Thủ tướng: Đưa xã hội vào 'thời kỳ bình thường mới' khi Covid-19 có thể kéo dài 1 đến 2 năm nữa

Phạm Bằng 17/03/2021 13:06

(Baonghean.vn) - Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, cuộc chiến phòng, chống dịch Covid-19 chưa kết thúc, nhiều chủng mới nguy hiểm hơn của vi rút đã xuất hiện. Vì vậy, yêu cầu các bộ, ngành, địa phương, người dân không chủ quan, lơ là, mất cảnh giác vì nguy cơ dịch bệnh luôn thường trực, không trừ tỉnh nào, cơ quan nào, người dân nào.

Sáng 17/3, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì cuộc họp trực tuyến giữa Thường trực Chính phủ với Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 và 63 tỉnh, thành phố về việc đánh giá kết quả công tác phòng, chống dịch thời gian qua, bàn các giải pháp lớn để phòng, chống dịch hiệu quả thời gian tới.

Tại điểm cầu Nghệ An, các đồng chí: Nguyễn Đức Trung - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; Dương Đình Chỉnh - Ủy viên BCH Đảng bộ tỉnh, Giám đốc Sở Y tế đồng chủ trì.

Quang cảnh phiên họp. Ảnh: VGP/Quang Hiếu
Quang cảnh phiên họp. Ảnh: VGP/Quang Hiếu

DỊCH COVID-19 CÓ THỂ KÉO DÀI TRONG 1-2 NĂM TIẾP THEO

Báo cáo tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết, tính đến nay, thế giới đã ghi nhận trên 120 triệu ca mắc và trên 2,6 triệu ca tử vong tại 221 quốc gia, vùng lãnh thổ.

Tại Việt Nam, tính đến nay ghi nhận tích lũy 2.560 trường hợp mắc, trong đó có 1.564 trường hợp lây nhiễm trong nước. Trong số các trường hợp mắc được ghi nhận, đã có 2.186 trường hợp được điều trị khỏi (85,4%), hiện còn 339 đang được điều trị (13,2%) và 35 trường hợp tử vong (1,4%).

Ngay khi dịch bệnh mới xuất hiện tại Việt Nam, công tác phòng chống dịch đã nhận được sự quan tâm đặc biệt và chỉ đạo quyết liệt của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Chính phủ và Thủ tướng; sự vào cuộc kịp thời, hiệu quả của cả hệ thống chính trị, sự tin tưởng, đoàn kết, ủng hộ của nhân dân.

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long báo cáo tại cuộc họp. Ảnh: VGP/Quang Hiếu
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long báo cáo tại cuộc họp. Ảnh: VGP/Quang Hiếu

Đặc biệt là tinh thần trách nhiệm, nỗ lực không mệt mỏi của các lực lượng chức năng nơi tuyến đầu, tập trung thực hiện quyết liệt hệ thống các giải pháp đồng bộ, phù hợp nhằm kiểm soát dịch bệnh, bảo vệ tốt nhất cho an toàn sức khỏe, tính mạng của nhân dân. Các biện pháp phòng chống dịch được đưa ra triển khai kịp thời, hiệu quả và đạt nhiều kết quả tích cực, được nhân dân và các tổ chức quốc tế ghi nhận, đánh giá cao.

Tại Nghệ An, công tác phòng, chống dịch Covid-19 được triển khai quyết liệt, nghiêm túc, đầy đủ theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban chỉ đạo Quốc gia, Bộ Y tế theo tinh thần không chủ quan, lơ là, mất cảnh giác. Tỉnh cũng tập trung thực hiện "mục tiêu kép", vừa phòng chống dịch hiệu quả, vừa phát triển kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội.

Tính đến 17h ngày 16/3/2021, toàn tỉnh đã cách ly, theo dõi sức khỏe cho 75.299 trường hợp và hiện đang quản lý và cách ly cho 362 trường hợp. Tổng số mẫu xét nghiệm đã lấy là 40.847 mẫu, có 40.838 mẫu âm tính, 9 mẫu chờ kết quả. Tổng kinh phí đã chi do tác động dịch Covid-19 là hơn 800 tỷ đồng, trong đó ngân sách địa phương bố trí hơn 474 tỷ đồng.

