Chủ tịch UBND tỉnh đối thoại với các công dân liên quan đến Dự án mở rộng, nâng cấp Quốc lộ 1A ​

Phạm Bằng 10/03/2021 14:13

(Baonghean.vn) - Sáng 10/3, đồng chí Nguyễn Đức Trung - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì buổi đối thoại với công dân các huyện Nghi Lộc, Diễn Châu, Quỳnh Lưu, TX. Hoàng Mai khiếu nại, tố cáo, phản ánh, kiến nghị về bồi thường GPMB Dự án mở rộng, nâng cấp Quốc lộ 1A.

Cùng dự có đồng chí Lê Hồng Vinh - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh; đại diện lãnh đạo Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh; Tòa án nhân dân tỉnh; Thanh tra tỉnh, Sở TN&MT, Sở Tư pháp, Sở Xây dựng, Sở GTVT, Ban Tiếp công dân tỉnh; lãnh đạo các địa phương có công dân khiếu nại.

727 HỘ DÂN CÓ ĐƠN KHIẾU NẠI

Quốc lộ 1A qua tỉnh Nghệ An có tổng chiều dài là 73,8 km, đi qua địa bàn 5 huyện, thị, thành gồm: TX. Hoàng Mai, huyện Quỳnh Lưu, huyện Diễn Châu, huyện Nghi Lộc và TP. Vinh. Từ 1994 đến nay, có 2 dự án lớn về mở rộng, nâng cấp QL1A, gồm: Dự án khôi phục Quốc lộ 1 thời điểm 1994 - 1996 (Dự án PMU 1) và Dự án nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 1A thời điểm 2010 - 2015.

Toàn cảnh buổi đối thoại của Chủ tịch UBND tỉnh với các công dân. Ảnh: Phạm Bằng
Toàn cảnh buổi đối thoại của Chủ tịch UBND tỉnh với các công dân. Ảnh: Phạm Bằng

Đối với dự án giai đoạn 2010 - 2015, số hộ dân bị ảnh hưởng phải lập phương án bồi thường là 4.897 hộ gia đình, cá nhân. Diện tích đất phải thu hồi để giải phóng mặt bằng là 144 ha. Dự án này đã hoàn thành GPMB toàn tuyến trước 15/4/2014; Kinh phí chi trả bồi thường giải phóng mặt bằng đến thời điểm 15/4/2014 là 910 tỷ đồng.

Quá trình thực hiện dự án phát hiện nhiều trường hợp được cấp đất trái quy định trong hành lang an toàn giao thông (sau 21/12/1982, thời điểm ban hành Nghị định 203-HĐBT của Hội đồng Bộ trưởng về việc ban hành điều lệ bảo vệ đường bộ); nhiều trường hợp đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, gây khó khăn cho công tác bồi thường hỗ trợ giải phóng mặt bằng. Tại thời điểm thực hiện dự án, chủ trương của tỉnh là không bồi thường đối với phần diện tích đất đã giải phóng mặt bằng thời điểm 1994 -1996 (thuộc Dự án PMU1).

Lãnh đạo Ban Tiếp công dân tỉnh báo cáo nội dung đơn, kết quả giải quyết các khiếu nại, kiến nghị của công dân. Ảnh: Phạm Bằng

Sau khi Dự án hoàn thành, nhiều công dân đã có đơn khiếu nại, khiếu kiện gửi đến các cơ quan chính quyền và Tòa án nhân dân các cấp yêu cầu bồi thường đối với diện tích đất của các hộ gia đình nằm trong hành lang an toàn giao thông Quốc lộ 1A đã bị giải tỏa khi thực hiện Dự án khôi phục Quốc lộ 1 thời điểm 1994 - 1996 (Dự án PMU 1) nhưng trước đây mới được bồi thường về tài sản, chưa được bồi thường về đất.

Ngày 30/11/2016, UBND tỉnh ban hành Quyết định số 5989/QĐ-UBND thành lập Tổ công tác liên ngành để soát xét nội dung khiếu kiện của công dân. Theo báo cáo của Tổ công tác 5989, có 678 hộ gửi đơn tới các cơ quan hành chính Nhà nước; 49 hộ khởi kiện ra Tòa án.

