lên mức 1,6%, cao nhất hơn 1 năm. Cho tới khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) trấn an được thị trường rằng lãi suất sẽ không tăng sớm và Fed sẽ xem xét kiểm soát đường cong lợi suất, thì mối lo này vẫn sẽ còn đó và tiếp tục gây bất lợi cho giá vàng.

"Giới đầu tư vàng sẽ phải lo về khả năng Fed không cam kết duy trì chính sách tiền tệ siêu lỏng lẻo", ông Melek nói. "Đó là lý do vì sao giá vàng sẽ còn giảm sâu hơn trước khi tăng trở lại".

Tỷ giá USD/VND trên thị trường tự do tăng mạnh theo chênh lệch giá vàng trong nước - thế giới. Cuối tuần vừa rồi, giá USD tự do đã tăng khoảng 130 đồng so với đầu tuần, vượt qua mốc 23.900 đồng.

Sáng đầu tuần, tỷ giá tự do tại Hà Nội chưa có dấu hiệu "hạ nhiệt", giữ phổ biến ở ngưỡng 23.890 đồng (mua vào) và 23.940 đồng (bán ra).

Tại Vietcombank, USD đang được niêm yết giá ở mức 22.930 đồng và 23.110 đồng.