Từ thực tế diễn biến tình hình dịch Covid-19 trên thế giới và tại Việt Nam, đồng thời qua thời gian triển khai các biện pháp phòng, chống dịch kể từ đầu năm 2020, Ban chỉ đạo Quốc gia rút ra được 9 bài học kinh nghiệm trong công tác phòng, chống dịch Covid-19.

Bộ trưởng Bộ Y tế cho biết, Tổ chức Y tế thế giới dự báo tình hình dịch bệnh sẽ tiếp tục diễn biến phức tạp và có thể còn kéo dài trong 1-2 năm tiếp theo. Trong nước, nguy cơ bùng phát dịch vẫn luôn thường trực, đặc biệt đối với các đô thị lớn, nơi tập trung đông người, có mật độ dân số cao; bên cạnh đó là nguy cơ xâm nhập dịch bệnh do tình trạng nhập cảnh trái phép.

Các đồng chí Nguyễn Đức Trung - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; Dương Đình Chỉnh - Giám đốc Sở Y tế đồng chủ trì điểm cầu tỉnh Nghệ An. Ảnh: Phạm Bằng
Các đồng chí: Nguyễn Đức Trung - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; Dương Đình Chỉnh - Giám đốc Sở Y tế đồng chủ trì điểm cầu tỉnh Nghệ An. Ảnh: Phạm Bằng

Trong thời gian tới, việc kiểm soát dịch phụ thuộc nhiều vào việc phát triển vắc xin. Tuy nhiên, nguồn cung ứng vắc xin nhập khẩu còn hạn chế và vắc xin trong nước dự kiến phải tới quý IV năm 2021 Việt Nam mới có thể có vắc xin. Trước mắt cần tiếp tục duy trì thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch theo khuyến cáo 5K, đây là những biện pháp phòng, chống dịch đơn giản, kinh tế và hiệu quả trong giai đoạn hiện nay.

Tính đến hết ngày 16/3/2021, hơn 16.000 người là các lực lượng tuyến đầu phòng chống dịch đã được tiêm vắc xin đảm bảo an toàn, các trường hợp đã tiêm vắc xin đều có tình trạng sức khỏe ổn định. AstraZeneca sẽ cung cấp lịch giao hàng dự kiến cho Việt Nam trong tháng 3/2021.

Nữ tình nguyện viên đầu tiên tiêm thử nghiệm vaccine CIVIVAC tại Trường Đại học Y Hà Nội. Ảnh: VGP/Hiền Minh
Nữ tình nguyện viên đầu tiên tiêm thử nghiệm vắc xin CIVIVAC tại Trường Đại học Y Hà Nội. Ảnh: VGP/Hiền Minh

Bộ Y tế tiếp tục đàm phán với các công ty khác để đa dạng hóa nguồn cung. Bộ Y tế đang làm việc với Pfizer, dự kiến nhà sản xuất có thể cung cấp 30 triệu liều trong năm 2021. Ngoài ra, Bộ Y tế cũng làm việc để mua vắc xin của Johnson & Johnson, Modema, Quỹ Đầu tư Nga (Sputnik-V)...

Ngoài nguồn vắc xin nhập khẩu, Bộ Y tế đang thúc đẩy tiếp độ nghiên cứu, phát triển vắc xin trong nước. Vắc xin do Việt Nam sản xuất dự kiến sẽ được sử dụng trong năm 2022, để chủ động được vắc xin, bảo đảm nguồn cung, bảo đảm an ninh y tế, chủ động ứng phó khi có các đại dịch trong tương lai.

KHÔNG CHỦ QUAN, LƠ LÀ, MẤT CẢNH GIÁC

Sau khi nghe các địa phương, bộ, ngành báo cáo, các Phó Thủ tướng Chính phủ phát biểu, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, cuộc chiến phòng chống dịch Covid-19 chưa kết thúc, nhiều chủng mới nguy hiểm hơn của vi rút đã xuất hiện. Vì vậy, yêu cầu các bộ, ngành, địa phương, người dân không chủ quan, lơ là, mất cảnh giác vì nguy cơ dịch bệnh luôn thường trực, không trừ tỉnh nào, cơ quan nào, người dân nào. Chúng ta tiếp tục thực hiện mục tiêu kép, vừa phòng chống dịch, vừa phát triển kinh tế, đưa xã hội vào thời kỳ bình thường mới.