Quá trình giải quyết đơn thư của các công dân đã gặp rất nhiều khó khăn, vướng mắc liên quan đến cơ chế, chính sách. UBND tỉnh đã thành lập tổ công tác rà soát, đi học hỏi kinh nghiệm tại các tỉnh bạn, đồng thời đã có nhiều văn bản xin ý kiến của Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ngành Trung ương.

Các công dân nêu kiến nghị, mong muốn các cấp, ngành giải quyết. Ảnh: Phạm Bằng

UBND tỉnh đã chủ động ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong việc giải quyết đơn thư và lập phương án bồi thường hỗ trợ cho các trường hợp bị ảnh hưởng bởi Dự án mở rộng, nâng cấp Quốc lộ 1A. Quá trình thực hiện đã nhận được sự chỉ đạo, hướng dẫn của Bộ Tài nguyên và Môi trường.

Trên cơ sở kiến nghị của UBND tỉnh Nghệ An, Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý cấp bổ sung kinh phí nguồn trái phiếu Chính phủ cho tỉnh Nghệ An (đối với đoạn từ Cầu Giát đến TP Vinh). Tính đến 31/12/2020, toàn bộ số kinh phí 222,388 tỷ đồng vốn trái phiếu Chính phủ đã được giải ngân, chuyển về cho các địa phương để hoàn thiện thủ tục chi trả cho các công dân.

Ngày 4/2/2021, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Đức Trung có buổi làm việc với các sở, ngành, địa phương nhằm bàn giải quyết các tồn tại, vướng mắc trong công tác giải quyết đơn thư về bồi thường giải phóng mặt bằng Dự án mở rộng, nâng cấp Quốc lộ 1A. Chủ tịch UBND tỉnh đã giao việc cụ thể cho các đơn vị và yêu cầu trả lời công dân và báo cáo UBND tỉnh, các sở, ngành có liên quan trước ngày 31/3/2021.

GIẢI QUYẾT THEO ĐÚNG QUY ĐỊNH, ĐẢM BẢO QUYỀN LỢI CHO CÔNG DÂN

Tại buổi đối thoại, 3 công dân, gồm: ông Đinh Văn Tùng, ông Nguyễn Bá Hiền, ông Nguyễn Đình Dũng (cùng trú xã Nghi Long, Nghi Lộc) đã trình bày nội dung tố cáo, khiếu nại của mình, đồng thời đề nghị UBND tỉnh giải quyết dứt điểm nội dung tố cáo, khiếu nại theo đúng quy định, bởi vụ việc đã kéo dài nhiều năm.

Đại diện Tòa án nhân dân tỉnh phát biểu ý kiến tại buổi đối thoại. Ảnh: Phạm Bằng
Đại diện Tòa án nhân dân tỉnh phát biểu ý kiến tại buổi đối thoại. Ảnh: Phạm Bằng

Lãnh đạo Ban Tiếp công dân tỉnh đã báo cáo nội dung đơn của công dân, quá trình giải quyết đơn; lãnh đạo các huyện Nghi Lộc, Diễn Châu, Quỳnh Lưu, TX. Hoàng Mai cũng báo cáo quá trình giải quyết nội dung đơn, đồng thời giải trình, làm rõ những nội dung mà công dân tố cáo, khiếu nại bổ sung. Đại diện TAND tỉnh đề nghị, những trường hợp đã có bản án của Tòa án cấp cao tại Hà Nội thì đề nghị công dân chấp hành nghiêm chỉnh bản án.

Về nội dung khiếu nại của 3 công dân ở xã Nghi Long (Nghi Lộc), Chủ tịch UBND tỉnh kết luận, trên cơ sở ý kiến của các công dân, các cơ quan liên quan, Hội đồng tiếp dân tỉnh nhận thấy, các khiếu nại về quyền lợi đã được các cấp xem xét, xử lý, giải quyết nhiều lần.

Tuy nhiên, đến nay các công dân chưa đồng tình nội dung giải quyết của các cấp và đã khởi kiện ra tòa án, được Tòa án tỉnh, Tóa án tối cao xét xử, có phán quyết bằng bản án. Vì vậy, Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị các công dân chấp hành các phán quyết của tòa án. UBND tỉnh sẽ đảm bảo quyền lợi của công dân theo đúng trình tự và quy định pháp luật.

