Giá rớt thảm, nông dân 'vựa' hành Nghệ An lỗ nặng
(Baonghean.vn) - Mặc dù đang là thời điểm chính vụ thu hoạch hành tăm song trên các cánh đồng chuyên canh cây gia vị này thưa thớt người; các điểm thu mua hành củ cũng im ắng hẳn. Giá hành chạm đáy, ế ẩm khiến người dân không buồn thu hoạch...
Giá xuống thấp, người trồng hành Nghi Lộc phải bù lỗ 5 - 7 triệu đồng/sào. Ảnh: Thanh Phúc |
Toàn xã Nghi Lâm (Nghi Lộc) hiện có 103 ha trồng hành tăm, ước tính sản lượng lên đến 1.000 tấn. Cây hành được xem là cây hàng hóa chủ lực, là cây “xóa đói, giảm nghèo” làm giàu cho người dân vùng bán sơn địa này. Với mức giá như mọi năm, bình quân mỗi sào hành người dân thu về 12-17 triệu đồng, lãi ròng 5-7 triệu đồng/sào, cao gấp nhiều lần so với trồng lúa và trồng các loại hoa màu khác. Vậy nhưng năm nay, hành rớt giá thảm hại khiến người trồng gặp không ít khó khăn.
Theo tính toán của người trồng hành, mỗi sào hành họ phải bỏ ra khoảng 8-10 triệu đồng để đầu tư giống, phân bón, là thông, trấu phủ hành, thuốc bảo vệ thực vật. Đó là chưa kể 8 tháng trời bỏ công chăm sóc, thu hoạch. Với mức giá hiện nay, 13.000 đồng -14.000 đồng/kg thì người trồng hành lỗ 4-5 triệu đồng/sào.
Ông Nguyễn Sỹ Cương, một hộ trồng hành ở xóm 8,xã Nghi Lâm cho biết: “Vùng trồng hành Nghi Lâm đã được công nhận đạt chuẩn VietGAP với chất lượng tốt, mẫu mã đẹp nhưng không hiểu sao giá hành tăm năm nay thấp đến vậy. Đầu vụ giá 20.000 đồng/kg, sau giảm dần xuống 18.000 đồng/kg và hiện tại chỉ còn 14.000 đồng/kg. So với vụ hành năm 2020, giá đầu vụ 45.000 đồng/kg, chính vụ là 28.000 đồng - 30.000 đồng/kg giá hành giảm mạnh. Với mức giá này người trồng lỗ nặng”.
Không có đầu ra, hành thu hoạch về chất đống tại nhà dân. Ảnh: Thanh Phúc |
Không chỉ rớt giá mạnh mà vấn đề nan giải hiện nay là hành thu hoạch về không có người thu mua. Hành chất đống trong nhà, ngoài sân, đâu đâu cũng hắc nồng mùi hành.
Bà Trần Thị Thu, một người dân trồng hành xóm 8, Nghi Lâm thở dài: “Nhà làm 3 sào hành, nếu thu hoạch hết cũng gần 2 tấn mà từ đầu vụ đến nay mới bán được 30kg, giá rẻ quá, bán là lỗ mà đi nhập cũng không có người mua. Khổ nỗi, loại củ này không ăn no được như khoai, như lúa; cũng không làm thức ăn cho gia súc được như bắp cải, su hào và cũng khó bảo quản…”.
Giá rẻ, ế ẩm nên người trồng hành không buồn thu hoạch, các ruộng hành cây đã rũ, nhiều thửa hành quá già trồi lên mặt đất, củ chuyển màu xanh. Để hạn chế hành đổi màu, giảm chất lượng, các hộ dân phải đi mua trấu về rải phủ lên các luống hành. “Chấp nhận lỗ mà vẫn không có đầu ra, giờ thêm khoản tiền mua trấu phủ hành, mỗi sào tốn thêm 300.000 đồng tiền trấu chưa kể ngày công, thật là “cực chẳng đã”, bà Hồ Xuân Hương cho biết.
Để hạn chế hành đổi màu, giảm chất lượng, nông dân Nghi Lâm (Nghi Lộc) buộc phải mua trấu phủ lên các luống hành. Ảnh: Thanh Phúc |
Khi được hỏi vì sao giá hành tăm xuống thấp, chị Nguyễn Thanh Hải, thương lái chuyên thu mua hành tăm ở Nghi Lộc cho biết: “Không phải do dịch bệnh Covid -19 vì như năm 2020, dịch bùng phát nhưng giá hành vẫn ở mức cao (28.000 đồng/kg) nay giảm còn một nửa dù hành năm nay củ to đều, đẹp. Sức tiêu thụ hành rất chậm, các đầu mối ngừng thu mua nên chúng tôi cũng không dám bao tiêu cho bà con. Mọi năm, mỗi ngày mua 3-4 tấn hành, phải đi từng hộ dân gom hành nhưng năm nay, bà con mang đến nhập cũng đành từ chối. Theo tôi, nguyên nhân là do khi thấy hiệu quả kinh tế từ trồng hành người dân các địa phương khác cũng trồng nhiều, lại thu hoạch cùng thời điểm nên dẫn đến tình trạng ùn ứ, tồn đọng hành”.
Ngô được trồng xen dắm trên các thửa hành chưa thu hoạch. Ảnh: Thanh Phúc |
Hành không được thu hoạch nên bà con lỡ thời vụ gieo trỉa ngô gối tiếp. “Lẽ ra, giờ hành đã được thu hoạch xong, bà con bắt đầu gieo trỉa ngô gối vụ. Nhưng như hiện tại, tầm hơn 1 tháng nữa bà con mới bới xong hành. Nhiều hộ sốt ruột đã trồng xen ngô vào dọc hai bên các luống hành. Ngô đã lên cao mà hành vẫn chưa được thu hoạch khó khăn trong việc chăm sóc cho cây ngô”, bà Lê Thị Duyên, công chức địa chính- nông nghiệp-môi trường-xây dựng xã Nghi Lâm cho biết.
Không thể tìm nơi tiêu thụ cho hành củ, người dân đành để mặc hành ở ruộng và trông chờ vào các thương lái cùng hy vọng những ngày tới, giá sẽ nhích lên và bớt thua lỗ…