Nhiệm vụ trong thời gian tới, Thủ tướng đề nghị các bộ, ngành, địa phương tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo, đề cao trách nhiệm người đứng đầu trong phòng, chống dịch, tuyệt đối không lơ là, chủ quan, mất cảnh giác. Trên quan điểm luôn đi trước một bước, tiếp tục kiên định 5 nguyên tắc phòng chống dịch đã đề ra từ đầu và xuyên suốt các giai đoạn là “Ngăn chặn - Phát hiện - Cách ly - Khoanh vùng và Dập dịch” theo phương châm 4 tại chỗ; chú trọng vai trò của chính quyền địa phương và phát huy bài học huy động sức dân hoạt động hiệu quả của các tổ Covid-19 dựa vào cộng đồng.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc kết luận tại cuộc họp trực tuyến giữa Thường trực Chính phủ với Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 và 63 tỉnh, thành phố. Ảnh: VGP/Quang Hiếu

Thủ tướng cũng yêu cầu các địa phương chủ động xây dựng các phương án chống dịch, sẵn sàng đáp ứng với mọi tình huống dịch bệnh có thể xảy ra trên địa bàn. Thực hiện nghiêm túc phương châm 4 tại chỗ trong công tác phòng chống dịch.

Chuẩn bị sẵn sàng các kịch bản, phương án ứng phó với dịch bệnh; thường xuyên tổ chức đào tạo, tập huấn, giao ban, diễn tập để chủ động chuẩn bị cho các tình huống xấu xảy ra. Khi phát hiện các trường hợp mắc bệnh, yêu cầu nhanh chóng, khẩn trương triển khai “truy vết thần tốc, khoanh vùng nhanh, xét nghiệm rộng, phong tỏa hẹp”.

Các tỉnh, thành chỉ đạo mạnh mẽ thực hiện đầy đủ các biện pháp phòng, chống dịch trong tình hình mới theo hướng dẫn của Bộ Y tế; thực hiện tốt thông điệp 5K và thực hiện các chế tài xử phạt các trường hợp vi phạm công tác phòng, chống dịch. Phối hợp với Bộ Y tế tổ chức tốt tiêm chủng vắc xin phòng Covid-19 đảm bảo an toàn, khẩn trương, đúng đối tượng theo đúng Nghị quyết 21/NQ-CP.

Toàn cảnh điểm cầu Nghệ An. Ảnh: Phạm Bằng

Chỉ đạo các đơn vị liên quan quản lý chặt chẽ các trường hợp nhập cảnh; Thường xuyên tổ chức kiểm tra, giám sát việc thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch tại các cơ sở cách ly tập trung được lựa chọn.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng giao nhiệm vụ cụ thể cho Bộ Y tế, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Giao thông Vận tải… với mục tiêu lớn nhất, xuyên suốt là “bảo vệ tính mạng, sức khỏe của người dân, đưa cuộc sống trở lại cuộc sống bình thường" và tiếp tục thực hiện thành công mục tiêu kép vừa phòng chống dịch, vừa phát triển kinh tế.

Trong đó, Bộ Y tế khẩn trương tổ chức thực hiện tốt tiêm chủng vắc xin phòng Covid-19 đảm bảo an toàn, đúng đối tượng theo tinh thần Nghị quyết 21/NQ-CP hướng tới thực hiện tiêm chủng toàn dân. Tiếp tục chủ động tiếp cận với các nguồn vắc xin khác trên thế giới, đồng thời tập trung đẩy mạnh nghiên cứu phát triển vắc xin trong nước để sớm đưa vào sử dụng, chậm nhất là trong năm 2022.

Bộ Thông tin và Truyền thông chỉ đạo các cơ quan truyền thông thông tin về tình hình dịch bệnh kịp thời, chính xác để cảnh báo người dân không chủ quan, lơ là trong phòng, chống dịch Covid-19; tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền khuyến cáo 5K của Bộ Y tế và chủ trương tiêm chủng vắc xin phòng Covid-19; phối hợp với các cơ quan chức năng phát hiện, xử lý nghiêm các cá nhân, tổ chức cố tình đưa tin sai lệch về tình hình dịch bệnh, gây ảnh hưởng đến tâm lý, hoang mang trong cộng đồng.

Phạm Bằng