Đồng chí Nguyễn Đức Trung - Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì buổi đối thoại. Ảnh: Phạm Bằng
Đồng chí Nguyễn Đức Trung - Phó Bí thư Tỉnh ủy Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì buổi đối thoại. Ảnh: Phạm Bằng

Về nội dung các công dân tố cáo các sai phạm liên quan đến quá trình thực hiện quy trình, thủ tục thu hồi, đền bù GPMB dự án qua địa bàn huyện Nghi Lộc, Chủ tịch UBND tỉnh cho rằng, huyện Nghi Lộc đã có quyết định giải quyết nhưng các công dân chưa đồng ý với nội dung giải quyết của huyện.

Vì vậy, Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị Thanh tra tỉnh tiếp tục thực hiện rà soát, làm rõ các nội dung tố cáo của các công dân, giải quyết dứt điểm, báo cáo Chủ tịch UBND tỉnh trước ngày 15/4/2021 để trả lời cho công dân. Huyện Nghi Lộc cũng phải rà soát các trường hợp có yêu cầu đền bù bổ sung để thông báo cho công dân biết.

Đối với khiếu nại của ôngTrương Bạch Giang và ông Trương Phước (cùng trú xóm 1, xã Diễn Trường, huyện Diễn Châu), Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Đức Trung cho rằng, vụ việc đã được UBND huyện Diễn Châu ban hành quyết định giải quyết. Hiện 2 công dânđã khởi kiện vụ án hành chính tại TAND tỉnh và được tòa án thụ lý. Vì vậy, đề nghị công dân, UBND huyện Diễn Châu cung cấp đầy đủ hồ sơ, tài liệu cho TAND tỉnh để được giải quyết. Trên cơ sở bản án của TAND tỉnh, UBND tỉnh sẽ thực hiện theo đúng quy định, thẩm quyền.

Ông Tăng Văn Luyện - Chủ tịch UBND huyện Diễn Châu
Ông Tăng Văn Luyện - Chủ tịch UBND huyện Diễn Châu báo cáo kết quả giải quyết các khiếu nại, kiến nghị của công dân. Ảnh: Phạm Bằng

Về nội dung ông Trương Bạch Giang đại diện cho 27 hộ gia đình trú tại các xóm 1, 2, 3, 4, 5, xã Diễn Trường, huyện Diễn Châu khiếu nại, hiện Chủ tịch UBND huyện Diễn Châu đã ban hành Quyết định giải quyết khiếu nại. Trên cơ sở đó, nếu công dân không đồng tình với nội dung nào có thể khiếu nại lần 2 lên cấp tỉnh hoặc khởi kiện ra tòa án.

Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Đức Trung cũng trả lời nội dung khiếu nại của ông Hồ Hữu Đốc (trú tại thôn Hồng Tiến, trước đây là thôn 2, xã Quỳnh Hồng, huyện Quỳnh Lưu). Chủ tịch UBND tỉnh cho rằng, việc khiếu nại của ông Đốc đã được giải quyết ở 2 cấp huyện và tỉnh. Hiện ông Đốc đã có đơn khởi kiện vụ án hành chính tại TAND tỉnh và Tòa án nhân dân tỉnh đã thụ lý sơ thẩm số 128/2020/TLST-HC ngày 05/11/2020). Vì vậy, đề nghị công dân cung cấp hồ sơ, tài liệu cho TAND tỉnh để được giải quyết. Trên cơ sở bản án của TAND tỉnh, UBND tỉnh sẽ thực hiện theo đúng quy định, thẩm quyền.

Công dân Hồ Hữu Đốc (trú tại thôn Hồng Tiến, trước đây là thôn 2, xã Quỳnh Hồng, huyện Quỳnh Lưu) trình bày nội dung khiếu nại. Ảnh: Phạm Bằng

Liên quan đến khiếu nại, kiến nghị của các ông Đinh Văn Hoan, Hồ Sỹ Lai, Võ Đức Trọn (cùng trú tại TX. Hoàng Mai), đối với nội dung 79 hộ dân của 2 phường (Mai Hùng, Quỳnh Thiện) đủ điều kiện để lập hồ sơ thực hiện bồi thường nhưng đến nay vẫn chưa được bồi thường, Chủ tịch UBND tỉnh mong người dân chia sẻ vì nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan mà đến nay, việc chi trả tiền bồi thường cho người dân chưa giải quyết dứt điểm được. Theo quy định, kinh phí bồi thường là từ nguồn của nhà đầu tư BOT và để nhà đầu tư bố trí được kinh phí này thì phải điều chỉnh phương án tài chính của dự án và được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Để sớm có kinh phí chi trả cho người dân, Chủ tịch UBND tỉnh đã yêu cầu UBND thị xã Hoàng Mai rà soát các đối tượng đủ điều kiện bồi thường, hỗ trợ theo hướng dẫn của Bộ Tài nguyên và Môi trường nhưng chưa được xem xét giải quyết trong năm 2020, xác định chính xác, chi tiết kinh phí bồi thường hỗ trợ còn thiếu, báo cáo trước ngày 31/3/2021. Sở Giao thông Vận tải đôn đốc, tổng hợp, tham mưu UBND tỉnh trình Bộ Giao thông vận tải, Thủ tướng Chính phủ xem xét quyết định.

Đại diện lãnh đạo Sở Tài nguyên và Môi trường nêu ý kiến tại buổi đối thoại. Ảnh: Phạm Bằng
Đại diện lãnh đạo Sở Tài nguyên và Môi trường nêu ý kiến tại buổi đối thoại. Ảnh: Phạm Bằng

Về kiến nghị của 51 hộ dân phường Quỳnh Xuân (TX. Hoàng Mai),Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu UBND thị xã Hoàng Mai chủ trì, lập Tổ công tác liên ngành, mời đại diện của Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Giao thông vận tải, Sở Tài chính, chủ đầu tư dự án tham gia để phối hợp rà soát, thu thập hồ sơ tư liệu; căn cứ quy định của pháp luật và điều kiện thực tế để xử lý các vướng mắc, đảm bảo có phương án xác định ranh giới, diện tích đất bị ảnh hưởng của các hộ dân đủ điều kiện bồi thường hỗ trợ. Nội dung này phải trả lời công dân và báo cáo UBND tỉnh, các sở, ngành có liên quan trước ngày 31/3/2021.

Tại buổi đối thoại, sau khi nghe công dân trình bày nội dung khiếu nại, tố cáo, trên cơ sở ý kiến các sở, ngành, huyện Nghi Lộc, Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị các công dân: Hoàng Văn Hồng (xóm Trung Sơn, xã Nghi Long, Nghi Lộc); Nguyễn Đình Tại (xóm Kim Liên, TP Vinh, khiếu nại thay cho bà Đặng Thị Thu Hải, xóm Trung Sơn, xã Nghi Long) và Đặng Doãn Ngọ (xóm Nam Sơn, xã Nghi Long, Nghi Lộc), nếukhông thống nhất nội dung nào tại quyết định giải quyết khiếu nại của UBND huyện Nghi Lộc thì có đơn khiếu nại, kèm các tài liệu, chứng cứ gửi Chủ tịch UBND tỉnh hoặc Thanh tra tỉnh để được xem xét giải quyết khiếu nại lần 2 theo quy định, hoặc công dân có thể khởi kiện trực tiếp ra TAND tỉnh để được giải quyết theo thẩm quyền.

Các công dân trú tại huyện Nghi Lộc trình này nội dung khiếu nại. Ảnh: Phạm Bằng
Các công dân trú tại huyện Nghi Lộc trình bày nội dung khiếu nại. Ảnh: Phạm Bằng

Đối với khiếu nại của ông Trương Văn Tòng (xóm Trung Sơn, xã Nghi Long), Chủ tịch UBND tỉnhgiao huyện Nghi Lộc giải quyết khiếu nại lần 1 đối với nội dung khiếu nại Quyết định số 2781/QĐ-UBND ngày 10/8/2020 của Chủ tịch UBND huyện Nghi Lộc chấm dứt quyền sử dụng đất của gia đình ông Trương Văn Tòng với diện tích 195,9 m2. Đối với nội dung khiếu nại áp giá đền bù không đúng loại đất, giao Thanh tra tỉnh chủ trì tham mưu UBND tỉnh giải quyết khiếu nại lần 2 theo quy định.

Phạm Bằng